Tốt đời đẹp đạo
Loading...
Tìm hiểu phước bố thí

Tìm hiểu phước bố thí

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, Bậc A-ra-hán, Bậc Chánh Ðẳng Giác

Ðức Phật dạy:

Annado balado hoti,
Vatthado hoti vaṇṇado.
Yānado sukhado hoti,
Dīpado hoti cakkhudo.
So ca sabbadado hoti.
Yo dadati upassayaṃ,
Amataṃdado ca so hoti,
Yo dhammamānusāsati".

[Bộ Saṃyuttanikāya - Sāgathavagga, kinh Kiṃ Dadasutta.]

Ðức Phật trả lời câu hỏi của chư thiên trong bài kinh Kiṃ Dadasutta, như sau__

"Bố thí những vật thực,
Là bố thí sức mạnh.
Bố thí những y phục,
Là bố thí sắc đẹp.
Thí phương tiện đi lại,
Là thí sự an lạc.
Bố thí đèn thắp sáng,
Là bố thí đôi mắt.
Người bố thí chỗ ở,
Là bố thí tất cả.
Bậc giảng dạy chánh pháp,
Là thí pháp bất tử".
Con hết lòng thành kính
Ðảnh lễ ngôi Tam bảo:
Phật bảo, Pháp, Tăng bảo
Cùng các bậc Thầy Tổ.

Con biên soạn tập sách:
"Tìm Hiểu Phước Bố Thí".

-ooOoo-

Lời Nói Ðầu

Ðức Phật thí dụ về phước bố thí:

Một căn nhà bị cháy, chủ nhân đem ra được khỏi nhà đồ vật nào, đồ vật ấy hữu dụng đối với chủ nhân; những đồ vật còn lại trong nhà bị thiêu hủy, chẳng ích lợi gì cho chủ nhân cả. Cũng như vậy, sắc thân này cũng ví như một căn nhà luôn luôn bị thiêu hủy do bởi 11 thứ lửa[1]  không ngừng nghỉ, bậc Thiện trí biết vậy, nên sử dụng của cải nào đem ra bố thí, của cải ấy là nhân tạo nên phước thiện, thuộc của riêng mình, hỗ trợ cho thí chủ được sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Nếu phước thiện bố thí ấy trở thành pháp hạnh bố thí ba la mật, thì hỗ trợ cho các ba la mật khác được thành tựu, để dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả và cuối cùng đạt đến cứu cánh Niết Bàn, giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, nhờ pháp hạnh bố thí ba la mật làm nền tảng.

Thật ra, tất cả của cải trong thế gian này đều là của chung, song người nào có phước, thì người ấy được thừa hưởng một phần của cải ấy; đó là thừa hưởng quả của phước thiện mà chính mình đã tạo trong kiếp hiện tại và những kiếp quá khứ; thời gian được thừa hưởng lâu hay mau hoàn toàn tùy thuộc vào nhân phước thiện. Bậc Thiện trí hiểu biết rõ, của cải mà mình đang thừa hưởng có tính chất tạm thời, không bền vững, nếu sử dụng cho mình thì hết, để lâu ngày thì bị hư. Cho nên, bậc Thiện trí sử dụng của cải ấy đem bố thí để tạo nên phước thiện là thứ báu vật của riêng mình, không một ai có thể chiếm đoạt được, có tính chất bền vững lâu dài, theo mình như bóng theo hình, mọi nơi, mọi kiếp cho quả báu an lạc.

Tạo phước thiện bố thí được thuận lợi chỉ có con người ở cõi Nam thiện bộ châu (trái đất) này; còn con người ở 3 châu khác[2], hoặc các hạng chư thiên ở cõi trời dục giới, chư phạm thiên ở cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới đang hưởng quả an lạc của thiện nghiệp do mình đã tạo, nên không có cơ hội tạo phước thiện bố thí; và các chúng sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) đang chịu khổ cực của ác nghiệp do mình đã tạo, lại càng không có cơ hội tạo phước thiện bố thí.

Con người chúng ta có nhiều cơ hội tạo mọi phước thiện nhất là phước bố thí, không những đem lại sự lợi ích cho mình, mà còn hồi hướng đến cho thân bằng quyến thuộc: ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bà con, bạn bè... cùng các chúng sinh đang sống trong cảnh khổ, họ đang mong đợi, trông chờ phần phước thiện mà bà con mình hồi hướng. Khi họ hoan hỉ phần phước thiện ấy, ngay tức khắc, giải thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh cảnh thiện giới: cõi người, cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc.

Như vậy, con người chúng ta chớ nên bỏ lỡ cơ hội làm phước bố thí, bởi vì phước bố thí mà thí chủ đã tạo xong rồi, sẽ cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai, dầu tái sanh kiếp nào, là người hoặc chư thiên cũng hưởng được quả báu của phước bố thí ấy, được an lạc lâu dài. Thậm chí, dầu tái sanh làm loài súc sanh, thì loài súc sanh ấy cũng hưởng được quả báu ấy, kiếp súc sanh được an lạc hơn hẳn các loài súc sanh khác. Như chúng ta thường thấy có những con chó, con mèo, con ngựa, con voi... chúng được săn sóc chu đáo, có đầy đủ vật thực ngon lành, còn được trang sức đẹp đẽ nữa. Ðó là do quả báu của phước bố thí ở tiền kiếp mà chúng đã tạo.

Con người chúng ta không nên dể duôi, nếu có cơ hội làm phước bố thí, thì đừng bỏ lỡ cơ hội tốt ấy.

Nên hiểu biết rõ rằng không phải bố thí lúc nào cũng được phước thiện cả đâu! Nếu không hiểu biết cách bố thí, thì không được phước. Cũng như người nông dân không hiểu biết về cách trồng trọt, gieo giống, mùa màng, thời tiết... gieo hạt giống trên đất khô, cằn cỗi, hạt giống không sao nảy mầm được, còn làm cho hạt giống bị hư, cây không mọc, thì mong gì có hoa và quả!

Vì vậy, thí chủ cần phải học cách bố thí thế nào để cho phát sanh phước thiện. Khi có được phước thiện, biết sử dụng để đem lại sự lợi ích cho mình và cho người khác, chúng sinh khác.

Tập sách nhỏ này giúp cho quý độc giả, chư vị thí chủ tìm hiểu về sự bố thí để phát sanh mọi phước thiện nhiều hoặc ít, bậc cao hoặc bậc thấp v.v....

Tập sách "Tìm Hiểu Phước Bố Thí" này, bần sư đã sưu tầm các tài liệu, trích dịch từ trong Tam tạng, Chú giải để giúp cho quý độc giả tìm hiểu về bố thí để tạo nên phước thiện.

Nhờ sự đóng góp của các đệ tử Vĩnh Cường đánh máy bản thảo, Rakkhitasìla antevàsika trình bày dàn trang và chư thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, nên làm phước bố thí tịnh tài để lo việc ấn hành tập sách này; nhất là gia đình Trần Văn Cảnh – Trần Kim Duyên, gia đình cô Dhammanandā,....

Bần sư rất hoan hỉ sự đóng góp công và tịnh tài của quý vị để cho tập sách này được ra đời. Bần sư cầu nguyện ân đức Tam bảo cùng phước thiện pháp thí thanh cao này, hộ trì cho quý vị và toàn thể thân bằng quyến thuộc của quý vị được giàu sang phú quý, thân tâm thường an lạc, tiến hóa trong mọi thiện pháp để tạo duyên lành trên con đường giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài; đồng thời hồi hướng đến những người ân nhân đã quá vãng, cầu mong cho họ hoan hỉ pháp thí này, để được giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Xin hồi hướng phần phước pháp thí này đến tất cả chúng sinh, mong cho tất cả chúng sinh hoan hỉ phần phước thiện này để được giải thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Bần sư đã cố gắng hết sức mình để biên soạn tập sách này, song với khả năng có hạn, nên khó tránh khỏi những sai sót, kính mong chư bậc Thiện trí từ bi chỉ giáo, bần sư kính cẩn chấp nhận những lời phê bình xây dựng và xin chân thành tri ân sâu xa quý Ngài.

Núi rừng Viên Không,
Phật lịch 2545/2001
Soạn giả : Sư Hộ Pháp


[1] 11 thứ lửa: lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, lửa già, lửa chết, lửa sầu não, lửa than khóc, lửa khổ thân, lửa khổ tâm, lửa thống khổ.

[2] 3 châu khác: Ðông thắng thần châu, Tây ngưu hoá châu, Bắc câu lưu châu.


PHƯỚC THIỆN (PUÑÑAKUSALA)

Trong tam giới, con người nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung, thân tâm được an lạc đó là quả của phước thiện.

Người có nhiều phước thiện cho quả, trong đời sống được nhiều an lạc, có ít khổ cực.

Người có ít phước thiện cho quả, trong đời sống được ít an lạc, có nhiều khổ cực.

Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.

Trong đời này, có số người được giàu sang phú quý, có chức cao quyền lớn..., người ta thường gọi: "người ấy có phước lớn"; nên hiểu rằng đó là cách gọi theo quả phước thiện, không phải gọi theo nhân phước thiện. Nếu muốn gọi cho đúng và chính xác thì nên gọi: "người ấy hưởng quả phước lớn". Như bà Visākhā gọi ông phú hộ Migara, cha chồng của bà "dùng đồ cũ", có nghĩa là hưởng quả của phước thiện bố thí từ kiếp trước; trong kiếp hiện tại không tạo nhân phước thiện bố thí.

Trong bộ Petavatthu: Tích ngạ quỷ, có những ngạ quỷ tiền kiếp đã từng là phú hộ.

Cho nên, kiếp hiện tại, người nào được giàu sang phú quý,... kiếp vị lai người ấy không chắc được giàu sang phú quý... như vậy. Bởi vì, sự giàu sang phú quý... là quả của phước thiện bố thí; khi hưởng quả giàu có, mà không tạo thêm nhân phước thiện bố thí, có tâm keo kiệt bỏn xẻn trong của cải ấy, sau khi chết do năng lực ác nghiệp cho quả tái sanh vào hàng ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát, khổ cực; dầu do thiện nghiệp nào đó cho quả được tái sanh làm người, thì cũng là người nghèo đói, thiếu thốn khổ cực. Vậy, chỉ có phước thiện cho quả mới hỗ trợ cho chúng sinh được an lạc mà thôi.

Phước Thiện Là Gì?

Theo Phật giáo: Danh từ Phước dịch ra từ Pāḷi là Puñña. Danh từ Thiện dịch ra từ Pāḷi là Kusala.

Puñña: phước: có nghĩa là trạng thái làm cho tâm của mình được trong sạch khỏi phiền não. Ngược với phước là tội (pāpa) là trạng thái làm cho tâm bị ô nhiễm bởi phiền não.

Quả báu của phước là sự an lạc thân – tâm.

Kusala: thiện: có nghĩa là trạng thái tiêu diệt ác pháp. Ngược với thiện là bất thiện (akusala) chính là ác pháp.

Quả báu của thiện là sự an lạc thân – tâm.

Cho nên, phướcthiện đồng nghĩa với nhau.

Phước (puñña) thường thấy trong Kinh tạng, có nghĩa hẹp.

Thiện (kusala) thường thấy trong Vi diệu pháp tạng, có nghĩa rộng.

Phước sanh lên do bởi nhiều nhân duyên, trong Puññakiriyāvatthu: Hành động tạo nên phước thiện, có 10 pháp:

1- Bố thí (dāna).
2- Giữ giới (sīla).
3- Hành thiền (bhāvanā).
4- Cung kính (apacāyana).
5- Giúp đỡ trong việc thiện (veyyāvacca).
6- Hồi hướng – chia phước (pattidāna).
7- Hoan hỉ với phước của người khác hồi hướng (pattānumodanā).
8- Thuyết pháp (dhammadesanā).
9- Nghe pháp (dhammassavanā).
10- Chánh kiến (diṭṭhijukamma).

Ðó là 10 pháp để phát sanh, tạo nên phước thiện.

Tập sách nhỏ này đề cập đến phước thiện bố thí.

PHƯỚC THIỆN BỐ THÍ (DĀNAKUSALA)

Bố thí để tạo phước thiện là thí chủ sử dụng của cải tiền bạc... và cả sự hiểu biết của mình đem ban bố cho người khác với thiện tâm tế độ, mong mỏi sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc đến cho người khác, chúng sinh khác. Sự bố thí như vậy gọi là phước thiện bố thí.

Sự bố thí để trở thành dục giới thiện nghiệp, thí chủ cần phải có tác ý thiện tâm (kusalacetanā) trong sạch, không bị tham, sân, si... làm ô nhiễm.

Nếu sự bố thí này thuộc về dục giới thiện nghiệp, thì cho quả báu trong cõi dục giới như giàu sang, phú quý, có nhiều của cải, tiền bạc, có quyền cao chức trọng... đời sống sung túc, được an lạc, song vẫn còn quanh quẩn trong cảnh khổ tử sanh luân hồi.

Nếu sự bố thí này trở thành bố thí ba la mật là 1 trong 10 pháp hạnh ba la mật, thì hỗ trợ cho các ba la mật khác, dẫn đến sự thành tựu siêu tam giới thiện pháp, đó là sự chứng đắc 4 Thánh Ðạo liền cho quả là 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Bố thí để trở thành pháp hạnh bố thí ba la mật, khi thí chủ bố thí, với thiện tâm hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi tà kiến, tham ái, ngã mạn và hợp với tâm bi, đức tin, trí tuệ phát nguyện chỉ mong chứng ngộ Niết Bàn, mong trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác trong hạng nào đó mà thôi. Ngoài ra không cầu mong trở thành phú hộ, vua chúa, chư thiên, vua trời.... Như vậy, sự bố thí ấy mới trở thành pháp hạnh bố thí ba la mật.

Nguyên nhân không bố thí

Những hạng phàm nhân sanh ra trong đời này vốn có đầy đủ 12 bất thiện tâm: 8 tham tâm + 2 sân tâm + 2 si tâm; 108 loại tham ái; 1.500 loại phiền não; họ không có duyên lành gặp được bậc Thiện trí, không được lắng nghe, học hỏi chánh pháp của bậc Thiện trí, nên không hiểu biết thế nào là thiện pháp, ác pháp, phước, tội, chánh, tà, v.v... nên không có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.

Những hạng phàm nhân nào vốn có tâm si mê cố hữu, thêm vào tâm keo kiệt bỏn xẻn trong của cải, trong sự hiểu biết của mình; nên không muốn đem ban bố cho người khác, chúng sinh khác. Ðó là nguyên nhân không bố thí được.

Người tham thường nghĩ rằng: "Cho hết, lấy gì để dùng!".

Bậc trí thường dạy rằng: "Dùng hết, lấy gì để bố thí!", mà không làm phước bố thí, thì do đâu sanh được nhiều của cải. Cũng như, có bao nhiêu hạt giống ăn hết, thì mong gì sanh được nhiều quả khác!

Suy xét làm phước thiện bố thí

Những tiền kiếp Ðức Bồ Tát đã từng tạo nhiều phước thiện bố thí, do thiện nghiệp ấy cho quả thường tái sanh trong dòng vua chúa, hoặc gia đình phú hộ có nhiều của cải. Khi cha mẹ qua đời, Ðức Bồ Tát được thừa hưởng toàn bộ gia tài của cha mẹ để lại.

Ngài xuy xét rằng: "Toàn bộ của cải này, ông bà cha mẹ để lại, không có một ai mang theo được một thứ nào cả, đến phiên ta, chắc chắn ta cũng chẳng mang theo được. Ðiều tốt hơn hết, ta nên sử dụng của cải này đem làm phước bố thí, như vậy, không những về phần ta có được phước thiện, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc ở kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai lâu dài, mà ta còn có thể hồi hướng phước thiện ấy đến cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của ta nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung. Nếu họ hay biết hoan hỉ phần phước bố thí thanh cao này, chắc chắn họ sẽ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh cảnh thiện giới (sugati), hưởng được sự an lạc lâu dài; nếu họ đang hưởng an lạc ở cảnh thiện giới nào rồi, họ hoan hỉ phần phước thiện này, thì sự an lạc càng thêm tăng trưởng đối với họ.

Suy xét rằng: mọi thứ của cải này liên quan đến 5 tai nạn:

Tai nạn do lửa cháy thiêu hủy.
Tai nạn do nước ngập lụt cuốn trôi.
Tai nạn do trộm cướp chiếm đoạt, sát hại chủ nhân.
Tai nạn do Ðức Vua tịch thu.
Tai nạn do người không ưa thích chiếm đoạt....

Như vậy, mọi thứ của cải trong đời, không chắc chắn thuộc về của riêng ai cả, chỉ là của chung cho tất cả mọi người; hễ ai có phước thì được hưởng. Nay ta là người đang thừa hưởng, là chủ nhân của cải này, nếu ta sử dụng của cải này đem làm phước thiện bố thí, giúp đỡ những người khác, để tạo được phước thiện thuộc của riêng mình trở thành một thứ của báu được bền vững lâu dài, chắc chắn không có tai nạn nào làm hư hại, không có một ai chiếm đoạt được.

Suy xét rằng: sự thật, tất cả mọi thứ của cải này, không có tính chất bền vững lâu dài, cuối cùng chắc chắn phải bị hư hoại, tan nát không còn nữa. Nhưng nếu ta sử dụng của cải này đem làm phước bố thí, thì sẽ trở thành thiện nghiệp của riêng ta, có tính chất bền vững lâu dài, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an laïc trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai nữa. Nếu được làm phước bố thí đến những bậc có giới đức trong sạch, sẽ cho quả báu vô lượng kiếp, lại còn tạo duyên lành trên con đường giải thoát khỏi tử sanh luân hồi, trong ba giới bốn loài nữa".

Ðức Bồ Tát thí dụ rằng:

Ngôi nhà bị cháy, người chủ nhà đem được đồ vật nào ra khỏi nhà, đồ vật ấy có ích lợi cho họ, những đồ vật còn lại trong nhà bị thiêu hủy hết, chẳng có ích lợi gì cho chủ nhà cả. Cũng như vậy, sắc thân này ví như ngôi nhà, luôn luôn bị cháy, bị thiêu hủy bởi 11 thứ lửa: lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, lửa già, lửa chết, lửa sầu não, lửa than khóc, lửa khổ thân, lửa khổ tâm, lửa thống khổ.... Biết sử dụng của cải đem ra làm phước thiện, thì trở thành thiện nghiệp là nơi nương nhờ an lành cho chủ nhân trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Do sự suy xét đúng đắn như vậy, cho nên Ðức Bồ Tát sẵn sàng sử dụng của cải của mình đem làm phước thiện bố thí một cách dễ dàng, không có tâm keo kiệt bỏn xẻn nào có thể ngăn cản việc bố thí.

Dầu Ðức Bồ Tát tái sanh trong gia đình nghèo khổ, thiếu thốn, chịu cảnh đói khổ, Ngài cũng suy xét rằng: sở dĩ ta sống trong cảnh nghèo khổ, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, chịu cảnh thiếu thốn kiếp hiện tại này, là vì kiếp trước ta ít tạo phước bố thí. Nay kiếp hiện tại này, nếu ta không hoan hỉ tạo phước bố thí, thì kiếp sau ắt phải chịu khổ hơn kiếp này nữa.

Do sự suy xét đúng đắn ấy, bậc Thiện trí hoan hỉ làm phước bố thí đến những bậc có giới đức đáng kính, có ít, thì làm phước bố thí ít, theo khả năng của mình. Thật ra, phước thiện bố thí được nhiều hay ít hoàn toàn không tùy thuộc vào vật bố thí, mà tùy thuộc vào tác ý thiện tâm trước khi bố thí, đang khi bố thí và sau khi đã bố thí xong.

Nếu cả ba thời tác ý thiện tâm trong sạch, hoan hỉ trong việc bố thí, thì chắc chắn phước thiện bố thí được nhiều vô lượng.

Trong vòng tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, mỗi chúng sinh chỉ là một người khách lữ hành tạm trú nơi này, cõi khác một thời gian ngắn hay dài, tuỳ theo tuổi thọ của mỗi chúng sinh, không có một ai có quyền thường trú lâu dài theo ý của mình được, dầu phạm thiên ở cõi trời vô sắc giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, là cõi trời tột bậc của tam giới có tuổi thọ dài nhất là 84.000 đại kiếp [đại kiếp là khoảng thời gian trải qua 4 a tăng kỳ thành-trụ-hoại-không của kiếp trái đất, thời gian lâu dài không thể tính bằng số lượng được], đến khi hết tuổi thọ ở cõi trời này cũng phải tái sanh xuống cõi thiện dục giới.

Chúng sinh sống trong tam giới gồm có 31 cõi là:

- Phạm thiên sống trong 4 cõi trời vô sắc giới, đang hưởng quả an lạc trong bậc thiền sở đắc của mình, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí.

- Phạm thiên sống trong 16 cõi trời sắc giới, đang hưởng quả an lạc trong bậc thiền sở đắc của mình, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí.

- Chư thiên sống trong 6 cõi trời dục giới, đang hưởng đầy đủ sự an lạc trong ngũ trần của mỗi cõi, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí. Nếu vị chư thiên nào muốn làm phước thiện bố thí, vị chư thiên ấy cần phải hiện xuống cõi người để tìm cơ hội làm phước thiện bố thí.

- Chúng sinh sống trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh đang chịu quả khổ do ác nghiệp của mình đã tạo, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí.

- Con người trong cõi Nam thiện bộ châu, trên địa cầu mà chúng ta đang sống, có nhiều cơ hội làm phước thiện bố thí; còn con người ở 3 châu khác: Ðông thắng thần châu, Tây ngưu hoá châu, Bắc câu lưu châu, không có cơ hội, hoặc ít có cơ hội làm phước thiện bố thí.

Thật vậy, con người chúng ta ở cõi Nam thiện bộ châu này có nhiều điểm ưu việt hơn các hàng chúng sinh ở những cõi khác, đó là:

- Có thể xuất gia hành phạm hạnh cao thượng.

- Có thể tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba la mật, hoặc 20 pháp hạnh ba la mật, hoặc 30 pháp hạnh ba la mật, để trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc Ðức Phật Toàn Giác ngay ở cõi người này.

Tuy nhiên, con người chúng ta ở cõi Nam thiện bộ châu này cũng có những tính chất đặc biệt nữa là:

- Có thể tạo mọi thiện nghiệp đầy đủ 30 pháp hạnh ba la mật, để trở thành Ðức Chánh Ðẳng Giác vô thượng trong 10 ngàn thế giới chúng sinh.

- Có thể tạo mọi ác trọng nghiệp gọi là ngũ vô gián nghiệp: giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm cho Ðức Phật bầm máu, chia rẽ Tăng; đó là những ác nghiệp nặng nhất, mà các hàng chúng sinh trong cõi khác không thể tạo được.

Như vậy,

- Khi con người tạo thiện pháp có khả năng đạt đến mức cực thiện, trở thành đức Chánh Ðẳng Giác.

- Khi con người tạo ác pháp, có khả năng đạt đến mức cực ác: giết cha, giết mẹ..., chắc chắn sa vào đại địa ngục Avīci do ác trọng nghiệp của mình đã tạo.

Mặc dầu vậy, con người vẫn có quyền tối thượng: quyền chọn lựa tạo thiện pháp, hoặc tạo ác pháp. Cho nên, tái sanh làm người trong cõi Nam thiện bộ châu này có nhiều điều thuận lợi để tạo mọi thiện pháp.

Ðức Phật dạy: "Manussattabhāvo dullabho: Ðược tái sanh làm người là điều khó".

Trong kinh sách thường đề cập đến Ðức Bồ Tát tạo mọi thiện nghiệp ở cõi người, đến khi hết tuổi thọ, sau khi chết, do năng lực cho quả tái sanh là vị thiên nam trong cõi trời dục giới. Vị thiên nam Bồ Tát này không muốn hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, mà phát nguyện chấm dứt sanh mạng (trước khi hết tuổi thọ) để được tái sanh làm người cõi Nam thiện bộ châu này, nơi có nhiều cơ hội thuận lợi tiếp tục công việc bồi bổ pháp hạnh ba la mật cho sớm được đầy đủ; để trở thành bậc Thánh Thanh Văn, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc Ðức Phật Toàn Giác, rồi đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng là tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nay kiếp này, chúng ta có diễm phúc đã được tái sanh làm người rồi, chúng ta nên cố gắng tạo mọi thiện pháp, để nâng đỡ mình trở nên cao thượng. Thật vậy, con người được gọi là cao thượng do nhờ thiện pháp, chỉ có thiện pháp mới nâng đỡ con người trở nên cao thượng như:

Dục giới thiện pháp nâng đỡ tái sanh làm người hoặc chư thiên cõi trời dục giới.
Sắc giới thiện pháp nâng đỡ tái sanh làm phạm thiên cõi trời sắc giới.
Vô sắc giới thiện pháp nâng đỡ tái sanh làm phạm thiên cõi trời vô sắc giới.
Siêu tam giới thiện pháp nâng đỡ trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo.

Trong Phật giáo có 4 bậc Thánh nhân:

- Bậc Thánh Nhập Lưu.
- Bậc Thánh Nhất Lai.
- Bậc Thánh Bất Lai.
- Bậc Thánh A-ra-hán.

Trong mọi thiện pháp, phước thiện bố thí là thiện pháp làm nền tảng cho tất caû mọi thiện pháp, dānaṃ sabbatthasādhakaṃ: phước thiện bố thí có thể hỗ trợ cho sự thành tựu tất caû mọi thiện pháp, từ tam giới thiện pháp cho đến siêu tam giới thiện pháp.

Vai trò hạnh bố thí trong các pháp

Bố thí có trong 3 hoặc 10 pháp puññakiriyā-vatthu: pháp tạo nên phước thiện.

Bố thí có trong 4 pháp saṅgaha: pháp tế độ.

Bố thí có trong 4 pháp để trở thành Ðức Vua.

Bố thí có trong 10 pháp hành của Ðức Vua.

Bố thí có trong 10 pháp hạnh ba la mật.

Bố thí có trong 38 pháp maṅgala: pháp an lành.

Bố thí là pháp dễ kết bạn thân thiết với mọi chúng sinh. Trong câu hỏi của Āḷavakayakkha.... V.v....

Phước Thiện Bố Thí

Phước thiện bố thí được thành tựu do hội đủ nhân duyên kết hợp như:

1- Tác ý thiện tâm bố thí (cetanādāna).

2- Vật bố thí (dānavatthu).

3- Người thọ thí (paṭiggāhaka).

Một khi hội đủ 3 nhân duyên này, mới thành tựu phước thiện bố thí.

1- Tác Ý Thiện Tâm Bố Thí

Thí chủ có tác ý thiện tâm (kusalacetanā) sử dụng những vaät bố thí ấy đem ban bố, phân phát đến cho những người khác, chúng sinh khác.

Thông thường tác ý thiện tâm bố thí diễn tiến, trải qua 3 thời kỳ:

1- Tác ý thiện tâm trước khi bố thí (pubbacetanā).
2- Tác ý thiện tâm đang khi bố thí (muñcacetanā).
3- Tác ý thiện tâm sau khi đã bố thí (aparacetanā).

1- Tác ý thiện tâm trước khi bố thí như thế nào?

Thí chủ nhìn thấy, hoặc nghe thấy, hoặc suy tư về một phước thiện nào đó, phát sanh đức tin trong sạch, có tâm từ bi muốn làm phước bố thí để tế độ, giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh, nên tìm cơ hội tốt để tạo nên phước thiện ấy. Thời kỳ tác ý thiện tâm muốn làm phước bố thí này có thể phaùt sanh trước nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày hoặc ngay trước khi bố thí không lâu, đó là thời gian chuẩn bị để làm phước thiện bố thí. Suốt thời gian này, gọi là tác ý thiện tâm trước khi bố thí, dù chưa thành tựu phước thiện bố thí, song tác ý thiện tâm này cũng gọi là thiện nghiệp.

2- Tác ý thiện tâm đang khi bố thí như thế nào?

Thí chủ có tác ý thiện tâm trước khi bố thí từ trước, nay đến lúc, đến thời thí chủ sử dụng vật bố thí, đó là của cải, tiền bạc, đồ đạc, vật thực... hoặc sự hiểu biết của mình đem ban bố, phân phát đến người khác, với tâm từ bi tế độ và được người khác đang thọ nhận những vật bố thí hoặc sự hiểu biết của mình ban cho.

Thời gian ngắn ngủi diễn ra giữa người thí chủ trao vật thí và người thọ thí tiếp nhận vật thí ấy, gọi là thời kỳ tác ý thiện tâm đang khi bố thí, đồng thời phước thiện bố thí được thành tựu ngay khi ấy.

3- Tác ý thiện tâm sau khi đã bố thí như thế nào?

Sau khi thí chủ đã có tác ý thiện tâm bố thí xong, phước thiện bố thí đã thành tựu rồi, kể từ thời gian đó về sau, mỗi khi thí chủ nhớ tưởng, niệm tưởng đến phước thiện bố thí ấy, đồng thời tác ý thiện tâm sau khi đã bố thí phát sanh, thì thiện nghiệp bố thí tăng trưởng. Ở thời kỳ này, thời gian không hạn định, có thể nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, nhiều kiếp sau... mỗi khi nhớ tưởng, niệm tưởng đến phước thiện bố thí ấy, đồng thời tác ý thiện tâm phát sanh, có sự bố thí làm đối tượng, nên thiện nghiệp bố thí lại tăng trưởng.

Cho nên, trong 40 đề mục thiền định, có đề mục gọi là "cāgānussati: đề mục niệm tưởng đến phước thiện bố thí của mình đã tạo trước đây". Hành giả tiến hành đề mục thiền định này có thể đạt đến cận định mà thôi, hỉ lạc phát sanh đến hành giả; đề mục thiền định này không thể đạt đến an định, bởi vì, đề mục thiền định này quá rộng lớn bao la, không rõ ràng, không thể làm cho ấn chứng thô ảnh tương tựấn chứng quang ảnh trong sáng phát sanh, nên không chứng đắc bậc thiền nào.

2- Vật Bố Thí

Vật bố thí để tạo nên phước thiện, Ðức Phật dạy có nhiều loại:

Trong Luật tạng, Ðức Phật dạy có 4 loại vật bố thí để tạo nên phước thiện, gọi là tứ vật dụng (catupaccaya) cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng; nhất là đối với bậc xuất gia, Sa di, Tỳ khưu trong Phật giáo.

Ðức Phật cho phép Tỳ khưu, Sa di thọ nhận tứ vật dụng của thí chủ dâng cúng là:

1- Y phục (cīvara): y phục của Tỳ khưu, Sa di mặc che kín sắc thân đáng hổ thẹn, ngăn ngừa nóng lạnh, muỗi mòng, rắn rít..., gồm có 3 tấm y:

- Y 2 lớp đắp khi trời lạnh.
- Y nội mặc che kín từ lỗ rún xuống quá đầu gối 8 ngón tay, vòng quanh trước sau đều đặn.
- Y vai trái mặc choàng kín quanh toàn thân mình, từ cổ xuống quá đầu gối 4 ngón tay, vòng quanh trước sau đều đặn.

2- Vật thực (piṇṇapāta): vật thực của Tỳ khưu, Sa di kiếm được bằng cách đi khất thực (xin ăn) từ nhà này sang nhà khác, dầu ít hay nhiều để vào bát vừa đủ ăn một bữa, thọ thực không được quá ngọ (12 giờ trưa).

3- Chỗ ở (senāsana): chỗ ở của Tỳ khưu, Sa di thường ở dưới gốc cây, hang động.... Nếu có phước đặc biệt, Tỳ khưu, Sa di có thể thọ lãnh chỗ ở do thí chủ xây cất như cốc, chùa.......

4- Thuốc trị bệnh (gilānabhesajja): thuốc trị bệnh của Tỳ khưu, Sa di thường là nước tiểu bò, hoặc nước tiểu ngâm loại trái cây làm thuốc [Ðức Phật cho phép dùng 2 loại trái cây làm thuốc: agadāmalaka và agadaharītaka]  .... Nếu có phước đặc biệt Tỳ khưu, Sa di có thể thọ nhận các loại thuốc do thí chủ dâng cúng để trị bệnh, ngừa bệnh....

Trong Vi diệu pháp tạng, Ðức Phật thuyết về chân nghĩa pháp (paramatthadhamma), dạy vật thí có 6 loại:

1- Sắc thí (rūpadāna): bố thí các hình dạng, màu sắc, nhìn thấy bằng nhãn thức tâm.
2- Thanh thí (saddadāna): bố thí các âm thanh, nghe được bằng nhĩ thức tâm.
3- Hương thí (gandhadāna): bố thí các mùi, ngửi được bằng tỷ thức tâm.
4- Vị thí (rasadāna): bố thí các vị, nếm được bằng thiệt thức tâm.
5- Xúc thí (phoṭṭhabbadāna): bố thí các loại xúc, tiếp xúc được bằng thân thức tâm.
6- Pháp thí (dhammadāna): bố thí các pháp, biết được bằng ý thức tâm.

Trong Kinh tạng Ðức Phật thuyết dạy vật bố thí có 10 loại:

1- Bố thí vật thực (annadāna): bố thí các loại thức ăn.
2- Bố thí nước uống (pānadāna): bố thí các loại nước uống.
3- Bố thí vải (vatthadāna): bố thí các loại vải.
4- Bố thí xe cộ (yānadāna): bố thí các loại xe cộ phương tiện đi lại.
5- Bố thí bông hoa (mālādāna): bố thí các loại bông hoa.
6- Bố thí vật thơm (gandhadāna): bố thí các loại mùi thơm.
7- Bố thí vật thoa (vilepanadāna): bố thí các loại vật thoa.
8- Bố thí chỗ nằm (seyyādāna): bố thí các chỗ nằm như: giường, ghế, đồ trải nằm.
9- Bố thí chỗ ở (āvasathagharadāna): bố thí chỗ ở như: chùa, nhà, cốc....
10- Bố thí đèn (padīpeyyadāna): bố thí đèn phát sanh ánh sáng.

Mười loại vật thí này là những vật thường dùng trong đời sống. Ngoài ra, trong đời còn có nhiều vật thí khác đem lại sự lợi ích, thuận lợi trong cuộc sống, không đem lại sự tai hại cho kiếp hiện tại lẫn kiếp vị lai, có thể dùng làm vật bố thí để tạo phước thiện.

3- Người Thọ Thí

Người thọ thí đóng vai trò quan trọng để thành tựu phước thiện bố thí. Trường hợp thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí, có vật bố thí, mà không có người thọ thí thì không thành tựu phước thiện bố thí của thí chủ.

Người thọ thí còn quan trọng là thành tựu được quả báu của phước thiện bố thí nhiều hoặc ít.

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta [Majjhimanikāya, Uparipaṇṇāsa, Dakkhiṇavibhaṅgasutta], Ðức Phật có dạy hai hạng thọ thí:

1- Cá nhân thọ thí (paṭipuggalikadāna).
2- Chư Tỳ khưu Tăng thí (Saṃghadāna).

- Cá nhân thọ thí như thế nào?

Cá nhân thọ thí là thí chủ làm phước thiện bố thí đến mỗi cá nhân, có tính cách riêng biệt dầu một vị hay nhiều vị.

Cá nhân thọ thí được phân chia có 14 hạng, từ bậc cao nhất đến hạng thấp nhất:

1- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Chánh Ðẳng Giác.
2- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Phật Ðộc Giác.
3- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh A-ra-hán.
4- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai hành giả đang tiến hành thiền tuệ, để chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán.
5- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai.
6- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai hành giả đang tiến hành thiền tuệ, để chứng đắc bậc Thánh Bất Lai.
7- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai.
8- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu hành giả đang tiến hành thiền tuệ, để chứng đắc bậc Thánh Nhất Lai.
9- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu.
10- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến hành giả đang tiến hành thiền tuệ, để chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.
11- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến hành giả ngoài Phật giáo chứng đắc thiền, có thần thông.
12- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến hạng phàm nhân (Tỳ khưu, Sa di, cận sự nam, cận sự nữ) có giới đức trong sạch.
13- Làm phước thiện bố thí đến hạng phàm nhân phạm giới, không có giới.
14- Làm phước thiện bố thí đến loài súc sanh.

Ðó là 14 hạng cá nhân thọ thí.

Quả báu cá nhân thọ thí

Trong 14 hạng cá nhân thọ thí này, thí chủ làm phước thiện bố thí đến hạng nào cũng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh trí tuệ.

Thí chủ làm phước thiện bố thí đến loài súc sanh như chim, cá,... sẽ hưởng được 5 quả báu suốt 100 kiếp.

Thí chủ làm phước thiện bố thí đến hạng phàm nhân phạm giới, không có giới, sẽ được hưởng 5 quả báu suốt 1.000 kiếp.

Thí chủ làm phước thiện bố thí đến hạng phàm nhân có giới đức trong sạch, sẽ được hưởng 5 quả báu suốt 100.000 kiếp.

Thí chủ làm phước thiện bố thí đến hạng phàm nhân ngoài Phật giáo chứng đắc thiền và thần thông, sẽ hưởng được 5 quả báu suốt triệu triệu kiếp hoặc một ngàn tỷ kiếp (1012).

Thí chủ làm phước thiện bố thí đến hành giả đang tiến hành thiền tuệ để chứng đắc bậc Thánh Nhập Lưu, sẽ hưởng được 5 quả báu vô lượng kiếp.

Thí chủ làm phước thiện bố thí đến bậc Thánh Nhập Lưu, sẽ hưởng được 5 quả báu vô lượng kiếp nhiều hơn nữa.

Thí chủ làm phước thiện bố thí đến bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh A-ra-hán, Ðức Phật Ðộc Giác, Ðức Chánh Ðẳng Giác sẽ được hưởng quả báu vô lượng, vô lượng kiếp không sao kể xiết được.

Về cá nhân thọ thí, bậc thọ thí có đầy đủ 5 đức: giới – định – tuệ – giải thoát – giải thoát tri kiến hoàn toàn chừng nào thì quả báu vô lượng, vô lượng chừng ấy.

Ví như người nông dân tài giỏi, có hạt giống tốt, gieo trên thửa ruộng tốt mầu mỡ, thì chắc chắn sẽ thu hoạch được bội phần. Cũng như vậy, thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tác ý thiện tâm trong sạch đầy đủ 3 thời kỳ, hoan hỉ làm phước bố thí những vật bố thí hợp pháp, đến bậc thọ thí có đầy đủ 5 đức: giới – định – tuệ – giải thoát – giải thoát tri kiến hoàn toàn chừng nào, chắc chắn quả báu vô lượng, vô lượng kiếp kể từ thuở ấu niên, trung niên cho đến lão niên đầy đủ chứng ấy.

- Chư Tỳ khưu Tăng thọ thí như thế nào?

Chư Tỳ khưu Tăng thí là làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có tính cách chung, là một vị Tăng hoặc nhiều vị Tăng. Ðiều quan trọng, tâm của thí chủ hướng đến cúng dường chư Tăng, không phải hướng đến một cá nhân thọ thí nào. Thí chủ bạch với vị Ðại Ðức quản Tăng rằng: "Kính bạch Ðại Ðức, con xin kính thỉnh 1 vị Tỳ khưu Tăng". Vị Ðại Ðức quản Tăng chỉ định vị Tỳ khưu nào, vị Tỳ khưu ấy đại diện chư Tăng thọ thí, như vậy gọi là Tỳ khưu Tăng thọ thí, không phải cá nhân thí.

