Tốt đời đẹp đạo
Loading...
Tu sĩ và nông dân
07/07/2024 12:15

Tu sĩ và nông dân

Có rất nhiều lời nhận xét theo hướng tiêu cực trên các trang mạng xã hội, mỗi khi Phật giáo dậy sóng một vài sự việc không đáng xảy ra trong nếp sống tu tập. Trong hàng loạt lời chửi bới, la ó, nguyền rủa đó, ý kiến được nhiều người nghĩ đến nhất là những vị tu sĩ đều là ăn bám xã hội, ở ngoài không làm được gì nên mới vào chùa đi tu, nhác làm ăn nên mới vào chùa… Vì trong ấn tượng của họ, màu áo nâu sòng thường xuất hiện trong các đám ma, ếm bùa, trục vong, làm những trò mê tín dị đoan. Còn những lúc quý Thầy đi làm Phật sự, làm từ thiện, thuyết pháp… thì họ lại bỏ mặc, họ không thấy được những điều đó. Trong kho tàng kinh điển mà đức Phật để lại, có một bài kinh liên quan đến vấn đề trên, đó là bài kinh Canh Điền, số 98 trong tập Tạp A-hàm.

z5609925551231_726b283a74cd0868bede1d18b06da64e

Kinh Canh Điền, số 98 trong tập Tạp A-hàm. Nội dung như sau:

“Tôi nghe như vầy. Một thời, đức Phật từ Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến trụ trong rừng Nhất-na-la, tại tụ lạc Nhất-na-la. Bấy giờ, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào tụ lạc Nhất-na-la khất thực. Rồi Thế Tôn nghĩ: “Nay trời còn quá sớm. Giờ Ta hãy đi đến chỗ phân phát ẩm thực của Bà-la-môn làm ruộng là Bà-la-đậu-bà-giá”. Bà-la-môn chuẩn bị đủ năm trăm cái cày, đang phân phát ẩm thực. Từ xa, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá nhìn thấy đức Thế Tôn, bèn thưa rằng:

- Bạch Cù Đàm, nay tôi cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực. Vậy Sa-môn Cù Đàm cũng nên cày ruộng gieo giống để cung cấp lương thực!

Phật bảo Bà-la-môn:

- Ta cũng cày ruộng gieo giống, để cung cấp lương thực.

Bà-la-môn bạch Phật:

- Tôi không thấy Sa-môn Cù Đàm sắm cái cày, cái ách, dây buộc, cái bừa, hay cái roi, mà nay Cù Đàm lại nói: Ta cũng cày ruộng, gieo giống, để cung cấp lương thực!

Lúc ấy, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá liền nói kệ rằng:

“Người tự nói cày ruộng

Mà không thấy cái cày

Lại bảo tôi cày ruộng

Xin cho biết phép cày”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ đáp lại rằng:

“Tín tâm là hạt giống

Khổ hạnh mưa đúng mùa

Trí tuệ là cày, ách

Tàm quý là cán cày

Tự gìn giữ chánh niệm

Là người giỏi chế ngự

Giữ kín nghiệp thân, miệng

Như thực phẩm trong kho

Chân thật là xe tốt

Sống vui không biếng nhác

Tinh tấn không bỏ hoang

An ổn mà tiến nhanh

Thẳng đến không trở lại

Đến được chỗ không lo

Người cày ruộng như vậy

Chứng đắc quả Niết-bàn

Người cày ruộng như vậy

Không tái sinh các hữu”.

Bấy giờ, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá bạch Phật rằng:

- Cù Đàm rất giỏi cày ruộng! Cù Đàm cày ruộng thật hay!

Rồi thì, sau khi nghe đức Thế Tôn nói kệ, tín tâm đối với ông càng tăng, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá đem dâng cúng Phật một bát đầy đồ ăn thức uống thơm ngon. Đức Thế Tôn không nhận, vì có được là do nói bài kệ. Ngài bèn nói kệ rằng:

“Không vì việc nói pháp

Nhận ăn thức ăn này

Chỉ vì lợi ích người

Nói pháp không thọ thực…”.