Tỳ khưu Tăng thọ thí phân chia có 7 nhóm:

1- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng, có Ðức Phật chủ trì.
2- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng, sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.
3- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng.
4- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu ni Tăng.
5- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng và một số Tỳ khưu ni Tăng, (mỗi bên có một số vị đại diện, bất luận ít hay nhiều).
6- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng (có một vị hoặc một số Tỳ khưu đại diện Tăng).
7- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số Tỳ khưu ni Tăng (có một vị hoặc một số Tỳ khưu ni đại diện Tăng).

Ðó là 7 nhóm chư Tỳ khưu Tăng thọ thí, trong thời hiện tại này chỉ còn hai hạng chư Tăng thọ thí là:

Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng.

Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng (có một vị hoặc một số Tỳ khưu đại diện Tăng).

Ðức Phật dạy Ðại Ðức Ānanda rằng:

"Này Ānanda, trong thời vị lai sẽ có hạng người gọi tên Tỳ khưu "Bhikkhu" còn mảnh y quấn cổ, là người phạm giới, hành ác pháp. Những người thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tác ý thiện tâm làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng dầu trong số Tỳ khưu phạm giới ấy.

Này Ānanda, sự làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng trong thời vị lai ấy, Như Lai dạy rằng: vẫn có quả báu vô lượng không sao kể xiết được. Như Lai không hề dạy trực tiếp hoặc gián tiếp rằng: làm phước thiện bố thí đến cá nhân thọ thí hưởng quả báu nhiều hơn làm phước thiện bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng thọ thí" [Majjhimanikāya, Uparipaṇṇāsa, Dakkhiṇavibhaṅgasutta.]

Qua đoạn kinh trên, Ðức Phật dạy cho người Phật tử nên biết rõ khi tác ý thiện tâm nghĩ đến chư Tỳ khưu Tăng là nghĩ đến ngôi Tăng bảo, là phước điền cao thượng của tất cả chúng sinh. Bởi vì chỉ có cá nhân Tỳ khưu phạm giới (bhikkhu dussīla), còn ngôi Tăng bảo là những bậc Thánh Tăng hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh, cao thượng; cho nên làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, phải nên liên tưởng đến chư bậc Thánh Tăng chắc chắn phước thiện bố thí vô lượng, không sao kể xiết.

Do đó, thí chủ nên có "tác ý thiện tâm trong sạch nơi Ðức Tăng, tâm không nên nghĩ đến cá nhân vị Sa di, Tỳ khưu, vị Ðại Ðức nào".

Ví dụ: Người thí chủ muốn làm phước thiện bố thí cúng dường đến "Tỳ khưu Tăng" 1 vị, 2 vị,... người ấy đến bạch với vị Tỳ khưu quản Tăng rằng:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, con xin thỉnh Tăng 1 vị (hoặc 2 – 3... vị), xin Ngài chỉ định cho con 1 vị Tăng (hoặc 2-3.... vị).

Khi Ngài Ðại Ðức quản Tăng chỉ định vị nào, thí chủ hoan hỉ đón rước vị ấy, một cách cung kính như cung kính với chư bậc Thánh Tăng. Như vậy, gọi là làm phước thiện bố thí cúng dường đến "Tỳ khưu Tăng thọ thí".

Nhưng nếu Ngài Ðại Ðức quản Tăng chỉ định một vị Sa di hoặc một vị Tỳ khưu phạm giới, hoặc một vị Ðại Ðức có giới hạnh trang nghiêm.... Nếu người thí chủ nghĩ rằng "ta thỉnh được một vị Sa di, hoặc vị Tỳ khưu phạm giới, hoặc vị Ðại Ðức có giới hạnh trang nghiêm". Như vậy, không gọi là làm phước thiện bố thí đến Tỳ khưu Tăng thọ thí, mà trở thành cá nhân thọ thí.

Trong Chú giải bài kinh trên, có tích nói về phước thiện bố thí cúng dường đến Tỳ khưu Tăng, được tóm tắt như sau:

Người cận sự nam thiện trí là thí chủ xây cất một ngôi chùa dâng cúng đến chư Tăng. Một hôm, ông đến chùa thỉnh "Tỳ khưu Tăng" 1 vị về nhà làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực, Ngài Ðại Ðức quản Tăng kiểm Tỳ khưu, lần này đến phiên một vị Tỳ khưu có giới hạnh không trong sạch, không trang nghiêm, được chỉ định đại diện "Tỳ khưu Tăng" đến nhà người cận sự nam này.

Buổi sáng vị Tỳ khưu mặc y mang bát đến nhà, người cận sự nam đón rước cung kính như một vị Ðại Ðức cao Tăng, như là rữa chân, lau hai bàn chân, thỉnh mời ngồi chỗ cao quý, tự tay mình dâng cúng những món vật thực ngon lành với tâm hoan hỉ và kính trọng "Tỳ khưu Tăng". Vị Tỳ khưu ấy sau khi độ vật thực xong trở về chùa, người cận sự nam tiễn đưa về đến chùa cũng với tâm hoan hỉ và kính trọng "Tỳ khưu Tăng".

Buổi chiều vị Tỳ khưu ấy đến nhà người cận sự nam này mượn đồ dùng để làm việc riêng, người cận sự nam này dùng chân đẩy món đồ dùng ra cho mượn không một chút kính trọng, rồi bảo rằng: "Hãy đem đi!".

Một người bên cạnh theo dõi hành vi cử chỉ người cận sự nam này từ sáng đến chiều hoàn toàn trái ngược nhau, không hiểu tại sao? Muốn tìm hiểu, nên hỏi người cận sự nam này rằng:

- Thưa anh, tôi nhìn thấy sáng nay anh tỏ ra kính trọng với vị Tỳ khưu giới hạnh không trong sạch ấy, như một vị Ðại Ðức cao Tăng, mà chiều nay anh lại đối xứ với vị Tỳ khưu ấy không có chút nào kính trọng cả. Tại sao như vậy? Thưa anh.

Người cận sự nam thí chủ thưa rằng:

- Sáng nay, tôi hết lòng cung kính, vì thiện tâm của tôi hươùng đến "Tỳ khưu Tăng", hoàn toàn không phải hướng đến cá nhân vị Tỳ khưu ấy.

Chiều nay, tôi tỏ ra không kính trọng đến cá nhân vị Tỳ khưu ấy, bởi vì tôi thấy rõ vị Tỳ khưu ấy có giới hạnh không trong sạch, thân và khẩu không trang nghiêm, không thu thúc lục căn thanh tịnh, cho nên, tôi không cung kính đến cá nhân vị Tỳ khưu ấy, hoàn toàn không liên quan đến Tỳ khưu Tăng.

Qua tích trên, người cận sự nam thí chủ có trí tuệ, hiểu biết cách làm phước bố thí cúng dường một cách cung kính đến Tỳ khưu Tăng (dầu gặp vị Tỳ khưu có giới không trong sạch). Việc làm phước bố thí cúng dường đến Tỳ khưu Tăng này có được phước thiện vô lượng, có quả báu vô lượng, suốt vô lượng kiếp.

Người Bố Thí – Người Thọ Thí (Dāyaka – Paṭiggāhaka)

Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta [Majjhimanikāya, Uparipaṇṇāsa, Dakkhiṇavibhaṅgasutta], Ðức Phật dạy Ðại Ðức Ānanda rằng:

"Này Ānanda, sự trong sạch đối với người bố thí và người thọ thí có 4 trường hợp:

1- Người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch.
2- Người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch.
3- Người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm không trong sạch.
4- Người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch.

- Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch; còn người thọ thí không có tâm trong sạch?

Trường hợp này, người bố thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp, còn người thọ thí là người phạm giới, hành ác pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch; còn người thọ thí không có tâm trong sạch.

- Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí không có tâm trong sạch; còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch?

Trường hợp này, người bố thí là người phạm giới, hành ác pháp, còn người thọ thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí không có tâm trong sạch; còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch

- Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm không trong sạch?

Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người phạm giới, hành ác pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm không trong sạch.

- Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm trong sạch?

Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.

Như vậy, gọi là người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm trong sạch".

Giải thích 4 trường hợp:

1- Trường hợp thí chủ là người có giới hạnh trong sạch, có thiện pháp; còn người thọ thí là người có giới không trong sạch, có ác pháp, phước thiện bố thí này cho quả báu không được hoàn toàn một trăm phần trăm. Ví dụ:

Như trường hợp Ðức Bồ Tát Vessantara làm phước thiện bố thí con cho Bà la môn ăn xin Jūjaka có giới không trong sạch, thế mà do năng lực phước thiện của Ðức Bồ Tát cũng có thể làm cho mặt đất rung chuyển.

2- Trường hợp thí chủ là người có giới không trong sạch, có ác pháp; còn người thọ thí có giới trong sạch, có thiện pháp, phước thiện bố thí này cho quả báu kém hơn trường hợp trên. Ví dụ:

Như trường hợp người dân chài làm phước thiện bố thí để bát 3 lần đến Ngài Ðại Ðức Dīghasoma. Khi gần chết, phước thiện bố thí để bát hiện lên cho quả tái sanh làm chư thiên ở cõi trời dục giới.

3- Trường hợp thí chủ là người có giới không trong sạch, có ác pháp; người thọ thí cũng có giới không trong sạch, có ác pháp, phước thiện bố thí này cho quả không đáng kể. Ví dụ:

Như trường hợp người thợ săn thú rừng làm phước thiện bố thí 3 lần đến vị Tỳ khưu có giới không trong sạch, có ác pháp; rồi hồi hướng đến thân quyến loài ngạ quỷ; loài ngạ quỷ ấy hoan hỷ phước thiện ấy không đáng kể, không thể thoát khỏi cảnh khổ của ngạ quỷ, nên than rằng: Tỳ khưu không có giới kia phá hoại phước thiện của ta rồi!

Về sau, loài ngạ quỷ hiện ra báo cho người thợ săn ấy biết rõ như vậy, lần này người thọ săn làm phước thiện bố thí cúng dường để bát chỉ 1 lần đến vị Tỳ khưu có giới, có thiện pháp, rồi hồi hướng đến thân quyến loài ngạ quỷ. Lần này, ngaï quỷ hoan hỉ thọ nhận được phước thiện bố thí ấy, nên thoát khỏi cảnh khổ loài ngạ quỷ, được tái sanh nơi thiện giới.

4- Trường hợp thí chủ là người có giới hạnh trong sạch, có thiện pháp; còn người thọ thí cũng có giới trong sạch, có thiện pháp, phước thiện bố thí này cho quả báu hoàn toàn một trăm phần trăm, quả báu vô lượng không sao kể xiết.

Trong 4 trường hợp này, trường hợp thứ tư cả người bố thí lẫn người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch, dĩ nhiên sẽ có phước thiện bố thí vô lượng, sẽ hưởng quả báu suốt vô lượng kiếp.

Nếu không được như vậy, người bố thí là bậc Thiện trí, có giới hạnh trong sạch, có thiện pháp phát triển, tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ việc làm phước thiện bố thí, thì phước thiện cũng được phát triển, sẽ hưởng được quả báu nhiều.

Ví dụ: Một nông dân tài giỏi, có được hạt giống tốt dầu gieo ở đất hoặc thửa ruộng không tốt, nhưng nhờ người nông dân ấy biết săn sóc tưới nước khi cần nước, biết phân bón khi cần phân bón, biết làm cỏ lúa,... chắc chắn người nông dân ấy sẽ thu hoạch không ít.

Quả Báu Riêng Biệt Của Mỗi Vật Thí

Quả báu chung của bố thí có 5:

1- Tuổi thọ sống lâu.
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân, tâm an lạc.
4- Thân tâm có sức mạnh.
5- Có trí tuệ nhanh nhẹn, hoặc có quyền cao chức trọng.

Mỗi vật thí có quả báu riêng biệt của nó, được sưu tập từ các bộ trong Tam tạng như sau:

- Bố thí cơm nước được 10 quả báu:

1- Sống lâu.
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân và tâm an lạc.
4- Thân tâm có sức mạnh.
5- Có định tâm mau lẹ.
6- Có trí tuệ sáng suốt.
7- Có nhiều bạn bè (tùy tùng).
8- Có tâm dũng cảm.
9- Có cơm đầy đủ (không thiếu ăn).
10- Có nước uống đầy đủ.

- Bố thí cháo được 10 quả báu: [Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Bhesajjakkhandhaka]

1- Sự sống lâu.
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân tâm an lạc.
4- Thân tâm có sức mạnh.
5- Trí tuệ nhanh nhẹn.
6- Giảm sự đói.
7- Giảm sự khát.
8- Làm cho chất gió lưu thông.
9- Rửa đường ruột.
10- Tiêu hoá vật thực.

Hoặc bố thí cháo được 10 quả báu:

1- Ðược tái sanh cõi Tam thập tam thiên.
2- Có lâu đài bằng ngọc, có nhiều thiên nữ hầu hạ, hưởng sự an lạc cõi trời.
3- Ðược 33 lần làm vua cõi Tam thập tam thiên.
4- Ðược 30 lần làm đức Chuyển luân thánh vương.
5- Làm vua nước lớn không kể xiết.
6- Kiếp chót xuất gia, khi cạo tóc đồng thời chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả.
7- Kiếp chót ấy, chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, trước khi thọ Tam quy và thọ giới.
8- Không buồn rầu, khóc than.
9- Ít bệnh hoạn ốm đau.
10- Chứng ngộ Niết Bàn.

- Bố thí nước được 10 quả báu:

1- Sắc thân sạch sẽ, sáng sủa.
2- Thân tâm nhẹ nhàng, nhanh nhẹn.
3- Có nhiều bạn bè, tùy tùng.
4- Có tiếng tốt lan rộng khắp mọi nơi.
5- Không bị khát nước.
6- Tuổi thọ sống lâu.
7- Sắc thân xinh đẹp.
8- Thân, tâm an lạc.
9- Thân, tâm có sức mạnh.
10- Có trí tuệ sáng suốt.

- Bố thí thuốc trị bệnh được 10 quả báu:

1- Tuổi thọ sống lâu.
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân, tâm có sức mạnh.
4- Có nhiều trí tuệ.
5- Có nhiều bạn bè, có tiếng tốt lan rộng.
6- Ít khổ, được nhiều an lạc.
7- Ít bệnh hoạn ốm đau.
8- Tránh khỏi mọi tai họa.
9- Ðược chư thiên nhân loại kính mến.
10- Thường được gần gũi với người thân yêu.

- Bố thí hộp nhỏ được 10 quả báu:

1- Tránh khỏi mọi tai họa.
2- Thân tâm an lạc.
3- Có nhiều bạn bè.
4- Không tái sanh cảnh ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh).
5- Cử chỉ nói năng nhã nhặn, vi tế.
6- Không nghèo khổ.
7- Có tiếng tốt lan rộng khắp mọi nơi.
8- Có hai bàn tay bằng phẳng.
9- Không kinh sợ.
10- Có những hộp bằng vàng, bạc, ngọc, thủy tinh và có ngựa quý, voi quý; những vật quý không bị mất.

- Bố thí cầu bắc qua sông, rạch được 10 quả báu:

1- Nếu bị rơi từ trên cây cao, núi cao, xuống hố sâu, vực thẳm... sẽ có một vật cản trở không nguy hiểm, nếu bị chết sẽ tái sanh cõi thiện giới.
2- Những kẻ thù không làm hại được.
3- Kẻ trộm cướp không chiếm đoạt được của cải của mình.
4- Ðức Vua không coi thường.
5- Thoát khỏi mọi tai họa.
6- Ở ngoài trời nắng không cảm thấy khó chịu.
7- Ở cõi người hoặc cõi trời, khi cần xe, voi sẽ hiện ra.
8- Ðược xe ngựa quý Sindho chạy nhanh như gió.
9- Có voi quý bay trên hư không.
10- Chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạt tuyệt phiền naõo trầm luân, tịch diệt Niết Bàn.

- Bố thí dù che được 8 quả báu:

1- Thân không bị lạnh hoặc nóng.
2- Thân không bị dính bụi dơ.
3- Tránh khỏi mọi tai họa.
4- Ít bệnh hoạn, không bị hành phạt.
5- Sắc thân có da thịt mềm mại.
6- Ðược chư thiên, nhân loại kính trọng.
7- Tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não.
8- Nếu cần, có cả trăm ngàn cây dù.

- Bố thí bát được 8 quả báu:

1- Dùng chén bát bằng vàng, bạc, ngọc....
2- Tránh khỏi mọi tai họa.
3- Ít bệnh hoạn ốm đau.
4- Có nhiều của cải tài sản.
5- Của cải được bền vững lâu dài.
6- Ðược chư thiên, nhân loại kính trọng.
7- Tâm dễ an định.
8- Phiền não ít phát sanh, tâm mong muốn pháp cao thượng.

- Bố thí thuốc nhỏ mắt được 8 quả báu:

1- Có đôi mắt tròn đẹp.
2- Con mắt chỗ trắng thì trắng.
3- Con mắt chỗ vàng thì vàng.
4- Con mắt chỗ đen thì đen.
5- Con mắt trong sáng xinh đẹp.
6- Tránh khỏi bệnh đau mắt.
7- Con mắt như mắt của chư thiên.
8- Có thể chứng đắc pháp nhãn.

- Bố thí vải, y phục được 6 quả báu:

1- Kiếp nào, sắc thân cũng có da màu vàng, đẹp đẽ.
2- Sạch sẽ, không dơ bẩn.
3- Sắc thân phát ra ánh sáng.
4- Sắc thân có da thịt mềm mại.
5- Nếu cần, y phục có cả ngàn.
6- Vải lụa, vải nhung, gấm,...... muốn bao nhiêu cũng được.

- Bố thí khăn lau được 6 quả báu:

1- Sắc thân phát ra ánh sáng.
2- Không dơ dáy bẩn thỉu.
3- Nước da màu vàng óng ánh.
4- Sắc thân có da thịt mềm mại.
5- Bụi dơ không dính vào thân.
6- Có nhiều oai lực.

- Bố thí gối nằm được 6 quả báu:

  • 1- Có được những gối trầm thơm, gối ướp hương sen, gối lông cừu....
    2- Thu thúc thân khẩu, thu thúc lục căn thanh tịnh. Có thể chứng đắc các bậc thiền hữu sắc với đề mục tứ vô lượng tâm.
    3- Hiểu biết pháp hành giới, định, tuệ.
    4- Tinh tấn tiến hành thiền tuệ dẫn đến hoàn thành 37 pháp Chứng đắc Thánh Ðạo.
    5- Chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả.
    6- Hưởng sự an lạc trong Thánh Quả A-ra-hán.

- Bố thí giày dép được 4 quả báu:

1- Có xe, ngựa, kiệu, phương tiện đi lại đầy đủ.
2- Mỗi bước đi như đạp trên tấm thảm nhung.
3- Có chánh niệm tiến hành theo con đường giải thoát khổ.
4- Có chánh niệm, có lục căn thanh tịnh.

Trên đây trích quả báu của một số vật thí làm tiêu biểu, để hiểu rõ moãi vật thí có quả báu riêng biệt của nó, cũng như mỗi loại giống có mỗi loại quả của chính nó. Tất cả mọi quả báu này nhiều hay ít, hoàn toàn tùy thuộc vào đức tin trong sạch và tác ý thiện tâm (cetanā) cả 3 giai đoạn:

Giai đoạn trước khi bố thí.
Giai đoạn đang khi bố thí.
Giai đoạn sau khi đã bố thí.

Cả 3 giai đoạn đều có đại thiện tâm trong sạch hoan hỉ đến sự bố thí ấy (vật thí dầu ít hay nhiều), chắc chắn phước thiện bố thí vô lượng; thì quả báu của phước thiện bố thí ấy cũng vô lượng.

Phân Loại Bố Thí

Do những nhân duyên: tác ý thiện tâm bố thí, người thọ thí và vật bố thí khác nhau, nên phân loại ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có 2 – 3 ... loại phước thiện bố thí.

Nhóm bố thí có hai loại

Ví dụ: Āmisadāna – Dhammadāna.

- Āmisadāna: vật thí là những vật như: y phục, vật thực, đồ uống, đồ dùng, chỗ ở, thuốc trị bệnh....
- Dhammadāna: pháp thí là thuyết giảng chánh pháp, dạy đạo, chỉ dẫn hành thiền....

Trong hai loại bố thí này, pháp thí là cao thượng hơn cả.

Cũng như vậy, trong hai loại cúng dường:

- Āmisapūjā: cúng dường bằng những vật như: hoa, quả, vật thơm....
- Dhammapūjā: cúng dường bằng cách thực hành theo chánh pháp.

Trong hai cách cúng dường này, cúng dường bằng cách hành theo chánh pháp là cao thượng hơn cả.

Vaṭṭanissitadāna – Vivaṭṭanissitādāna.

- Vaṭṭanissitadāna: bố thí cầu mong hưởng sự an lạc đời đời, kiếp kiếp trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.
- Vivaṭṭanissitadāna: bố thí chỉ cầu mong chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.

Thật ra, sự bố thí cầu mong hưởng sự an lạc trong kiếp tử sinh luân hồi trong tam giới, thí chủ được thành tựu quả báu trong cõi người (manussasampatti), như giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, được hưởng sự an lạc cõi người; và được thành tựu quả báu trong cõi trời (devasampatti), được hưởng sự an lạc cõi trời. Dầu ở cõi nào thí chủ cũng hài lòng, say đắm trong cõi ấy, không muốn từ bỏ. Nhưng đến khi hết tuổi thọ, phải từ bỏ cõi ấy, tâm thường bị ô nhiễm, luyến tiếc của cải và những người thân yêu.

Còn bố thí cầu mong chứng ngộ Niết Bàn giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, khi thí chủ chưa chứng đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, vẫn còn trong vòng tử sanh luân hồi, thì vẫn được giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng; và vẫn hưởng được sự an lạc cõi người, cõi trời. Song tâm không dính mắc nơi của cải, tài sản, sự nghiệp ấy; sẵn sàng sử dụng của cải, tài sản bố thí đến người khác một cách dễ dàng; thậm chí dễ dàng từ bỏ nhà, đi xuất gia hành phạm hạnh, để mong chứng ngộ Niết Bàn, theo năng lực lời phát nguyện trong kiếp quá khứ.

Như vậy, đối với hạng người bố thí cầu mong chứng ngộ Niết Bàn họ sẽ được thành tựu: quả báu cõi người (manussasampatti), quả báu cõi trời (devasampatti), và còn kết quả chứng ngộ Niết Bàn (Nibbānasampatti) nữa.

Thí chủ cầu mong chứng ngộ Niết Bàn, cần phải phát nguyện rằng:

"Idaṃ me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu".

"Cầu mong phước thiện bố thí của con, làm duyên lành dẫn dắt con đến sự chứng ngộ Niết Bàn, chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðaïo, A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não trầm luân".

Sāhatthikadāna – āṇattikadāna.

- Sāhatthikadāna: tự thí: tự tay mình đem những vật thí dâng cúng, ban bố, phân phát đến người khác.
- Aṇattikadāna: sai khiến người thí: không tự tay mình bố thí, mà sai khiến người đem những vật thí của mình ban bố, phân phát đến người khác.

Tự thí có quả báu giàu sang phú quý, có nhiều người thân yêu quý mến, giúp đỡ, hầu hạ.

Sai khiến người thí có quả báu giàu có, song sống cô đơn, ít người thân yêu, hầu hạ.

Như trường hợp cậu Uttara là nô bộc của ông Tỉnh trưởng Pāyāsi, được ông sai bảo hằng ngày phân phát bố thí của cải của ông đến người khác. Cậu Uttara sau khi chết, do phước thiện bố thí cho quả tái sanh làm chư thiên cõi Tam thập tam thiên, có lâu đài nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nam, thiên nữ, bạn thân, hầu hạ...; còn ông Tỉnh trưởng Pāyāsi sau khi chết, được tái sanh làm chư thiên cô đơn nơi cõi trời Tứ đại thiên vương, trong một lâu đài hoang vắng, không có thiên nam, thiên nữ hầu hạ.

Sakkaccadāna – Asakkaccadāna.

- Sakkaccadāna: cung kính thí: tự mình đem những đồ vật bố thí, cúng dường đến Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo, hoặc đến người khác một cách cung kính.
- Asakkaccadāna: bất kính thí: tự mình đem những đồ vật bố thí, cúng dường đến Tam bảo, hoặc đến người khác một cách không cung kính, xem thường.

Ñāṇasampāyuttadāna – Ñāṇavippāyuttadāna.

- Ñāṇasampāyuttadāna: bố thí hợp với trí: thí chủ có trí tuệ hiểu biết rõ nghiệp và quả của nghiệp trong khi đang đem vật thí bố thí, cúng dường đến người khác.
- Ñāṇavippāyuttadāna: bố thí không hợp với trí: thí chủ không có trí tuệ hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp trong khi đang đem vật thí bố thí, cúng dường đến người khác.

Sasaṅkhārikadāna – Asaṅkhārikadāna.

- Sasaṅkhārikadāna: bố thí do người khác động viên khuyến khích: còn tự mình không nghĩ đến việc bố thí. Người khác đến động viên khuyến khích mình bố thí, khi ấy mới phát sanh đức tin làm phước thiện bố thí.
- Asaṅkhārikadāna: bố thí do tự mình nghĩ: không có người nào động viên, khuyến khích. Tự mình nghĩ đến việc bố thí, rồi phát sanh đức tin trong sạch làm phước thiện bố thí.

Trong hai loại phước thiện bố thí này Asaṅkāri-kadāna có năng lực phước thiện bố thí mạnh hơn Sasaṅkhārikadāna.

Somanassadāna – Upekkhādāna:

- Somanassadāna: bố thí đồng sanh với hỉ: bố thí bằng đức tin trong sạch, nên đại thiện tâm đồng sanh với tâm hoan hỉ trong việc phước thiện bố thí ấy, vì cảm thấy hài lòng nơi người thọ thí và vật thí của mình.
- Upekkhādāna: bố thí đồng sanh với xả: bố thí bằng đức tin, song đại thiện tâm đồng sanh với xả, vì không cảm thấy hài lòng nơi người thọ thí, hoặc vật thí của mình.

Trong hai loại bố thí này, nếu dục giới thiện nghiệp, thì somanassadāna có năng lực phước thiện bố thí mạnh hơn upekkhādāna; còn trong sắc giới thiện nghiệp thì upekkhādāna có năng lực phước thiện bố thí mạnh hơn somanassadāna.

Dhammiyadāna – Adhammiyadāna.

- Dhammiyadāna: bố thí những vật thí hợp pháp: của cải phát sanh một cách hợp pháp, đem làm phước thiện bố thí, phước thiện này trong sạch, không bị ô nhiễm bởi ác pháp.
- Adhammiyadāna: bố thí những vật thí phi pháp: của cải phát sanh một cách phi pháp, như trộm cắp, lường gạt... đem làm phước thiện bố thí, phước thiện này không hoàn toàn trong sạch, bị ô nhiễm bởi ác pháp.

Kāladāna – Akāladāna.

- Kāladāna: bố thí đúng thời, đúng lúc, đúng thời gian quy định như:

* Vassikasātikadāna: bố thí dâng y tắm mưa: Ðức Phật cho phép Tỳ khưu nhận y tắm mưa kể từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 15 tháng 6 (AL) là hết hạn. Trong khoảng thời gian 15 ngày ấy, chư Tỳ khưu chỉ có thể nhận y tắm mưa 1 lần trong một ngày nào đó mà thôi. Vì vậy, thí chủ cũng chỉ có thể bố thí dâng y tắm mưa trong khoảng thời gian 15 ngày.

* Kathinadāna: bố thí dâng y kathina: Ðức Phật cho phép Tỳ khưu Tăng sau khi đã an cư suốt ba tháng mùa mưa, tại một nơi nào rồi, được phép nhận lãnh y kathina, kể từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 (AL). Trong khoảng thời gian một tháng ấy, chư Tỳ khưu Tăng chỉ có thể thọ lãnh y kathina 1 lần trong một ngày nào đó mà thôi, còn lại các ngày khác, không thể thọ lãnh y kathina được nữa.

* Gilānabhatta: bố thí vật thực đến Tỳ khưu trong thời gian đang lâm bệnh.

* Āgantukabhatta: bố thí vật thực đến Tỳ khưu khách từ xa mới đến.

* Gamikabhatta: bố thí vật thực đến Tỳ khưu sắp đi xa....

Những sự bố thí này đúng thời đúng lúc.

- Akāladāna: bố thí không quy định thời gian.

Thí chủ bố thí bất cứ lúc nào, đến bất cứ người nào khi muốn bố thí.

Trong hai loại phước thiện bố thí này, kaladāna có quả báu của phước thiện bố thí rất đặc biệt hơn akāladāna như: cho quả báu tốt lành từ thuở ấu niên, được giàu sang phú quý, có những gì mà người khác khó có, được những gì mà người khác khó được, khi cần thứ nào có ngay thứ ấy, đúng lúc đúng thời.

Trong phần kāladāna, kathinadāna: bố thí dâng y kathina có quả báu đặc biệt. Thông thường, các loại phước thiện bố thí, quả báu chỉ có thể phát sanh đến thí chủ mà thôi. Song kathinadāna: phước thiện bố thí dâng y kathina, quả báu đặc biệt phát sanh không những cho thí chủ, mà còn có quả báu đặc biệt phát sanh đến cho chư Tỳ khưu Tăng thọ thí nữa.

Ðức Phật cho phép chư Tỳ khưu Tăng, sau khi đã an cư nhập hạ một nơi suốt 3 tháng mùa mưa, không bị đứt hạ, chư Tỳ khưu Tăng có thể thọ nhận y kathina, trong thời gian hạn định chỉ một tháng kể từ ngày 16 tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch.

Như vậy, trong một năm có 12 tháng, chỉ có 1 tháng (kể từ ngày 16 tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch) làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng; còn 11 tháng khác không làm lễ dâng y kathina được. Trong 1 tháng có 30 ngày, chư Tỳ khưu Tăng ở trong một ngôi chùa (hoặc một nơi nào) chỉ có thể thọ nhận y kathina một lần trong một ngày nào đó mà thôi, còn lại 29 ngày khác không thể thọ nhận y kathina được.

Cho nên, thí chủ có cơ hội làm phước dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng có được nhiều phước thiện, có nhiều quả báu đặc biệt hơn các sự bố thí khác.

Nhóm bố thí có ba loại:

Ví dụ:

Hīnadāna – Majjhimadāna – Paṇītadāna.

- Hīnadāna: bố thí bậc thấp: trong khi bố thí thiện tâm hợp với 4 pháp là:

* Chanda: tâm hài lòng trong việc bố thí,

* Vīriya: tinh tấn trong việc bố thí,

* Citta: quyết tâm trong việc bố thí,

* Vimanisa: trí tuệ hiểu biết rõ nghiệp và quả của nghiệp,

có tính chất thấp kém, nên gọi bố thí bậc thấp, có quả báu bậc thấp.

- Majjhimadāna: bố thí bậc trung: trong khi bố thí, thiện tâm hợp với 4 pháp: hài lòng, tinh tấn, quyết tâm, trí tuệ, có tính chất trung bình, nên gọi bố thí bậc trung, có quả báu bậc trung.

- Paṇītadāna: bố thí bậc cao quý: trong khi bố thí, thiện tâm hợp với 4 pháp: hài lòng, tinh tấn, quyết tâm, trí tuệ có tính chất cao quý, nên gọi bố thí bậc cao quý, có quả báu bậc cao quý.

Dānadāsi – Dānasahāya – Dānasāmi.

- Dānadāsi: bố thí như cho đến kẻ tôi tớ: thí chủ thường dùng những đồ tốt, còn đem những đồ xấu bố thí đến người khác. Ví như người chủ dùng đồ tốt, còn cho đồ xấu đến kẻ tôi tớ.

- Dānasahāya: bố thí như tặng đến bạn thân: thí chủ dùng những đồ vật như thế nào, bố thí đến người khác những đồ vật như thế ấy. Ví như thí chủ dùng những đồ vật như thế nào, tặng cho bạn thân những đồ vật cũng như thế ấy.

- Dānasāmi: bố thí như biếu đến người chủ: thí chủ thường dùng những đồ vật xấu, còn đem những đồ vật tốt, quý giá bố thí cúng dường đến người khác. Ví như người nhỏ kính biếu những đồ vật quý giá đến người lớn, bậc đáng kính trọng.

Mỗi loại phước thiện bố thí đều có quả báu thấp, trung, cao khác nhau. v.v....

Bậc Thiện trí bố thí có 5 chi

1- Saddhadāna: bậc Thiện trí bố thí có đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp.

Bố thí bằng đức tin này có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là có sắc thân xinh đẹp, đáng chiêm ngưỡng.

2- Sakkaccadāna: bậc Thiện trí bố thí bằng sự cung kính, và vật thí phát sanh một cách trong sạch.

Bố thí bằng sự cung kính có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là toàn thể gia đình vợ con, tôi tớ, bà con, bạn bè, thuộc hạ... cả thảy đều ngoan ngoãn vâng lời, dễ dạy.

3- Kāladāna: bậc Thiện trí bố thí đúng thời, đúng lúc như trong các lễ dâng y tắm mưa, dâng y kathina, bố thí đến Tỳ khưu khách, Tỳ khưu đi xa, Tỳ khưu bệnh, người bệnh, người đang đói khát....

Bố thí cúng dường đúng thời, đúng lúc, có quả báu giàu sang phú quý; và đặc biệt nhất là có quả báu tốt lành từ thuở ấu niên cho đến lão niên, có những vật mà người khác khó có, được những vật mà người khác khó được....

4- Anuggahadāna: bậc Thiện trí bố thí với tâm tế độ người thọ thí.

Bố thí với tâm tế độ, có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là quan tâm đến sự hưởng thụ của cải cho được an lạc.

5- Anupahaccadāna: bậc Thiện trí bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người.

Bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là tất cả của cải không bị thiệt hại do bởi lửa thiêu hủy, không bị nước ngập lụt cuốn trôi, không bị kẻ trộm cướp chiếm đoạt, không bị Ðức Vua tịch thu, không bị người không ưa thích tranh giành.

Như trong kinh Sappurisadānasutta [Aṅguttaranikāya, phần 5 chi, kinh Sappurisadānasutta], Ðức Phật dạy:

Này chư Tỳ khưu, bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí bằng đức tin trong sạch sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt là người có sắc thân rất xinh đẹp, có màu da mịn màng trắng trẻo sạch sẽ, đáng để cho mọi người ngưỡng mộ.

Bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí bằng sự cung kính sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt vợ con tôi tớ, người làm công, bè bạn, v.v... đều lắng nghe và cung kính vâng lời làm theo lời khuyên dạy.

Bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí hợp thời, hợp lúc, sẽ được quả báu nhiều tiền của giàu sang phú quý và đặc biệt khi cần được thứ gì sẽ có được thứ ấy theo sự mong muốn của mình.

Bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí với tâm tế độ người thọ thí, sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đaëc biệt là người ấy thường quan tâm đến sự thọ hưởng của cải, đầy đủ sung túc ngũ trần.

Bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí không làm khổ đến mình và người sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý, và đặc biệt tất cả của cải tài sản không bị thiệt hại bởi lửa cháy, nước lụt, trộm cướp, vua chiếm đoạt và kẻ không ưa thích phá hoại.

Này các Tỳ khưu đó là 5 cách phước thiện bố thí của bậc Thiện trí và quả báu của nó.

Hạng người thiểu trí bố thí có 5 chi

1- Asaddhadāna: người thiểu trí bố thí không có đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp.

Bố thí không có đức tin này cũng có quả báu giàu có, nhưng có sắc thân xấu xí không đáng ngưỡng mộ.

2- Asakkaccadana: người thiểu trí bố thí không cung kính, vật thí phát sanh không trong sạch.

Bố thí không cung kính cũng cho quả báu giàu có, nhưng lời nói bị coi thường, những người trong gia đình cũng như người khác không vâng lời làm theo.

3- Akāladāna: người thiểu trí bố thí cúng dường không đúng thời, không đúng lúc.

Bố thí không đúng thời, không đúng lúc cũng có quả báu giàu có, nhưng khi cần đến vật gì, không được vật ấy như ý.

4- Anuggahadāna: người thiểu trí bố thí không có tâm tế độ.

Bố thí không có tâm tế độ cũng có quả báu giàu có, nhưng tâm không nghĩ đến sự hưởng thụ của cải cho được an lạc.

5- Upahaccadāna: người thiểu trí bố thí làm khổ mình, khổ người.

Bố thí làm khổ mình, khổ người cũng có quả báu giàu có, nhưng của cải dễ bị thiệt hại do bởi lửa thiêu hủy, nước ngập lụt cuốn trôi, bị kẻ trộm cướp chiếm đoạt, Ðức Vua tịch thu, người không ưa thích phá hoại.

5 đại thí (mahādāna)

1- Không sát sanh gọi là đại thí. Bởi vì người không sát sanh là người bố thí sự an toàn tánh mạng cho tất cả chúng sinh, dầu nhỏ hay lớn; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả chúng sinh.

2- Không trộm cắp gọi là đại thí. Bởi vì người không trộm cắp là người bố thí sự an toàn của cải riêng của mọi người, lẫn của chung của xã hội, của quốc gia dân tộc; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả mọi người.

3- Không tà dâm gọi là đại thí. Bởi vì người không tà dâm với vợ chồng của người khác, là người bố thí sự an toàn, tôn trọng hạnh phúc gia đình của người khác; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả mọi người.

4- Không nói dối gọi là đại thí. Bởi vì người không nói dối người khác là người bố thí lời chân thật, đem lại niềm tin đối với mọi người; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả mọi người.

5- Không uống rượu và chất say, nhân sanh dể duôi quên mình gọi là đại thí. Bởi vì người không uống rượu và chất say, là người có trí nhớ, trí tuệ, biết mình không làm những điều tội ác như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối... là người bố thí sự an toàn cho tất cả chúng sinh; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả chúng sinh.

Năm đại thí này có quả báu lớn là được vẹn toàn tất cả như: không bị tai hại, không bị oan trái, không ai làm khổ mình....

Trường Cửu Thí (thāvaradāna)

Trường cửu thí: là bố thí những vật có tính chất bền vững lâu dài theo thời gian và không gian, thì phước thiện bố thí cũng tăng trưởng theo thời gian và không gian ấy. Nghĩa là, vật thí còn tồn tại chừng nào, thì phước thiện ngày đêm cũng tăng trưởng chừng ấy.

Trường cửu thí (thāvaradāna) có 6 loại:

1- Ārāmaropadāna: làm phước thiện bố thí trồng những cây ăn quả, những cây cho bóng mát ở trong vườn.

2- Vanaropadāna: làm phước thiện bố thí trồng cây gỗ quý như: cẩm lai, cây sao... thành rừng cây.

3- Setukārakadāna: làm phước thiện bố thí xây cầu nối liền hai bên bờ sông để người qua lại được thuận lợi ngày đêm.

4- Papadāna: làm phước thiện bố thí hũ nước uống đặt bên đường để cho người qua, kẻ lại uống đỡ khát nước.

5- Udapānadāna: làm phước thiện bố thí đào giếng lấy nước dùng, nước uống cho mọi người.

6- Upassayadāna: làm phước bố thí xây cất nhà nghỉ, nhà trọ, chùa, chỗ ở dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng từ bốn phương.

Những vật thí này có tính chất bền vững lâu dài theo thời gian và không gian, gọi là trường cửu thí, đem lại sự lợi ích, sự an lạc cho mọi người. Cho nên, phước thiện của thí chủ được tăng trưởng suốt ngày đêm không ngừng nghỉ.

Quả Báu Bố Thí

Trong kinh Dānānisaṃsasutta [Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Dānānisaṃsāsutta] dạy:

Thí chủ làm phước thiện bố thí có được 5 quả báu kiếp hiện tại và kiếp vị lai như sau:

1- Thí chủ được nhiều người hài lòng kính mến.
2- Bậc Thiện trí thường gần gũi tế độ thí chủ.
3- Tiếng lành, tiếng tốt của thí chủ được lan truyền.
4- Thí chủ không sao nhãng việc hành pháp của người tại gia.
5- Thí chủ sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả được tái sanh nơi cõi trời dục giới, hưởng sự an lạc trong cõi trời.

Quả báu phước thiện bố thí vật thực

Trong kinh Bhojanadānasutta [Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Bhojanadānasutta] dạy:

Thí chủ làm phước thiện bố thí vật thực, gọi là bố thí 5 pháp đến cho người thọ thí.

1- Bố thí sự sống lâu: nhờ vật thực nên duy trì được mạng sống.
2- Bố thí sắc đẹp: nhờ vật thực nên mặt mày tươi tỉnh, sắc thân hồng hào xinh đẹp.
3- Bố thí sự an lạc: nhờ vật thực nên thân tâm có được sự an lạc.
4- Bố thí sức mạnh: nhờ vật thực nên có được sức mạnh của thân, tâm.
5- Bố thí trí tuệ: nhờ vật thực nên tâm được an tịnh, trí tuệ sáng suốt.

Khi thí chủ bố thí sự sống lâu rồi, sẽ có được tuổi thọ sống lâu trong cõi người và tuổi thọ trong cõi trời.

Khi bố thí sắc đẹp rồi, sẽ có được sắc đẹp trong cõi người và sắc đẹp trong cõi trời.

Khi bố thí sự an lạc rồi, sẽ có được thân tâm an lạc trong cõi người và an lạc trong cõi trời.

Khi bố thí sức mạnh rồi, sẽ có được sức mạnh của thân tâm trong cõi người và sức mạnh của thân tâm trong cõi trời.

Khi bố thí trí tuệ rồi, sẽ có được trí tuệ, có tài ứng đối nhanh, khiến cho người nghe kính phục.

Quả báu bố thí trong kiếp hiện tại

Kinh Sīhasenāpatisutta [Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Sīhasenāpatisutta] dạy:

Một thuở nọ Ðức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa trong khu rừng lớn gần thành Vesāli. Khi ấy, vị thừa tướng Sīha đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn bèn bạch rằng:

Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài có thể thuyết giảng cho con thấy được quả báu của sự bố thí ngay trong kiếp hiện tại không?

- Ðức Phật dạy rằng: Có thể được!

Này thừa tướng Sīha, thí chủ là người được phần đông mọi người thương yêu kính mến. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong kiếp hiện tại.

Này thừa tướng Sīha, chư bậc Thiện trí thường đến tế độ thí chủ. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong kiếp hiện tại.

Này thừa tướng Sīha, danh thơm tiếng tốt của thí chủ được lan truyền khắp mọi nơi. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong kiếp hiện tại.

Này thừa tướng Sīha, thí chủ đi vào hội đoàn nào như Vua chúa, Sa môn, Bà la môn, cư sĩ có tâm dũng cảm, không rụt rè. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong kiếp hiện tại.

Này thừa tướng Sīha, thí chủ sau khi chết, do phước bố thí cho quả được tái sanh cõi thiện giới, cõi trời dục giới. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong những kiếp sau.

Nghe Ðức Thế Tôn thuyết giảng như vậy, vị thừa tướng Sīha bạch rằng:

Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài thuyết giảng quả báu bốn điều trước, không phải con tin, mà chính con đã thấy rằng: con là thí chủ được phần đông mọi người thương yêu kính mến, chư bậc Thiện trí thường đến tế độ con, danh thơm tiếng tốt của con được lan truyền khắp mọi nơi rằng: "Thừa tướng Sīha là thí chủ thường cúng dường đến chư Ðại Ðức Tăng...", con đi vào hội đoàn Vua chúa, Sa môn, Bà la môn, cư sĩ với tâm dũng cảm, không rụt rè.

Kính bạch Ðức Thế Tôn, bốn quả báu của phước bố thí mà con đã thấy rõ trong kiếp hiện tại này, đúng như những điều mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng. Và điều thứ năm mà Ngài thuyết giảng: "Thí chủ sau khi chết, do phước bố thí cho quả được tái sanh cõi thiện giới, cõi trời dục giới", điều ấy con chưa thấy, nhưng con có đức tin theo Ðức Thế Tôn.

Ðức Phật khẳng định lại một lần nữa rằng:

Ðúng như vậy! Này thừa tướng Sīha.

Ðúng như vậy! Này thừa tướng Sīha, thí chủ sau khi chết, do phước bố thí cho quả được tái sanh cõi thiện giới, cõi trời dục giới,....




Những Ðại Thí Chủ Xuất Sắc về Hạnh Bố Thí

TÍCH ÔNG PHÚ HỘ ANĀTHAPIṆḌIKA

Tiền thân của ông phú hộ Anāthapiṇṇika là một cận sự nam trong thời Ðức Phật Padumuttara [thời kỳ Ðức Phật Padumuttara thời gian cách Ðức Phật Gotama 100 ngàn đại kiếp, trải qua 14 Ðức Phật tuần tự xuất hiện trên thế gian] xuất hiện trên thế gian. Một hôm, ông ngồi lắng nghe Ðức Phật thuyết pháp; nhân dịp ấy, Ðức Phật tuyên dương công đức một cận sự nam là thí chủ xuất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí, trong hàng cận sự nam thí chủ đệ tử của Ngài. Nghe thấy xong, ông vô cùng hoan hỉ, có nguyện vọng muốn trở thành người cận sự nam thí chủ xuất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí, trong hàng cận sự nam của một Ðức Phật trong thời vị lai.

Người cận sự nam (tiền thân của ông phú hộ Anāthapiṇṇika) ấy, kính thỉnh Ðức Phật Padumuttara cùng chư Ðại Ðức Tăng làm phước thiện bố thí, ông phát nguyện muốn trở thành người cận sự nam thí chủ xuất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí, như người cận sự nam thí chủ của Ngài. Ðức Phật Padumuttara dùng Phật nhãn thấy rõ kiếp vị lai của người cận sự nam này nên thọ ký rằng:

Thời vị lai, Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, người cận sự nam này sẽ trở thành cận sự nam thí chủ suất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí, trong hàng cận sự nam của Ðức Phật Gotama.

Người cận sự nam ấy vô cùng hoan hỉ tạo mọi phước thiện bố thí cho đến trọn đời.

Từ thời kỳ Ðức Phật Padumuttara cho đến Ðức Phật Gotama thời gian cách 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua 14 Ðức Phật, người cận sự nam ấy, trong vòng tử sanh luân hồi, do phước thiện cùng nguyện lực thường được tái sanh làm thiên nam trong cõi trời, hoặc người nam cõi người, trong gia đình phú hộ, có đức tin trong sạch, thường hoan hỉ trong việc làm phước thiện bố thí.

Kiếp hiện tại, tái sanh làm con trai trong gia đình phú hộ Sumana, cha mẹ đặt tên Sudatta. Cậu Sudatta, con phú hộ, lập ra một trại bố thí, hằng ngày phân phát vật thực cho những người cô độc không nơi nương tựa. Do đó, người đời tặng ông cái tên mới Anāthapiṇṇika, về sau, phần đông mọi người biết đến tên mới này, còn tên cũ do cha mẹ đặt ít ai biết đến.

Một lần, phú hộ Anāthapiṇṇika dẫn đầu 500 cỗ xe chở hàng đến kinh thành Rājagaha, bán cho phú hộ trong kinh thành ấy, vốn là anh em rể với nhau.

Trong dịp ấy, phú hộ Anāthapiṇṇika được nghe tin lành "Buddho" Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian, vừa nghe danh hiệu "Buddho" ông phát sanh hỉ lạc chưa từng có, nghĩ rằng: "trong thế gian này nghe được danh hiệu "Buddho" hiếm có lắm, khó lắm!". Ông muốn đến hầu Ðức Phật ngay, nhưng vì ban đêm không tiện, nên nằm chờ đến sáng. Trong lúc nằm ông chỉ niệm tưởng đến Ân Ðức Phật "Buddho", nên tâm phát sanh ánh sáng, ông tưởng đã gần sáng liền thức dậy, ông đi đến hầu Ðức Phật vào canh chót đêm.

Ðức Phật biết rõ ông Anāthapiṇṇika sắp đến, Ngài đi kinh hành xong ngồi chờ ông. Ông vừa đến gần, Ðức Phật gọi:

- Ehi Sudatta! Này Sudatta, con hãy lại đây!

Nghe Ðức Phật gọi đích danh Sudatta, ông vô cùng hoan hỉ, bởi từ lâu mọi người chỉ biết ông với cái tên Anāthapiṇṇika mà thôi; còn tên thật của ông do cha mẹ đặt, mọi người không ai nhắc đến. Nay, nghe Ðức Phật gọi tên thật của mình, nên ông liền phát sanh đức tin trong sạch, hết lòng tôn kính Ðức Phật, đến hầu đảnh lễ dưới hai bàn chân của Ngài.

Khi ấy, Ðức Phật thuyết pháp tế độ ông, ông lắng nghe, thực hành theo liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, ông tán dương ca tụng Ðức Phật rằng:

Kính bạch Ðức Thế Tôn, con thật vô cùng hoan hỉ!

Kính bạch Ðức Thế Tôn, con thật vô cùng hoan hỉ!

Ðức Thế Tôn thuyết pháp bằng nhiều phương pháp khác nhau, ví như lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng chặt, hoặc chỉ đường cho người đang lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối cho người có đôi mắt sáng được nhìn thấy tất cả mọi vật hiện hữu.

Con xin nguyện hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Ðức Thế Tôn, nơi Ðức Pháp, nơi Ðức Tăng.

Kính xin Ðức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã quy y Tam bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

Ông Anāthapiṇṇika đã quy theo cách siêu tam giới quy y (lokuttarasaraṇagamana).

Ông kính thỉnh Ðức Phật cùng 1.000 chư Ðại Ðức Tăng cúng dường vật thực vào hôm sau. Nhân dịp ấy, ông kính thỉnh Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng ngự đến kinh thành Sāvatthi để tế độ dân chúng nơi đó. Ðức Phật nhận lời bằng cách làm thinh.

Từ kinh thành Rājagaha đến kinh thành Sāvatthi cách xa 45 do tuần [1 do tuần khoảng 20.482,56 mét hoặc 12,72 miles]. Mỗi do tuần ông bỏ ra số tiền 100 ngàn kahāpana (tiền Ấn) nhờ những người bạn thân xây cất một ngôi chùa, để Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng nghỉ chân. Khi ông về đến kinh thành Sāvatthi, ông chọn khu vườn của ông hoàng Jeta, rồi mua khoảng đất ấy, bằng cách lót vàng trên mặt đất, ông đã xuất kho vàng trị giá khoảng 180 triệu đồng vàng để mua đất, 180 triệu để xây cất ngôi chùa, đặt tên chùa Jetavana, và chi phí thêm số tiền 180 triệu để tổ chức lễ khánh thành dâng ngôi chùa ấy đến chư Tăng tứ phương, có Ðức Phật chủ trì chứng minh và làm phước bố thí kéo dài suốt 3 tháng.

Như vậy, đại thí chủ Anāthapiṇṇika hiến dâng tổng số tiền 540 triệu làm phước bố thí: mua đất, cho xây cất chùa Jetavana và tổ chức lễ khánh thành, làm phước bố thí.

Trong tư thất của ông thường có làm các loại bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng như:

Hằng ngày dâng vật thực bằng thẻ có 500 vị.
Hằng tháng dâng vật thực 2 kỳ có 500 vị, vào ngày rằm và cuối tháng.
Hằng ngày dâng cháo sáng bằng thẻ có 500 vị.
Hằng tháng dâng cháo sáng 2 kỳ có 500 vị, vào ngày rằm và cuối tháng.
Hằng ngày dâng vật thực đến 500 vị.
Dâng vật thực cho Tỳ khưu khách mới đến 500 vị.
Dâng vật thực cho Tỳ khưu sắp đi xa 500 vị.
Dâng vật thực cho Tỳ khưu bệnh 500 vị.
Dâng vật thực cho Tỳ khưu nuôi Tỳ khưu bệnh 500 vị.

Như vậy, trong tư thất phú hộ Anāthapiṇṇika luôn luôn sửa soạn sẵn 500 chỗ ngồi để đón tiếp chư Tỳ khưu.

Trong dịp chư Tăng hội họp, Ðức Phật tuyên dương công đức ông phú hộ Anāthapiṇṇika:

"Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ upāsakānaṃ dāyakānaṃ yadidaṃ Sudatto gahapati Anāthapiṇṇiko".

"Này chư Tỳ khưu, trong hàng nam Thanh Văn cận sự nam của Như Lai, Anāthapiṇṇika tên thật Sudatta là người cận sự nam thí chủ xuất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí".

Phú hộ Anāthapiṇṇika, mỗi ngày 2-3 lần đến chùa Jetavana hầu Ðức Phật hoặc thăm viếng chư Ðại Ðức, Tỳ khưu, Sa di, nếu có bận rộn nhiều công việc, thì ít nhất cũng một lần, không có ngày nào mà ông không đến chùa, thành thói quen thường ngày của ông. Mỗi lần đến chùa, ông phú hộ thường mang theo những vật dụng cần thiết dâng cúng đến Ðức Phật, hoặc chư Tỳ khưu, Sa di.

Ðến ngày cuối cùng cuộc đời ông phú hộ Anāthapiṇṇika đang lâm bệnh nặng, nằm trên giường, không thể đến chùa được, ông nhờ một người thân tín bảo rằng:

Này con, con hãy đến chùa, đảnh lễ dưới chân Ðức Thế Tôn bạch rằng: "Ông Anāthapiṇṇika đang lâm bệnh nặng, sắc thân thọ khổ, nhờ con thay ông đến đảnh lễ dưới chân Ngài.

Và con đến đảnh lễ dưới chân Ngài Ðại Ðức Sāriputta bạch rằng: "Ông Anāthapiṇṇika đang lâm bệnh nặng, sắc thân thọ khổ, nhờ con thay ông đảnh lễ dưới chân Ngài, kính thỉnh Ngài đến nhà ông với tâm bi tế độ ông".

Ngài Sāriputta nhận lời bằng cách làm thinh, rồi gọi Ðại Ðức Ānanda cùng đi theo đến nơi biệt thự của ông Anāthapiṇṇika, thăm hỏi bệnh tình của ông, Ngài Sāriputta thuyết pháp tế độ ông. Ông vô cùng hoan hỉ theo lời dạy của Ngài Ðại Ðức Sāriputta.

Phú hộ Anāthapiṇṇika vô cùng cảm kích trước tấm lòng bi mẫn của Ngài Ðại Ðức Sāriputta, đã đến thuyết pháp tế độ ông trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta với Ngài Ðại Ðức Ānanda từ giã ông phú hộ Anāthapiṇṇika không lâu, thì ông phú hộ Anāthapiṇṇika từ giã cuộc đời. Sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm thiên nam ở cõi trời Tusita (Ðâu suất đà thiên), có sắc thân hào quang sáng ngời, trong lâu đài nguy nga tráng lệ đặc biệt hơn các thiên nam khác.

Vào canh chót đêm hôm ấy, thiên nam Anātha-piṇṇika từ cõi trời Tusita hiện xuống chùa Jetavana với ánh hào quang sáng ngời, đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, đứng một nơi hợp lẽ, tán dương Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng, tán dương ân đức Ngài Ðại Ðức Sāriputta, rồi đảnh lễ Ðức Thế Tôn xin phép trở về cõi Tusita.

Sáng hôm sau, Ðức Phật dạy chư Tỳ khưu rằng:

- Này chư Tỳ khưu, canh chót đêm qua, có vị thiên nam đến hầu đảnh lễ Như Lai, đứng một nơi hợp lẽ, tán dương Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng, tán dương ân đức Sāriputta, rồi đảnh lễ Như Lai xin phép trở về cõi trời Tusita.

Ngài Ðại Ðức Ānanda đoán biết vị thiên nam ấy là ai, nên bạch Ðức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, có phải vị thiên nam ấy là vị thiện nam Anāthapiṇṇika không? Bạch Ngài.

Ðức Thế Tôn dạy:

- Ðúng vậy Ānanda! Vị thiên nam ấy chính là Anāthapiṇṇika.

Vị thiên nam Anāthapiṇṇika là 1 trong 7 vị Thánh Nhập Lưu đặc biệt, có lời phát nguyện xin thọ hưởng sự an lạc tuần tự các tầng trời dục giới cho đến các tầng trời sắc giới tột cùng, cõi Sắc cứu cánh thiên, sẽ tịch diệt Niết Bàn nơi cõi này. Do đó, vị thiên nam Anāthapiṇṇika, khi tái sanh đến cõi Tha hoá tự tại thiên, tầng trời thứ 6 tột cùng của cõi trời dục giới, vị thiên nam ấy tiến hành thiền định chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, cho quả tái sanh làm phạm thiên cõi trời sắc giới Phạm chúng thiên (Brahmaparisajjā); tiếp tục tiến hành thiền định chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới, cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới đệ nhị thiền; chứng đắc đệ tam thiền sắc giới, cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới đệ tam thiền; và tiếp tục chứng đắc đệ tứ thiền sắc giới đồng thời chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo – Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo – Bất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai được tái sanh lên tầng trời sắc giới Tịnh cư thiên (Suddhavāsa) có 5 tầng trời theo tuần tự Vô phiền thiên – Vô nhiệt thiên – Thiện hiện thiên – Thiện kiến thiên và đến tầng Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭhā) tột cùng cõi trời sắc giới, sẽ chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, hưởng hết tuổi thọ 16.000 đại kiếp rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới.

TÍCH BÀ ÐẠI THÍ CHỦ VISĀKHĀ

Ở thời kỳ Ðức Phật Padumuttara, tiền kiếp bà cận sự nữ Visākhā đã từng phát nguyện mong trở thành cận sự nữ đại thí chủ, xuất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí trong hàng cận sự nữ của một Ðức Phật trong thời vị lai. Bà được Ðức Phật Padumuttara thọ ký.

Từ kiếp đó về sau, trong vòng tử sanh luân hồi suốt 100 ngàn đại kiếp, do thiện nghiệp cho quả thường tái sanh làm thiên nữ cao quý cõi trời hoặc cõi người là con gái trong gia đình phú hộ, bà có đức tính hoan hỉ trong việc bố thí.

Kiếp hiện tại, tái sanh làm con gái của phú hộ Dhanañjaya tại kinh thành Bhaddiya, xứ Aṅga, đặt tên là Visākhā. Cô Visākhā mới lên bảy tuổi đi cùng với ông nội, phú hộ Meṇṇaka, đến nghe Ðức Phật thuyết pháp xong, cô cùng với 500 cô bạn gái đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, ông phú hộ Meṇṇaka cũng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu cùng lúc ấy.

Theo sự yêu cầu của đức vua Pasenadikosala xứ Sāvatthi, toàn thể gia đình của cô Visākhā di chuyển đến xứ Sāvatthi, tạo lập thành phố Sāketa sinh sống.

Cô Visākhā trưởng thành kết hôn cùng với cậu Puṇṇavaṇṇhana con trai của phú hộ Migāra trong xứ Sāvatthi.

Cô về làm dâu trong gia đình Migāra, là gia đình theo phái ngoại đạo loã thể, không có đức tin nơi Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng.

Một hôm, chư Ðại Ðức đi khất thực đứng trước ngôi biệt thự cha chồng, cha chồng vẫn ngồi dùng vật thực ngon lành không hề quan tâm đến vị Ðại Ðức khất thực, nàng Visākhā nhìn thấy vậy nên bạch rằng:

- Aticchatha Bhante, mayhaṃ sasuro purāṇam khādati
[Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện Visākhāvatthura].

Kính bạch Ngài, kính thỉnh Ngài hoan hỉ sang nhà khác, cha chồng của con dùng đồ cũ.

Ông phú hộ Migāra nghe con dâu của mình nói "Purāṇam khādati: dùng đồ cũ", ông hiểu ý nghĩa là "Asucikhādakaṃ: dùng đồ dơ". Ông tức giận quyết định đuổi nàng dâu ra khỏi nhà. Nhưng không dễ dàng như ông nghĩ, vì khi cô Visākhā về nhà chồng, thân phụ của cô gởi theo 8 vị luật sư. Mỗi khi xảy ra chuyện gì có 8 vị luật sư xét xử cô có tội hay vô tội.

Ông phú hộ Migāra mời 8 vị luật sư xét hỏi về điều cô nói "Purāṇam khādati" có ý nghĩa gì?

Cô Visākhā giải thích rằng:

- Mayhaṃ sasuro imasmiṃ attabhāve puññaṃ na karoti, purāṇapuññameva khādati
[Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện Visākhāvatthura].

"Cha chồng của con, kiếp hiện tại này không làm phước thiện bố thí, chỉ hưởng quả của phước thiện bố thí cũ mà thôi.", hoàn toàn không có ý "dùng đồ dơ" như ông hiểu lầm. Như vậy, các luật sư phán xét cô hoàn toàn vô tội. Ông Migāra trình bày những lỗi khác của nàng dâu; những luật sư xét xử cô đều vô tội, chẳng qua là sự hiểu lầm của phú hộ mà thôi.

Cô Visākhā thưa rằng:

- Kính thưa quý vị luật sư, trước đây, cha chồng của con hiểu lầm rằng con có tội, đuổi con ra khỏi nhà. Qua sự xét xử, con là người hoàn toàn vô tội, nay con xin từ giã ngôi biệt thự này, trở về nhà cha mẹ của con.

Ông phú hộ Migāra khẩn khoản xin con dâu miễn chấp rằng:

- Này con, cha đã hiểu lầm, nên bắt tội con, nay cha đã biết mình có lỗi đối với con, xin con miễn chấp lỗi cho cha.

Nàng Visākhā thưa với cha chồng rằng:

- Thưa cha, con sẵn sàng miễn chấp lỗi của cha, xin cha cho con một đặc ân: con là người cận sự nữ đã quy y Tam bảo, có đức tin vững chắc nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng. Cho nên, con không thể sống thiếu Ðức Phật, thiếu nghe pháp, và thiếu tạo phước thiện bố thí cúng dường đến chư Ðại Ðức Tăng. Nếu cha muốn con ở lại đây, xin cha cho phép con được chiêm bái Ðức Phật, nghe pháp, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Ðại Ðức Tăng. Nếu không con sẽ rời khỏi nơi đây.

- Này con, cha chấp thuận theo yêu cầu của con, con được chiêm bái Ðức Phật, nghe pháp và thỉnh chư Ðại Ðức Tăng về nhà làm phước. – Ông phú hộ Migāra bảo.

Hôm sau, nàng Visākhā thỉnh Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng đến nhà dâng cúng vật thực. Khi thọ thực xong, nàng Visākhā cho người mời cha chồng đến nghe Ðức Phật thuyết pháp. Ông sửa soạn đi, thì vị Ðạo Sư phái ngoại đạo loã thể ngăn lại. Mặc dầu vậy, Ðức Phật thuyết pháp ông vẫn nghe rõ ràng từng tiếng, từng câu. Khi Ðức Phật thuyết pháp xong, ông liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu ngay khi ấy.

Ông phú hộ Migāra đến hầu Ðức Phật, đảnh lễ dưới hai bàn chân Ngài bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con là Migāra! Bạch Ngài.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, con là Migāra! Bạch Ngài.

Trước sự hiện diện của Ðức Phật, ông thưa với nàng dâu rằng:

- Này con, kể từ nay con ở ngôi vị là mẹ của ta.

Từ đó nàng Visākhā thêm vào tên là Visākhā Migāramātā: nàng Visākhā mẹ phú hộ Migāra.

Bà Visākhā Migāramātā có 20 đứa con: 10 con trai và 10 con gái. Mỗi đứa con trai, mỗi đứa con gái có 20 người con: 10 con trai và 10 con gái. Mỗi cháu trai, mỗi cháu gái lại có 20 người con: 10 con trai, 10 con gái. Như vậy, bà Visākhā Migāramātā có 20 người con, 400 người cháu và 8.000 người chắt.

Bà Visākhā Migāramātā thường hoan hỉ trong mọi phước thiện bố thí.

Một thuở nọ, bà đến đảnh lễ Ðức Phật xin phép 8 đặc ân:

1- Xin dâng y tắm mưa đến chư Tỳ khưu trọn đời.
2- Xin dâng vật thực đến chư Tỳ khưu khách mới đến.
3- Xin dâng vật thực đến chư Tỳ khưu sắp đi xa.
4- Xin dâng vật thực đến chư Tỳ khưu lâm bệnh.
5- Xin dâng vật thực đến chư Tỳ khưu nuôi Tỳ khưu bị bệnh.
6- Xin dâng thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu mắc bệnh.
7- Hằng ngày xin dâng cháo buổi sáng đến chư Tỳ khưu.
8- Xin dâng y tắm đến chư Tỳ khưu ni Tăng.

Tám đặc ân này được Ðức Phật cho phép, bà Visākhā vô cùng hoan hỉ trong mọi việc làm phước thiện bố thí này.

Một dịp nọ, đến chùa nghe Ðức Phật thuyết pháp, bà Visākhā mang theo một tấm choàng mahālatā kết bằng những viên ngọc quý. Bà cởi trao cho đứa tớ gái, vào đảnh lễ Ðức Thế Tôn, ngồi nghe pháp, nghe xong, bà đảnh lễ Ðức Thế Tôn xin phép đi về, cô tớ gái đi về theo, để quên lại tấm choàng mahālatā tại giảng đường. Sau khi tất cả mọi người đi về hết, Ngài Ðại Ðức Ānanda nhìn thấy tấm choàng của bà Visākhā để quên lại, bạch Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, bà Visākhā đã về, để quên tấm choàng lại. Bạch Ngài.

Ðức Thế Tôn dạy rằng:

– Này Ānanda con nên để một nơi hợp lẽ.

Bà Visākhā đi thăm viếng Tỳ khưu bệnh, Tỳ khưu trẻ, Sa di.... Bà bảo đứa tớ gái mang tấm choàng trở về. Cô tớ gái đã để quên tấm choàng lại trong giảng đường nên thưa:

– Thưa bà chủ, con đã để quên tấm choàng.

Bà Visākhā dạy rằng:

– Này con, con đi đến chùa lấy tấm choàng đem về, nhưng nếu Ngài Ðại Ðức Ānanda đã đem tấm choàng cất, thì con không nên lấy lại, ta xin dâng Ngài Ānanda tấm choàng ấy, nghe con!

Ngài Ðại Ðức Ānanda nhìn thấy cô tớ gái liền hỏi rằng:

– Này con, con đến đây để làm gì?

– Bạch Ngài Ðại Ðức, con để quên tấm choàng của bà chủ, nên trở lại đây để lấy. – Cô tớ gái thưa.

– Này con, bần tăng đã đem treo ở chỗ kia, con hãy đến lấy đem về.

– Kính bạch Ngài Ðại Ðức, bà chủ con dặn rằng: nếu Ngài Ðại Ðức đã đụng chạm vào tấm choàng ấy rồi, thì bà xin dâng Ngài tấm choàng ấy.

Cô tớ gái trở về, không mang theo tấm choàng, thưa lại với bà chủ sự việc trên.

Bà Visākhā dạy cô tớ gái rằng:

– Này con, tấm choàng ấy Ngài Ðại Ðức đã đụng chạm, ta đã dâng đến Ngài rồi, như vậy, Ngài phải giữ gìn nó là một điều vất vả. Vì vậy, con hãy đến đem tấm choàng ấy về đây bán nó, để sắm những vật dụng cần thiết dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng.

Nghe theo lời dạy của bà Visākhā, cô tớ gái đến chùa đem tấm choàng ấy về trao lại cho bà.

Bà Visākhā đem bán tấm choàng mahālatā kết bằng những viên ngọc quý với giá 90 triệu 100 ngàn đồng vàng. Với giá ấy, không có một nhà phú hộ nào có khả năng mua nổi tấm choàng ấy. Cuối cùng, chính bà Visākhā mua lại nó với giá 90 triệu 100 ngàn đồng vàng, bà đến bạch Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài Ðại Ðức Ānanda dùng tay đụng tấm choàng của con, để cất giữ, nên con không dám lấy lại; con xin xả tấm choàng ấy bằng cách bán nó, để sắm những vật dụng hợp pháp cần thiết dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng.

Kính bạch Ðức Thế Tôn, ngoài con ra, không có một ai mua nổi với giá 90 triệu 100 ngàn đồng vàng. Vậy chính con mua lại tấm choàng ấy với giá đó. Bạch Ngài.

Kính bạch Ðức Thế Tôn, trong bốn thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh, thứ nào cần thiết nhất? Bạch Ngài.

Ðức Thế Tôn dạy:

– Này Visākhā con! Vậy con nên xây cất một ngôi chùa gần phía Ðông cửa thành Sāvatthī, để dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng.

Vô cùng hoan hỉ, vâng theo lời dạy của Ðức Thế Tôn, bà mua đất giá 90 triệu đồng vàng, cho xây cất ngôi chùa "Pubbārāma". Dưới sự chỉ dẫn của Ngài Ðại Ðức Mahāmogallāna, công trình xây dựng suốt 9 tháng mới hoàn thành chi phí thêm 90 triệu đồng vàng; và tổ chức lễ khánh thành dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng tứ phướng có Ðức Phật chủ trì, rồi làm phước bố thí kéo dài suốt 4 tháng, chi phí thêm 90 triệu nữa.

Như vậy, bà đại thí chủ Visākhā Migāramātā đã hiến dâng tổng số tiền 270 triệu làm phước bố thí: mua đất, xây cất ngôi chùa Pubbārāma và làm lễ khánh thành.

Tại tư thất của bà Visākhā Migāramātā cũng như tư thất của phú hộ Anāthapiṇṇika, hằng ngày buổi sáng dâng cúng cháo đến chư Tỳ khưu, buổi trưa dâng vật thực đến chư Tỳ khưu, buổi chiều bà đem nước trái cây, thuốc trị bệnh đến dâng cúng đến chư Tỳ khưu bị bệnh v.v....

Ðức Phật tán dương bà là người cận sự nữ đại thí chủ, xuất sắc nhất về hạnh bố thí trong hàng cận sự nữ đệ tử của Ngài như sau:

Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvikānaṃ upāsikānaṃ dāyikānaṃ yadidaṃ Visākhā Migāramātā.

Này chư Tỳ khưu, trong hàng nữ Thanh Văn cận sự nữ của Như Lai, Visākhā Migāramātā là cận sự nữ thí chủ xuất sắc nhất về hạnh hoan hỉ bố thí.

Bà Visākhā có tuổi thọ sống lâu 120 tuổi, cuộc đời của bà từ thuở ấu niên, trung niên cho đến lão niên đều hưởng sự an lạc, sống trong cảnh giàu sang phú quý; đó là quả của mọi phước thiện, nhất là phước thiện bố thí. Cho nên, trong suốt cuộc đời của bà không phải gặp cảnh khổ cực thiếu thốn về vật chất. Bà có nhiều tài sản của cải, lại càng hoan hỉ tạo nhiều phước thiện bố thí cho đến ngày cuối cùng cuộc đời của bà. Sau khi bà từ giả cõi người, do năng lực thiện nghiệp cho quả tái sanh làm thiên nữ trong cõi Hoá lạc thiên, cõi trời dục giới thứ 5, trở thành chánh cung hoàng hậu của đức vua trời Sunimmita, hưởng sự an lạc trong cõi trời này cho đến hết tuổi thọ 80.000 năm (so với cõi người 2.304 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm nơi cõi trời này bằng 800 năm cõi người).

Bà là 1 trong 7 vị Thánh Nhập Lưu đặc biệt, có lời phát nguyện xin thọ hưởng sự an lạc tuần tầng trời dục giới cho đến các tầng trời sắc giới tột cùng, cõi Sắc cứu cánh thiên, sẽ tịch diệt Niết Bàn trong cõi này. Do đó, khi tái sanh làm thiên nữ cõi Tha hoá tự tại thiên, tầng trời thứ 6 tột cùng của cõi trời dục giới, thiên nữ Visākhā tiến hành thiền định chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, cho quả tái sanh làm phạm thiên (không còn nữ tính) cõi trời sắc giới Phạm chúng thiên; tiếp tục tiến hành thiền định chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới, cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới đệ nhị thiền; chứng đắc đệ tam thiền sắc giới, cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới đệ tam thiền; và tiếp tục chứng đắc đệ tứ thiền sắc giới đồng thời chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo – Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo – Bất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai được tái sanh lên tầng trời sắc giới Tinh cư thiên có 5 tầng theo tuần tự cho đến tầng Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭhā) tột cùng cõi trời sắc giới, sẽ chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, hưởng hết tuổi thọ 16.000 đại kiếp rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới.

TÍCH ÐỨC VUA ASOKA

Sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, Phật lịch 218, đức vua Asoka là một đấng minh quân trị vì cõi Nam thiện bộ châu, có nhiều oai lực đặc biệt như thần thông, Ðức Vua có đức tin trong sạch nơi Tam bảo.

Một hôm, đức vua Asoka nhìn thấy Ðại Ðức Sa di Nirodha mới lên bảy tuổi, là bậc Thánh A-ra-hán đang đi khất thực, Ðức Vua phát sanh đức tin đặc biệt nơi vị Ðại Ðức Sa di Nirodha (Ðại Ðức Nirodha kiếp trước đã từng là anh của Ðức Vua). Ðức Vua truyền lệnh các quan thỉnh mời Ðại Ðức Sa di Nirodha vào cung điện, thỉnh ngoài trên ngai vàng cao quý, tự tay Ðức Vua để bát bằng những món vật thực của Ðức Vua dùng hằng ngày. Khi vị Ðại Ðức Sa di thọ thực xong, Ðức Vua bèn thỉnh Ngài thuyết pháp.

Vị Ðại Ðức Sa di Nirodha thuyết dạy bài kệ trong Pháp cú:

"Appamādo amatapadaṃ,
Pamādo maccuno padaṃ...".

"Không dể duôi, có chánh niệm,
là đường bất tử Niết Bàn,
Dể duôi là con đường tử...".

Ðức vua Asoka nghe pháp xong, càng tăng thêm đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng gấp bội.

Hằng ngày Ðức Vua cúng dường vật thực đến chư Tỳ khưu Tăng gồm có 600.000 vị tại cung điện của Ðức Vua, bởi do đức tin trong sạch nơi vị Ðại Ðức Sa di Nirodha.

Một hôm Ðức Vua dự lễ bố thí tứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng 600.000 vị, Ðức Vua bèn bạch chư Tỳ khưu Tăng rằng:

- Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, chánh pháp mà Ðức Phật thuyết giảng có bao nhiêu pháp môn? Bạch quý Ngài.

Chư Ðại Ðức thưa:

- Thưa Ðại Vương! Chánh pháp mà Ðức Phật thuyết giảng có 84.000 pháp môn.

Ðức Vua phát sanh đức tin trong sạch nơi 84.000 pháp môn, nên Ðức Vua truyền lệnh cho các quan ở khắp mọi nơi trong nước rằng:

- Trẫm muốn cúng dường mỗi pháp môn bằng một ngôi chùa và một bảo tháp, vậy Trẫm muốn xây cất 84.000 ngôi chùa và 84.000 bảo tháp trên toàn cõi Nam Thiện Bộ Châu, các khanh hãy đến mỗi tỉnh xây cất một ngôi chùa để cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và ngôi bảo tháp để tôn thờ Xá Lợi của Ðức Phật.

Ðức vua Asoka xuất ra số tiền gồm có 960 triệu kahāpana để lo xây cất 84.000 ngôi chùa và 84.000 bảo tháp. Ngôi chùa trung tâm tại thủ đô đặt tên Asokārāma.

Việc xây cất 84.000 ngôi chùa và 84.000 bảo tháp suốt 3 năm mới hoàn thành.

Các quan ở mỗi tỉnh đến chầu Ðức Vua cùng một ngày, tâu lên Ðức Vua rõ, những ngôi chùa và những ngôi bảo tháp đã hoàn thành rồi.

Ðức Vua truyền chiếu chỉ trong toàn cõi Nam thiện bộ châu biết rằng: "còn 7 ngày nữa sẽ làm đại lễ khánh thành những ngôi chùa và những ngôi bảo tháp ở từng nơi, tất cả mọi thần dân trong nước đều thọ trì bát giới, sửa soạn làm đại lễ khánh thành tất cả các ngôi chùa và ngôi bảo tháp, để cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng từ kinh thành đến các tỉnh thành".

Ngày đại lễ khánh thành chùa và bảo tháp, trong kinh thành cũng như các tỉnh thành trang hoàng đẹp đẽ như cõi trời, Ðức Vua cùng các quan cũng như dân chúng trang điểm đẹp đẽ trang nghiêm, đi dự đại lễ khánh thành chùa và tháp bảo.

Ðức Vua ngự đến ngôi chùa Asokārāma ở trung tâm chính tại kinh đô, kính thỉnh chư Tỳ khưu Tăng toàn cõi Nam thiện bộ châu đến dự đại lễ khánh thành và thọ nhận 84.000 ngôi chùa cùng bảo tháp ở mỗi nơi, có khoảng 800 triệu vị Tỳ khưu Tăng và 9.600.000 vị Tỳ khưu ni Tăng. Trong số đó có 100.000 bậc Thánh A-ra-hán.

Chư bậc Thánh A-ra-hán suy tư rằng: "Nếu đức vua Asoka được nhìn thấy rõ việc đại bố thí 84.000 ngôi chùa và 84.000 bảo tháp, mà Ðức Vua đã truyền lệnh xây cất, nay làm lễ khánh thành dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng, sẽ làm cho Ðức Vua vô cùng hoan hỉ, càng tăng thêm đức tin trong sạch nơi Tam bảo".

Khi ấy, một vị Thánh A-ra-hán liền hóa phép thần thông "Mở thế gian" (Lokavivaraṇa), Ðức Vua nhìn thấy mọi nơi không có gì che khuất cả. Dầu Ðức Vua đang đứng tại ngôi chùa Asokārāma trung tâm, mà có thể nhìn thấy rõ bốn hướng toàn cõi Nam Thiện Bộ Châu, thấy rõ 84.000 ngôi chùa và 84.000 ngôi bảo tháp tôn thờ Xá Lợi Ðức Phật.

Thật vậy, đức vua Asoka vô cùng hoan hỉ hơn bao giờ hết, Ðức Vua suy tư rằng: sự việc đại bố thí như thế này, không biết đã có ai từng làm chưa?

Vì vậy Ðức Vua bèn bạch hỏi chư Ðại Ðức Tăng:

- Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, trong giáo pháp Ðức Thế Tôn của chúng ta, có thí chủ nào làm phước đại bố thí như thế này không?