GIẢNG GIẢI

Qua bài kệ mà đức Thế Tôn trả lời Bà-la-môn, chúng ta thấy người nông dân cày cấy tối ngày, muốn thu hoạch được những hương thơm lúa tốt thì cần phải trang bị cho mình đầy đủ các thiết bị cần thiết để việc làm nông diễn ra được thuận lợi, và hơn hết là bỏ công sức ra thật nhiều, nỗ lực mới làm được. Người xuất gia cũng tương tự, muốn đạt được đạo quả thì cần trang bị những điều mà đức Phật đã dạy trong câu kệ, đó là: tín tâm, khổ hạnh, trí tuệ, tàm quý, chánh niệm, giữ kín nghiệp thân miệng, chân thật và tinh tấn.

Thứ nhất là tín tâm:

Tín tâm là tự trong nội tâm có một niềm tin mạnh mẽ, quyết đoán, có được nhờ vào sự hiểu biết, dày công tư duy. Điều này làm nền tảng cho việc phát sinh những việc tốt lành về sau. Vậy chúng ta cần tin vào những điều gì?

  1. Tin vào tự tánh chân như của chính mình: Luôn nghĩ rằng mình có pháp chân như, rỗng rang sáng suốt với vô lượng công đức thanh tịnh.
  2. Tin Phật: Vì Phật là một vị đã hoàn toàn giác ngộ, giải thoát, nên cần phải phát nguyện suốt đời tin tưởng theo Phật, nhằm hướng đến sự giải thoát mà chính Ngài đã nhân chứng cho nhân loại.
  3. Tin Pháp: Pháp là chân lý, là những sự thật mà đức Phật đã khám phá ra và truyền lại cho chúng ta. Ta tin những giáo lý ấy, vì người nói ra là đức Phật, đã thân chứng được và đã giác ngộ được nhờ giáo lý ấy.
  4. Tin Tăng: Tăng là người thực hành các giáo lý của Phật để giác ngộ mình và người, là người thay Phật đưa cao ngọn đuốc chánh pháp sáng ngời, để soi đường cho chúng sinh. Vì thế, ta cần quy hướng về Tăng.

Thứ hai là khổ hạnh:

Trước khi thành Phật, đức Phật đã trải qua việc khổ hạnh và thấy không kết quả. Vậy tại sao Ngài lại đưa phép khổ hạnh vào đây? Người viết nghĩ rằng việc sống thiểu dục tri túc, nên biết giới hạn ham muốn của mình lại, không cần đến mức ép thân xác quá ngưỡng chịu đựng để việc tu học sẽ bị ảnh hưởng. Không nghĩ đến việc ăn ngon mặc đẹp, chỉ cần ăn đủ no, áo mặc đủ ấm là được. Nếu ở đời, chúng ta dành nhiều thời gian để chăm chút vào việc ăn, ngủ, xuôi ngược dòng đời để kiếm chút danh lợi mang theo, rồi tìm cách nào đó để có thật nhiều tiền... thì ngược lại với những việc bình thường như thế. Khi bước qua cửa “không” rồi thì ta hãy nỗ lực hết sức giảm thiểu những việc đó lại, dần dần đi đến dứt bỏ.

Thứ ba là trí tuệ:

Trí tuệ trong nhà Phật là trí tuệ sáng suốt, thâm nhập được chân tướng của vạn pháp. Trí tuệ ấy không có sự phân biệt, bởi phân biệt là tác dụng của vọng thức mê lầm. Để có được thì hành giả cần phải thiền định, làm lặng sạch các vọng tưởng, để nó phát huy được tối đa nhiệm vụ là thông suốt được sự thật vốn dĩ của các pháp; là căn nguyên phát sinh mọi việc vĩ đại để giải thoát chúng sinh. Việc tu tập để phát sinh được trí tuệ được ví như hành giả đang tự đóng cho mình một con thuyền lớn để vượt ra biển sinh lão bệnh tử, như tự thắp lên không những cho bản thân mà cho hết thảy chúng sinh một ngọn đèn sáng nhất để xóa trừ hắc ám vô minh, hay là đang bào chế thần dược cho mọi kẻ bệnh tật…

Thứ tư là tàm quý:

“Tàm” là tự mình thấy xấu hổ, hối hận khi làm việc sai lầm, tội lỗi. “Quý” là tự mình hứa với bản thân rằng sẽ không làm những sai trái nữa. Vì có tàm quý nên hành giả biết vươn lên sửa đổi lỗi lầm, làm cho đạo hạnh và trí tuệ được phát triển. Nhờ việc đó mà sẽ hiểu rõ mình hơn, cũng xác lập được vị trí cũng như phẩm chất của các đối tượng, để bản thân có thái độ cư xử hợp lý trong tinh thần kính trọng và thương yêu. Đức Phật cũng đã từng dạy trong kinh Di Giáo rằng: “Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức... Mất hổ thẹn là mất công đức, có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác gì cầm thú…”.