Chư Ðại Ðức Tăng kính thỉnh Ðại Ðức Moggali-puttatissatthera trả lời câu hỏi của Ðức Vua.

Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera trả lời rằng:

- Thưa Ðại Vương, trong Phật giáo, việc đại bố thí của Ðại Vương như thế này, dầu khi Ðức Thế Tôn còn hiện tiền cho đến nay, chưa có một ai làm được như vậy. Chỉ có Ðại Vương là đại thí chủ làm lễ đại bố thí lớn lao nhất từ trước cho đến nay mà thôi.

Ðức Vua lắng nghe câu trả lời của Ngài Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera rồi phát sanh hỉ lạc chưa từng có, rồi suy tư rằng: "Từ trước cho đến nay, chưa có thí chủ nào làm phước đại bố thí như ta, ta là một đại thí chủ bố thí 4 thứ vật dụng lớn lao như thế này, chắc có lẽ ta là thân quyến kế thừa Phật giáo (Dāyādo sāsanassa) có phải không?".

Do đó, Ðức Vua bèn bạch hỏi Ðại Ðức Moggali-puttatissatthera rằng:

– Kính bạch Ngài Ðại Ðức, con đã làm đại bố thí bốn thứ vật dụng lớn lao như thế này, vậy, con có phải là "Thân quyến kế thừa của Phật giáo" hay không?

Ngài Ðại Ðức Moggaliputtatissatthera quán xét về ba la mật của thái tử Mahinda và Công chúa Saṃghamittā con của Ðức Vua như thế nào. Ngài biết rõ Thái tử và Công chúa xuất gia sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ giúp cho Phật giáo phát triển tốt đẹp sau này. Cho nên Ngài đáp rằng:

– Thưa Ðại vương, người trở thành thân quyến kế thừa Phật giáo không phải do nhân đại bố thí. Dầu người đại thí chủ bố thí bốn thứ vật dụng nhiều đến bao nhiêu đi nữa, cũng chỉ gọi là: paccayadāyaka: đại thí chủ bố thí 4 thứ vật dụng, hoặc gọi là: upaṭṭhāka: người hộ độ mà thôi....

Thưa Ðại vương, sự thật, người nào dầu bố thí bốn thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng chất chồng từ mặt đất cao đến cõi trời, người ấy không thể gọi là thân quyến kế thừa của Phật giáo.

Lắng nghe lời dạy của Ngài Ðại Ðức Moggali-puttatissatthera như vậy, nên đức vua Asoka cống hiến vị hoàng thái tử Mahinda yêu quý nhất, cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, thay vì truyền ngôi báu, và công chúa Sanghamitta xuất gia trở thành Tỳ khưu ni trong Phật giáo.

Ðức vua Asoka không chỉ là một đại thí chủ chưa từng có từ trước cho đến nay, mà còn là một thân quyến kế thừa của Phật giáo, bởi vì Ðức vua đã cống hiến, cho phép 2 người con xuất gia trong Phật giáo, Người có công đức lớn gởi các phái đoàn Ðại Ðức Tăng sang truyền bá Phật giáo ở đảo quốc Srilankā và vùng Suvaṇṇabhūmi gồm các nước Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Trên đây là những nhân vật đại thí chủ xuất sắc nhất về phước hạnh bố thí trong thời kỳ Ðức Phật còn hiện tiền, và sau thời kỳ Ðức Phật đã tịch diệt Niết Bàn.



NHỮNG TÍCH BỐ THÍ


Những tích bố thí dưới đây, được trích dịch tóm tắt từ các bộ Apādāna, bộ Vimānavatthu, bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, bộ Chú giải Aṅguttaranikāya, v.v....

Tích Bố Thí Những Vật Dụng

Vào thời kỳ Ðức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Ðại Ðức Pilindavaccha [Bộ chú giải Aṅguttaranikāya, phần Etadaggavagga] là một cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật Padumuttara.

Một hôm, người cận sự nam này đến nghe thuyết pháp, nhìn thấy Ðức Phật tuyên dương một Tỳ khưu xuất sắc đệ nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử về đức hạnh, làm cho chư thiên yêu mến. Người cận sự nam này có nguyện vọng mong muốn được địa vị như vị Tỳ khưu ấy, nên làm phước bố thí cúng dường Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng những vật dụng như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh; và được Ðức Phật Padumuttara thọ ký rằng: "Trong tương lai, còn 100 ngàn đại kiếp nữa, đến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, người cận sự nam này sẽ xuất gia trở thành Tỳ khưu, rồi sẽ được địa vị xuất sắc đệ nhất đức hạnh, làm cho chư thiên yêu mến, như vị Tỳ khưu đệ tử của Như Lai".

Người cận sự nam ấy, sau khi chết, do phước thiện bố thí những vật dụng cho quả, khi thì tái sanh làm chư thiên cõi trời dục giới hưởng đầy đủ mọi sự an lạc trên cõi trời ấy; khi thì tái sanh làm người trong gia đình giàu sang phú quý, đầy đủ những món vật dụng quý báu trong cõi người, kiếp nào cũng như vậy, suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất không hề sa đọa trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh); chỉ tái sanh những cõi thiện giới: cõi người, cõi trời mà thôi.

Ðến kiếp chót, được tái sanh làm người trong gia đình Bà la môn dòng dõi cao quý, đặt tên Pilindavaccha. Vào thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Ngài đến nghe pháp rồi phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, xin xuất gia trở thành Tỳ khưu, tiến hành thiền định và thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tích và Lục thông.

Ðức Phật tuyên dương Ngài Ðại Ðức Pilinda-vaccha rằng:

"Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ devatānaṃ piyamanāpānaṃ yadidaṃ Pilindavaccho".

"Này chư Tỳ khưu, trong hàng Tỳ khưu Thanh Văn đệ tử của Như Lai, Pilindavaccha là Tỳ khưu cao quý nhất về đức hạnh, làm cho chư thiên yêu mến".

Như vậy, sự việc đã thành tựu đúng theo nguyện vọng của Ngài và đúng theo lời thọ ký của Ðức Phật Padumuttara trong quá khứ.

Tích Bố Thí Thuốc

Tiền thân của Ngài Ðại Ðức Bākula được tóm lược như sau__

Thời kỳ Ðức Phật Anomadassī xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Bākula là một vị đạo sĩ chứng đắc 8 bậc thiền, có ngũ thông, đến hầu Ðức Phật nghe pháp, xin thọ Tam quy nơi Ðức Phật.

[Bộ Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Etadaggavagga; Thời kỳ Ðức Phật Anomadassī đến Ðức Phật Padumuttara cách 1 a tăng kỳ]

Một thời nọ, Ðức Phật Anomadassī bị lâm bệnh phong hàn, vị đạo sĩ (tiền thân Ngài Ðại Ðức Bākula) đi tìm thuốc đem về làm phước bố thí cúng dường đến Ðức Phật. Nhờ uống thuốc ấy, Ðức Phật khỏi bệnh.

Vị đạo sĩ cầu nguyện rằng: do nhờ phước thiện bố thí thuốc, trị khỏi bệnh của Ðức Phật, kiếp nào con cũng có sắc thân không bệnh hoạn ốm đau.

Vị đạo sĩ ấy sau khi chết, do năng lực bậc thiền sở đắc của mình được tái sanh lên cõi trời phạm thiên, những kiếp kế tiếp suốt 1 a tăng kỳ tái sanh làm người hoặc chư thiên, phạm thiên.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Padumuttara [*], tiền thân Ngài Bākula sanh trong gia đình quý tộc, thường đến nghe Ðức Phật thuyết pháp. Một hôm, Ngài nhìn thấy Ðức Phật tuyên dương một vị Tỳ khưu xuất sắc nhất về đức hạnh ít bệnh hoạn ốm đau. Ngài rất hoan hỉ có nguyện vọng muốn được địa vị xuất sắc nhất ấy, Ngài cố gắng tạo mọi phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng, nhất là bố thí cúng dường thuốc trị bệnh. Ngài được Ðức Phật Padumuttara thọ ký, trong vị lai, vào thời kỳ Ðức Phật Gotama, Ngài sẽ là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật Gotama xuất sắc nhất về đức hạnh ít bệnh hoạn ốm đau. Ngài vô cùng hoan hỉ tạo mọi phước thiện đến trọn kiếp, do thiện nghiệp ấy cho quả chỉ tái sanh làm người hoặc chư thiên nơi cõi trời mà thôi.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Vipassī [*] xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Ðại Ðức Bākula sanh trong dòng dõi Bà la môn cao quý. Khi trưởng thành Ngài xuất gia trở thành đạo sĩ chứng đắc các bậc thiền, thường đến hầu Ðức Phật nghe pháp, thọ Tam quy nơi Ðức Phật. Vị đạo sĩ thường đến hộ độ Ðức Phật.

[*] Thời kỳ Ðức Phật Padumuttara cách trái đất của chúng ta 100 ngàn đại kiếp trái đất. Thời kỳ Ðức Phật Vipassī cách trái đất của chúng ta 91 đại kiếp trái đất.

Một lần nọ, có một số Tỳ khưu bị bệnh, vị đạo sĩ đi tìm thuốc về làm phước bố thí chữa trị cho những vị Tỳ khưu ấy đều khỏi bệnh. Ðến khi vị đạo sĩ hết tuổi thọ, do năng lực sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi phạm thiên. Suốt 91 đại kiếp chỉ tái sanh làm người hoặc chư thiên nơi cõi trời mà thôi.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp Ngài Ðại Ðức Bākula sanh trong gia đình giàu sang phú quý; Ngài đã xây cất chánh điện, trai đường, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà thương dâng cúng đến chư Tăng, đặc biệt thích làm phước bố thí thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu Tăng. Khi hết tuổi thọ, do phước thiện ấy cho quả được tái sanh cõi trời và cõi người, không hề sa đọa trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh).

Kiếp hiện tại, cũng là kiếp chót, Ngài sanh trong gia đình phú hộ xứ Kosambī. Ngài sanh ra đời đến ngày thứ năm, theo tục lệ, những người vú nuôi bồng ẵm Ngài xuống dòng sông Yāmunā để tắm cho khỏi bệnh. Một con cá lớn nhìn thấy đứa trẻ tưởng là miếng mồi, bơi đến nuốt chửng Ngài vào bụng. Dầu Ngài nằm trong bụng con cá vẫn cảm thấy an lạc. Do năng lực phước thiện của Ngài, làm cho con cá cảm thấy nóng nảy bơi suốt 3 do tuần đến xứ Bārāṇasi thì bị mắc lưới của dân chài xứ ấy. Dân chài bắt con cá đem bán cho gia đình phú hộ Bārāṇasī không có con. Do năng lực phước thiện của Ngài, khiến cho bà phu nhân phú hộ tự tay mình mổ bụng con cá phát hiện một đứa trẻ nằm trong bụng con cá, bà vô cùng vui mừng, hạnh phúc được một đứa trẻ, bà reo lên "tôi được một đứa con trong bụng cá". Tiếng lành phi thường lan rộng, ông bà phú hộ Kosambī đến nhìn nhận là đứa con trai của chính mình cưu mang đủ 10 tháng sinh ra, đứa bé bị con cá nuốt vào bụng. Như vậy, đứa bé này đúng là con của họ, không phải con của gia đình ông bà phú hộ xứ Bārāṇasī. Hai gia đình phú hộ tranh chấp, không bên nào nhường bên nào. Họ đem sự việc trình Ðức vua phán xử. Ðức vua phán rằng: đứa bé này là con chung của hai gia đình phú hộ: phú hộ xứ Kosambī và phú hộ Bārāṇasī. Do đó, đặt tên Ngài là Bākulakumāra có nghĩa là đứa bé của hai gia đình. Ngài được hai gia đình nuôi dưỡng, mỗi gia đình 4 tháng. Ngài ở gia đình bên này suốt 4 tháng rồi đến gia đình bên kia 4 tháng, và cứ thế thay phiên như vậy.

Cuộc đời Ngài hưởng sự an lạc của hai gia đình phú hộ suốt 80 năm.

Trong thời kỳ Ðức Phật Gotama, một thuở nọ, Ðức Phật ngự đến xứ Kosambī, Ngài Bākula đến hầu Ðức Phật lắng nghe chánh pháp, nhàm chán đời sống tại gia, xin Ðức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu. Sau khi đã trở thành Tỳ khưu được 7 ngày, qua đến sáng ngày thứ 8 Ngài tiến hành thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tích, hoàn thành xong phận sự của bậc xuất gia.

Ðức Phật tán dương Ngài Ðại Ðức Bākula rằng:

"Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ appābādhānaṃ yadidaṃ Bākulo".

"Này chư Tỳ khưu, trong hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai, Bākula xuất sắc nhất về đức hạnh ít bệnh hoạn ốm đau".

Những quả báu đều bắt nguồn từ phước thiện bố thí thuốc trị bệnh đến Ðức Phật Anomadassī.

Ngài Ðại Ðức Bākula ít bệnh hoạn ốm đau nhất, xuất gia trở thành Tỳ khưu được 80 hạ. Ngài tịch diệt Niết Bàn lúc tròn 160 tuổi, là người có tuổi thọ, sống lâu nhất trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama.

Tích Bố Thí Ðèn

Tiền thân của Ngài Ðại Ðức Pañcadīpaka là một cận sự nam trong thời kỳ Ðức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian [Bộ Apādāna, tích Pañcadīpaka apādāna].

Người cận sự nam nhìn thấy những người Phật tử có đức tin nơi Ðức Phật, thường đến lễ bái cúng dường tại đại cội Bồ Ðề của Ðức Phật Padumuttara. Một hôm, Ngài phát sanh đức tin trong sạch bố thí những ngọn đèn thắp sáng chung quanh cúng dường đại cội Bồ Ðề.

Do năng lực bố thí đèn cúng dường đại cội Bồ Ðề ấy, Ngài được tái sanh làm vua cõi Tam thập tam thiên hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy; khi tái sanh làm người là Ðức Chuyển luân thánh vương, hoặc làm Vua một nước lớn hưởng sự an lạc trong cõi người, suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất, chỉ tái sanh những cõi thiện giới: cõi người và cõi trời, không hề bị sa đọa trong 4 cõi ác giới.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Ngài sanh trong gia đình quý tộc. Khi trưởng thành, một hôm đến nghe Ðức Phật thuyết pháp phát sanh tâm nhàm chán đời sống tại gia, xin Ðức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu. Sau khi trở thành Tỳ khưu, Ngài tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả với Tứ tuệ phân tích, Lục thông, hoàn thành xong phận sự của Sa môn.

Như vậy, tất cả quả báu đều bắt nguồn từ bố thí đèn thắp sáng chung quanh cúng dường đại cội Bồ Ðề của Ðức Phật Padumuttara.

Tích Bố Thí Vật Thực

Trong bộ Vimāvatthu, tích Bhikkhādāyakavi-māna được tóm lược như sau:

Người cận sự nam ở trong nhà, rửa tay sửa soạn dùng vật thực, đang xới cơm ra đĩa để ăn, nhìn thấy một vị Tỳ khưu đi khất thực đang đứng trước cửa nhà. Người cận sự nam đem đĩa cơm, có một món đồ ăn ra để vào bát vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu cầu nguyện an lành xong rồi đi. Người cận sự nam vô cùng hoan hỉ nghĩ rằng: "Hôm nay, ta nhịn ăn, dành vật thực làm phước bố thí cúng dường đến vị Tỳ khưu ấy".

Về sau người thí chủ ấy chết, do năng lực phước thiện bố thí vật thực ấy cho quả, được tái sanh làm vị thiên nam ở cõi Tam thập tam thiên có lâu đài bằng vàng cao 12 do tuần, xung quanh lâu đài có 700 phòng lớn, những cây cột bằng ngọc quý, những đồ trang trí toàn bằng những vật quý giá.

Vị thiên nam có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời mọi phương hướng, có nhiều thiên nữ hầu hạ ngày đêm....

Tất cả mọi quả báu phát sanh do phước thiện bố thí vật thực đến vị Tỳ khưu.

Tích Bố Thí Dép

Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna bay lên cõi Tam thập tam thiên, nhìn thấy một lâu đài nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nữ hầu hạ, bèn hỏi rằng:

- Này thiên nữ, tiền kiếp cô đã tạo phước thiện gì, kiếp này cô hưởng sự an lạc như vậy?

Thiên nữ Upāhanadāyikā trả lời Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, con là thiên nữ Upāhanadāyikā. Kiếp trước, khi ở cõi người vào thời Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, con nhìn thấy vị Tỳ khưu đang đi bát, con có dâng một đôi dép đến vị Tỳ khưu. Do năng lực phước thiện bố thí dép ấy, cho quả được tái sanh lên cõi Tam thập tam thiên, trong lâu đài xinh đẹp, có thiên nữ hầu hạ, hưởng sự an lạc như thế này.

Tích Bố Thí Hoa

Thời kỳ Ðức Phật Sikhi xuất hiện trên thế gian, một người bán hoa lài, đem hoa từ rừng ra, giữa đường gặp Ðức Phật Sikhi ngự đi khất thực, người ấy phát sanh đức tin trong sạch, để giỏ hoa xuống đảnh lễ Ðức Phật rồi cúng dường Ðức Phật một nắm hoa lài. [Thời kỳ Ðức Phật Sikhi cách trái đất chúng ta 31 đại kiếp trái đất.]

Ðức Phật muốn làm cho người bán hoa phát sanh đức tin, nên hóa phép thần thông ghép những đóa hoa thành lọng che trên đầu Ngài, cho đến khi ngự trở về chùa mới biến mất. Người bán hoa nhìn thấy vô cùng ngạc nhiên, vô cùng hoan hỉ. Ðến khi hết tuổi thọ, do phước thiện bố thí cho quả được tái sanh lên cõi Tam thập tam thiên. Do năng lực phước thiện bố thí hoa ấy, chỉ cho quả tái sanh cõi trời, cõi người suốt 31 đại kiếp trái đất, không hề bị sa đọa trong 4 cõi ác giới.

Thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của người bán hoa, cũng do năng lực phước thiện bố thí hoa ấy cho quả tái sanh làm người, gặp Ðức Phật Gotama xin phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, hành thiền tuệ chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Quả.

Tích Bố Thí 4 Quả Xoài

Trong bộ Vimānavatthu, tích Phaladāyaka-vimāna được tóm lược như sau:

Một người làm vườn xoài của Ðức vua Bimbisāra, một hôm, Ðức vua truyền gọi người làm vườn xoài đến và phán rằng:

- Này ngươi, Trẫm muốn thưởng thức xoài; ngươi có thể làm cách nào để có xoài, đem đến dâng Trẫm được hay không?

- Tâu bệ hạ! Lúc này không phải mùa xoài, xin bệ hạ ráng đợi một thời gian ngắn, hạ thần sẽ cố gắng làm cho cây xoài ra quả sớm.

Ðức vua ưng thuận, người làm vườn xoài chọn một cây xoài rồi chăm sóc đặc biệt, làm cho cây xoài ra bông, kết trái chín được 4 quả. Người ấy đem đến dâng Ðức vua, trên đường đi, nhìn thấy Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna đang đi khất thực, liền nghĩ rằng: "Những quả xoài này trái mùa rất ngon, ta nên làm phước bố thí để bát đến Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, dầu Ðức vua có giết ta hoặc đuổi ta ra khỏi nước, ta cũng chấp nhận. Nếu ta đem 4 quả xoài này đến dâng cho Ðức vua, thì ta chỉ được bỗng lộc trong kiếp hiện tại mà thôi; còn như ta làm phước thiện bố thí dâng 4 quả xoài này đến Ngài Ðại Ðức, thì ta không những được quả báu ở kiếp hiện tại mà còn vô lượng kiếp vị lai nữa".

Nghĩ vậy, người ấy đem 4 quả xoài đến cung kính làm phước để bát dâng đến Ngài Ðại Ðức. Khi dâng xong, tâm cảm thấy vô cùng hoan hỉ, đi đến hầu Ðức vua tâu rõ mọi việc rồi xin chịu tội.

Nghe tâu xong, Ðức vua truyền lệnh cho một vị quan điều tra xem chuyện này thực hư như thế nào, rồi về trình Ðức vua.

Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna đem 4 quả xoài kính dâng đến Ðức Phật, Ðức Phật độ 1 quả, còn 3 quả, Ngài ban phát cho Ngài Ðại Ðức Sāriputta, Ngài Mahāmoggallāna, Ngài Mahākassapa mỗi Ngài 1 quả.

Vị quan trở về tâu Ðức vua biết sự việc ấy, nghe vậy, Ðức vua vô cùng hoan hỉ nghĩ rằng: người làm vườn là bậc Thiện trí, dám hy sinh sanh mạng để mưu cầu phước thiện thanh cao.

Ðức vua ban thưởng cho người làm vườn một làng để thu thuế, vàng, bạc, vải, đồ đạc... và Ðức vua yêu cầu rằng: "Nhà ngươi có cơ hội tốt làm phước thiện bố thí 4 quả xoài đến Ngài Ðại Ðức, vậy nhà ngươi hãy chia phần phước thiện ấy đến cho Trẫm với".

Người làm vườn xoài tâu rằng:

- Tâu bệ hạ! Kính xin bệ hạ hoan hỉ phần phước thiện ấy.

Về sau, người làm vườn xoài ấy chết, do năng lực phước thiện bố thí ấy cho quả tái sanh làm thiên nam cõi Tam thập tam thiên trong lâu đài bằng vàng cao 16 do tuần, có 700 phòng lớn, cột bằng ngọc quý, những đồ trang trí quý giàu; là một thiên nam có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời khắp mọi phương, có rất nhiều thiên nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời.

Ðó là quả báu của phước thiện bố thí 4 quả xoài đến Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna.

Tích Bố Thí Cơm Cháy

Trong bộ Vimānavatthu, tích Ācāmadāyikā-vimāna được tóm lược như sau:

Một bà già nghèo khổ ăn mày, sống nhờ đằng sau hiên nhà người khác, người ta nhìn thấy bà đáng thương nên thường cho cơm, cháo và miếng cơm cháy... để bà sống qua ngày.

Một hôm, Ngài Ðại Ðức Mahākassapa vừa xả diệt thọ tưởng định, quán xét nên đi khất thực để tế độ người nào. Ngài nhìn thấy một bà già nghèo khổ, gần chết, nếu bà chết có thể sa đọa địa ngục. Ngài nghĩ nên đi khất thực tế độ bà, để cứu vớt bà tránh khỏi bị sa đọa địa ngục, do nhờ phước thiện bố thí miếng cơm cháy, còn cho quả tái sanh lên cõi Hóa lạc thiên.

Xét thấy như vậy, vào buổi sáng, Ngài mặc y mang bát đi đến chỗ ở của bà. Trong khi đó vua trời Sakka biến hóa thành người già đem vật thực đến để bát dâng cho Ngài, Ngài biết người già đó là vua trời Sakka, nên bảo rằng:

- Này Ðức vua trời, ông không nên giành phước báu của người nghèo khổ.

Ngài không chịu dỡ bát, vẫn đứng yên trước bà già nghèo khổ kia. Bà nghĩ rằng: Ngài Ðại Ðức là bậc có giới đức lớn, được phần đông tôn kính, phận ta nghèo khổ không có gì quý giá để làm phước thiện bố thí đến Ngài, ta chỉ có nước cơm và miếng cơm cháy không ngon lành gì cả. Vã lại, còn đựng trong một đồ dùng không sạch sẽ, ta nào dám làm phước bố thí để bát đến Ngài được. Nên bà bạch rằng:

- Kính xin Ngài đi nơi khác. Bạch Ngài.

Ngài vẫn đứng yên không đi nơi khác, những người khác đem vật thực đến để bát dâng cúng, Ngài vẫn không dỡ nắp bát để nhận. Bà già nghĩ rằng: chắc chắn Ngài Ðại Ðức đứng đây để tế độ ta. Bà phát sanh đức tin trong sạch muốn làm phước thiện bố thí. Bà đem miếng cơm cháy đến, Ngài liền dỡ nắp bát, bà để vào trong bát cúng dường Ngài một cách tôn kính.

Ngài Ðại Ðức tỏ vẻ muốn thọ thực, để cho bà thấy, càng phát sanh đức tin trong sạch, hoan hỉ trong việc phước thiện bố thí của bà. Mọi người hiểu ý, trải chỗ ngồi, Ngài ngồi thọ thực miếng cơm cháy ấy. Uống nước xong, Ngài thuyết pháp, làm cho bà già hoan hỉ trong phước thiện bố thí của mình và cho bà biết được rằng; bà đã từng là thân mẫu của Ngài trong tiền kiếp. Bà càng có đức tin trong sạch nơi Ngài Ðại Ðức và vô cùng hoan hỉ phước thiện bố thí đã làm. Về sau, bà chết, do năng lực phước thiện bố thí cho quả, được tái sanh làm thiên nam cõi Hóa lạc thiên (cõi thứ năm trong 6 cõi trời dục giới) có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Tích Dâng Vật Thực Ðến Ðức Phật

Trong bộ Vimānavatthu, tích Bhikkhadāyikā-vimāna được tóm lược như sau:

Vào canh chót đêm, Ðức Phật nhập đại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh nên tế độ, Ngài nhìn thấy một người đàn bà sắp hết tuổi thọ, sau khi chết, do ác nghiệp của bà đã tạo sẽ bị sa vào địa ngục. Ðức Phật muốn tế độ bà tránh khỏi cảnh địa ngục, được tái sanh cõi trời.

Sáng hôm ấy, Ðức Phật một mình mặc y mang bát ngự đến kinh thành Uttaramadhura để tế độ người đàn bà ấy. Người đàn bà nấu cơm xong, lấy hũ đi lấy nước, trên đường về nhà gặp Ðức Phật, bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài đã thọ nhận vật thực được hay chưa? Bạch Ngài.

- Chắc sẽ được. – Ðức Phật đáp.

Người đàn bà biết Ðức Phật chưa được vật thực, nên kính thỉnh Ðức Phật đến nhà bà để dâng cúng, Ðức Phật làm thinh nhận lời thỉnh mời của bà. Bà vô cùng hoan hỉ đi về nhà trước, sửa soạn trải chỗ ngồi chờ tiếp đón Ðức Phật vào nhà, ngồi chỗ cao quý, chính tự tay bà dâng cúng những vật thực. Ðức Phật thọ thực xong, thuyết pháp để cho bà hoan hỉ phước thiện bố thí của mình.

Sau đó 2 – 3 ngày bà chết, do năng lực phước thiện bố thí vật thực cho quả, được tái sanh làm thiên nữ trong lâu đài xinh đẹp, có ngàn thiên nữ hầu hạ, hưởng sự an lạc trong cõi trời.

Tích Bố Thí Bánh

Trong bộ Vimānavatthu, tích Uḷāravimāna được tóm lược như sau:

Cô gái sanh trưởng trong gia đình thường hộ độ Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, cô có đức tin nơi Tam bảo, hoan hỉ trong việc bố thí, khi lớn lên cô có chồng, làm dâu trong gia đình ngoại đạo tà kiến.

Một hôm, Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna đi khất thực trong thành Rājagaha, đang đứng trước cửa nhà chồng, cô nhìn thấy liền thỉnh vào nhà, đảnh lễ Ngài xong, khi ấy mẹ chồng không có ở nhà, cô tự xem là con dâu trong nhà, cô mới dám lấy cái bánh mà mẹ chồng để trong tủ đồ ăn, đem làm phước thiện bố thí để bát đến Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna. Cô nghĩ rằng, khi mẹ chồng trở về, cô sẽ thưa lại, chắc mẹ chồng hoan hỉ lắm.

Ngài Ðại Ðức thuyết pháp, làm cho cô hoan hỉ phước thiện bố thí rồi đi ra.

Khi mẹ chồng trở về, cô thưa lại với bà rằng:

- Thưa mẹ, con đã lấy cái bánh mẹ để trong tủ đem làm phước để bát đến Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna rồi, xin mẹ hoan hỉ phần phước thiện bố thí này.

Mẹ chồng nghe như vậy, không hoan hỉ, lại còn tức giận mắng chửi nàng dâu thậm tệ rằng: Tại sao đem bánh cho Sa môn!

Vì tức giận quá, không còn biết tội lỗi nữa, bà mẹ chồng cầm cái chầy đâm tiêu đánh nàng dâu trọng thương, 2 – 3 ngày sau cô chết. Cô dâu vốn là người có đức tin nơi Tam bảo, có thiện tâm hoan hỉ trong sự bố thí, nhất là phước thiện bố thí để bát cái bánh cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna hiện rõ trong khi sắp chết. Cho nên, sau khi chết, do năng lực phước thiện ấy cho quả, được tái sanh làm một thiên nữ có nhiều oai lực cõi Tam thập tam thiên, trong lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nữ hầu hạ đờn ca múa hát, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời.

Tích Một Lần Ðể Bát

Trong bộ Therī-apādāna, tích Ekapiṇṇapāti-katherī được tóm lược như sau:

Tiền thân của Ðại Ðức Tỳ khưu ni Ekapiṇṇapā-tikatherī là Hoàng hậu của Ðức vua Bandhumā vào thời Ðức Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian, trong thời đại con người có tuổi thọ khoảng 80.000 năm, cách kiếp trái đất này 91 đại kiếp trái đất. Một hôm, có nguyện vọng muốn để bát, bà hoàng hậu đến tâu lên Ðức vua rằng:

- Tâu hoàng thượng! Thần thiếp có nguyện vọng muốn để bát một vị Tỳ khưu, kính xin hoàng thượng cho phép thỉnh một vị Tỳ khưu về cung để thần thiếp làm phước bố thí cúng dường vật thực.

Ðức vua chuẩn tấu xong, truyền vị quan thỉnh một vị Tỳ khưu vào cung.

Hoàng hậu có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, vô cùng hoan hỉ cung kính lễ bái vị Tỳ khưu xong, tự tay mình để những vật thực vào bát cúng dường vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu nhận vật thực xong, phúc chúc hoàng hậu rồi đi ra.

Với tác ý thiện tâm hoan hỉ đầy đủ 3 giai đoạn: trước khi làm phước thiện bố thí, đang khi làm phước thiện bố thí và sau khi đã làm xong phước thiện bố thí; dầu chỉ một lần để bát cúng dường đến vị Tỳ khưu ấy, nhưng hoàng hậu vô cùng hoan hỉ phước thiện bố thí, thường niệm tưởng đến phước thiện bố thí (cāgānussati). Hoàng hậu đến khi hết tuổi thọ (chết), do năng lực phước thiện bố thí để bát cúng dường một lần đến vị Tỳ khưu ấy, cho quả tái sanh làm thiên nữ cõi Tam thập tam thiên; suốt 30 kiếp làm Hoàng hậu của Ðức vua trời Sakka cõi Tam thập tam thiên; khi tái sanh cõi người, làm chánh cung Hoàng hậu của Ðức Chuyển luân thánh vương 20 kiếp; suốt 91 đại kiếp trái đất không hề sa đọa 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) chỉ tái sanh cõi thiện giới: cõi trời và cõi người mà thôi.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, do thiện nghiệp ấy cho quả được tái sanh làm công chúa Mittā dòng Sakya, ở kinh thành Kapilavatthu. Khi Ðức Phật ngự trở về thuyết pháp tế độ hoàng tộc Sakya, công chúa nghe pháp, thọ Tam quy và thọ trì bát giới, đến khi bà Gotamī từ bỏ cung điện đi xuất gia trở thành Tỳ khưu ni cùng với 500 cô gái dòng Sakya, trong đó có công chúa Mittā. Sau khi trở thành Tỳ khưu ni, tinh tấn tiến hành thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đến khi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

Những quả phước thiện bắt nguồn từ phước thiện bố thí để bát cúng dường một lần đến một vị Tỳ khưu, do đó, có tên là Ekapiṇṇapātikatherī: vị Ðại Ðức Tỳ khưu ni một lần để bát.

Tích Bố Thí Nước

Trong bộ Apādāna tích Ngài Ðại Ðức Tỳ khưu ni Udakadāyikātherī tóm lược như sau:

Thời kỳ Ðức Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Ðại Ðức Tỳ khưu ni Udaka-dāyikātherī, là người đàn bà nghèo, sống bằng nghề đội nước dùng đến các nhà phú hộ, nhà các vị quan, nhà giàu có... khi nhìn thấy những người giàu có làm phước thiện bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng, bà suy xét rằng: "người ta có nhiều của cải, họ muốn làm mọi phước thiện bố thí thật dễ dàng, còn ta nghèo khổ thiếu thốn, không có vật gì đáng để làm phước thiện bố thí được cả; kiếp này ta đã nghèo khổ, ta không bố thí, kiếp sau ta lại càng nghèo khổ hơn nữa; tốt hơn, ta nên đội nước để làm phước thiện bố thí vậy".

Bà suy xét như vậy, từ đó về sau, hằng ngày bà làm phước thiện bố thí nước đến chư Tỳ khưu Tăng để uống, để dùng. Trong chùa, chỗ nào có đồ đựng nước uống, bà đổ đầy nước uống, chỗ nào đựng nước dùng, bà đổ đầy nước dùng, vì thế chư Tỳ khưu Tăng được đầy đủ nước uống, nước dùng. Sau khi bà chết, do phước thiện bố thí nước cho quả tái sanh cõi thiện giới: cõi trời và cõi người hưởng được mọi sự an lạc

Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân người đàn bà ấy, do phước thiện cho quả tái sanh làm người, đến hầu Ðức Phật nghe pháp, xin Ðức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Sau khi trở thành Tỳ khưu ni không lâu, bà tiến hành thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, khi hết tuổi thọ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

Bố thí nước có 7 quả báu

1- Ðược nhiều kiếp làm vua trời.
2- Ðược nhiều kiếp làm Ðức chuyển luân thánh vương.
3- Tránh khỏi sa vào 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh.
4- Ở nơi nào, nơi ấy có nước đầy đủ.
5- Ít bệnh hoạn ốm đau, có sắc thân xinh đẹp.
6- Dầu mùa nắng hoặc mùa lạnh, khi cầu mưa, thì có mưa ngay.
7- Diệt được phiền não ô nhiễm.

Ðó là 7 quả báu của phước thiện bố thí nước.

Nhân Và Quả Tương Xứng

Quả tuỳ thuộc vào nhân. Nhân thế nào, quả thế ấy; nghĩa là nhân tốt thì cho quả tốt, nhân xấu thì cho quả xấu, lâu hay mau tuỳ theo năng lực của nghiệp ấy.

Như trong bài kinh Manāpadāyīsutta [1] tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại giảng đường Kutāgāra trong khu rừng lớn gần xứ Vesāli. Vào buổi sáng, Ðức Thế Tôn mặc y, mang bát ngự đi khất thực, vào biệt thự của ông cư sĩ Ugga, người dân thành Vesāli, ngồi trên toạ cụ cao quý. Khi ấy ông cư sĩ Ugga đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi ngồi nơi hợp lẽ, bèn bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con đã từng nghe từ kim ngôn của Ngài rằng: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng".

Như vậy, món ăn tên Sālapupphaka [2] thơm ngon như hoa sāla làm rất công phu, là món ăn mà con rất hài lòng ưa thích nhất; con đã kính dâng cúng đến Ðức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ nhận món ăn ấy của con rồi.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con đã từng nghe từ kim ngôn của Ngài rằng: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng"

Như vậy, món thịt heo loại ngon [3] (sampanna-varasukaramaṃsa) nấu rất công phu thật ngon lành, mà con rất hài lòng ưa thích nhất; con đã kính dâng cúng đến Ðức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ nhận món ăn ấy của con rồi.

Kính bạch Ðức Thế Tôn, con đã từng nghe...: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng".

Như vậy, món ăn Nāḷiyāsāka [4] là món rau trộn với bột gạo sāli chiên bơ rất thơm ngon, là món ăn mà con rất hài lòng ưa thích nhất, con đã kính dâng cúng đến Ðức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ nhận món ăn ấy của con rồi.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con đã từng nghe...: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng".

Như vậy, cơm nấu bằng gạo Sāli thượng hạng, cùng với các món đồ ăn ngon lành, là món ăn rất hài lòng nhất đối với con, con đã kính dâng cúng đến Ðức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ lãnh món vật thực ấy của con rồi.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con đã từng nghe...: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng".

Như vậy, một chiếc giường làm bằng gỗ quý có 4 chân chạm trổ hình thú dữ với nghệ thuật tuyệt vời, lót trải tấm vải làm bằng lông cừu màu trắng, phủ một lớp vải có thêu những đoá hoa rất xinh đẹp, có gối đầu, gối hai bên... là chiếc giường mà con rất hài lòng ưa thích nhất. Nhưng con biết rằng chiếc giường ấy không thích hợp với Ðức Thế Tôn. Con có chiếc giường khác làm bằng gỗ trầm hương [5], giá 100 ngàn kahāpana [6] cũng là một chiếc giường mà con rất hài lòng ưa thích nhất, con đã dâng cúng đến Ðức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ nhận chiếc giường ấy của con rồi.

Sau khi ông cư sĩ Ugga bạch xong, Ðức Phật thuyết bài kệ rằng:

Người có đức tin tốt, bố thí vật hài lòng,
Thường được vật hài lòng. Người bố thí y phục,
Vật thực, nước, chỗ ở, thuốc men, vật dụng khác,
Với tâm rất hoan hỉ, đến bậc có giới đức.
Những vật bố thí rồi, là vật đã xả ly,
Không nghĩ lấy trở lại. Người ấy có trí tuệ,
Hiểu biết rõ ràng rằng, bậc Thánh A-ra-hán
Như phước điền cao thượng. Bố thí vật khó thí,
Gọi là vật hài lòng, thường được vật hài lòng.

Thuyết bài kệ tế độ làm cho ông cư sĩ Ugga xứ Vesāli vô cùng hoan hỉ xong, Ðức Phật rời khỏi tư thất của ông trở về chùa.

Sau đó thời gian không lâu, ông cư sĩ Ugga xứ Vesāli qua đời, do phước thiện ấy cho quả tái sanh lên cõi trời bậc cao trong nhóm chư thiên có tên Manomaya (thành tựu do tâm).

Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana gần thành Sāvatthi, khi ấy, vào canh giữa đêm, vị thiên nam Ugga có hào quang sáng ngời hiện xuống ngôi chùa Jetavana, làm cho toàn ngôi chùa sáng ngời, đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong, đứng một nơi hợp lẽ.

Ðức Thế Tôn bèn hỏi rằng:

- Này Ugga, những điều mong ước của con đã thành tựu rồi hay chưa?

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, những điều mong ước của con đã được thành tựu rồi, bạch Ngài.

Khi ấy Ðức Thế Tôn thuyết bài kệ rằng:

Người thí vật hài lòng, với thiện tâm hoan hỉ,
Thường được vật hài lòng. Người thí vật quý báu,
Thường được vật quý báu. Người thí vật tốt lành,
Thường được vật tốt lành. Người thí vật quý nhất,
Thường được vật quý nhất. Người thí vật quý báu,
Tốt lành và quý nhất, tái sanh cảnh giới nào,
Thường được sự sống lâu, sự hiển vinh, quyền lực.

[1] Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Manāpadāyīsutta.

[2] Sālapupphaka: một món ăn làm bằng bột gạo sàli trộn với các đồ gia vị ngon lành, chiên bơ... là món ăn làm rất công phu, rất ngon có mùi thơm như hoa sàla.

[3] Chiếc giường bằng gỗ trầm hương, Ðức Phật cho cưa từng mảnh nhỏ, ban cho tất cả chư Tỳ khưu tán thành bột làm thuốc nhỏ mắt.

[4] Kahāpana: là thứ tiền vàng xứ Ấn thời xưa.

[5] Sampannavarasukaramaṃsa: món thịt heo ngon nấu với các đồ gia vị ngon lành, để cất kỷ một năm sau mới dùng.

[6] Nāḷiyāsāka: món rau làm rất công phu, rất ngon lành.

Ưu Thế Ðặc Biệt Của Thí Chủ

Ở trong đời này, người có phước thiện bố thí luôn luôn có ưu thế hơn người không bố thí.

Tìm hiểu bài kinh Sumanāsutta [Aṅguttaranikāya, Phần Pañcakanipāta, kinh Sumanāsutta] tóm lược như sau:

Sumanā là công chúa của Ðức vua Paseṇadi xứ Kosala. Cô công chúa có một đoàn nữ tuỳ tùng 500 người đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong bạch rằng:

Kính bạch Ðức Thế Tôn, hàng Thanh Văn đệ tử của Ðức Thế Tôn có 2 vị có đức tin,giới, có trí tuệ đồng đều nhau. Song, một vị này có phước bố thí và một vị kia không có phước bố thí; cả hai vị ấy khi từ bỏ cõi đời này, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm chư thiên cùng một cõi trời dục giới giống nhau. Vậy, có gì đặc biệt khác nhau giữa hai chư thiên ấy hay không? Bạch Ngài.

Ðức Phật dạy rằng:

- Này Sumanā, hai vị thiên nam ấy có sự khác biệt nhau là:

Vị thiên nam vốn có phước bố thí có ưu thế hơn hẳn vị thiên nam vốn không có phước bố thí bởi 5 điều trong cõi trời là:

- Tuổi thọ sống lâu.
- Sắc đẹp tuyệt vời.
- An lạc tuyệt vời.
- Danh tiếng, tuỳ tùng đông.
- Quyền lực lớn trong cõi trời ấy.

Này Sumanā, vị thiên nam có phước bố thí đặc biệt hơn hẳn vị thiên nam không có phước bố thí bởi 5 điều trong cõi trời ấy như vậy.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, nếu hai vị thiên nam ấy sau khi chết từ cõi trời, đều tái sanh làm người. Cả hai người này cũng là loài người giống nhau. Vậy có gì đặc biệt khác nhau giữa hai người ấy hay không? Bạch Ngài.

- Này Sumanā, hai người này có sự khác biệt nhau là: người có phước bố thí có ưu thế hơn người không có phước bố thí bởi 5 pháp: sống lâu, sắc đẹp, an lạc, danh tiếng, tuỳ tùng đông và quyền lực lớn trong cõi người.

Này Sumanā, người có phước bố thí ưu thế hơn người không có phước bố thí bởi 5 pháp như vậy.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, nếu cả hai người đều xuất gia trở thành Tỳ khưu giống nhau. Vậy, có gì đặc biệt khác nhau giữa hai vị Tỳ khưu ấy hay không? Bạch Ngài!

- Này Sumanā, hai vị Tỳ khưu này có sự khác biệt nhau, vị Tỳ khưu có phước bố thí ưu thế hơn vị Tỳ khưu không có phước bố thí bởi 5 pháp là:

Tỳ khưu có phước bố thí,

- Nếu cần y, thì có được nhiều y; không cần y cũng có được ít y.

- Nếu cần vật thực, thì có được nhiều vật thực; không cần vật thực cũng có được ít vật thực.

- Nếu cần chỗ ở, thì có được chỗ ở to lớn; không cần chỗ ở cũng có được chỗ ở vừa.

- Nếu cần thuốc trị bệnh, thì có được nhiều thuốc trị bệnh; không cần thuốc trị bệnh cũng có được ít thuốc trị bệnh.

- Khi sống chung với những bạn đồng phạm hạnh nào, những người bạn ấy thường có thân, khẩu, ý đối xử tốt, đáng hài lòng nhiều hơn là đối xử xấu, không hài lòng; thường đem lại điều hài lòng nhiều hơn là điều không hài lòng.

Này Sumanā, vị Tỳ khưu có phước bố thí ưu thế hơn vị Tỳ khưu không có phước bố thí bằng năm pháp như vậy.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, nếu hai vị đều chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán giống nhau. Vậy, có gì đặc biệt khác nhau giữa hai vị thánh A-ra-hán hay không? Bạch Ngài.

- Này Sumanā, Như Lai không nói đến có sự khác biệt giữa sự giải thoát (A-ra-hán Thánh Ðạo) của người này, với sự giải thoát (A-ra-hán Thánh Ðạo) của người kia.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, thật là điều phi thường!

Kính bạch Ðức Thế Tôn, thật là điều chưa từng được nghe như vậy bao giờ!

Kính bạch Ðức Thế Tôn, như vậy, nên làm phước thiện bố thí, nên làm mọi phước thiện, bởi vì phước thiện này làm duyên hỗ trợ sau khi tái sanh cõi trời, cõi người, hay ngay sau khi xuất gia trở thành Tỳ khưu.

Ðúng như vậy Sumanā! Nên làm phước thiện bố thí, nên làm mọi phước thiện, bởi vì phước thiện này làm duyên hỗ trợ sau khi tái sanh cõi trời, cõi người, hay ngay sau khi xuất gia trở thành Tỳ khưu.

Bố Thí Có Quả Báu Vô Lượng

Bố thí để có được quả báu vô lượng, sự bố thí ấy phải hợp đủ 6 pháp. Thí chủ hợp đủ 3 pháp và người thọ thí hợp đủ 3 pháp, gồm đủ 6 pháp, chắc chắn quả báu vô lượng, đáng hài lòng hoan hỉ.

A- Ðối với người thí chủ hợp đủ 3 pháp là:

1- Trước khi bố thí, thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch và hoan hỉ.

2- Ðang khi bố thí, thí chủ có tác ý thiện tâm, có đức tin trong sạch, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình.

3- Sau khi bố thí xong, thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch, có thiện tâm hoan hỉ phước thiện bố thí đã tạo xong; mỗi khi nghĩ đến phước bố thí ấy, thí chủ phát sanh thiện tâm trong sạch và hoan hỉ, không để ác tâm nào phát sanh xen lẫn làm cho tâm ô nhiễm.

B- Ðối với người thọ thí hợp đủ 3 pháp là:

1- Người thọ thí là bậc Thánh không còn tham ái (hoặc hành giả tiến hành thiền tuệ cốt để diệt tận tâm tham ái).

2- Người thọ thí là bậc Thánh không còn sân hận (hoặc hành giả đang tiến hành thiền tuệ cốt để diệt tận tâm sân hận).

3- Người thọ thí là bậc Thánh không còn tâm si mê (hoặc hành giả đang tiến hành thiền tuệ cốt để diệt tận tâm si mê).

Phước bố thí hợp đầy đủ 6 chi pháp như vậy, thì chắc chắn quả báu của phước bố thí vô lượng, sự an lạc vô lượng, tái sanh cảnh giới nào cũng được sự sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh, trí tuệ tuyệt vời trong cảnh giới ấy.

Phước Bố Thí cho Quả Kiếp Hiện Tại

Tích Người Nghèo Khó

Tích người nghèo khó Mahāduggata [Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, tích Paṇṇitasāmaṇera-vatthu] tóm lược như sau:

Vào thời kỳ Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, Ðức Phật cùng với 20 ngàn bậc Thánh A-ra-hán ngự đến thành Bārāṇasī. Một hôm, sau khi độ vật thực xong, Ðức Phật thuyết pháp dạy rằng:

Này chư cận sự nam – nữ, trong đời này:

- Có số người tự mình làm phước bố thí, mà không động viên khuyến khích người khác cùng làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng có được nhiều của cải đầy đủ, nhưng không có bạn bè, thuộc hạ thân thiết.

- Có số người động viên khuyến khích người khác làm phước bố thí, còn mình thì không chịu đem của cải làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết, nhưng không có nhiều của cải.

- Có số người tự mình không làm phước bố thí, cũng không động viên khuyến khích người khác làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng không có của cải, nghèo khổ và cũng không có bạn bè, thuộc hạ thân thiết.

- Có số người tự mình làm phước bố thí, lại còn động viên khuyến khích người khác cũng làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng có được của cải đầy đủ, giàu sang phú quý và còn có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết, sống an lạc hạnh phúc....

Một người cận sự nam có trí tuệ ngồi nghe pháp, suy tư rằng: "ta muốn có được nhiều của cải và được nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết".

Người ấy đảnh lễ Ðức Phật bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, ngày mai con kính thỉnh Ðức Thế Tôn cùng tất cả 20.000 chư Ðại Ðức Tăng, để làm phước bố thí vật thực.

Ðức Phật làm thinh nhận lời, ông trở về đi thông báo cho toàn thể dân chúng trong thành biết rằng ngày mai ông sẽ làm phước bố thí đến Ðức Phật cùng tất cả 20.000 chư Ðại Ðức Tăng, ai có khả năng làm phước bố thí đến bao nhiêu vị, xin ghi danh. Có gia đình đăng ký 10 vị, 20 vị, 100 vị... v.v....

Khi gặp cậu Mahāduggata là người nghèo khó nhất trong thành, ông động viên khuyến khích rằng:

Này cậu Mahāduggata, ngày mai, tôi có thỉnh Ðức Phật cùng 20.000 Ðại Ðức Tăng để làm phước bố thí, cậu có khả năng làm phước bố thí được bao nhiêu vị?

Thưa ông, gia đình con nghèo khó, vợ chồng con đi làm thuê, làm được ngày nào ăn ngày ấy còn không đủ nữa, thì lấy gì mà làm phước bố thí thưa ông?

- Này cậu Mahāduggata, trong thành này, những người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, có quyền cao chức trọng... là do nhờ quả của phước thiện bố thí. Còn gia đình cậu, ngày qua ngày làm thuê mà không đủ ăn, đó là do không làm phước bố thí, cậu có hiểu biết rõ như vậy không?

- Thưa ông, con hiểu rồi, xin ông cho gia đình con một vị Ðại Ðức Tăng, để cho gia đình con làm phước bố thí ngày mai.

Ông cận sự nam hoan hỉ chấp thuận cho gia đình cậu Mahāduggata thỉnh một vị Ðại Ðức Tăng, để làm phước bố thí vào ngày mai, nhưng ông quên ghi vào danh sách, tiếp tục đi động viên khuyến khích người khác nhận đủ 20.000 vị Ðại Ðức Tăng.

Sau khi được ông cận sự nam cho lãnh một vị Ðại Ðức để làm phước bố thí vào ngày mai, cậu Mahāduggata vô cùng hoan hỉ, trở về báo tin cho người vợ hay biết, người vợ cũng vô cùng hoan hỉ, bàn tính nhau làm thuê kiếm gạo, đồ ăn về để ngày mai làm phước bố thí đến một vị Ðại Ðức.

Mahāduggata đi tìm việc làm, ông phú hộ nhìn thấy cậu gọi lại thuê chẻ đống củi, để ngày mai nấu đồ ăn dâng cúng đến chư Ðại Ðức Tăng, cậu vô cùng hoan hỉ, lấy búa chẻ một lát là xong ngay, ông phú hộ ngạc nhiên hỏi:

- Này Mahāduggata, sao hôm nay cậu làm việc siêng năng và nhanh nhẹn đến thế?

- Thưa ông, ngày mai gia đình con có làm phước bố thí đến một vị Ðại Ðức, nên con cảm thấy hoan hỉ, sung sướng làm việc không biết mệt.

Ông phú hộ ca tụng cậu, làm một việc khó làm. Ông trả công cho 4 ô gạo sāli (loại gạo ngon).

Về phần vợ của cậu đi giúp việc nhà bếp cho bà phú hộ, cô rất hân hoan làm công việc nhà bếp sạch sẽ gọn gàng, nhanh nhẹn, làm cho bà phú hộ hài lòng lại vừa ngạc nhiên hỏi.

- Này con, sao hôm nay con có vẻ vui sướng, làm việc giỏi quá vậy?

- Thưa bà, ngày mai gia đình con có làm phước bố thí đến một vị Ðại Ðức, nên con cảm thấy sung sướng làm việc để được những món gia vị làm đồ ăn ngày mai.

Nghe nói vậy, bà phú hộ ca tụng làm một việc khó làm! Bà trả công bằng bơ, dầu, đồ dùng....

Vợ chồng Mahāduggata vô cùng hoan hỉ được gạo ngon, dầu bơ, đồ dùng để làm phước bố thí vào hôm sau.

Sáng sớm hôm sau, người vợ thưa với chồng, sáng nay anh đi kiếm một ít rau về nấu một bát canh, Mahāduggata đi ra khỏi nhà, vừa đi vừa ca hát, đi ngang bến ghe chài; đêm hôm trước, người dân chài bắt được nhiều cá vừa cập bến, nghe tiếng ca hát của Mahāduggata bèn gọi:

- Này Mahāduggata cậu đi đâu đó? Sao hôm nay vui sướng quá vậy? Hãy xuống đây giúp tôi đem cá bán, rồi tôi sẽ cho ít con cá.

- Này bạn, hôm nay gia đình tôi có làm phước bố thí đến một vị Ðại Ðức, tôi vui sướng đi tìm rau về nấu canh, may quá, có được cá lại càng tốt.

Mahāduggata hăng hái đem cá bán, hôm ấy dân chúng trong thành mua cá làm đồ ăn để làm phước bố thí cúng dường đến chư Ðại Ðức Tăng, nên phần cá bán không còn con nào cả. Cậu nóng lòng muốn về nhà cho kịp làm phước bố thí, bèn hỏi người chủ thuyền:

- Này bạn, phần cá của tôi đâu?

- Bạn đừng lo, tôi còn một phần cá đặc biệt cất dưới ghe, để tôi lấy cho bạn.

Người chủ đem cho Mahāduggata 4 con cá hồi (Rohitamaccha). Cậu vội vàng đem về nhà.

Canh chót đêm ấy, Ðức Thế Tôn nhập đại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh nào có duyên lành nên tế độ; Ðức Phật nhìn thấy Mahāduggata là người có đức tin trong sạch, nhận lãnh một vị Ðại Ðức để làm phước bố thí, nhưng người cận sự nam quên ghi vào danh sách, đến khi Mahāduggata gặp người cận sự nam xin nhận lãnh vị Ðại Ðức thỉnh về nhà, thì không còn một vị Ðại Ðức nào cả. Vậy chính Như Lai sẽ tế độ Mahāduggata mà thôi.

Vua trời Sakka cảm thấy chỗ ngồi phát nóng, quán xét thấy rõ hôm nay Mahāduggata sẽ làm phước bố thí cúng dường Ðức Phật, nên hiện xuống giúp đỡ y để tạo phước thiện. Vua trời Sakka biến hóa thành một người đầu bếp tài giỏi đến xin giúp việc cho Mahāduggata không lấy tiền công, chỉ bỏ công làm phước thiện mà thôi. Mahāduggata đồng ý chấp thuận, xin mời vào nhà lo giúp việc nấu ăn, vua trời Sakka nấu cơm, các món ăn đều bỏ đồ gia vị cõi trời, hương trời, đức vua Sakka bảo rằng:

- Này bạn, công việc nấu nướng để tôi lo, bạn đi thỉnh vị Ðại Ðức về nhà cho kịp giờ.

Mahāduggata đi đến tìm người cận sự nam xin thỉnh một vị Ðại Ðức, mà ông đã động viên khuyến khích. Khi đến gặp ông, hởi ôi! Ông đã quên, nên không còn một vị Ðại Ðức nào cả, y thất vọng buồn tủi ôm mặt khóc; mọi người nhìn thấy y đáng thương và trách người cận sự nam ấy, người cận sự nam ấy an ủi y và hướng dẫn y rằng: còn Ðức Phật ở trong cốc chưa mở cửa. Ðức vua, các quan, phú hộ đang trông chờ Ðức Phật mở cửa để thỉnh bát của Ngài. Chư Phật thường tế độ những người nghèo khó, vậy nhà ngươi hãy vào xin Ðức Phật tế độ.

Nghe nói vậy, đôi mắt của Mahāduggata sáng lên, niềm hy vọng phát sanh, y dũng cảm đến trước cửa cốc, đảnh lễ, đầu va chạm vào cửa, bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, trong thành này người nghèo khó hơn con không có, kính xin Ngài có lòng đại bi tế độ con, bạch Ngài.

Ðức Phật mở cửa trao bình bát trên tay y. Y được bình bát của Ðức Phật mừng hơn được ngai vàng của Ðức Chuyển luân thánh vương. Ðức vua, các quan, phú hộ xin lại bình bát trên tay y hứa sẽ ban cho y nhiều tiền của, nhưng y không màng đến.

Y kính thỉnh Ðức Phật về đến nhà, Ðức vua trời Sakka hóa thành người đầu bếp đã làm xong vật thực ngon lành, trải chỗ ngồi cao quý, thỉnh Ðức Phật vào nhà.

Khi Ðức Phật bước vào, thì căn nhà cao hẳn lên, nên Ngài không phải cúi khom người xuống, Ngài ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn. Còn Ðức vua trời là người đầu bếp đã làm xong những món vật thực, liền bảo Mahāduggata đem những món vật thực dâng cúng đến Ðức Phật. Mùi thơm của các món vật thực toả khắp cả kinh thành Bārāṇasī. Trong khi đó, Ðức vua cùng các quan, phú hộ đi theo sau Ðức Phật đến nhà của Mahāduggata để biết xem y làm phước bố thí cúng dường Ðức Phật bằng những món vật thực gì, khi đến nơi ngửi được mùi thơm của những món vật thực, mà trong đời chưa từng ngửi bao giờ. Ðức vua trời Sakka đảnh lễ Ðức Phật.

Ðộ vật thực xong, Ðức Phật thuyết pháp tế độ gia đình Mahāduggata, rồi Ngài ngự trở về chùa, Mahāduggata ôm bát theo sau tiễn đưa Ðức Phật.

Ðức vua trời Sakka hoan hỉ phước thiện bố thí xong, cũng trở về cung Tam thập tam thiên.

Khi Mahāduggata trở về đứng trước cửa, nhìn thấy từ hư không mưa rơi 7 thứ báu vật xuống đầy nhà, người vợ dắt tay đứa con ra khỏi nhà, trong nhà đầy cả 7 thứ báu vật không còn chỗ nào trống.

Y nghĩ rằng: "đó là quả báu của phước thiện bố thí của chúng ta ngày hôm nay". Mahāduggata liền đến hầu Ðức vua tâu rằng:

- Tâu Ðức vua, nhà của tiện dân đầy cả thất báu, xin bệ hạ đem 1.000 chiếc xe đến nhà tiện dân chở tất cả thất báu ấy về cung điện.

Ðức vua truyền quân lính trong triều đình đem 1.000 chiếc xe chở tất cả 7 thứ báu vật đem về chất thành đống trước sân rồng. Ðức vua truyền hỏi:

- Trong thành này, người nào có của cải nhiều như thế này không?

Tất cả - Tâu Hoàng thượng, không một người nào có nhiều của báu như thế cả. đều tâu.

Do đó, Ðức vua tấn phong Mahāduggata địa vị đại phú hộ, rồi truyền rằng: tất cả của cải này là quả báu phước thiện bố thí của nhà ngươi, vậy nhà ngươi hãy nhận lấy.

Ðức vua cấp đất đai, xây cất những căn nhà lớn, cấp nhiều gia nhân. Khi xây cất nhà xong, phú hộ Mahāduggata thỉnh Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng làm phước đại bố thí suốt 7 ngày và từ đó về sau y thường bố thí, giữ giới, tạo mọi thiện pháp cho đến hết tuổi thọ, do năng lực mọi phước thiện ấy cho quả tái sanh lên cõi trời dục giới hưởng mọi sự an lạc.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của Mahāduggata, do năng lực phước thiện ấy cho quả tái sanh vào lòng con gái của gia đình phú hộ, là người hộ độ Ngài Ðại Ðức Sāriputta, khi sanh ra đời đặt tên là "Paṇṇita".

Lớn lên 7 tuổi, cậu bé Paṇṇita xin mẹ cha cho phép xuất gia trở thành Sa di Paṇṇita với Ngài Ðại Ðức Sāriputta là thầy tế độ.

Cha mẹ của Ngài đến chùa làm phước thiện bố thí vật thực đặc biệt có món cá hồi (Rohitamaccha) đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng, suốt 7 ngày. Qua đến ngày thứ 8, Sa di Paṇṇita tiến hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tích, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, hoàn thành xong phận sự của Sa môn.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta đi khất thực độ xong, còn đem một phần vật thực, trong đó có món cá hồi về cho Sa di Paṇṇita, theo nguyện vọng của Sa di, người đệ tử có sắc thân bé nhỏ, song tâm là bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Làm phước bố thí đến Ðức Phật với đức tin trong sạch, hoan hỉ trong phước thiện, quả báu của phước thiện bố thí ấy không chỉ ngay trong kiếp hiện tại giàu sang phú quý, những kiếp vị lai đầy đủ của cải thế gian, mà còn kiếp chót cũng có đầy đủ 9 pháp siêu tam giới đó là: 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn nữa.

Tích Gia Ðình Ông Puṇṇa

Trong thời kỳ Ðức Phật Gotama của chúng ta, có gia đình ông Puṇṇa [Chú giải Dhammapada, trong tích Uttarāupāsikā] nghèo khó, làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, toàn thể mọi người trong gia đình đều có đức tin trong sạch nơi Tam bảo.

Một hôm, buổi sáng ông đi cày ruộng; cũng vào buổi sáng ấy, Ngài Ðại Ðức Sāriputta xả diệt thọ tưởng định (suốt 7 ngày đêm qua), đi khất thực để tế độ gia đình ông Puṇṇa, nên Ngài đi thẳng về hướng ông Puṇṇa đang cày ruộng. Ông Puṇṇa nhìn thấy Ngài Ðại Ðức Sāriputta liền bỏ cày đến hầu đảnh lễ Ngài, dâng cúng cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống. Ngài Ðại Ðức Sāriputta thọ nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Ðại Ðức Sāriputta xong, bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, kính xin Ngài từ bi thọ nhận phần vật thực, phận nghèo khó của gia đình chúng con.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta từ bi tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực, bà vô cùng hoan hỉ phát nguyện:

- Do nhờ phước thiện bố thí này của chúng con, cầu mong cho gia đình chúng con được một phần pháp mà Ngài đã chứng đắc.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta phúc chúc rằng:

- Mong cho gia đình các con được toại nguyện.

Bà vô cùng hoan hỉ đi trở về nhà nấu lại phần cơm khác đem cho chồng, vội vàng mang cơm ra đồng ruộng với tâm hoan hỉ phước thiện bố thí đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta làm cho thân tâm của bà nhẹ nhàng, nhu nhuyến không sao dấu được.

Còn phần ông Puṇṇa trễ giờ đói bụng, thả bò đi ăn cỏ, ông lên bờ ngồi dưới bóng mát cây chờ đợi vợ, dầu đói bụng nhưng tâm vẫn hoan hỉ, niệm tưởng lại việc làm phước thiện bố thí tăm xỉa răng và nước đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta. Ông nhìn thấy từ xa, vợ mình đi đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ khác thường, chắc chắn bà đang hoan hỉ một điều gì đó. Bà vừa đến nơi liền thưa với chồng rằng:

- Hôm nay, xin anh hoan hỉ thật nhiều! Sáng nay, em đem cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Ðại Ðức Sāriputta đang đi khất thực, em phát sanh đức tin trong sạch, đem phần cơm của anh để bát cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta, Ngài không chê vật thực nghèo khó của chúng mình. Ngài Ðại Ðức có tâm từ bi tế độ thọ nhận tất cả vật thực phần của anh; xin anh nên hoan hỉ phần phước thiện bố thí này!

Ông Puṇṇa vừa lắng nghe từng tiếng, từng câu làm cho ông phát sanh thiện tâm hỉ lạc đến cực độ; nên không thể theo dõi liên tục tron vẹn lời nói của vợ ông. Sực tỉnh lại, ông muốn biết chắc chắn chính mình nghe đúng sự thật là như vậy không, nên ông bảo với vợ rằng:

- Này em, em hãy nói lại cho anh nghe một lần nữa!

Bà vợ thưa lại rõ ràng một lần nữa, lần này ông nghe rõ biết chắc chắn đúng sự thật như vậy rồi, ông vô cùng hoan hỉ phước thiện bố thí của vợ, đã đem phần cơm của mình cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta, đồng thời ông cũng nói cho vợ biết, cũng chính sáng hôm ấy, ông đã làm phước thiện bố thí cúng dường cây tăm xỉa răng và nước đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta; nghe xong, bà cũng vô cùng hoan hỉ việc phước thiện bố thí của chồng.

Hai vợ chồng cùng nhau hoan hỉ việc phước thí cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta, ông dùng cơm xong nằm niệm tưởng việc phước thiện bố thí hôm nay, mới thiu thiu giấc ngủ, ông bừng tỉnh lại, ngồi nhìn thấy phần đất cày ruộng hồi sáng đã hóa thành những thỏi vàng y (vàng ròng) làm cho ông hoa cả mắt; và vợ của ông cũng như ông vậy. Ông lấy lại bình tỉnh đi xuống ruộng, lấy lên một thỏi, đúng thật là thỏi vàng ròng, đem khoe và nói với vợ rằng:

- Này em, vợ chồng chúng ta đã làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta, do phước thiện bố thí ấy, liền cho quả báu đến vợ chồng chúng ta ngày hôm nay, chúng ta không thể nào dấu một số vàng lớn như thế này được!

Ông Puṇṇa lấy một số thỏi vàng bỏ vào khay, đem trình lên Ðức vua và tâu rằng:

- Tâu Ðức vua, sáng nay tiện dân đi cày ruộng, tất cả đất cày hóa thành những thỏi vàng ròng, kính xin Ðức vua truyền lệnh cho binh lính đem xe đến chở về cất trong kho báu của Ðức vua.

- Nhà người là ai? – Ðức vua hỏi.

- Tâu Ðức vua, tiện dân là Puṇṇa, một nông dân nghèo khó làm thuê. – Puṇṇa tâu.

- Sáng nay, nhà ngươi đã làm việc gì đặc biệt vậy?

- Tâu Ðức vua, tiện dân làm phước cúng dường cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta; còn phần vợ tiện dân làm phước cúng dường phần cơm của tiện dân đến Ngài Ðại Ðức.

Ðức vua phán rằng:

- Này Puṇṇa, vợ chồng ngươi đã làm phước thiện bố thí cúng dường trong sạch đến cho Ngài Ðại Ðức Sāriputta, cho nên, quả báu phát sanh ngay trong ngày hôm nay. Vậy, ngươi muốn Trẫm làm gì?

- Tâu Ðức vua, tiện dân xin Ðức vua truyền lệnh đem ngàn chiếc xe đến thửa ruộng kia để khuân tất cả số vàng ấy về cung điện. – Puṇṇa tâu.

Ðức vua truyền lệnh đem hàng ngàn chiếc xe đến chở vàng ròng, nhóm lính trong triều nói rằng: "Vàng của Ðức vua!", tức thì những thỏi vàng được lấy lên, hóa trở lại thành đất như cũ. Chúng về triều tâu lên Ðức vua sự việc xảy ra như vậy. Ðức vua sáng suốt bèn phán rằng:

- Các ngươi nghĩ như thế nào, khi lấy những thỏi vàng ấy?

- Tâu Hoàng Thượng, chúng thần nghĩ và nói rằng: "Vàng của Ðức vua!".

- Số vàng ròng kia không phải của Trẫm. Các người nên trở lại nghĩ và nói rằng: "Vàng của ông bà Puṇṇa!" rồi khuân số vàng ấy về đây. – Ðức vua phán.

Họ vâng lệnh Ðức vua ra đi. Thật đúng vậy, lần này họ khuân toàn bộ số vàng ấy đem về, chất giữa sân rồng thành một đống vàng cao 80 hắc tay.

Ðức vua cho truyền dân chúng trong thành hội họp tại sân rồng, bèn hỏi rằng:

- Trong kinh thành này, người nào khác có số vàng lớn như thế này không?

- Tâu Hoàng Thượng, không có người nào khác cả! – Toàn thể dân chúng trong thành tâu.

- Trẫm nên tấn phong ông Puṇṇa như thế nào mới xứng đáng?

- Xin Hoàng thượng tấn phong ông Puṇṇa địa vị đại phú hộ.

Ðức vua phán rằng:

- Này Puṇṇa, từ nay ngươi là đại phú hộ, có tên Bahudhanaseṭṭhi: phú hộ nhiều của cải.

Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, có Ðức Phật chủ trì suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 Ðức Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông Puṇṇa, toàn gia đình ông đại phú hộ Puṇṇa, hai vợ chồng và đứa con gái tên Uttarā đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Vợ chồng ông Puṇṇa làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta vừa xả diệt thọ tưởng định, do năng lực phước thiện bố thí trong sạch và hội đủ nhân duyên ấy, liền cho quả báu trong ngày hôm ấy, trở thành đại phú hộ nhiều của cải thế gian và đặc biệt hơn nữa, toàn gia đình chứng đắc pháp siêu tam giới đó là Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Những trường hợp như trên, có không ít trong Phật giáo.

Năng Lực Của Tác Ý Trước Khi Bố Thí

Tích tiền thân của Ðức Phật Gotama, Ðức Bồ Tát Kusarājā [Bộ Jātaka, tích tiền thân Kusajātaka] được tóm lược như sau:

Ðức Bồ Tát sắp hết tuổi thọ tại cung Tam thập tam thiên, Ðức vua trời Sakka khuyến khích tái sanh đầu thai vào lòng chánh cung hoàng hậu Sīlavatī của Ðức vua Okkākarājā.

Chấp thuận theo lời khuyên của Ðức vua Sakka, Ðức Bồ Tát sau khi từ giã (chết) cõi trời, do thiện nghiệp cho quả tái sanh vào lòng chánh cung hoàng hậu Sīlavatī, đúng 10 tháng chào đời có thân hình xấu xí đáng ghê sợ, được đặt tên Kusakumāra: thái tử Kusa.

Ðức Bồ Tát trưởng thành có trí tuệ siêu việt, có đầy đủ tài nghệ xuất chúng do bẩm tính tự nhiên, không hề theo học một vị thầy nào cả. Ðức Bồ Tát có một người em trai là hoàng tử Jayampati.

Khi Ðức Bồ Tát lên 16 tuổi, vua cha có ý định muốn truyền ngôi báu cho Ðức Bồ Tát, vì nhận thấy Ngài có đầy đủ tài xuất chúng, không một ai sánh kịp, có oai lực phi thường, đặc biệt có giọng nói như sư tử chúa rống, làm cho mọi kẻ thù kinh hồn bạt vía.

Ðức vua Okkāka cùng chánh cung hoàng hậu Sīlavatī bàn tính tìm một công chúa của một Ðức vua nào trong cõi Nam thiện bộ châu, đem về tấn phong ngôi chánh cung hoàng hậu. Hoàng hậu Sīlavatī truyền người hầu đến hỏi ý kiến Ðức Bồ Tát.

Ðức Bồ Tát suy nghĩ rằng: ta có thân hình xấu xí đáng ghê sợ như thế này, còn công chúa có sắc đẹp, khi nàng nhìn thấy ta sẽ khinh ghét bỏ đi. Như vậy, chỉ làm cho ta xấu hổ mà thôi, không ích lợi gì. Ðiều tốt hơn, ta sống trong cung điện này lo phụng dưỡng phụ vương và mẫu hậu, đến khi hai Người băng hà, ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ sống trong rừng núi tu hành.

Nghĩ như vậy, nên Ðức Bồ Tát trả lời cho người hầu biết rằng:

- Ta không muốn làm vua, không muốn vợ con, ta muốn lo phụng dưỡng phụ vương và mẫu hậu của ta, cho đến khi hai Người băng hà; lúc ấy ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ sống trong rừng núi.

Người hầu về tâu với hoàng hậu, hoàng hậu tâu lên Ðức vua; Ðức vua không chấp thuận, truyền cho người đến báo cho thái tử biết ý định của Ðức vua là "thái tử phải lên ngôi, phải có chánh cung hoàng hậu". Ðức Bồ Tát 2 – 3 lần vẫn từ chối không chấp nhận. Về sau Ðức Bồ Tát suy xét về phận làm con, từ chối lời khẩn khoản của cha mẹ nhiều lần là điều không nên, vậy ta nên tìm cách khác vậy.

Ðức Bồ Tát, tự mình đúc một pho tượng một cô gái bằng vàng xinh đẹp tuyệt vời, cho mặc y phục, trang hoàng những đồ nữ trang quý giá, mang giầy dép... giống hệt như cô gái thật xinh đẹp tuyệt vời (không ai ngờ rằng đó là pho tượng).

Ðức Bồ Tát cho người đem đến trình mẫu hậu, cùng với lời tâu rằng: "Công chúa nào thật xinh đẹp tuyệt vời như pho tượng này, thì con mới chịu làm lễ kết hôn với công chúa ấy".

Hoàng hậu truyền gọi các quan rồi phán rằng:

- Thái tử của ta là bậc đại phước, do Ðức vua trời Sakka ban cho, thái tử chỉ muốn kết hôn cùng với công chúa xinh đẹp như pho tượng này. Vậy, các ngươi hãy đem pho tượng này so sánh cùng khắp cõi Nam thiện bộ châu, nếu gặp công chúa của Ðức vua nào có thân hình xinh đẹp như pho tượng này, thì xin dâng pho tượng này đến Ðức vua ấy rồi tâu rằng: "Ðức vua Okkāka muốn kết tình thông gia với Ðại Vương, sẽ làm lễ thành hôn thái tử với công chúa của Ðức vua ... Xin hẹn ngày làm lễ, rồi các ngươi cấp tốc trở về tâu lại cho ta rõ".

Các quan tuân lệnh Hoàng hậu, đặt pho tượng trên xe, đưa đi đến các nước lân bang, đặt nơi kinh thành và có nhiều người qua lại, còn các quan ẩn nấp một nơi để lắng nghe lời phê bình về pho tượng.

Người ta nhìn qua pho tượng đều trầm trồ khen ngợi rằng:

- Cô gái này xinh đẹp tuyệt vời, có khác gì thiên nữ, ở xứ ta không có công chúa nào xinh đẹp như cô gái này; cô gái này ở xứ nào đến mà đứng ở đây?

Ðược lắng nghe như vậy, các quan biết xứ này không có công chúa nào xinh đẹp như pho tượng, nên chở pho tượng sang xứ khác. Cuối cùng đến xứ Madda của Ðức vua Madda trị vì ở kinh thành Sāgala; đem pho tượng đến kinh thành Sāgala, đặt ở bến sông có nhiều người qua lại để lấy nước.

Ðức vua Madda có 8 công chúa, công chúa lớn nhất tên Pabhāvatī bởi cô có sắc đẹp tuyệt trần, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân, như một thứ ánh sáng mát dịu của mặt trời, cả đêm lẫn ngày. Trong căn phòng của công chúa, ban đêm không cần dùng đèn cũng có thể nhìn thấy mọi vật như ban ngày. Công chúa có một người nữ hầu thân tín tên Khujjā (nữ còng lưng).

Bà hầu Khujjā sai bảo 8 nữ tỳ đi lấy nước ở bến sông đem về cho công chúa Pabhāvatī dùng. Các nữ tỳ nhìn từ xa thấy pho tượng, tưởng là công chúa Pabhāvatī đứng nơi đó, nên lại gần lễ phép thưa công chúa, chẳng nghe nói năng gì, nhìn kỹ mới biết không phải là công chúa chủ của mình, đấy chỉ là pho tượng bằng vàng, các nữ tỳ cảm thấy mắc cở vì bị hớ, liền chê trách rằng:

- Pho tượng này có giá trị gì đâu, so với công chúa chủ của chúng ta!

Lắng nghe rõ lời phê bình của các nữ tỳ, các quan tìm đến hỏi:

- Này quý cô, quý cô nói công chúa của quý cô xinh đẹp hơn pho tượng này phải không?

- Thưa phải! Pho tượng này so với công chúa của chúng tôi có đáng giá gì đâu! – Một nữ tỳ trưởng nhóm trả lời.

- Công chúa của quý cô có quý danh gọi là gì?

- Công chúa có quý danh gọi là Pabhāvatī, công chúa lớn của đức vua Madda. – Thưa ông.

Các quan vô cùng hoan hỉ, cám ơn các cô, rồi đem pho tượng đặt lên xe đi thẳng đến cửa cung điện của đức vua Madda, nhờ người lính gác cửa vào tâu lên Ðức vua rằng:

- Có sứ giả của đức vua Okkāka ở kinh thành Kusavatī xứ Malla đang đứng chờ ngoài ngọ môn, xin được vào yết kiến Hoàng thượng.

Ðức vua truyền lệnh mời các quan sứ giả vào triều bệ kiến.

- Muôn tâu Ðại vương, Hoàng thượng của kẻ hạ thần là đức vua Okkāka kính lời vấn an Ðại vương, kính chúc Ðại vương vạn tuế.

Ðức vua cám ơn rồi truyền hỏi rằng:

- Các ngươi đến đây, chắc còn có quốc sự gì quan trọng, hãy tâu trình cho Trẫm rõ.

- Muôn tâu Ðại vương! Hoàng thượng của kẻ hạ thần có một thái tử tên Kusakumāra, có giọng nói hùng dũng như tiếng sư tử chúa rống, Hoàng thượng của chúng thần muốn truyền ngôi báu cho thái tử, kén chọn công chúa tấn phong lên ngôi chánh cung hoàng hậu. Người truyền lệnh kẻ hạ thần đến yết kiến Ðại vương, xin Ðại vương ban công chúa Pabhāvatī kết hôn cùng thái tử Kusakumāra. Khi thái tử lên ngôi, sẽ tấn phong công chúa Pabhāvatī lên ngôi chánh cung hoàng hậu.

Các quan sứ giả dâng pho tượng vàng lên Ðức vua Madda, Ðức vua rất hoan hỉ tiếp nhận pho tượng và nghĩ rằng: "công chúa của ta được kết hôn với thái tử một nước lớn, thì thật là vinh hạnh cho xứ sở của ta".

Các quan sứ giả xin phép trở về nước, để trình tâu lên đức vua Okkāka được rõ, và sẽ chọn ngày ngự đến đón rước công chúa Pabhāvatī.

Ðức vua Madda phán rằng: Tốt lắm! Rồi truyền lệnh tiễn đưa các quan trở về nước.

Khi các quan về đến kinh thành Kusavatī, vào yết kiến Ðức vua cùng Hoàng hậu tâu trình việc tìm được công chúa Pabhāvatī xinh đẹp tuyệt trần rồi cùng chọn ngày đón rước công chúa Pabhāvatī, Ðức vua Okkāka, hoàng hậu Sīlavatī cùng các quan quân một đoàn hộ giá đông đảo rời khỏi kinh thành Kusavatī ngự đến xứ Madda. Ðức vua Madda làm lễ đón rước đức vua Okkāka, hoàng hậu Sīlavatī cùng đoàn hộ giá ngự vào kinh thành Sāgala, tổ chức buổi lễ rất long trọng tại cung điện đức vua Madda.