Thứ năm là chánh niệm:

Theo như Sư ông Làng Mai định nghĩa lại một cách giản dị dễ hiểu, thì chánh niệm là năng lượng có khả năng nhận diện được bất cứ những gì đang xảy ra ngay ở thực tại. Khi ta đang làm việc gì, ta phải biết được việc chúng ta đang làm. Khi có một cảm xúc vui, buồn, sợ, chán… thì ta cũng biết được rằng lúc đó ta đang có cảm xúc đó.

Thứ sáu là giữ nghiệp thân và miệng:

Giữ nghiệp thân và miệng là chúng ta không nên sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối gạt người, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung dữ, không dùng lời phù phiếm. Những điều đó là những điều trong hạnh tu Thập thiện. Người xuất gia hay cư sĩ tại gia, nếu hiểu và làm được những điều đó thì ngay đời sống hiện tại cũng đã được nhiều người yêu mến, tôn trọng, và cũng là những bước đi căn bản đầu tiên của các vị Hiền Thánh thoát khỏi sinh tử luân hồi, chứng quả Vô Thượng.

Thứ bảy là chân thật:

Trong chú giải Hạnh Tạng định nghĩa chân thật như sau: “Chân thật có đặc tính không dối trá trong lời nói; chức năng, phận sự của chân thật là kiểm chứng trung thực với thực tế; biểu hiện, thành tựu của chân thật là cao quý; cận nhân của nó là trung thực”. Có nghĩa là sự chân thật qua thân, khẩu và ý. Để chứng ngộ Tứ Thánh đế, ta cần trung thực, chân thành với bản thân mình, và điều này có nghĩa là trung thực với các pháp hiện khởi như chúng là. Thiện pháp là thiện pháp, và bất thiện pháp là bất thiện pháp; chúng không thể khác đi, bất kể sinh khởi nơi mình hay người khác.

Thứ tám là tinh tấn:

“Tinh” là tinh chuyên một việc không có xen tạp một thứ gì khác. “Tấn” là tiến tới mãi mãi không dừng, không gián đoạn hay thối lui. Theo nghĩa thông thường là siêng năng chuyên cần, cũng là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người đi đến thành công trong việc đời cũng như việc đạo. Ở đời, cho dù người có một núi tiền đi chăng nữa, nhưng không cần mẫn làm việc thì núi tài sản kia dần dần sẽ cạn kiệt và trở thành người nghèo khó. Nếu trong đạo mà lười biếng giãi đãi, không tinh tấn thức khuya dậy sớm tham thiền, tụng kinh, niệm Phật… cứ biếng nhác qua ngày đoạn tháng thì ngay hiện tại đã không có ích cho đạo pháp, mà sau khi mất đi phải mang lông đội sừng trả nợ cho đàn na tín thí.

Nhìn lại chúng ta một lần nữa, nếu đã khoác cho mình pháp phục nhà Phật rồi thì nên nỗ lực tu tập từng ngày, đừng để những ham muốn nhỏ nhặt lôi cuốn rồi đánh mất mình. Chăm sóc ruộng phước bởi những thiện pháp để chúng sinh gieo trồng phước đức. Và đức Phật cũng đã nhấn mạnh rằng mục đích nói pháp của hàng tu sĩ là để chúng sinh thoát khỏi bờ mê chứ không phải để kiếm miếng ăn.