Trải qua 2 – 3 ngày hoàng hậu Sīlavatī rất thông minh, có trí tuệ sáng suốt, muốn nhìn mặt công chúa Pabhāvatī, nên tâu với Ðức vua Madda rằng:

- Thưa Ðức vua, chúng tôi xin phép nhìn mặt nàng dâu có được hay không?

- Ðược lắm. – Ðức vua Madda đáp lời rồi truyền gọi công chúa Pabhāvatī đến yết kiến đức vua Okkāka và hoàng hậu Sīlavatī.

Công chúa Pabhāvatī trang điểm những đồ trang sức quý giá tăng thêm vẻ đẹp tuyệt trần như thiên nữ cùng nhóm nữ tỳ đông đảo tuỳ tùng theo sau đến bệ kiến Ðức vua cùng Hoàng hậu.

Hoàng hậu nhìn thấy công chúa Pabhāvatī nghĩ rằng: công chúa đẹp tuyệt trần như thiên nữ, có ánh sáng hào quang mát dịu, còn thái tử có thân hình xấu xí, đáng ghê sợ, nếu công chúa nhìn thấy thái tử, thì không thể nào sống chung với nhau được, chắc chắn sợ hãi ghét bỏ đi. Ta nên tìm cách giúp Thái tử.

Hoàng hậu thưa với đức vua Madda rằng:

- Thưa Ðại vương, công chúa Pabhāvatī thật xứng đáng với thái tử của chúng tôi. Trong dòng vua của chúng tôi có một truyền thống, không biết công chúa có thể hành theo truyền thống ấy được hay không?

- Truyền thống thế nào, tâu Hoàng hậu? – Ðức vua Madda thưa.

- Thưa Ðại vương, ban ngày hoàng hậu không được phép diện kiến Ðức vua, chỉ gặp nhau trong căn phòng lúc ban đêm. Cho đến khi nào hoàng hậu thụ thai. Khi ấy, hoàng hậu diện kiến Ðức vua lúc ban ngày. Nếu công chúa Pabhāvatī hành theo truyền thống ấy được, chúng tôi đón rước công chúa.

Ðức vua Madda truyền hỏi công chúa:

- Này con, con có thể hành theo truyền thống ấy được không?

- Tâu phụ vương, con có thể. – Công chúa tâu.

Sau đó, đức vua Okkāka làm lễ dâng nhiều của cải quý giá đến đức vua Madda, rước công chúa Pabhāvatī trở về kinh thành Kusavatī.

Phần đức vua Madda làm lễ tiễn đưa công chúa Pabhāvatī với đoàn tuỳ tùng đông đảo.

Ðức vua Okkāka về đến kinh thành Kusavatī, truyền chiếu chỉ trang hoàng toàn kinh thành, cung điện làm lễ mừng ngày lễ đăng quang thái tử lên ngôi báu trị vì đất nước, tấn phong công chúa Pabhāvatī lên ngôi chánh cung hoàng hậu.

Ðức vua truyền lệnh phóng thích tất cả tù nhân, truyền chiếu chỉ đến các nước lân bang rằng: "Từ nay, đức vua Kusa trị vì toàn thể đất nước Malla rộng lớn này, các nước trong cõi Nam thiện bộ châu, Ðức vua nào có công chúa, xin dâng công chúa đến đức vua Kusa để gây tình thân thiện; và gởi các hoàng tử đến cầu thân để được Ðức vua bảo hộ".

Ðức vua Kusa trị vì đất nước rộng lớn, có oai lực phi thường, đặc biệt có giọng nói như tiếng rống của sư tử chúa, khiến cho các nước lân bang đều khâm phục. Cho nên trong nước được an lành thịnh vượng.

Hoàng hậu Pabhāvatī không diện kiến đức vua Kusa ban ngày, và đức vua Kusa cũng không nhìn thấy rõ mặt hoàng hậu Pabhāvatī; Ðức vua và hoàng hậu chỉ gần gũi nhau lúc ban đêm; bình thường ban đêm hoàng hậu Pabhāvatī ở một mình, thân hình toả ra ánh sáng hào quang mát dịu như ban ngày, nhưng khi nào Ðức vua Bồ Tát đến gần hoàng hậu, do oai lực của Ðức Bồ Tát thì ánh sáng hào quang kia biến mất, chỉ có bóng tối ban đêm, cho nên, Ðức vua và hoàng hậu không thể nhìn thấy mặt nhau được.

Ðức vua muốn nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī ban ngày, nên đến nhờ mẫu hậu của Ngài giúp đỡ. Bà ngăn cấm rằng:

- Hoàng nhi hãy chờ đợi một thời gian nữa, cho đến khi nào có được một hoàng tử.

Ðức vua Bồ Tát nóng lòng muốn nhìn xem mặt hoàng hậu, đến cầu xin khẩn khoản mẫu hậu của Ngài, nhiều lần, bà cũng phải chìu theo, bà dạy rằng:

- Hoàng nhi đến chuồng voi, đóng vai người nài voi, mẫu hậu sẽ dẫn nàng đến chuồng voi xem voi của Ðức vua.

Mẫu hậu của Ngài dẫn hoàng hậu Pabhāvatī đến xem voi trong chuồng voi, Ðức Bồ Tát đứng nơi đó nhìn thấy hoàng hậu xinh đẹp tuyệt trần, cảm hứng quá lấy phân voi ném đằng sau hoàng hậu Pabhāvatī, làm cho hoàng hậu tức giận truyền rằng:

- Ta sẽ trình tâu Ðức vua, truyền lệnh chặt tay của ngươi!

Bà Hoàng thái hậu năn nỉ tha thứ tội lỗi cho người nài.

Lần sau, Ðức Bồ Tát muốn nhìn xem mặt hoàng hậu, mẫu hậu của Ngài dẫn hoàng hậu đến chuồng ngựa; Ngài đóng vai người giữ ngựa, nhìn thấy hoàng hậu, lại lấy phân ngựa ném đằng sau hoàng hậu. Hoàng hậu tức giận, bà Hoàng thái hậu lại năn nỉ tha tội cho người giữ ngựa.

Một hôm, hoàng hậu Pabhāvatī muốn nhìn xem mặt Ðức vua, bà mẫu hậu không thể từ chối nên bảo nàng rằng:

- Ngày mai, Ðức vua sẽ đi dạo quanh kinh thành, con hãy đứng ở cửa sổ nhìn xuống.

Bà hoàng thái hậu truyền lệnh kinh thành trang hoàng đẹp đẽ, Ðức vua đi dạo, bà truyền dạy hoàng tử Jayampati (hoàng đệ của Ðức Bồ Tát) trang phục Ðức vua ngồi lên lưng bạch tượng, còn Ðức Bồ Tát đóng vai người nài voi ngồi đằng sau, bạch tượng đi ngang qua lâu đài của hoàng hậu, hoàng hậu đứng cửa sổ nhìn xuống, Ðức Bồ Tát nhìn lên lấy tay vẫy, có cử chỉ không lịch sự, hoàng hậu thấy không hài lòng, nhưng nàng tự nghĩ: Ðức vua thật xứng với ta.

Bà hoàng thái hậu truyền dạy:

- Con đã nhìn thấy Ðức vua rồi phải không?

- Tâu thái hậu, con đã nhìn thấy rồi, con rất hài lòng, nhưng sao lại tuyển chọn người nài voi xấu xí đáng ghê sợ, có những cử chỉ vô lễ với Ðức vua và con nữa.

Bà hoàng thái hậu khuyên hoàng hậu nên tha tội cho người nài voi kia.

Hoàng hậu suy nghĩ: mấy hôm trước người nài voi, người giữ ngựa, nay cũng chính y. Tại sao y lại được hưởng đặc ân của triều đình đến như vậy? Có phải y chính là đức vua Kusa hay không? Hoàng hậu bắt đầu hoài nghi về nhân vật này.

Ðức Bồ Tát lại muốn nhìn thấy tận mặt hoàng hậu, đến xin mẫu hậu của Ngài giúp đỡ. Bà hoàng thái hậu nhận thấy hoàng hậu không vui, bà dẫn đi dạo thượng uyển, đến hồ sen nước trong, hoa sen nở rộ, Ðức Bồ Tát ngâm mình dưới hồ, lấy lá sen che mặt; hoàng hậu nhìn thấy nước hồ trong trẻo, có nhiều loại hoa sen xinh đẹp, nàng muốn xuống hồ để tắm, cùng với các nữ tỳ. Nàng nhìn thấy một hoa sen xinh đẹp, vớ tay định hái đoá hoa sen, tại nơi ấy Ðức Bồ Tát ẩn mình, nổi lên nắm lấy cánh tay hoàng hậu la lớn rằng: "Ta là đức vua Kusa!". Hoàng hậu tận mắt nhìn thấy rõ mặt mày, thân hình xấu xí đang ghê sợ của Ðức Bồ Tát làm cho hoàng hậu chết giấc, các nữ tỳ đem hoàng hậu cứu chữa mới tỉnh lại. Khi hoàn hồn, hoàng hậu nhớ lại những sự kiện đã xảy ra trước kia: người nài voi ném phân voi, người giữ ngựa ném phân ngựa, người nài voi ngồi sau bạch tượng cũng chính là người này, đức vua Kusa, không phải ai khác.

Hoàng hậu gọi các quan lo xe giá đưa bà trở về cố quốc ngay hôm ấy, các quan tâu Ðức vua rõ. Ðức vua nghĩ rằng: nếu cấm hoàng hậu, nàng có thể đứng tim chết thôi, nên đành để cho nàng trở về kinh thành Sāgala. Sau đó, ta sẽ tìm cách rước nàng trở lại.

Ðức vua truyền lệnh chuẩn bị xe giá sang trọng tiễn đưa Chánh cung hoàng hậu về kinh thành Sāgala.

Do nghiệp lực nào, đức vua Kusa có thân hình xấu xí, đáng ghê sợ?

Do nghiệp lực nào, đức vua Kusa chỉ sủng ái một mình hoàng hậu Pabhāvatī mà không quan tâm đến các cung phi mỹ nữ khác?

Và do nguyện lực nào, hoàng hậu Pabhāvatī có sắc đẹp tuyệt trần, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân của bà suốt ngày đêm, nhưng khi đức vua Kusa đến gần, ánh sáng kia biến mất.

Do nguyện lực nào hoàng hậu Pabhāvatī không muốn sống chung với đức vua Kusa?

Tất cả mọi quả ắt hẳn phát sanh từ nhân. Quả có nghĩa là quả của nghiệp và nhân chính là nghiệp. Ðức vua Kusa và hoàng hậu Pabhāvatī đều là hiện thân quả của nghiệp. Vậy quả của nghiệp nào, nên tìm hiểu qua tích tiền kiếp cuả đức vua Kusa và hoàng hậu Pabhāvatī được tóm lược như sau:

Trong quá khứ, một làng ở gần cửa thành Bārāṇasī có hai gia đình:

Một gia đình có hai người con trai: một anh cả và một người em thứ là Ðức Bồ Tát.

Một gia đình kia có một người con gái.

Bên nhà trai xin cưới con gái của gia đình kia về làm vợ của người con cả. Người con thứ chưa có vợ vẫn sống chung với nhau một nhà.

Một hôm, người chị dâu làm bánh chiên rất ngon, gia đình đông đủ, chỉ có người em chồng vắng mặt, vì đi làm ở trong rừng; người chị dâu dành phần bánh cho người em xong, cả gia đình cùng nhau dùng hết bánh.

Khi ấy, Ðức Phật Ðộc Giác đi khất thực đến đứng trước cửa nhà, người chị dâu phát sanh đức tin trong sạch, nên nghĩ rằng: "ta nên lấy phần bánh để dành cho người em chồng, để bát cúng dường đến Ðức Phật Ðộc Giác xong, rồi ta sẽ làm phần bánh chiên khác thay thế". Khi người chị dâu đem phần bánh chiên dâng cúng đến Ðức Phật Ðộc Giác xong; vừa lúc đó, người em chồng từ rừng trở về nhà hỏi phần bánh chiên của mình; người chị chồng nói rằng:

- Chú ạ! Phần bánh chiên của chú chị đã đem dâng cúng đến Ðức Phật Ðộc Giác rồi, chú hoan hỉ ráng đợi chị một lát, chị sẽ làm phần bánh chiên khác cho chú ngay.

Nghe nói vậy, người em chồng nổi giận nói rằng:

- Chị ăn phần bánh của mình hết rồi, lại lấy phần bánh chiên của tôi đem dâng đến Ðức Phật Ðộc Giác, tôi lấy gì ăn đây?

Người em chồng tức giận đi đến Ðức Phật Ðộc Giác lấy lại phần bánh chiên. Thấy vậy, người chị dâu vội vã đi về nhà cha mẹ của mình lấy bơ lỏng còn mới và trong trẻo có màu giống như hoa mộc lan, dâng cúng đến Ðức Phật Ðộc Giác đầy bát, thay thế phần bánh chiên kia. Bơ lỏng toả ra ánh sáng trong, nhìn thấy, nàng vô cùng hoan hỉ, nên thành tâm phát nguyện rằng:

- Kính bạch Ngài, do năng lực phước thiện bố thí này, kiếp sau, cầu xin cho con có được sắc thân xinh đẹp tuyệt trần, không một ai sánh kịp, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân suốt đêm ngày và xin đừng sống chung với hạng người ác như chú em chồng của con.

Nghe rõ lời phát nguyện của người chị dâu, người em chồng (Ðức Bồ Tát) vội vàng dâng cúng để bát Ðức Phật Ðộc Giác phần bánh chiên của mình đè lên trên bơ lỏng của người chị dâu rồi phát nguyện rằng:

- Kính bạch Ngài, do năng lực phước thiện bố thí này, kiếp sau chị dâu của con dầu ở xa hằng trăm do tuần, cầu xin cho con có đủ khả năng rước đem về làm vợ của con.

Người chị dâu sau khi chết, do năng lực phước thiện bố thí là thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời; về sau tái sanh cõi người là công chúa Pabhāvatī, con của đức vua Madda.

Công chúa Pabhāvatī có sắc thân xinh đẹp tuyệt trần, có ánh hào quang toả ra từ sắc thân suốt đêm ngày. Như vậy, được thành tựu đúng theo lời phát nguyện.

Hoàng hậu Pabhāvatī không muốn sống chung với đức vua Kusa. Như vậy, được thành tựu đúng theo lời phát nguyện.

Người em chồng, sau khi chết, do năng lực phước thiện là thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời hưởng mọi sự an lạc, đến khi hết tuổi thọ, đức vua Sakka thỉnh tái sanh cõi người vào lòng chánh cung hoàng hậu Sīlavatī của Ðức vua Okkāka xứ Malla. Sau khi tái sanh, ác nghiệp nổi giận lấy lại phần bánh chiên của mình từ trong bát của Ðức Phật Ðộc Giác, cho quả có thân hình xấu xí đáng ghê sợ.

Thái tử Kusa lên ngôi làm vua trị vì một nước lớn, có nhiều oai lực có giọng nói như sư tử chúa rống, làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía. Ðó là do quả của thiện nghiệp.

Thái tử Kusa rước công chúa Pabhāvatī đem về tấn phong chánh cung hoàng hậu. Như vậy, được thành tựu đúng theo lời phát nguyện.

Lời phát nguyện của tiền thân hoàng hậu Pabhāvatī mọi điều đã được thành tựu như ý.

Còn lời phát nguyện của Ðức Bồ Tát thì thế nào?

Sau khi hoàng hậu Pabhāvatī đã trở về đến kinh thành Sāgala của vua cha rồi, ngày đêm, đức vua Kusa tâm trí luôn luôn nhớ thương đến một mình hoàng hậu không nguôi. Mặc dầu trong cung điện có nhiều cung phi mỹ nữ mà Ðức vua không hề quan tâm đến một người nào cả. Lòng thương nhớ hoàng hậu càng thôi thúc, khiến cho Ðức vua đến hầu mẫu hậu của Ngài tâu rằng:

Tâu mẫu hậu, xin phép mẫu hậu, con sẽ đi rước hoàng hậu Pabhāvatī trở lại. Vậy con xin giao lại ngôi báu này cho mẫu hậu.

Ðức vua Bồ Tát giả dạng một người dân thường, đem theo một cây đàn lên đường thẳng đến kinh thành Sāgala, xin ngủ nhờ một nhà người nài voi gần cung điện của đức vua Madda; Ðức Bồ Tát ngủ rất ngon giấc, khi thức dậy lấy cây đàn khảy một bài, tiếng đàn réo rắt gợi lòng thương nhớ hoàng hậu Pabhāvatī. Tiếng đàn toả ra không gian, lan vào cung điện. Hoàng hậu nghe tiếng đàn biết rõ chắc chắn tiếng đàn của đức vua Kusa đã đến đây để rước ta trở lại kinh thành Kusavatī, bà rất lo sợ. Chính đức vua Madda cũng tấm tắc khen ngợi tiếng đàn hay tuyệt vời, nhưng nghe sao thống thiết quá!

Ðức Bồ Tát nghĩ rằng ở đây không thể gặp mặt hoàng hậu Pabhāvatī được, nên tìm đến chỗ lò gốm, nơi làm đồ dùng của Ðức vua và các công chúa, để có cơ hội làm những món đồ dùng cho hoàng hậu Pabhāvatī. Ðức Bồ Tát đến xin làm học trò, ông chủ lò gốm hoan hỉ nhận Ðức Bồ Tát. Tại lò gốm, Ðức Bồ Tát đã làm nhiều món đồ gốm tráng men, kiểu mẫu đẹp tuyệt vời, xứng đáng bậc thầy của chủ lò gốm. Có những món đồ gốm tráng men, cố ý dành cho hoàng hậu Pabhāvatī dùng, có hình ảnh hoàng hậu Pabhāvatī, đức vua Kusa, cảnh trong cung điện, chỉ có một mình hoàng hậu biết được mà thôi. Ông chủ lò gốm đem vào dâng Ðức vua cùng quý công chúa, Ðức vua trầm trồ khen ngợi những món đồ rất xinh đẹp tuyệt vời, thật vô giá. Những món đồ ấy cũng đến tay hoàng hậu Pabhāvatī, bà nhìn thấy biết ngay, những món đồ này do đôi bàn tay của đức vua Kusa để dành cho bà, vốn không ưa thích Ðức vua, nên bà không dùng những món đồ ấy.

Ðức Bồ Tát nghĩ rằng ở nơi đây ta cũng không có cơ hội gặp mặt hoàng hậu Pabhāvatī được; tìm đến chỗ làm đồ thủ công, nơi làm đồ dùng cho Ðức vua và quý công chúa, Ðức Bồ Tát xin làm học trò, Ngài đã làm những món đồ đan bằng lá thốt nốt đẹp tuyệt vời có hình ảnh hoàng hậu, ở trong cung điện, chỉ có một mình hoàng hậu biết được mà thôi. Người thợ thủ công đem những món đồ dâng Ðức vua cùng quý công chúa, Ðức vua trầm trồ khen ngợi chưa từng thấy những món đồ xinh đẹp như vậy. Những món đồ ấy đến tay hoàng hậu Pabhāvatī, bà nhìn thấy biết ngay, những món đồ này do đôi bàn tay của đức vua Kusa, bà không chịu dùng những món đồ ấy.

Ðức Bồ Tát nghĩ rằng ở đây ta cũng không có cơ hội thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī, tìm đến tiệm hàng kết hoa cho Ðức vua Madda cùng quý công chúa. Ðức Bồ Tát xin làm học trò, Ngài đã kết những tràng hoa bằng nhiều loại hoa khác nhau, thành hình ảnh hoàng hậu, Ðức vua v.v... chỉ có hoàng hậu biết mà thôi. Người thợ kết hoa đem dâng Ðức vua cùng quý cô công chúa; hoàng hậu Pabhāvatī nhìn thấy tràng hoa biết ngay, do bàn tay của đức vua Kusa, bà không chịu nhận tràng hoa ấy.

Ðức vua Bồ Tát bỏ ngôi báu, mẫu hậu, phụ hoàng xứ sở của mình đến kinh thành Sāgala này với ý nguyện nhìn thấy hoàng hậu Pabhāvatī và rước hoàng hậu trở lại cung điện. Ðức Bồ Tát suy nghĩ ở đây không thể thực hiện được ý nguyện của mình, nên Ngài từ giã tiệm hàng kết hoa, tìm đến nhà bếp nơi làm đồ ăn dâng Ðức vua cùng quý công chúa, để xin làm học trò phụ bếp. Người đầu bếp cho Ðức Bồ Tát một ít xương còn dính thịt làm món ăn để dùng, Ngài đã làm thành một món ăn thật ngon có mùi thơm toả ra khắp kinh thành bay đến cung điện. Ðức vua ngửi thấy mùi thơm vật thực, truyền hỏi người đầu bếp đang dâng vật thực rằng:

- Này ngươi, còn món ăn đặc biệt nào ở nhà bếp mà ngươi chưa dâng cho Trẫm phải không?

- Tâu Hoàng thượng, không có. – Người đầu bếp tâu.

- Ngươi để ý ngửi xem có phải hương vị món vật thực không? – Ðức vua truyền.

Người đầu bếp để ý ngửi, đúng là mùi thơm của món vật thực, bèn tâu rằng:

- Tâu hoàng thượng, hạ thần có cho người học trò mới phụ bếp một ít xương còn dính thịt làm món ăn để dùng.

- Ngươi hãy về đem món ăn ấy cho Trẫm xem.

Người đầu bếp trở về lấy món ăn ấy dâng lên Ðức vua, Ðức vua vừa bỏ vào đầu lưỡi, vị ngon, hương thơm toả ra toàn thân như nếm phải món vật thực của chư thiên.

Ðức vua truyền lệnh rằng:

- Từ nay, ngươi để cho người học trò mới làm đồ ăn dâng lên Trẫm và quý công chúa. Phần ăn của Trẫm thì chính ngươi đem đến, còn phần ăn của quý công chúa, thì ngươi cho người học trò mới đem phân phát.

Người đầu bếp trở về thi hành theo ý chỉ của Ðức vua, giao việc nấu nướng những thức ăn cho Ðức Bồ Tát, ông bảo Ðức Bồ Tát rằng:

- Ta đem phần ăn lên dâng Ðức vua, còn ngươi đem những phần ăn dâng đến quý công chúa.

Ðức Bồ Tát nghe người đầu bếp phân công, trong lòng vô cùng vui mừng hoan hỉ, nghĩ rằng: ý nguyện của ta sẽ thành tựu, từ nay ta có thể nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī.

Như vậy, mỗi ngày Ðức Bồ Tát đem vật thực phân phát quý cô công chúa, với mục đích chính là nhìn thấy chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī.

Ðức Bồ Tát mang vật thực lên lâu đài hoàng hậu Pabhāvatī, Ðức vua vô cùng hoan hỉ, khi nhìn thấy rõ chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī, còn hoàng hậu cũng nhìn thấy rõ Ðức vua tâm không hài lòng, nghĩ rằng:"Chỉ vì ta, mà đức vua Kusa đến đây giả dạng người làm công, người tôi tớ. Thật không xứng đáng chút nào cả! Nếu ta làm thinh, Ðức vua tưởng lầm ta còn thương tưởng đến Người rồi ở đây luôn để mọi ngày nhìn thấy ta. Ta nên nói cho Ðức vua biết".

- Xin mời Ðại vương trở về kinh thành Kusavatī càng sớm càng tốt, thần thiếp không muốn nhìn thấy Ðại vương có thân hình xấu xí đáng ghê sợ! Ðại vương ở đây phải chịu vất vã khổ cực ngày đêm có ích lợi gì đâu?

Nghe lời chê trách với giọng hằn học của hoàng hậu, thay vì tức giận, Ðức vua lại hài lòng hoan hỉ nghe được giọng nói của hoàng hậu, rồi đáp lại rằng:

- Này ái khanh Pabhāvatī, ái khanh xinh đẹp tuyệt trần, Trẫm rất sủng ái nơi ái khanh, Trẫm không thể trở lại kinh thành Kusavatī một mình; Trẫm đã từ bỏ kinh thành Kusavatī, từ bỏ cả ngôi báu, từ bỏ tất cả, chỉ vì ái khanh. Trẫm rất hài lòng ở lại đây, để hằng ngày ngắm nhìn ái khanh.

- Này ái khanh, Trẫm say mê nơi sắc đẹp tuyệt trần của ái khanh, Trẫm chỉ cần một mình ái khanh mà thôi, không cần đến ngôi báu ở kinh thành Kusavatī xứ Malla to lớn....

Nghe lời phán của đức vua Kusa, hoàng hậu Pabhāvatī nghĩ rằng: Ta chê trách để làm cho Ðức vua tức giận, trở về cố quốc. Ngược lại, Ðức vua không tức giận, lại còn thốt lời yêu thương ràng buộc. Nếu người tự xưng danh "Ta là đức vua Kusa" tiến đến nắm tay ta, thì còn ai dám can ngăn Ðức vua được.

Ðức vua Kusa ngự đến kinh thành Sāgala này, chỉ có hoàng hậu Pabhāvatī và bà Khujjā người hầu thân tín biết mà thôi, còn những người khác hoàn toàn không ai hay biết sự có mặt của đức vua Kusa.

Hoàng hậu Pabhāvatī cảm thấy lo sợ, nên lánh mặt, truyền dạy người hầu mỗi ngày dùng phần ăn mà Ðức Bồ Tát dành cho bà; còn bà dùng phần ăn của người hầu.

Từ đó về sau, Ðức Bồ Tát không nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī, lòng thương nhớ không nguôi, Ðức Bồ Tát nhờ đến bà Khujjā, người hầu của hoàng hậu rằng:

- Ta nhờ ngươi cố thuyết phục hoàng hậu gặp gỡ ta, nói chuyện vui vẻ, tươi cười thương yêu ta, lấy đôi bàn tay mềm mại xoa nhẹ trên thân hình của ta. Nếu nhà ngươi làm được như vậy, thì chắc chắn nhà ngươi sẽ được trọng thưởng.

Bà Khujjā nhận lời khẩn khoản tha thiết của Ðức Bồ Tát, cố gắng thuyết phục hoàng hậu Pabhāvatī nhưng không có kết quả. Ðức vua Bồ Tát chờ mãi, chờ mãi trải qua 7 tháng ròng rã mà vẫn chưa nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī.

Ðức Bồ Tát ngồi một mình than vãn rằng: đã trải qua 7 tháng rồi chưa về thăm mẫu hậu và phụ vương; ở đây ngày đêm vất vả khổ cực, mà chẳng nhìn thấy mặt hoàng hậu Pabhāvatī đâu...?

Nỗi khổ tâm của Ðức Bồ Tát động đến vua trời Sakka, hiểu rõ nguyện vọng của Ðức Bồ Tát muốn gặp mặt hoàng hậu Pabhāvatī và rước nàng trở về kinh thành Kusavatī, nên Ðức vua trời Sakka tìm cách giúp đỡ để Ðức Bồ Tát được toại nguyện.

Ðức vua trời Sakka cho hoá ra nhiều sứ giả mang chiếu chỉ của Ðức vua Madda gởi đến 7 Ðức vua ở 7 kinh thành khác nhau, cùng một lúc, với lời lẽ rằng: "Công chúa Pabhāvatī đã li dị đức vua Kusa trở về kinh thành Sāgala rồi; nếu đại vương muốn công chúa Pabhāvatī, xin ngự đến rước nàng".

Bảy Ðức vua từ 7 kinh thành đều ngự cùng với đoàn tuỳ tùng hộ tống đông đảo đến kinh thành Sāgala gặp nhau cùng một lúc, các Ðức vua gặp hỏi nhau rằng:

- Ðại vương ngự đến đây với quốc sự gì?

Ðược biết, 7 Ðức vua ngự đến xứ Madda có cùng một mục đích "rước công chúa Pabhāvatī về nước". Các Ðức vua nổi giận Ðức vua Madda và truyền rằng: Ðức vua Madda dâng một mình công chúa Pabhāvatī đến 7 Ðức vua ở 7 kinh thành, là một việc làm có tánh khiêu khích chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau bắt Ðức vua Madda trị tội.

Cho nên, mỗi Ðức vua đều gởi chiếu chỉ với lời lẽ rằng: "Ðại vương Madda, hãy dâng công chúa Pabhāvatī cho quả nhân hoặc chiến tranh".

Gởi chiếu chỉ xong, 7 Ðức vua đem quân vây quanh kinh thành Sāgala. Ðức vua Madda biết như vậy, tâm vô cùng hoảng sợ, lệnh hội họp các quan bàn việc đối phó, phải làm thế nào? Một vị quan tâu rằng:

- Tâu bệ hạ! 7 Ðức vua ngự đến đây, nguyên nhân do công chúa Pabhāvatī, xin bệ hạ bắt công chúa Pabhāvatī dâng cho họ, để tránh khỏi cuộc chiến tranh xảy ra.

Nghe tâu như vậy, Ðức vua Madda truyền rằng:

- Nếu Trẫm bắt công chúa Pabhāvatī dâng cho một Ðức vua này, thì còn lại 6 Ðức vua kia sẽ gây chiến tranh với ta. Như vậy, Trẫm không thể dâng công chúa cho Ðức vua nào được.

Sự việc xảy ra như thế này, là do công chúa Pabhāvatī bỏ đức vua Kusa là một Ðức vua có oai lực phi thường trong cõi Nam thiện bộ châu này, mà công chúa chê đức vua Kusa có thân hình xấu xí, đáng ghê sợ, trở về đây. Cho nên, ngày nay, công chúa Pabhāvatī đành phải chịu hậu quả ấy. Vậy bắt công chúa Pabhāvatī chặt làm 7 phần dâng cho 7 Ðức vua của 7 kinh thành.

Nghe tin như vậy, công chúa vô cùng kinh hoảng sợ chết, chặt làm 7 phần, nàng vội vàng đến tìm mẫu hậu khóc than cầu xin cứu mạng; nhưng làm sao cải lệnh của Ðức vua được.

Mẫu hậu quở trách công chúa Pabhāvatī rằng:

- Bởi con tự kiêu ngã mạn, ỷ lại sắc đẹp tuyệt trần của mình, nên chê trách đức vua Kusa xấu xí đáng ghê sợ, bỏ Ðức vua về đây, nên ngày nay con phải chịu hậu quả đau khổ như thế này!

Nếu mà bây giờ có đức vua Kusa oai lực phi thường, có giọng như sư tử chúa rống, làm cho 7 Ðức vua này kinh hồn bạt vía, khiếp đảm bỏ chạy trốn thoát thân. Như vậy, mới mong cứu mạng cho công chúa của ta thoát chết, rồi rước công chúa trở lại kinh thành Kusavatī. Không biết đức vua Kusa bây giờ ngự ở nơi nào?

Nghe mẫu hậu tán dương ca tụng oai lực của đức vua Kusa, bây giờ công chúa Pabhāvatī đã đến đường cùng rồi, không còn phải giấu giếm được nữa, nên tâu với mẫu hậu rằng:

Tâu mẫu hậu, mẫu hậu ca tụng đức vua Kusa có oai lực phi thường có thể thắng được 7 Ðức vua từ 7 kinh thành, chịu thua bỏ chạy, để cứu mạng cho con, khỏi cái chết thê thảm này.

- Tâu mẫu hậu, đức vua Kusa ấy hiện đang ngự ở trong vòng cung điện này đây.

Mẫu hậu của công chúa Pabhāvatī truyền dạy rằng:

- Này con, vì quá sợ chết nên tâm trí con đã điên loạn rồi phải không? Hay là con trở thành người ngu muội mới tâu với mẫu hậu như vậy! Nếu đức vua Kusa ngự đến đây thật, tại sao phụ vương và mẫu hậu không hề hay biết?

Công chúa Pabhāvatī nghĩ rằng, mẫu hậu không tin theo lời của mình, và hoàn toàn không hay biết đức vua Kusa ngự ở đây suốt 7 tháng qua, ta sẽ chỉ cho mẫu hậu nhìn thấy Ðức vua.

Công chúa Pabhāvatī nắm tay mẫu hậu đến đứng gần cửa sổ chỉ tay xuống dưới nhà bếp gần lâu đài của quý công chúa tâu rằng:

- Tâu mẫu hậu, đức vua Kusa giả dạng người đầu bếp, ăn mặc gọn gàng đang ngồi rửa nồi, chảo....

Khi ấy, Ðức Bồ Tát suy tư rằng: hôm nay, nguyện vọng của ta chắc chắn được thành tựu, bởi vì hoàng hậu Pabhāvatī sợ chết, chắc chắn tâu với mẫu hậu, phụ vương biết, có mặt ta ở tại nơi đây.

Ðức Bồ Tát lo rửa tất cả mọi chén bát cho sạch sẽ, đem cất trong tủ gọn gàng.

Còn mẫu hậu quở mắng công chúa Pabhāvatī rằng:

- Này, ngươi có phải là đứa con gái hư không? Hay ngươi là đứa con gái làm hại hoàng tộc phải không? Ngươi đã sanh trong dòng dõi của Ðức vua Madda, tại sao ngươi có thể để Ðức vua hôn phu của ngươi làm người đầy tớ?

Nghe mẫu hậu quở mắng, công chúa Pabhāvatī tâu rằng:

- Tâu mẫu hậu! Con không phải đứa con hư; cũng không phải đứa con làm hại hoàng tộc. Kia là đức vua Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ?

Công chúa Pabhāvatī tán dương ca tụng oai lực của đức vua Kusa rằng:

- Tâu mẫu hậu! Ðức vua nào, hằng ngày thường cúng dường vật thực đến 20 ngàn vị Bà la môn; Ðức vua ấy, tên là Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ.

- Tâu mẫu hậu, các quân lính hằng ngày thường chuẩn bị đội tượng binh gồm 20 ngàn thớt voi cho Ðức vua nào, Ðức vua ấy là đức vua Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ.

- Tâu mẫu hậu, các quân lính, hằng ngày thường chuẩn bị đội quân xa gồm 20 ngàn chiếc cho Ðức vua nào, Ðức vua ấy tên là Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ.

- Tâu mẫu hậu, các quân lính, hằng ngày thường vắt sữa bò gồm 20 ngàn con cho Ðức vua nào, Ðức vua ấy tên là Kusa, thái tử của thái thượng hoàng Okkāka, sao mẫu hậu nghĩ rằng người đầy tớ....

Khi công chúa Pabhāvatī tán dương ca tụng đức vua Kusa như vậy, với lời lẽ hùng hồn, khiến cho mẫu hậu của nàng tin rằng, có đức vua Kusa thật, nên bà vội vã đến tâu lên đức vua Madda, Ðức vua ngự đến lâu đài công chúa Pabhāvatī ngay tức khắc, bèn truyền hỏi rằng:

- Này con, đức vua Kusa đang ngự tại đây có thật hay không?

- Tâu phụ vương! Ðiều đó có thật, đức vua Kusa đang làm phận sự người đầu bếp của phụ vương cùng quý công chúa trải qua thời gian được 7 tháng rồi. – Công chúa Pabhāvatī tâu.

Ðức vua Madda không thể nào tin đó là sự thật, nên truyền hỏi nàng hầu Khujjā của công chúa.

Nàng hầu cũng tâu rõ sự thật mọi điều như công chúa. Ðức vua quở mắng công chúa rằng:

- Này, ngươi là đứa con ngu xuẩn, ngươi đã làm điều tồi tệ quá! Tại sao, từ lâu con không tâu với phụ vương được rõ? Ðức vua Kusa là một Ðại vương có nhiều oai lực, thống soái toàn cõi Nam thiện bộ châu này, như là một con voi chúa, sao con có thể xem như loài ếch được?

Quở mắng công chúa xong, Ðức vua vội vã ngự đến tìm Ðức Bồ Tát chấp hai tay xin tha tội rằng:

- Tâu Ðại vương, bậc vĩ đại, xin người mở lòng thương mà tha tội kẻ bề tôi, vì không biết Ðại vương đến nơi này, với hình thức không dễ ai biết được.

Nghe Ðức vua Madda tâu như vậy, Ðức Bồ Tát có tâm bi không quở trách, mà chỉ nói lời an ủi để Ðức vua yên tâm rằng:

- Này Ðại vương, người như quả nhân chẳng giấu giếm gì, quả nhân là người đầu bếp đã được Ðại vương trọng dụng và tin cậy.

Này Ðại vương, người không có tội lỗi gì mà quả nhân phải tha tội.

Nghe lời truyền dạy của Ðức Bồ Tát, Ðức vua yên tâm vội vã ngự đến lâu đài của công chúa Pabhāvatī truyền dạy công chúa mau mau đến yết kiến đại vương Kusa rằng:

- Này đứa con khờ dại, con hãy mau mau đến yết kiến Ðại vương, bậc đại hùng, cầu xin Người tha tội. Nếu đại vương Kusa tha tội cho con, thì con mới mong thoát khỏi chết. Trong đời này, chỉ có đức vua Kusa mới cứu mạng cho con được mà thôi!

Nghe lời truyền dạy của phụ vương, công chúa Pabhāvatī cùng với các em của nàng, nhóm nữ tỳ đông đảo đến yết kiến Ðức Bồ Tát; Ðức Bồ Tát đứng với tư thế người đang rửa nồi chảo, biết hoàng hậu Pabhāvatī đến yết kiến mình, nên nghĩ rằng: hôm nay ta sẽ trừ tánh tự kiêu ngã mạn của hoàng hậu Pabhāvatī, để cho nàng cúi đầu đảnh lễ dưới đôi bàn chân dơ bẩn của ta. Ðức Bồ Tát giẫm đôi bàn chân dính đầy sình lầy dơ bẩn, khi hoàng hậu Pabhāvatī đến cúi đầu đảnh lễ ôm hai bàn chân của Ðức Bồ Tát xong, ngồi trên vũng sình lầy xin lỗi Ðức Bồ Tát rằng:

- Tâu hoàng thượng, thần thiếp xin cúi đầu lạy dưới đôi bàn chân của hoàng thượng, thần thiếp ghét hoàng thượng đến ngày hôm nay là ngày cuối cùng. Cầu xin hoàng thượng tha thứ tội cho thần thiếp, xin đừng giận thần thiếp nữa, thần thiếp thành thật thề với hoàng thượng, xin hoàng thượng nghe rõ lời thề của thần thiếp: kể từ nay về sau thần thiếp không còn ghét hoàng thượng nữa, một lòng thương yêu hoàng thượng. Ðây là lời tha thiết khẩn khoản van xin của thần thiếp, nếu hoàng thượng không đoái thương cứu mạng thần thiếp, thì ngay hôm nay, phụ vương chắc chắn sẽ phân thây thần thiếp làm 7 phần, đem dâng cho 7 Ðức vua đang vây ở ngoài thành.

Nghe lời khẩn khoản van xin của hoàng hậu Pabhāvatī, Ðức Bồ Tát động lòng trắc ẩn, để cho hoàng hậu yên tâm mà phán rằng:

- Này ái khanh, lời khẩn khoản van xin của ái khanh, làm sao mà Trẫm không đoái thương được!

Trẫm không giận ái khanh nữa đâu! Ái khanh, Pabhāvatī, xin đừng có sợ!

Trẫm cũng chân thành thề với ái khanh rằng: từ nay về sau Trẫm không ghét ái khanh nữa.

Này ái khanh, Pabhāvatī, nàng là người sủng ái nhất của đời Trẫm, Trẫm có thừa oai lực tiêu diệt dòng vua Madda, phụ vương của ái khanh, bắt ái khanh trở về kinh thành Kusavatī. Nhưng vì Trẫm quá sủng ái ái khanh, nên Trẫm đành kiên trì chịu đựng, bao nhiêu nỗi khổ thân khổ tâm chờ đợi cho đến ngày hôm nay.

Ðức Bồ Tát chăm chú nhìn thấy rõ công chúa Pabhāvatī, chánh cung hoàng hậu của mình xinh đẹp tuyệt trần chẳng khác nào thiên nữ, chánh cung hoàng hậu của Ðức vua trời Sakka cõi Tam thập tam thiên, làm cho tâm ngã mạn của dòng vua chúa phát sanh và nghĩ rằng: "Ta còn sống ở đây, những Ðức vua nào có gan dám tranh giành chánh cung hoàng hậu của ta được".

Ðức Bồ Tát tỏ rõ một vị đại vương có uy thế ngự đến trước sân rồng rống như sư tử chúa, vỗ mạnh hai bàn tay mà phán rằng:

- Ta là đức vua Kusa đã đến rồi, toàn thể dân chúng trong kinh thành hãy xem ta bắt sống 7 vị vua, tất cả quan quân chuẩn bị ngựa xe sẵn sàng cho ta.

Ðức vua Madda truyền cho người thợ cắt tóc cạo râu cho Ðức Bồ Tát xong; Ðức Bồ Tát tắm rửa, mặc bộ đồ đại vương tỏ vẻ oai phong lẫm liệt ngự lên bạch tượng ngồi đằng trước, truyền cho hoàng hậu Pabhāvatī ngồi đằng sau xông ra trận địa, cùng các đội binh mã, quân xe hộ tống, ngự ra cửa phía Ðông, đưa mắt nhìn thấy binh lính kẻ thù đang vây xung quanh thành, Ðức vua Bồ Tát cất giọng xưng hô ba lần như sư tử chúa rống rằng:

- Ta là vua Kusa, ai muốn sống, hãy mau mau khuất phục ta ngay!

Binh lính của 7 Ðức vua từ 7 kinh thành nghe giọng nói như sư tử chúa rống của đức vua Kusa đều kinh hồn bạt vía khiếp đảm giẫm nhau mà chạy; như bầy nai nghe tiếng rống của sư tử chúa chạy trốn thoát thân.

Ðức Bồ Tát truyền lệnh bắt sống 7 vị vua từ 7 kinh thành trói dẫn về trình Ðức vua Madda. Nhìn thấy Ðức vua Bồ Tát toàn thắng, Ðức vua trời Sakka vô cùng hoan hỉ dâng lên Ðức Bồ Tát một viên ngọc Manī tên "Rocana: huy hoàng xán lạn" nhờ oai lực của viên ngọc Manī ấy, Ðức Bồ Tát thay hình đổi dạng có tướng hảo quang minh, thân hình trở nên tốt đẹp không kém hoàng hậu Pabhāvatī.

Ðức vua Bồ Tát đã toàn thắng ngồi trên bạch tượng đằng sau có hoàng hậu Pabhāvatī kéo quân ngự vào cung điện Ðức vua Madda, dẫn theo 7 Ðức vua từ 7 kinh thành vào yết kiến Ðức vua Madda. Ngài phán rằng:

Này Ðại vương! Ðây là 7 vị vua của 7 kinh thành là kẻ thù của Người, bây giờ ở trong quyền hành của Người, Người muốn giam giữ tù đày, hoặc phóng thích, hoặc xử tử tuỳ ý của Người.

Nghe truyền như vậy, đức vua Madda tâu rằng:

- Tâu Ðại vương, 7 vị vua này là kẻ thù của Ðại vương, không phải kẻ thù của quả nhân.

Tâu Ðại vương! Ngài là Ðức vua lớn bảo hộ quả nhân, cho nên chỉ có Ngài mới có quyền phóng thích, hoặc xử tử 7 vị vua này tuỳ ý Ngài.

Ðức vua Madda tâu trình như vậy, Ðức Bồ Tát nghĩ rằng: lợi ích gì xử tử 7 vị vua này, 7 vị vua đến đây phải có được lợi gì khi trở về, Ðức vua Madda còn có 7 công chúa xinh đẹp là em của công chúa Pabhāvatī, ta ban 7 công chúa này cho 7 vị vua ở 7 kinh thành thì có lợi biết dường nào! Ðức Bồ Tát phán rằng:

- Này Ðại vương, Người còn có 7 công chúa, xin Người ban cho 7 vị vua ở 7 kinh thành; như thế 7 vị vua này sẽ trở thành những Ðức vua phò mã của Người.

Ðức vua Madda tâu rằng:

- Tâu Ðại vương, Ngài là Ðức vua lớn bảo bộ quả nhân và công chúa của quả nhân. Vậy xin Ngài ban 7 công chúa của quả nhân cho 7 Ðức vua theo ý muốn của Ngài.

Ðức vua Bồ Tát truyền lệnh trang điểm 7 công chúa của Ðức vua Madda cho xinh đẹp, rồi ban cho mỗi Ðức vua một công chúa.

Bảy Ðức vua ở 7 kinh thành vô cùng hoan hỉ, cảm đội ơn đức vua Kusa và đức vua Madda nhạc phụ kéo quân ngự trở về kinh thành của mình cùng với một nàng công chúa xinh đẹp.

Ðức vua Bồ Tát ngự lại 2 – 3 hôm sau mới từ giã Ðức vua Madda ngự trở về kinh thành Kusavatī. Trên long xa, đức vua Kusa cùng chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī ngồi sánh đôi, mỗi người mỗi vẻ không ai kém ai, trên đường ngự trở về kinh thành Kusāvatī, lễ đón rước vô cùng long trọng.

Ðược tin đức vua Kusa cùng chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī trở về, Thái thượng hoàng và Hoàng thái hậu truyền lệnh trang hoàng cung điện, cũng như trong kinh thành thật lỗng lẫy làm lễ đón mừng.

Khi ấy, thái thượng hoàng Okkāka, hoàng thái hậu Sīlavatī và hoàng đệ Jayampati của Ðức Bồ Tát ngự ra khỏi thành đón rước, còn các hoàng gia bá quan văn võ, dân chúng trong thành đều hân hoan đón mừng đức vua Kusa và chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī trở về. Ðức vua truyền lệnh cho phép tổ chức lễ hội mừng suốt 7 ngày đêm. Kể từ đó đức vua Kusa và chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī sống hoà hợp nhau, trị vì đất nước Malla được an lành thịnh vượng cho đến hết tuổi thọ.

Ðức Phật thuyết về truyện tiền thân Kusajātaka xong, những nhân vật trong câu truyện liên quan đến kiếp hiện tại như sau:

Thái thượng hoàng Okkāka, kiếp hiện tại nay là Ðức vua Suddhodana.
Hoàng thái hậu Sīlavatī, kiếp hiện tại nay là hoàng hậu Mayādevī.
Hoàng đệ Jayampati, kiếp hiện tại nay là Ðại Ðức Ānanda.
Chánh cung hoàng hậu Pabhāvatī, kiếp hiện tại nay là hoàng hậu Yasodhara.
Ðức vua Kusa, kiếp hiện tại nay là Ðức Phật Gotama của chúng ta.

Qua câu truyện tiền thân Kusajātaka giúp hiểu rõ những điều như:

1- Về tác ý (cetanā) tạo nghiệp.

Ðức Phật dạy: "Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi tác ý là nghiệp, sau khi suy nghĩ rồi tạo nghiệp do thân, khẩu, ý".

Tác ý thiện tâm đồng sanh trong thiện tâm phát sanh ba thời:

Tác ý trước khi bố thí.
Tác ý đang khi bố thí.
Tác ý sau khi bố thí xong, thời gian không hạn định.

Trường hợp người chị dâu và người em chồng (Ðức Bồ Tát) cùng làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Phật Ðộc Giác; song tác ý hai người khác nhau, nên tạo nghiệp khác nhau, dĩ nhiên quả của nghiệp cũng khác nhau.

Người chị dâu: tác ý trước khi bố thí, tác ý đang khi bố thí và tác ý sau khi đã bố thí xong đều là tác ý thiện tâm hoàn toàn trong sạch suốt cả ba thời tạo thiện nghiệp bố thí.

Người em chồng: tác ý thiện tâm cả ba thời tạo thiện nghiệp bố thí; song giai đoạn thời gian trước khi bố thí, đã tạo ác nghiệp tức giận người chị dâu đã đem phần bánh chiên của mình bố thí cúng dường đến Ðức Phật Ðộc Giác.

2- Về nghiệp và quả của nghiệp.

Phước thiện bố thí cho quả báu được giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng.

Người chị dâu: do năng lực thiện nghiệp bố thí ấy, cho quả báu được tái sanh làm công chúa của Ðức vua Madda ở kinh thành Sāgala, vùng Madda. Do tác ý thiện tâm hoàn toàn trong sạch suốt cả ba thời tạo nghiệp bố thí, cho nên hưởng được quả báu suốt cả ba thời trong cuộc đời: thời ấu niên, thời trung niên và thời lão niên được giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng.

Người em chồng: do năng lực thiện nghiệp bố thí ấy, cho quả báu được tái sanh làm thái tử của Ðức vua Okkāka ở kinh thành Kusavatī, xứ Malla. Do tác ý thiện tâm trước khi bố thí ngắn ngủi, có phiền não làm ô nhiễm, tác ý đang khi bố thí và sau khi bố thí xong đều trong sạch; cho nên, hưởng quả báu trong suốt cuộc đời giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng. Song bị ác nghiệp tức giận trước khi bố thí cho quả sau khi tái sanh vào thời ấu niên có thân hình xấu xí đáng ghê sợ, đến thời trung niên và lão niên thân hình trở nên tốt đẹp, đó là do quả cả thiện nghiệp.

3- Về lời phát nguyện và sự thành tựu.

Lời phát nguyện là điều mong muốn, ý nguyện riêng của mình có được thành tựu như ý hay không, đều do năng lực phước thiện của mình đã tạo. Năng lực phước thiện mạnh thì được thành tựu như ý, ngược lại năng lực phước thiện yếu, thì khó thành tựu. Năng lực phước thiện mạnh cần phải hội đủ 3 điều kiện:

Vật bố thí hoàn toàn hợp pháp.
Tác ý thiện tâm cả 3 thời hoàn toàn trong sạch.
Người thọ nhận vật bố thí phải là bậc có giới đức hoàn toàn trong sạch; bậc ấy phải là Ðức Phật Toàn Giác, hoặc là Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh A-ra-hán.

Nếu đủ 3 điều kiện này, mới có năng lực phước thiện mạnh và nhiều; thì thí chủ có ý nguyện nào cũng dễ dàng thành tựu được như ý nguyện ấy.

Người chị dâu và người em chồng đều có đủ 3 điều kiện.

- Người chị dâu phát nguyện: Kiếp sau, cầu xin cho con có được sắc thân xinh đẹp tuyệt trần, không một ai sánh kịp, có ánh sáng hào quang toả ra từ sắc thân suốt đêm ngày. Xin đừng sống chung với hạng người ác như chú em chồng của con.

Kiếp sau, sanh làm công chúa Pabhāvatī đó là quả báu được thành tựu đúng theo lời phát nguyện trong tiền kiếp, trong đó có điều không muốn sống chung với đức vua Kusa.

- Người em chồng phát nguyện: Kiếp sau, chị dâu của con dầu ở xa hằng trăm do tuần, xin cho con có đủ khả năng rước đem về làm vợ của con.

Kiếp sau, sanh làm thái tử Kusa đã tìm được công chúa Pabhāvatī rước về làm chánh cung hoàng hậu. Ðó là quả báu được thành tựu đúng theo lời phát nguyện trong tiền kiếp.

Nhưng khi hoàng hậu Pabhāvatī (chị dâu tiền kiếp) nhìn thấy rõ đức vua Kusa (em chồng kiếp trước) liền có cảm ứng tự nhiên vừa ghét vừa ghê sợ Ðức vua, do bởi năng lực lời phát nguyện trong tiền kiếp, nên hoàng hậu từ bỏ đức vua Kusa trở về kinh thành Sāgala của phụ vương mình.

Bởi do năng lực lời phát nguyện trong tiền kiếp, nên đức vua Kusa đeo đuổi theo hoàng hậu Pabhāvatī. Do năng lực phước thiện và lời phát nguyện của Ðức Bồ Tát có nhiều năng lực hơn người thường, khiến vua trời Sakka phải giúp đỡ Ðức Bồ Tát cho được thành tựu như ý nguyện, làm thay đổi thân hình xấu xí đáng ghê sợ trở thành thân hình tốt đẹp, đem hoàng hậu trở lại kinh thành Kusavatī sống chung trong tình thương yêu kính mến nhau cho đến trọn đời.

Qua lời phát nguyện của hai người, chị dâu và em chồng có điều trái ngược nhau: kiếp sau người chị dâu không muốn sống chung với người em chồng; ngược lại người em chồng chỉ muốn sống chung với người chị dâu mà thôi.

Kết quả: lời phát nguyện của Ðức Bồ Tát có năng lực hơn lời phát nguyện của hoàng hậu Pabhāvatī, khiến hoàng hậu Pabhāvatī thay đổi thái độ tâm tính từ ghét và kinh sợ đức vua Kusa chuyển sang không ghét, một lòng thương yêu Ðức vua, và đức vua Kusa cũng thương yêu hoàng hậu. Cả hai người nói lên bằng lời thề chân thật với nhau.

Ðiều đó, có thể hiểu rõ rằng: quá khứ có ảnh hưởng đến hiện tại, song hiện tại cũng có thể làm thay đổi, để cho tương lai theo ý của mình.

Có Phước Chọn Ðược Cõi Tái Sanh

Trong đời, người giàu có nhiều tiền nhiều bạc, có thể chọn mua sắm những gì theo ý muốn của mình. Trong đạo, bậc Thiện trí phàm nhân có nhiều phước thiện cũng có thể chọn trước cảnh giới tái sanh theo ý muốn của mình.

Như những hành giả tiến hành thiền định chứng đắc được bậc thiền nào (bậc thiền sắc giới, bậc thiền vô sắc giới) cho đến khi gần chết chưa bị hư mất; sau khi chết, chắc chắn bậc thiền ấy cho quả tái sanh lên cõi sắc giới phạm thiên, hoặc cõi vô sắc giới phạm thiên tương xứng với bậc thiền sở đắc của mình.

Ðó là sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp.

Ðối với những bậc Thiện trí phàm nhân đã tạo dục giới thiện nghiệp như: làm phước bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định mà chưa chứng đắc được bậc thiền nào; tiến hành thiền tuệ..., còn thuộc về dục giới đại thiện tâm. Những bậc Thiện trí này có nhiều phước thiện, đến khi sắp từ bỏ thể xác (chết), có thể chọn 1 trong 7 cõi thiện giới: 1 cõi người và 6 cõi trời dục giới theo ý muốn của mình, để làm đối tượng nương nhờ tái sanh kiếp sau. Cho nên, sau khi từ bỏ sắc thân (chết), do năng lực dục giới thiện nghiệp cho quả tái sanh kiếp sau, theo cảnh giới mà mình đã chọn từ kiếp trước lúc sắp lâm chung.

Trích dẫn một tích người cận sự nam Dhammika [Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Dhammika upāsikavatthu] trong bộ Chú giải Pháp cú.

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana gần thành Sāvatthi, đề cập đến cận sự nam Dhammika được tóm lược như sau:

Trong kinh thành Sāvatthi, ông cận sự nam Dhammika là người cao quý nhất trong nhóm 500 cận sự nam. Ông có 7 người con trai và 7 người con gái đều là những người cận sự nam, cận sự nữ, có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo. Trong tư thất thường làm phước thiện bố thí như: bố thí cháo, bố thí vật thực, bố thí vật thực vào ngày rằm và cuối tháng, bố thí vật thực vào ngày giới hằng tháng, thỉnh chư Tỳ khưu Tăng thọ trai tại nhà, bố thí vật thực chư Tỳ khưu khách đến, cúng dường vật thực chư Tỳ khưu Tăng an cư nhập 3 tháng hạ v.v.... Toàn gia đình gồm cha mẹ và các con đều là những người hoan hỉ trong phước thiện bố thí, gìn giữ giới hạnh trong sạch, hoan hỉ trong việc nghe pháp.

Một hôm, ông Dhammika bị lâm bệnh nặng sắp lâm chung, muốn nghe tụng kinh, ông sai người đến hầu Ðức Phật, kính xin Ðức Phật cho phép 8 hoặc 16 vị Tỳ khưu Tăng đến nhà ông.

Ðức Phật cho phép chư Tỳ khưu đến nhà ông, thỉnh ngồi nơi đã sắp đặt sẵn quanh giường của ông, ông bạch rằng:

- Kính bạch chư Ðại Ðức, được chiêm ngưỡng quý Ngài là một điều khó đối với con, nay con yếu quá rồi, kính xin quý Ngài tế độ tụng cho con được nghe một bài kinh.

- Này Dhammika, ông muốn nghe bài kinh nào? – Chư Tỳ khưu hỏi.

- Kính bạch chư Ðại Ðức, con tha thiết cầu xin quý Ngài tụng cho con nghe bài kinh "Mahāsati-paṭṭhānasutta": kinh Ðại Niệm Xứ mà chư Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai) thường thuyết giảng.

Chư Tỳ khưu bắt đầu tụng rằng:

"Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo sattānaṃ visuddhiyā...".

Ngay khi ấy có 6 chiếc xe trời, mỗi chiếc có 1.000 con ngựa quý kéo, trang hoàng lộng lẫy từ 6 cõi trời dục giới kéo đến xin đón rước ông [con ngựa thật là loài súc sanh không thể tái sanh lên cõi trời, những con ngựa quý này do phép mầu của chư thiên hoá ra làm phận sự kéo xe trời, không phải con ngựa loài súc sanh]. Chư thiên ở mỗi cõi trời đều khẩn khoản mời ông rằng:

Amhākaṃ devalokaṃ nessāma!
Amhākaṃ devalokaṃ nessāma!...

Chúng tôi xin rước ông lên cõi trời của chúng tôi!
Chúng tôi xin rước ông lên cõi trời của chúng tôi!

Kính mời ông tái sanh lên cõi trời của chúng tôi, để cho cõi trời của chúng tôi được huy hoàng xán lạn thêm, như người từ bỏ đồ dùng cũ kỹ rạn nứt rồi, đổi lấy đồ dùng bằng vàng ròng (vàng mười) tái sanh cõi trời chúng tôi hưởng nhiều sự an lạc lắm!

Ông cận sự nam không muốn những nhóm chư thiên ấy làm trở ngại việc nghe pháp của ông, nên ông bảo rằng:

Āgametha! Āgametha!
Xin quý Ngài chờ một lát! Xin quý Ngài chờ một lát!

Chư Tỳ khưu Tăng đang tụng kinh, nghe ông nói như vậy, nên ngừng lại, vì nghĩ rằng: ông nói với chúng ta.

Khi chư Tỳ khưu Tăng ngưng tụng kinh, các con ông than khóc kể lể rằng:

- Trước đây, cha của chúng con hoan hỉ trong việc lắng nghe pháp không bao giờ biết đủ, chính cha đã cho thỉnh chư Tỳ khưu đến tụng kinh cho cha nghe. Nhưng bây giờ, chính cha đã ngăn cản chư Tỳ khưu không cho tụng kinh, cớ sao như vậy?

Chư Tỳ khưu bàn với nhau rằng: "Bây giờ không phải là lúc tụng kinh", nên các Ngài đứng dậy trở về chùa.

Ông cận sự nam không nghe tiếng tụng kinh mà nghe tiếng khóc của các con nên hỏi rằng:

- Này các con, tại sao các con lại khóc như vậy?

- Thưa cha, chính cha đã cho thỉnh chư Tỳ khưu đến tụng kinh cho cha nghe, rồi cũng chính tự cha lại ngăn cấm Tỳ khưu không cho tụng kinh nữa. Thấy như vậy, nên chúng con buồn mà than khóc vậy.

Chư Ðại Ðức đi đâu rồi? – Ông cận sự nam hỏi.

- Thưa cha, chư Ðại Ðức bàn với nhau: "Bây giờ không phải lúc tụng kinh", nên quý Ngài đã trở về chùa rồi.

- Cha không phải ngăn cấm chư Ðại Ðức. – Ông cận sự nam nói.

- Thưa cha, nếu như vậy cha ngăn cấm ai vậy?

Ông cận sự nam Dhammika giải thích cho các con hiểu rằng:

- Có 6 chiếc xe từ 6 cõi trời dừng trên hư không, chư thiên mỗi cõi trời đều khẩn khoản mời cha rằng:

Amhākaṃ devaloke abhirama!
Amhākaṃ devaloke abhirama!

Xin ông hoan hỉ hưởng sự an lạc nơi cõi trời của chúng tôi!
Xin ông hoan hỉ hưởng sự an lạc nơi cõi trời của chúng tôi!

Cha không muốn các chư thiên ấy quấy rầy, làm trở ngại việc nghe pháp của cha, nên cha chỉ ngăn cấm họ mà thôi.

- Thưa cha, xe trời ở đâu mà chúng con không thấy?

Ông cận sự nam hiểu biết rõ đây là Gatinimitta: hiện tượng cảnh giới tái sanh, chỉ có một mình ông thấy mà thôi, nên ông tìm cách khác để chứng minh cho các con tin lời của ông, ông hỏi rằng:

- Này các con, vòng hoa dành cho cha có không?

- Thưa cha, dạ có vòng hoa.

- Này các con, trong 6 cõi trời dục giới, cõi trời nào đáng hài lòng nhất?

- Thưa cha, cõi trời Tusita (Ðâu suất đà thiên) là cõi mà chư Bồ Tát, thân mẫu của Ðức Phật... thường hài lòng nơi cõi trời ấy.

Ông cận sự nam Dhammika chọn cõi trời Tusita là nơi sẽ tái sanh kiếp sau, do đó, ông dạy các con ông rằng:

- Này các con, các con nguyện rằng: "Xin cho vòng hoa này đeo vào đầu xe từ cõi trời Tusita" rồi các con ném lên hư không.

Các con của ông làm theo lời chỉ dạy của ông, ném vòng hoa lên hư không, kỳ diệu thay! Vòng hoa ấy treo lư lửng trên hư không, mọi người đều có thể nhìn thấy vòng hoa trên hư không, nhưng mắt thường không thể nhìn thấy chiếc xe trời (chỉ có nhãn thông mới nhìn thấy được).

Ông cận sự nam hỏi các con rằng:

- Này các con, các con có nhìn thấy vòng hoa trên hư không hay không?

- Thưa cha, chúng con đều nhìn thấy.

Ông cận sự nam Dhammika giải thích rằng:

- Cái vòng hoa ấy đeo trên chiếc xe từ cõi trời Tusita đấy. Sau khi cha từ giã (chết) cõi người này rồi, do thiện nghiệp dẫn dắt cho quả tái sanh lên cõi trời Tusita ấy.

Các con chớ nên buồn rầu, các con muốn tái sanh cùng cảnh giới với cha, thì các con nên tạo mọi phước thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền, nghe pháp, hành theo pháp v.v... như cha vậy.

Sau khi ông cận sự nam Dhammika khuyên răn dạy dỗ các con của ông xong, ông giữ tâm an tịnh từ giã (chết) cõi người. Sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời Tusita mà ông đã chọn từ trước lúc sắp lâm chung, hoá sanh lên cõi trời Tusita, là một thiên nam có thân hình cao 3 gāvuta [gāvuta: chiều dài 5.120,64 mét hoặc 3.18 miles], trang sức những đồ quý giá, trong một lâu đài bằng ngọc ngà nguy nga tráng lệ lớn rộng 25 do tuần [do tuần (yojana): chiều dài 20.482,56 mét hoặc 12.72 miles], có một ngàn thiên nữ xinh đẹp hầu hạ ngày đêm.

Khi chư Tỳ khưu trở về đến chùa, Ðức Thế Tôn bèn hỏi rằng:

- Này chư Tỳ khưu, ông cận sự nam có nghe trọn bài kinh hay không?

Kính bạch Ðức Thế Tôn, ông cận sự nam nghe phần đầu; trong khi đang tụng kinh, ông nói: "xin quý Ngài chờ một lát". Nghe như vậy, chúng con ngừng tụng kinh, thì các con của ông than khóc, chúng con bàn với nhau rằng: "Bây giờ không phải lúc tụng kinh" nên chúng con đứng dậy trở về đây.

- Này chư Tỳ khưu! Ông cận sự nam Dhammika không phải nói với các con đâu! Khi ấy, chư thiên từ 6 cõi trời, mỗi cõi đem mỗi chiếc xe trời khẩn khoản mời ông tái sanh lên cõi trời của mình. Ông không muốn quý vị chư thiên quấy rầy, làm trở ngại việc nghe pháp của ông, nên ông nói ngăn cấm các nhóm chư thiên ấy.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, đúng như vậy thì kiếp này ông tái sanh vào cõi nào?

- Này chư Tỳ khưu, ông đã tái sanh bằng hoá sanh vào cõi trời Tusita rồi.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, khi trong cõi người, ông cận sự nam Dhammika được hưởng sự an lạc trong gia đình bà con bè bạn; nay hoá sanh lên cõi trời, làm chư thiên cũng được hưởng sự an lạc trong cõi trời nữa.

Ðức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, đúng vậy, người không dễ duôi quên mình, tiến hoá trong mọi thiện pháp, dầu là người tại gia cư sĩ hoặc bậc xuất gia sống nơi nào cũng đều được sự an lạc.

Ðức Phật thuyết bài kệ rằng:

"Chư Tỳ khưu các con!
Người tạo nhiều phước thiện,
An lạc trong đời này,
Ðời sau cũng an lạc,
Cả hai đời an lạc,
Do thiện nghiệp của mình,
Trong sạch và thanh tịnh,
Ðời đời được an lạc".

Trường hợp ông cận sự nam Dhammika, trước khi lâm chung gatinimitta: hiện tượng cảnh giới tái sanh, đó là 6 chiếc xe trời cùng 6 nhóm chư thiên từ 6 cõi trời hiện xuống đón rước ông, ông đã chọn chiếc xe từ cõi trời Tusita làm đối tượng tái sanh kiếp sau. Cho nên, sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm thiên nam trong cõi trời Tusita.

Tóm lại, những bậc thiện trí có nhiều phước thiện có thể chọn được cảnh thiện giới làm cõi tái sanh kiếp sau theo ý muốn của mình. Cũng như người có nhiều tiền, nhiều bạc có thể chọn mua sắm thứ gì theo ý muốn của mình. Ngược lại, chúng sinh vô phước phải cam chịu cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) do bởi ác nghiệp của mình đã tạo, những chúng sinh ấy không có quyền chọn lựa cảnh giới để tái sanh; hoàn toàn tuỳ thuộc vào ác nghiệp cho quả khổ, cũng như người nghèo nàn phải chịu đời sống thiếu thốn, đói khát khổ cực.

Vậy, muốn chọn cõi tái sanh kiếp sau, trong cảnh giới thiện nào, thì nên tạo thiện nghiệp tương xứng với cảnh giới ấy.

CHÚ THÍCH:

Con người nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung (trừ bậc Thánh A-ra-hán, bởi vì không còn tái sanh nữa) trước khi từ bỏ thân xác này (gọi là chết) luôn luôn có một trong ba hiện tượng hiện ra, để làm đối tượng nương nhờ tái sanh kiếp sau:

Ba hiện tượng:

1- Kamma: nghiệp, đó là thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của mình đã tạo từ trong kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước lúc lâm chung, hiện ra trong tâm làm đối tượng nương nhờ để tái sanh kiếp sau.

2- Kammanimitta: hiện tượng nghiệp, đó là những hình ảnh, hoặc những đối tượng hiện ra liên quan đến thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của mình đã tạo từ trước, làm đối tượng nương nhờ để tái sanh kiếp sau.

3- Gatinimitta: hiện tượng cảnh giới tái sanh, đó là cảnh giới hiện ra trước mắt, tạo nên ấn tượng sẽ được gặp, sẽ được thọ hưởng an lạc trong cõi thiện giới ở kiếp sau, do thiện nghiệp của mình đã tạo, hoặc chịu khổ cực trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) ở kiếp sau, do ác nghiệp của mình đã tạo.

Ba hiện tượng này chỉ có người hoặc chúng sinh sắp chết mới thấy, mới biết mà thôi; và đặc biệt có những bậc Thiện trí có thiên nhãn thông, và chư thiên có thể thấy, có thể biết được. Ngoài ra, những chúng sinh khác không thể thấy, không thể biết được.

Bố Thí Chỗ ở cõi Người, Lâu Ðài Hiện Ra Cõi Trời

Bốn thứ vật dụng cần thiết cho con người là: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh. Trong bốn thứ này, thí chủ làm phước bố thí chỗ ở có được phước thiện nhiều hơn ba thứ kia, bởi vì chỗ ở có tính chất bền vững lâu dài. Cho nên, phước thiện được phát triển, do đó quả báu của phước thiện ấy đặc biệt vô cùng phong phú.

Trích dẫn tích Nandiya [Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện Nandiyavatthu] trong bộ Chú giải Pháp cú.

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại khu rừng phóng sanh nai, gọi là Isipatana đề cập đến thí chủ Nandiya, được tóm lược như sau:

Trong thành Bārāṇasī, một gia đình có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, hằng ngày thường hoan hỉ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, gia đình có một người con trai tên Nandiya được cha mẹ nuôi nấng và dạy dỗ, cậu Nandiya trở nên người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, biết bổn phận phụng dưỡng cha mẹ và thường cúng dường những thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng.

Khi cha mẹ qua đời, cận sự nam Nandiya trở thành người đại thí chủ thường cúng dường bốn thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu Tăng và những người nghèo khổ, khách lữ hành....

Một hôm, cận sự nam Nandiya nghe Ðức Phật thuyết pháp về phước thiện bố thí chỗ ở và quả báu đặc biệt của nó, ông phát sanh đức tin trong sạch, cho xây cất một Tăng xá tại ngôi chùa trong khu rừng Isipatana, có trang bị mọi đồ dùng cần thiết. Ngày làm lễ khánh thành, ông thành kính cúng dường Tăng xá đến chư Tỳ khưu Tăng có Ðức Phật chủ trì. Khi dâng nước làm lễ bố thí (dakkhiṇodaka: nước làm lễ bố thí tuôn chảy xuống ngón tay theo tục lệ cổ truyền lễ bố thí)  đang tuôn chảy xuống ngón tay, đồng thời, khi ấy trên cung Tam thập tam thiên hiện ra một lâu đài bằng 7 thứ báu, rộng 12 do tuần, cao 100 do tuần nguy nga, tráng lệ, có nhóm thiên nữ hầu đông đảo trông chờ chủ nhân Nandiya.

Một hôm, Ðại Ðức Mahāmoggallāna du hành lên cung Tam thập tam thiên đứng nhìn thấy lâu đài nguy nga tráng lệ ấy muốn biết chủ nhân là ai, nên Ngài hỏi các vị chư thiên rằng:

- Này quý vị chư thiên, lâu đài có nhiều thiên nữ này thuộc về vị thiên nam nào vậy?

Nhóm chư thiên bạch rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức, lâu đài này hiện ra dành cho thiên nam Nandiya, là thí chủ dâng Tăng xá tại khu rừng Isipatana đến chư Tỳ khưu Tăng có Ðức Phật chủ trì.

Nhóm thiên nữ nhìn thấy ngài Ðại Ðức Mahā-moggallāna, từ lâu đài đi xuống, đến hầu đảnh lễ Ngài Ðại Ðức bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, chúng con sanh ở đây với hy vọng rằng chúng con sẽ là những thiên nữ hầu hạ của thiên nam Nandiya.

Kính bạch ngài Ðại Ðức, khi Ngài trở về cõi người, xin Ngài từ bi nói hộ ông thí chủ Nandiya rằng: "từ bỏ sự nghiệp cõi người rồi hưởng sự nghiệp nơi cõi trời" ví như từ bỏ một món đồ cũ bằng đất bị bể, chọn lấy một món đồ mới khác bằng vàng giá trị hơn. Cũng như vậy, từ bỏ sự nghiệp cõi người rồi, hưởng sự nghiệp nơi cõi trời an lạc hơn nhiều.

Khi ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna từ giã cõi trời, trở về cõi người đến hầu Ðức Thế Tôn, đảnh lễ Ðức Thế Tôn bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn: lâu đài hiện ra nơi cõi trời dành cho người thí chủ đã tạo phước thiện còn trong cõi người có hay không? Bạch ngài.

- Này Moggallāna, lâu đài và các thiên nữ hiện ra nơi cõi trời dành cho thí chủ Nandiya, chính con đã tận mắt nhìn thấy không phải hay sao? Tại sao con còn hỏi Như Lai nữa.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, dạ phải, chính con đã thấy lâu đài, sự nghiệp của thí chủ Nandiya.

Ðức Phật dạy bảo rằng:

- Này Moggallāna, ví như người con hoặc anh em thân yêu từ phương xa lâu ngày trở về nhà; đứng trước cửa, người trong nhà nhìn thấy mừng quá reo lên: "Con vào nhà, hoặc mời anh, em vào nhà" rồi thông báo cho bà con thân quyến biết rằng người tên ấy đã về rồi! Thân bằng quyến thuộc đến thăm hỏi:

Āgato’si tāta!
Āgato’si tāta!

Con thân yêu! Con đã về
Con thân yêu! Con được khoẻ mạnh chứ!

Rồi tổ chức lễ ăn mừng.

Cũng như vậy, trong cõi người, đàn ông, đàn bà đã tạo nhiều phước thiện, sau khi từ bỏ cõi người (chết), do phước thiện cho quả hoá sanh làm thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời. Chư thiên ấy đón tiếp thiên nam hoặc thiên nữ mới hoá sanh bằng 10 món quà cõi trời nghĩ rằng: Ahaṃ purato! Ahaṃ purato! [Mười món quà là: quả báu trong cõi trời: tuổi thọ, sắc đẹp, an lạc, danh vọng, quyền lực cõi trời và 5 đối tượng cõi trời: sắc, thanh, hương, vị, xúc, rất vi tế, đáng hài lòng] Ta đến đón rước trước tiên! Ta đến đón rước trước tiên!

Tiếp theo Ðức Phật thuyết bài kệ rằng:

Bà con cùng bè bạn, tâm vô cùng hoan hỉ,
Vui mừng đón người về, khoẻ mạnh và an lạc,
Từ phương xa lâu ngày. Cũng như người đời này,
Ðã tạo nhiều phước thiện, khi từ bỏ cõi người,
Do nhờ phước thiện ấy, được tái sanh cõi trời,
Chư thiên như bà con, đón tiếp món quà trời.

Sai Bảo Người Bố Thí

Sai bảo người bố thí và tự mình bố thí có quả báu khác nhau.

Tích ông Pāyāsi [Bộ Chú giải Dīghanikāya, phần Mahāvagga, kinh Pāyāsi-rājaññasutta], tỉnh trưởng tỉnh Satabyā được tóm lược như sau:

Ông tỉnh trưởng Pāyāsi cho người xây dựng một trại bố thí; ông sai bảo cậu Uttara làm phước bố thí đến Sa môn, Bà la môn, người nghèo khổ, người qua đường, người ăn xin..., những đồ ăn, đồ mặc như: cơm nấu bằng thứ gạo dở, với một món đồ ăn ngâm nước chua; vải tấm nho nhỏ loại xấu, vải dơ.... Mặc dầu vậy, cậu Uttara tự tay mình bố thí đến người thọ thí một cách kính trọng, với tâm từ bi tế độ. Bố thí xong, cậu Uttara nguyện rằng: "mong rằng tôi chỉ gặp ông tỉnh trưởng Pāyāsi kiếp này mà thôi, kiếp sau xin đừng gặp lại".

Nghe nguyện vậy, ông Pāyāsi gọi cậu Uttara hỏi tại sao nguyện như vậy. Cậu Uttara thưa rằng:

- Thưa ông, ông sai bảo con bố thí đến người khác những đồ ăn như: cơm nấu bằng thứ gạo dở, với món đồ ăn ngâm nước chua; mà chính ông cũng không muốn nhìn thấy, thì làm sao người ta ăn ngon được; bố thí những tấm vải loại xấu, vải dơ, mà chính ông không muốn đụng bằng đôi chân, thì làm sao người ta mặc được.

- Ông tỉnh trưởng muốn làm cho mọi người kính mến ông, song ông đối xử với họ như vậy, thì làm sao khiến cho họ kính mến ông tỉnh trưởng được?

Nghe như vậy, ông tỉnh trưởng bảo rằng:

- Này Uttara, vậy kể từ nay, ngươi bố thí những đồ ăn như ta dùng, bố thí thứ vải như ta mặc.

Cậu Utttara vâng lời sai bảo của ông tỉnh trưởng, tự tay mình bố thí những đồ ăn ngon lành; bố thí những thứ vải tốt đến những vị Sa môn, Bà la môn, người nghèo khổ, người qua đường, thậm chí đến những người xin ăn một cách kính trọng với tâm từ, tâm bi tế độ cho họ.

Ông tỉnh trưởng Pāyāsi sai bảo cậu Utttara bố thí, không tự tay mình làm phước bố thí, bố thí không kính trọng, xem thường việc bố thí. Sau khi ông tỉnh trưởng Pāyāsi chết, do phước thiện bố thí như thế ấy, cho quả tái sanh lên cõi Tứ đại thiên vương, trong một lâu đài có tên Serisaka hoang vắng, sống một mình không có ai hầu hạ.

Còn cậu Utttara, người giúp việc của ông tỉnh trưởng Pāyāsi làm phận sự tự tay mình bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố thí. Cho nên, sau khi cậu Uttara chết, do phước thiện bố thí một cách kính trọng ấy, cho quả tái sanh lên cõi Tam thập tam thiên (cao hơn cõi Tứ đại thiên vương) trong một lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ cao 16 do tuần, trang trí toàn những đồ quý giá; là một thiên nam có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời, có nhiều thiên nam, thiên nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Một thuở nọ, Ngài Ðại Ðức Gavampati lên cõi Tứ đại thiên vương nghỉ trưa. Khi ấy, thiên nam Pāyāsi đến hầu đảnh lễ Ngài Ðại Ðức Gavampati xong đứng một nơi hợp lẽ.

Ngài Ðại Ðức hỏi rằng:

- Này thiên nam, ngươi là ai vậy?

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, tiền kiếp con là Pāyāsi tỉnh trưởng tỉnh Satabyā. – Thiên nam Pāyāsi thưa.

- Này thiên nam Pāyāsi, cậu Uttara người giúp việc làm phận sự bố thí của ngươi tái sanh cõi nào?

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, cậu Uttara tự tay mình làm phước bố thí, bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố thí.... Sau khi cậu Uttara chết, do phước thiện bố thí ấy, cho quả tái sanh lên cõi trời Tam thập tam thiên. Còn con sai bảo cậu Uttara bố thí, không tự tay mình làm phước bố thí, bố thí không kính trọng, xem thường việc bố thí. Cho nên sau khi con chết, do phước thiện bố thí ấy, cho quả tái sanh lên cõi trời Tứ đại thiên vương này trong lâu đài hoang vắng không có ai hầu hạ.

Kính bạch Ngài Ðại Ðức, khi Ngài trở lại cõi người, kính xin Ngài thuyết giảng cho mọi người biết rằng: "Nên tự tay mình làm phước bố thí, bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố thí, chớ nên xem thường việc bố thí".