Tâm Mỹ

Bài viết liên quan

Xem thêm
Rắn thần Naga trong văn hóa Phật giáo
30/05/2024
Rắn thần Naga trong văn hóa Phật giáo
NSGN - Naga, gốc tiếng Phạn, chỉ một vị thần hay một sinh vật có hình dạng là con rắn mang bành chúa được thấy trước hết trong truyền thống văn hóa Hindu và sau đó rất phổ biến trong kinh văn, trong Phật thoại và trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo ở hầu hết các quốc gia châu Á. Trong ngữ cảnh văn hóa Hán, Naga được phiên âm là Na-già, được đồng nhất với rồng/ long và trong từng tọa độ địa lý - lịch sử, nó lại tích hợp với những tín niệm bản xứ để trở thành những linh vật/ linh thần hàm chứa nhiều đặc điểm và tính chất phồn tạp khó có thể nói cho cùng. Ở bài viết này, chỉ đề cập đến những gì chính yếu nhất cốt để có hiểu biết ít nhiều về Naga trong văn hóa Phật giáo.
Lịch sử Tam Tạng Kinh Điển
19/04/2024
Lịch sử Tam Tạng Kinh Điển
Trong 45 năm truyền giảng con đường giải thoát, Đức Phật thu nhận rất nhiều đệ tử, có người xuất gia theo ngài và lập thành Tăng đoàn (Sangha), có người cũng còn tại gia, gọi là các cư sĩ. Vùng truyền giáo của ngài là vùng Đông Bắc Ấn Độ giáp biên giới xứ Nepal, dọc theo các nhánh sông thượng nguồn sông Gange (Hằng hà) [1, 2, 3]. Ngài thường được gọi là Đức Phật Cồ Đàm (Buddha Gotama). Chữ "Phật" là tiếng gọi tắt của "Phật Đà", phiên âm từ chữ Phạn "Buddha" - người bình dân Việt Nam có nơi gọi là ông Bụt - nghĩa là người đã giác ngộ (Giác Giả) . Trong các kinh sách ghi lại, ngài thường tự gọi mình là Tagatatha (Như Lai). Ngài có rất nhiều đệ tử từ các quốc gia trong vùng, gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, lứa tuổi, nam nữ, và từ nhiều nguồn gốc tín ngưỡng khác nhau. Đức Phật đã để lại một kho tàng quí giá gồm nhiều bài thuyết giảng (Kinh, Sutta), thường được gọi tổng quát là "tám vạn bốn ngàn" pháp môn, trong nhiều dịp giảng dạy cho hàng đệ tử, bậc thánh thanh văn, cư sĩ, ... Với sự phát triển và bành trướng của Tăng đoàn, Ngài đặt ra nhiều giới luật để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tu tập (Vinaya, Giới). Ngoài ra còn nhiều bài giảng đặc biệt khác mà về sau nầy được đúc kết lại trong bộ A Tỳ Đàm (Abhidhamma).
Đức vua trời Sakka tạo phước thiện bố thí
19/04/2024
Đức vua trời Sakka tạo phước thiện bố thí
Đức-vua-trời Sakka trị vì cõi trời Tam-thập-tam-thiên mà tiền-kiếp của Đức-vua-trời đã từng làm những phước-thiện trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, nên Đức-vua-trời Sakka cảm thấy tủi phận nghèo của mình, mỗi khi gặp những vị thiên-nam mà tiền-kiếp đã tạo phước-thiện trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, những vị thiên-nam ấy có hào-quang sáng chói làm lấn át hào quang của Đức-vua-trời Sakka, cho nên, Đức-vua-trời Sakka tìm cơ hội tốt tạo phước-thiện đến bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo.
Các pháp nào tác thành Sakka – vị Thiên chủ Đế Thích thống lãnh và trị vì Tam Thập Tam Thiên Giới
19/04/2024
Các pháp nào tác thành Sakka – vị Thiên chủ Đế Thích thống lãnh và trị vì Tam Thập Tam Thiên Giới
Đức-vua-trời Sakka trị vì cõi trời Tam-thập-tam-thiên mà tiền-kiếp của Đức-vua-trời đã từng làm những phước-thiện trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, nên Đức-vua-trời Sakka cảm thấy tủi phận nghèo của mình, mỗi khi gặp những vị thiên-nam mà tiền-kiếp đã tạo phước-thiện trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, những vị thiên-nam ấy có hào-quang sáng chói làm lấn át hào quang của Đức-vua-trời Sakka, cho nên, Đức-vua-trời Sakka tìm cơ hội tốt tạo phước-thiện đến bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo.
Mười đức lành của Người Phật tử
06/04/2024
Mười đức lành của Người Phật tử
Có chánh kiến (Sammādiṭṭhiko'va hoti), nghĩa là người thiện tín phải có tri kiến chân chánh, hiểu đúng với chơn lý, thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã; hiểu biết nghiệp báo luân hồi.
Ăn chay, nấu mặn có mắc tội không?
29/11/2023
Ăn chay, nấu mặn có mắc tội không?
GNO - Trong những ngày ăn chay, tôi vẫn phải đi chợ mua và nấu đồ mặn cho chồng con ăn, như vậy có mắc tội không? (NGUYỄN LƯỢM, luomnguyen5...@gmail.com)
Phước Huệ song tu