Xin Ngài thông báo cho mọi người được biết rằng: "Ông tỉnh trưởng Pāyāsi không tự tay mình làm phước bố thí, bố thí không kính trọng, xem thường việc bố thí... do phước thiện bố thí ấy, cho quả tái sinh lên cõi Tứ đại thiên vương trong lâu đài Serisaka hoang vắng, sống một mình không ai hầu hạ. Còn cậu Uttara tự tay mình làm phước bố thí, bố thí đến người khác một cách kính trọng, coi trọng việc bố thí... do phước thiện bố thí ấy, cho quả tái sinh lên cõi trời Tam thập tam thiên".

Qua tích trên đây, chúng ta nhận thức rằng:

- Người bỏ công làm phước bố thí, hơn người bỏ của cải ra để làm phước bố thí gấp vô lượng lần không sao kể xiết.

- Nếu thí chủ bỏ của cải lại còn bỏ công tự mình làm phước bố thí thì phước thiện càng vô lượng.

BỐ THÍ VÀ HỒI HƯỚNG

Thí chủ làm phước thiện bố thí xong, thường hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến người thân yêu đã quá vãng nào đó.

Ví dụ:

"Con xin hồi hướng phần phước thiện bố thí thanh cao này đến cho cha con là Nguyễn Văn A. Cầu mong cha con hoan hỉ phần phước thiện thanh cao này, được thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài...".

Như vậy, thử hỏi ông "A" có thọ hưởng phần phước thiện, mà người con hồi hướng đến cho ông được hay không?

Ðể trả lời câu hỏi này, trước hết nên tìm hiểu 3 vấn đề:

1- Dānakusala: phước thiện phát sanh do bố thí: thí chủ sử dụng của cải của mình đem bố thí đến cho người khác, để tạo được phước thiện bố thí của mình.

2- Pattidānakusala: phước thiện phát sanh do hồi hướng: sau khi thí chủ đã tạo được phước thiện bố thí xong rồi, đem phần phước thiện ấy xin hồi hướng đến người đã quá vãng nào đó (ví như ông, bà, cha, mẹ,v.v...).

3- Pattānumodanākusala: phước thiện phát sanh do hoan hỉ phần phước thiện mà người thí chủ hồi hướng: những chúng sinh hay biết, hoan hỉ phần phước thiện của thân quyến hồi hướng đến họ.

Trường hợp ông A không phải là bậc Thánh A-ra-hán [*], nên còn phiền não, tham ái vẫn còn tái sanh kiếp sau như thế nào, hoàn toàn tùy theo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của ông A cho quả tái sanh. Như vậy, ông A có thọ hưởng được phần phước thiện bố thí của thân quyến hồi hướng đến cho ông hay không?

[*] Theo Phật giáo, bậc Thánh A-ra-hán khi tịch diệt Niết Bàn rồi, chắc chắn không còn tái sanh kiếp nào nữa.

Muốn biết vấn đề phước thiện bố thíhồi hướng phần phước thiện đến cho người quá vãng, họ có thọ hưởng được hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu bài kinh "Jāṇusasoṇīsutta" [Aṅguttaranikāya, phần Dasakanipāta, kinh Jānusasoṇīsutta]. Trong bài kinh này, có đoạn ông Bà la môn Jāṇusasoṇī đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Sa môn Gotama, chúng con là Bà la môn thường bố thí rồi hồi hướng đến những người quá vãng rằng: "phần phước thiện bố thí này, cầu mong cho được thành tựu đến thân quyến đã quá vãng, mong thân quyến quá vãng ấy hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí này".

Kính bạch Ðức Sa môn Gotama, phần phước thiện bố thí này, có thể thành tựu đến thân quyến đã quá vãng của chúng con được hay không?

Thân quyến đã quá vãng của chúng con có hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí của chúng con được hay không? Bạch Ngài.

Ðức Phật giải đáp rằng:

- Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí được thành tựu tùy theo loại chúng sinh này; không được thành tựu tùy theo loại chúng sinh khác.

Kính bạch Ðức Sa môn Gotama, loại chúng sinh nào được thành tựu? Loại chúng sinh nào không thành tựu? Bạch Ngài.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam của người khác, có tánh thù hận, có tà kiến; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chúng sinh trong cõi địa ngục sống tồn tại bằng vật thực ở địa ngục.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến chúng sinh ở địa ngục.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người sát sanh, trộm cắp, tà dâm... có tà kiến; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm súc sanh, loài súc sanh sống tồn tại bằng vật thực riêng của mỗi loài.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến loài súc sanh.

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời đâm thọc, tránh xa sự nói lời thô tục, tránh xa sự nói lời vô ích, tâm không tham lam của người khác, tâm không thù hận, có chánh kiến; người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh trở lại làm người, con người sống tồn tại bằng vật thực của cõi người.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến chúng sinh tái sanh trở lại làm người.

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp..., có chánh kiến; người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm chư thiên, chư thiên trong cõi trời, sống tồn tại bằng vật thực trong cõi trời.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí cũng không thành tựu đến chư thiên trong cõi trời.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có tà kiến; người này sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm loài ngạ quỷ, ngạ quỷ sống tồn tại bằng vật thực của hàng ngạ quỷ. Hàng ngạ quỷ này thường trông ngóng thân quyến trong cõi người hồi hướng phước thiện đến cho họ, khi họ hay biết hoan hỉ phần phước thiện ấy, họ thọ hưởng được, chắc chắn họ thoát khỏi cảnh khổ, tái sanh cõi thiện giới hưởng được mọi sự an lạc.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí chỉ có thể thành tựu đến cho loài ngạ quỷ mà thôi.

Khi lắng nghe Ðức Phật giải đáp như vậy, ông Bà la môn bạch tiếp rằng:

Kính bạch Sa môn Gotama, nếu thân quyến đã quá vãng ấy không thọ hưởng được phần phước thiện bố thí hồi hướng ấy, vậy ai thọ hưởng phần phước thiện ấy? Bạch Ngài.

Này Bà la môn, hàng ngạ quỷ thân quyến khác của thí chủ, thọ hưởng được phần phước thiện hồi hướng ấy.

Kính bạch Sa môn Gotama, nếu thân quyến đã quá vãng không có trong hàng ngạ quỷ, thì ai là người thọ hưởng phần phước thiện hồi hướng ấy? Bạch Ngài.

Này Bà la môn, trong vòng tử sanh luân hồi trải qua vô số kiếp của mỗi chúng sinh trong quá khứ, không có người thân quyến tái sanh làm ngạ quỷ, đó là điều không thể có được, (chắc chắn có thân quyến sanh làm ngạ quỷ).

Ðiều chắc chắn thí chủ là người được phần phước thiện bố thí ấy và thọ hưởng quả báu của phước thiện bố thí ấy.

Kính bạch Sa môn Gotama, Ngài có hạn chế những chúng sinh không thọ hưởng được phước thiện bố thí hay không?

Này Bà la môn, Như Lai có hạn chế chúng sinh.

Này Bà la môn có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có tà kiến; nhưng người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả dầu tái sanh làm con voi; trong kiếp voi ấy, được nuôi nấng chăm sóc chu đáo, có đầy đủ vật thực, nước uống ngon lành, có chỗ ở sạch sẽ, đồ trang sức đẹp đẽ... do quả của phước thiện bố thí trong kiếp trước.

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp... có tà kiến, nhưng người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả dầu tái sanh làm chó; trong kiếp chó ấy, được nuôi nấng làm chu đáo, có đầy đủ vật thực, nước uống ngon lành, có chỗ ở sạch sẽ, đồ trang sức đẹp đẽ... do quả của phước thiện bố thí trong kiếp trước.

(Tái sanh làm con ngựa, con bò.... v.v...).

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có chánh kiến; người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh trở lại làm người; trong kiếp người, là người giàu sang, phú quý, có chức cao, quyền lớn, sung túc đầy đủ ngũ trần trong đời, phát sanh do quả báu của phước thiện bố thí trong kiếp quá khứ.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp... có chánh kiến; người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm chư thiên; trong kiếp chư thiên trong cõi trời, là chư thiên có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an lạc cao quý trong cõi trời ấy, do phước thiện bố thí, đã tạo trong kiếp quá khứ.

Này Bà la môn, chính thí chủ là người có phước thiện bố thí và hưởng quả báu của phước thiện bố thí ấy.

Kính bạch Sa môn Gotama, thật phi thường! Chưa từng nghe bao giờ!

Kính bạch Sa môn Gotama, như vậy, thật ra nên bố thí bằng đức tin trong sạch, phước thiện bố thí không chỉ có quả báu cho chính mình, mà còn hồi hướng đến người khác, khi biết hoan hỉ họ cũng thọ hưởng được quả báu của phước thiện này nữa.

Kính bạch Sa môn Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!......".

*

Qua bài kinh này, chúng ta hiểu được rằng: thí chủ làm phước thiện bố thí rồi hồi hướng riêng đến thân quyến đã quá vãng nói riêng, có ý chỉ định đến một chúng sinh nào đó, thì điều ấy không chắc chắn, bởi vì, chúng sinh ấy có hay biết được thân quyến hồi hướng phần phước thiện bố thí đến cho mình hay không?

Nếu chúng sinh ấy biết được mà hoan hỉ thì thọ hưởng được phần phước thiện ấy.

Nếu chúng sinh ấy không hay biết, không hoan hỉ, thì không thọ hưởng được phần phước thiện ấy.

Còn thí chủ làm phước thiện bố thí rồi, xin hồi hướng chung đến những thân quyến đã quá vãng nói chung, không có ý định chỉ định đến chúng sinh nào, điều ấy chắc chắn thân quyến của thí chủ thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy. Bởi vì, trong vòng tử sanh luân hồi vô số kiếp của mỗi chúng sinh, chắc chắn có thân quyến tái sanh trong hàng ngạ quỷ. Nếu họ hoan hỉ thọ hưởng được phần phước thiện của thí chủ hồi hướng, thì họ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh cõi thiện giới an lành, hưởng được mọi sự an lạc.

Ngoài ra, các chúng sinh khác không hay biết, không hoan hỉ phần phước thiện bố thí của thí chủ hồi hướng, thì không thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy.

Tích thân quyến ngạ quỷ của đức vua Bimbisāra

Những thân quyến của đức vua Bimbisāra từ thời kỳ Ðức Phật Phussa, cách Ðức Phật Gotama trải qua 6 Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, thời gian khoảng cách 92 đại kiếp trái đất. Họ đã tạo nghiệp ác, nên cho quả bị tái sanh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, từ địa ngục này sang địa ngục khác, mãi cho đến thời kỳ Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, họ mới thoát khỏi địa ngục, tái sanh làm ngạ quỷ.

Một hôm, nhóm ngạ quỷ này đến hầu Ðức Phật Kassapa, bèn bạch rằng:

Kính bạch Ðức Thế Tôn, đến bao giờ, mới có thân quyến hồi hướng phước thiện bố thí đến nhóm ngạ quỷ chúng con, để chúng con thoát khỏi cảnh khổ, được hưởng sự an lạc? Bạch Ngài.

Ðức Phật Kassapa dạy rằng:

Này các ngạ quỷ, bây giờ các con chưa được gì đâu! Các con hãy chờ trong vị lai đến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, thuở ấy có Ðức Vua gọi là Bimbisāra đã từng là thân quyến của các con, trước đây cách 92 đại kiếp trái đất. Ðức vua Bimbisāra làm phước cúng dường đến Ðức Phật Gotama cùng chư Ðại Ðức Tăng, rồi hồi hướng phước thiện bố thí ấy đến cho các con.

Nhóm ngạ quỷ nghe lời thọ ký của Ðức Phật Kassapa [Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian vào thời đại tuổi thọ con người khoảng 20.000 năm], tâm cảm thấy vô cùng hoan hỉ trông ngóng như sắp được hoan hỉ phần phước thiện vào ngày mai.

Thời kỳ Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tuổi thọ con người khoảng 20.000 năm, khi Ðức Phật Kassapa tịch diệt Niết Bàn và giáo pháp của Ngài cũng hoàn toàn tiêu hoại; con người làm cho mọi ác pháp dần dần tăng trưởng, còn thiện pháp từ từ suy thoái; cho nên, tuổi thọ con người giảm dần, giảm dần từ 20.000 năm xuống còn khoảng 10 năm. Từ đó, con người kinh sợ tội lỗi, tránh xa ác pháp; cố gắng tạo thiện pháp; mọi thiện pháp dần dần tăng trưởng, còn ác pháp từ từ suy thoái; cho nên, tuổi thọ con người tăng dần, tăng dần từ 10 năm lên đến tột cùng a tăng kỳ năm [A tăng kỳ (asaṅkheyya): được tính theo số lượng là số 1 đứng đầu, theo sau là 140 con số không (0), 10**140]. Từ đó, con người bắt đầu dể duôi, ác pháp phát sanh, làm cho tuổi thọ con người lại giảm dần, giảm dần cho đến khi tuổi thọ khoảng 100 năm. Khi ấy, Ðức Phật Gotama hiện tại của chúng ta xuất hiện trên thế gian, tại xứ Māgadha có đức vua Bimbisāra trị vì, đóng đô tại kinh thành Rājagaha.

Ðức vua Bimbisāra có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo, xây dựng ngôi chùa Veḷuvana dâng đến chư Ðại Ðức Tăng tứ phương có Ðức Phật chủ trì chứng minh, nhóm ngạ quỷ thân quyến đang trông chờ Ðức Vua hồi hướng phần phước thiện đến cho họ; nhưng trong dịp ấy, Ðức Vua không hồi hướng phước thiện bố thí đến cho chúng. Nhóm ngạ quỷ thân quyến thất vọng đêm khuya đến kêu la than khóc âm thanh đáng kinh sợ.

Sáng ngày, Ðức Vua đến hầu Ðức Phật, bạch hỏi do nhân nào có hiện tượng như vậy.

Ðức Phật dạy:

- Này Ðại Vương, không có gì đáng kinh sợ, đó là tiếng kêu la than khóc của nhóm ngạ quỷ thân quyến của Ðại Vương trong quá khứ. Nhóm ngạ quỷ này trông ngóng Ðại Vương làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện cho chúng, để chúng thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh nơi cảnh giới an lạc.

Lắng nghe Ðức Phật dạy như vậy, Ðức Vua liền bạch:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, ngày mai con kính thỉnh Ðức Thế Tôn cùng chư Ðại Ðức Tăng ngự đến cung điện của con, để con làm phước thiện bố thí một lần nữa, lần này con sẽ hồi hướng phước thiện đến nhóm ngạ quỷ thân quyến của con. Ðức Phật làm thinh nhận lời thỉnh mời của Ðức Vua.

Ðức Vua Bimbisāra đảnh lễ Ðức Thế Tôn trở về cung điện, sửa soạn vật thực làm phước thiện bố thí cho ngày mai.

Sáng hôm sau, Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng ngự đến cung điện của Ðức Vua. Chính tự tay Ðức Vua cúng dường vật thực đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng xong, Ðức Phật thuyết bài kinh "Tirokuṇṇapetavtthu" [Khuddakanikāya, bộ Petavatthu, Tirokuṇṇapetavtthu] tế độ nhóm ngạ quỷ, đồng thời đức vua Bimbisāra hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến nhóm ngạ quỷ thân quyến, chúng hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện cấy, nên tất cả đều thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, ngay khi ấy, do nhờ năng lực phước thiện cho quả, được tái sanh làm chư thiên hưởng mọi sự an lạc cõi trời dục giới.

Chúng ta được sanh làm người, có cơ hội làm phước thiện bố thí, còn các chúng sinh khác khó có cơ hội bố thí. Cho nên, chúng ta nên tìm cơ hội tốt để làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho thân quyến của chúng ta chịu đói khát, khổ cực trong hàng ngạ quỷ; họ lúc nào cũng trông ngóng đến sự hồi hướng phước thiện của thân quyến. Khi họ hay biết, hoan hỉ phần phước thiện mà chúng ta hồi hướng đến cho họ, chắc chắn họ thoát ra khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, do nhờ phước thiện ấy cho quả được tái sanh cõi thiện giới: cõi trời, cõi người.

Cho nên, khi thí chủ tạo được phước thiện nào xong rồi, nên đọc câu hồi hướng rằng:

"Idaṃ no ñātīnaṃ hotu,
Sukhitā hontu ñātayo...".

[Khuddakanikāya, bộ Petavatthu, Tirokuṇṇapetavtthu]

"Cầu mong phước thiện này,
Thành tựu đến tất cả,
Thân quyến của chúng tôi.
Cầu mong họ hoan hỉ,
Ðược an lạc lâu dài".

Như vậy, thân quyến ngạ quỷ đang đứng trông chờ hoan hỉ phần phước thiện mà thân quyến đã hồi hướng, ngay khi ấy, do năng lực phước thiện cho quả, họ được thoát khỏi kiếp sống ngạ quỷ đói khát, được chuyển kiếp tái sanh làm chư thiên, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời.

Lời Hồi Hướng

Tất cả chúng sinh trong ba giới bốn loài, chỉ có loài người trong cõi Nam thiện bộ châu này có được thuận lợi tạo mọi phước thiện, nhất là phước thiện bố thí. Ngoài ra, các chúng sinh còn lại và các cõi khác, khó có cơ hội tạo phước thiện bố thí. Chư thiên muốn tạo phước thiện bố thí cần phải hiện xuống cõi người, biến hóa thành con người mới có thể tạo phước thiện bố thí.

Như vậy, chúng ta đã là con người trong cõi Nam thiện bộ châu này, có điều kiện và cơ hội tạo nên được phước thiện bố thí, thì chúng ta nên có tâm từ, tâm bi quan tâm đến những chúng sinh khác, họ không phải ai xa lạ, họ chính là những người thân bằng quyến thuộc của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ và kiếp hiện tại.

Ðức Phật dạy:

"Không thấy một chúng sinh nào không từng là thầy, tổ, ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác, cô, dì, bà con thân bằng quyến thuộc... của chúng ta".

Như vậy, tất cả chúng sinh đều là những người thân quyến của chúng ta gần kiếp này, hoặc xa trong những kiếp quá khứ. Nay chúng ta có điều kiện, có cơ hội tạo nên phước thiện bố thí, thì ta nên hồi hướng, ban bố, phân phát... phần phước thiện bố thí này đến cho tất cả chúng sinh, thân bằng quyến thuộc của chúng ta. Có số chúng sinh đang sống trong cảnh khổ, đang khao khát, trông ngóng, chờ đợi phần phước thiện của thân quyến hồi hướng, nếu họ hay biết mà hoan hỉ phần phước thiện ấy, ngay tức khắc, họ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh lên cõi thiện giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi ấy.

Muốn vậy, chúng ta cần phải thành tâm hồi hướng và có lời hồi hướng như sau:

Ðọc câu Pāḷi: "Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, Sukhitā hontu ñātayo..."

Hoặc bằng tiếng Việt:

Hôm nay, chúng tôi đã tạo mọi phước thiện như bố thí, thọ trì Tam quy, giữ giới, nghe pháp, hành thiền.... Chúng tôi thành tâm hồi hướng phần phước thiện này đến tất cả chư thiên, nhất là chư thiên hộ trì mỗi người chúng tôi, chư thiên ở tại nơi đây, chư thiên ở trong nhà, chư thiên ở trong tỉnh, thành, chư thiên ở trong nước, chư thiên ở ngoài nước và toàn thế giới, chư thiên ở trên mặt đất, chư thiên ở cội cây, chư thiên ở trên hư không;

Tứ Ðại Thiên Vương: đức vua Dhataraṭṭha, đức vua Viruḷhaka, đức vua Virūpakkha, đức vua Kuvera cùng tất cả chư thiên trong cõi Tứ đại thiên vương thiên.

Ðức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên.

Ðức vua trời Suyāma cùng tất cả chư thiên trong cõi Dạ ma thiên.

Ðức vua trời Santussita cùng tất cả chư thiên trong cõi Ðâu xuất đà thiên.

Ðức vua trời Sunimmita cùng tất cả chư thiên trong cõi Hoá lạc thiên.

Ðức vua trời Paranimmita cùng tất cả chư thiên trong cõi Tha hóa tự tại thiên. v.v....

Xin quý vị chư thiên hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy, làm cho tăng thêm sự an lạc lâu dài. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Chúng tôi thành tâm hồi hướng đến những ân nhân đã quá vãng như tổ tiên, thầy tổ, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, bè bạn... từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, nhất là ... [tên người vừa quá vãng hoặc người đang nhớ đến trong ngày làm phước thiện này ...] đã quá vãng. Xin quý vị hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy. Cầu mong quý vị giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Chúng tôi thành tâm chia phần phước thiện thanh cao này đến những ân nhân còn sống như: ông bà, cha mẹ, thầy tổ, anh chị em, con cháu, bà con thân bằng quyến thuộc, bè bạn.... Mong quý vị hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy, cầu mong quý vị thân tâm thường được an lạc, tiến hóa trong mọi thiện pháp. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Chúng tôi thành tâm hồi hướng phần phước thiện thanh cao này đến chúng sinh trong địa ngục, các hàng atula, các hàng ngạ quỷ, các loại súc sanh, đặc biệt đến chúa địa ngục Yāma. Mong quý vị hoan hỉ, thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy, cầu mong quý vị thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh nơi cõi thiện giới cho được an lạc. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Nói chung, chúng tôi thành tâm hồi hướng đến tất cả 4 loài chúng sinh, trong tam giới gồm có 31 cõi. Cầu mong tất cả chúng sinh hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả chúng sinh giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài, tiến hóa trong mọi thiện pháp làm duyên lành trên con đường giải thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Bố Thí – Hồi Hướng

Phước thiện bố thí và hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy là một việc rất cần thiết đối với hàng ngạ quỷ. Kiếp ngạ quỷ chịu bao nhiêu nỗi khổ vì đói khát, lạnh lẽo. Họ chỉ còn biết trông ngóng, chờ đợi phước thiện mà thân bằng quyến thuộc hồi hướng đến cho họ mà thôi. Nếu họ không được hoan hỉ phần phước thiện nào của thân bằng quyến thuộc hồi hướng, thì họ phải chịu kiếp sống ngạ quỷ đói khát, khổ cực, không biết bao giờ mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Như tích Sāriputtattheramātupeta [Khuddakanikāya, Petavatthu, truyện Sāriputtattheramātupeta]: Ngạ quỷ thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta, được tóm lược như sau:

Nữ ngạ quỷ tiền thân đã từng là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta kiếp thứ 5 trong quá khứ, kể từ kiếp hiện tại.

Tiền thân của nữ ngạ quỷ là vợ của ông Bà la môn giàu có nhiều của cải. Ông Bà la môn có đức tin trong sạch, có tác ý thiện tâm, thường làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực, đồ uống, y phục... đến Sa môn, Bà la môn. Bố thí ban bố, phân phát đến những người nghèo khổ, người qua đường....

Một hôm, ông Bà la môn có công việc phải đi nơi khác, ông dạy bảo vợ ở nhà thay ông gìn giữ phong tục tập quán, lo công việc làm phước thiện bố thí cúng dường đến Sa môn, Bà la môn, phân phát vật thực, đồ dùng đến những người nghèo khổ đói khát.... Người vợ ở nhà không làm theo sự dạy bảo của chồng. Hễ có ai đến nương nhờ, bà ta buông lời mắng nhiếc, ăn phẩn, uống nước tiểu, liếm máu mủ, nước miếng....

Sau khi bà ta chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh vào hàng ngạ quỷ đói khát, ăn đồ dơ bẩn, ăn phẩn, uống nước tiểu, mủ, nước miếng... chịu bao nỗi khổ cực đói khát, lạnh lẽo do ác nghiệp của mình đã tạo. Nữ ngạ quỷ nhớ lại tiền kiếp đã từng là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta, muốn đến nương nhờ Ngài, chư thiên giữ cổng ngăn cản không cho nữ ngạ quỷ vào. Nữ ngạ quỷ thưa với vị chư thiên rằng:

- Thưa chư thiên, tiền kiếp tôi đã từng là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta, xin chư thiên cho tôi vào thăm Ngài.

Nữ ngạ quỷ được vào đứng khép nép, Ngài Ðại Ðức Sāriputta nhìn thấy nữ ngạ quỷ, với tâm bi mẫn bèn hỏi rằng:

- Này ngạ quỷ! Thân trần truồng, hình dáng đáng thương hại, ốm yếu da bọc xương, thân mình run rẩy. Ngươi là ai mà đến đứng nơi này?

Nghe Ngài hỏi, nữ ngạ quỷ thưa rằng:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, tiền kiếp của con đã từng là thân mẫu của Ngài, do nghiệp ác cho quả tái sanh làm ngạ quỷ chịu cảnh đói khát, đành phải ăn những đồ dơ dáy như nước miếng, nước mũi, đàm người ta nhổ bỏ, uống nước vàng chảy từ xác chết, uống máu của đàn bà đẻ, uống máu mủ của đàn ông bị chặt tay chân, ăn máu mủ các loài động vật, sống không có nương tựa, các nơi nghĩa địa, bãi tha ma.

Kính bạch Ngài, xin Ngài làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho mẹ với. Nhờ phước thiện ấy, may ra mẹ mới thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ như thế này.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta lắng nghe lời nữ ngạ quỷ đã từng là thân mẫu trong tiền kiếp, phát sanh tâm bi mẫn, nên tìm cách cứu khổ nữ ngạ quỷ, Ngài bàn tính với Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, Ngài Ðại Ðức Anuruddha và Ngài Ðại Ðức Mahākappina. Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna đi khất thực vào cung điện gặp đức vua Bimbisāra, Ðức vua thỉnh mời yêu cầu Ngài cần thứ vật dụng nào để Ðức vua dâng cúng. Nhân dịp ấy, Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna thưa cho Ðức Vua biết chuyện nữ ngạ quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta sống trong cảnh khổ không có nơi nương nhờ.

Nghe vậy, Ðức Vua truyền lệnh xây cất 4 cái cốc, chỗ ở của chư Tỳ khưu Tăng. Khi xây cất xong, Ðức Vua làm lễ dâng đặc biệt đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta 4 cái cốc ấy.

Một lần nữa, Ngài Ðại Ðức Sāriputta làm lễ dâng những cốc này đến chư Tỳ khưu Tăng từ bốn phương, có Ðức Phật chủ trì, xin hồi hướng phần phước thiện này đến cho nữ ngạ quỷ đã từng là thân mẫu trong tiền kiếp. Nữ ngạ quỷ hoan hỉ phần phước thiện bố thí mà Ngài Ðại Ðức Sāriputta hồi hướng. Ngay sau khi hoan hỉ phần phước thiện bố thí ấy, liền thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, tái sanh lên làm thiên nữ có hào quang sáng ngời, có thân hình xinh đẹp, y phục lộng lẫy, có lâu đài nguy nga tráng lệ, có đầy đủ của cải của chư thiên, hưởng sự an lạc cao quý trong cõi trời.

Hôm sau, vị thiên nữ ấy hiện xuống đảnh lễ Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, Ngài hỏi thiên nữ rằng:

- Này thiên nữ, ngươi có sắc đẹp tuyệt trần, có hào quang sáng chói khắp mọi nơi, như vầng trăng sáng.

- Do phước thiện gì mà ngươi có được như vậy?
- Do phước thiện gì mà ngươi được sanh trong lâu đài nguy nga tráng lệ như thế ấy?
- Do phước thiện gì mà ngươi có đầy đủ mọi thứ trong cõi trời đáng hài lòng như vậy?

Này thiên nữ, ngươi có nhiều oai lực đặc biệt, vậy, khi sống cõi người, ngươi tạo phước thiện gì, mà nay có được những quả báu đáng hài lòng như vậy?

Vị thiên nữ bạch với Ngài Ðại Ðức Mahā-moggallāna rằng:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, con là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta trong tiền kiếp, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm nữ ngạ quỷ chịu cảnh khổ đói khát đành phải ăn đồ dơ dáy như máu, mủ.... Vừa qua, con đã đến hầu Ngài Ðại Ðức Sāriputta cầu xin Ngài có lòng bi mẫn cứu khổ con, Ngài đã làm phước thiện bố thí xong hồi hướng đến cho con; con đã hoan hỉ phần phước thiện ấy, nên con thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, được tái sanh làm thiên nữ có được tất cả như Ngài đã thấy.

Kính bạch Ngài Ðại Ðức, con hiện xuống đây để đảnh lễ dưới chân Ngài và Ngài Ðại Ðức Sāriputta là bậc Thánh thiện trí, có tâm bi mẫn cứu khổ chúng sinh trong đời.

Những câu truyện như trên có rất nhiều trong bộ Peṭavaṭṭhu và trong Kinh tạng.

Bố thí – Phát nguyện

Ở đời, người ta có nhiều tiền bạc, người ta có thể mua sắm các đồ dùng mà người ta muốn. Cũng như vậy, khi người ta tạo nên phước thiện rồi, người ta có thể phát nguyện theo nguyện vọng của mình. Sự thành tựu theo nguyện vọng của mình còn tùy theo năng lực của phước thiện và thời gian sớm hoặc muộn, cũng sẽ thành tựu như ý nguyện.

Nguyện vọng của mỗi người có phần khác nhau, cho nên khi tạo nên phước thiện cũng khác nhau. Có hai loại phước thiện:

- Phước thiện dẫn dắt trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới (vaṭṭagāmikusala).
-
Phước thiện làm duyên lành để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới (vivaṭṭupanissitakusala).

Phước thiện dẫn dắt trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới như thế nào?

Một số người có tâm tham muốn ở trong đời, tạo nên phước thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền định,... cầu mong được rằng:

Xin cho tôi được tái sanh làm người giàu sang phú quý, có danh, có phận, có chức, có quyền; làm Ðức Vua trị vì một nước, hoặc làm Ðức Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ.

Xin cho tôi được tái sanh lên cõi trời, sẽ là chư thiên có nhiều oai lực, hoặc là Ðức Vua trong cõi trời ấy,...

Tùy theo mỗi phước thiện mà cho quả báu được thành tựu trong cõi người, cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới và cõi trời vô sắc giới. Ðến khi hết tuổi thọ trong cõi nào rồi, do nghiệp cho quả tái sanh trở lại kiếp sau, tùy theo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của mình đã tạo, cứ quanh quẩn trong vòng tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Như vậy, gọi là phước thiện dẫn dắt trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.

Phước thiện này không trở thành pháp hạnh ba la mật như: bố thí ba la mật, giữ giới ba la mật,... vì không phát nguyện giải thoát khổ sanh tử luân hồi trong ba giới bốn loài.

Phước thiện làm duyên lành để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới như thế nào?

Một số bậc Thiện trí có trí tuệ sáng suốt nhận thức rõ khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, nên khi tạo phước thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền định, tiến hành thiền tuệ... chỉ mong làm nơi nương nhờ để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới. Bậc Thiện trí này không cầu mong sẽ trở thành người giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng,... trong cõi người; cũng không cầu mong sự an lạc trong cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới và cõi trời vô sắc giới. Họ chỉ có một nguyện vọng nương nhờ phước thiện này dẫn dắt đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, là pháp diệt đoạn tuyệt phiền não trầm luân mà thôi. Phước thiện này trở thành pháp hạnh ba la mật như: bố thí ba la mật, giữ giới ba la mật,... Phước thiện này làm duyên lành để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

Lời Phát Nguyện

Muốn cho phước thiện của mình làm duyên lành nương nhờ để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, bậc Thiện trí ấy cần phải có lời phát nguyện:

Trong Chú giải có dạy rằng:

"Idaṃ me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu".

[Chú giải Saṃyuttanikāya, phần Nidānavagga, kinh Paṭipadā-suttavaṇṇanā. Chú giải Aṅguttaranikāya.]

"Cầu mong phước thiện bố thí này của tôi, làm duyên lành dẫn dắt đến sự chứng ngộ Niết Bàn, chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo diệt đoạn tuyệt phiền não trầm luân".

Ðây là lời phát nguyện chung cho những người muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

Phát nguyện riêng của mỗi Ðức Bồ Tát

Ðức Bồ Tát có ba bậc, mỗi bậc có sự phát nguyện khác nhau:

1- Bậc Thanh Văn Bồ Tát (Sāvakabodhisatta) phát nguyện trở thành bậc Thánh Thanh Văn đệ tử Phật, có 3 bậc:

Bậc Thánh tối thượng Thanh Văn (Aggasāvaka).
Bậc Thánh đại Thanh Văn (Mahāsāvaka).
Bậc Thánh Thanh Văn (Pakatisāvaka).

2- Bậc Ðộc Giác Bồ Tát (Paccekabodhisatta) phát nguyện trở thành Ðức Phật Ðộc Giác, có 3 bậc:

Bậc Ðộc Giác Phật có trí tuệ ưu việt (paññādhika).
Bậc Ðộc Giác Phật có đức tin ưu việt (saddhādhika).
Bậc Ðộc Giác Phật có tinh tấn ưu việt (vīriyādhika).

3- Bậc Toàn Giác Bồ Tát hoặc Bậc Chánh Ðẳng Giác Bồ Tát (Sammāsambodhisatta) phát nguyện trở thành bậc Toàn Giác Phật hoặc Bậc Chánh Ðẳng Giác Phật, có 3 bậc:

Bậc Toàn Giác có trí tuệ ưu việt (paññādhika).
Bậc Toàn Giác có đức tin ưu việt (saddhādhika).
Bậc Toàn Giác có tinh tấn ưu việt (vīriyadhika).

Tất cả các bậc Bồ Tát khi tạo 10 pháp hạnh ba la mật, phước thiện ba la mật nào dầu nhỏ hoặc lớn, dầu ít hoặc nhiều đều phát nguyện mong trở thành bậc nào theo nguyện vọng của mình.

Ví dụ:

Ðức Bồ Tát đạo sĩ Akitti, tiền thân của Ðức Phật Gotama, sống trong rừng dùng lá kāra làm vật thực hằng ngày. Ðức vua trời Sakka (Ðế Thích) nhìn thấy Ðức Bồ Tát đạo sĩ có hạnh cao thượng khó có ai thực hành được, muốn biết Ngài thực hành phạm hạnh như vậy có nguyện vọng gì. Ðức vua trời Sakka biến hóa thành Bà la môn khất sĩ hiện xuống đi khất thực trước Ðức Bồ Tát đạo sĩ. Ðức Bồ Tát đạo sĩ nhìn thấy Bà la môn khất sĩ, tâm vô cùng hoan hỉ đem tất cả nắm lá kāra được luộc chín làm phước thiện bố thí đến Bà la môn khất sĩ, còn Ðức Bồ Tát đạo sĩ chỉ uống nước để sống qua ngày ấy.

Ðức Bồ Tát đạo sĩ phát nguyện rằng:

"Tena dānena na lābhasakkarasilokaṃ, na Cakkavattisampattiṃ, na Sakkasampattiṃ, na Brahmasampattiṃ, na Sāvakabodhiṃ, na Paccekabodhiṃ patthemi. Api ca idaṃ me dānaṃ Sabbaññutañāṇassa paccayo hotu". [Bộ Cariyāpiṭakaṭṭhakathā , pháp hạnh của Ðức Bồ Tát đạo sĩ Akitti. Bộ Jātaka, truyện Akittijātaka.] 

"Do năng lực phước thiện bố thí này, bần đạo không cầu mong danh lợi, không cầu mong ngôi vị Ðức Chuyển luân thánh vương, ngôi vị vua trời Sakka, ngôi vị Phạm thiên, cũng không cầu mong trở thành bậc Thánh Thanh Văn, bậc Ðộc Giác Phật; mà sự thật, phước thiện bố thí này của tôi, chỉ mong làm duyên lành để trở thành Ðức Phật Toàn Tri Diệu Giác mà thôi".

Ðó là lời phát nguyện của của Ðức Toàn Giác Bồ Tát cầu mong trở thành Ðức Phật Toàn Giác, hoặc Bậc Chánh Ðẳng Giác Phật.

Cho nên, mỗi Ðức Bồ Tát có lời phát nguyện theo nguyện vọng riêng của mình.

Ðức Ðộc Giác Bồ Tát chỉ phát nguyện muốn trở thành Ðức Phật Ðộc Giác, ngoài ra không còn mong muốn địa vị nào khác.

Bậc tối thượng Thanh Văn Bồ Tát chỉ phát nguyện muốn trở thành bậc Thánh tối thượng Thanh Văn mà thôi, không còn mong địa vị nào khác.

Bậc đại Thanh Văn Bồ Tát chỉ phát nguyện trở thành bậc Thánh đại Thanh Văn mà thôi, không còn mong địa vị nào khác.

Bậc Thanh Văn Bồ Tát chỉ phát nguyện trở thành bậc Thánh Thanh Văn mà thôi, không còn mong địa vị nào khác.

Phước thiện nào, như giữ giới, bố thí, hành thiền định, hành thiền tuệ,... xong rồi phát nguyện cầu mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, pháp diệt đoạn tuyệt phiền não trầm luân.

Ðể đạt đến nguyện vọng trở thành Ðức Phật Toàn Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh tối thượng Thanh Văn, hoặc bậc Thánh đại Thanh Văn, hoặc bậc Thánh Thanh Văn, phước thiện ấy gọi là phước thiện làm duyên lành để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới (vivaṭṭupanissitakusala).

Tính chất ưu việt của Vivaṭṭupanissitakusala

Chủ nhân phước thiện vivaṭṭupanissitakusala này ngày nào chưa đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng, chứng ngộ Niết Bàn theo nguyện vọng riêng của mình, ngày ấy chủ nhân vẫn hưởng được quả báu cao quý trong cõi người, trong cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới.

- Do năng lực phước thiện này cho quả, nếu tái sanh làm người, thì sẽ là người giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, có khi làm vua một nước lớn, có khi là Ðức Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ. Nhưng dầu ở địa vị nào, người chủ nhân của phước thiện vivaṭṭupanissitakusala này không say đắm, không dính mắc trong của cải, sự nghiệp ấy. Khi có cơ hội, sẵn sàng từ bỏ tất cả xuất gia trở thành đạo sĩ trong thời kỳ không có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, hoặc xuất gia trở thành Tỳ khưu trong thời kỳ Ðức Phật xuất hiện trên thế gian.

Ðó là tính chất ưu việt của phước thiện này.

- Do năng lực phước thiện này cho quả, nếu tái sanh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, thì chủ nhân của phước thiện vivaṭṭupanissitakusala này không chịu hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, mà nguyện từ bỏ cõi trời, liền tái sanh xuống làm người, để có cơ hội tạo nhiều pháp hạnh ba la mật, để cho mau chóng đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn theo nguyện vọng của mình.

- Nếu chủ nhân ấy tái sanh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, không bao giờ chịu hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, mà chủ nhân chư thiên ấy nguyện chết trước tuổi thọ, xuống tái sanh làm người để có cơ hội tốt tạo được nhiều pháp hạnh ba la mật, để mau chóng chứng đạt mục đích cứu cánh cuối cùng của mình.

Ðó là tính chất ưu việt của phước thiện này.

Trong thời kỳ Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, hoặc giáo pháp của Ngài đang lưu truyền, chủ nhân của phước thiện vivaṭṭupanissitakusala này, phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, xin quy y Tam bảo trở thành người cận sự nam (hoặc cận sự nữ); hoặc từ bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu, hành giới trong sạch đầy đủ, tiến hành thiền định chứng đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới không phải để hưởng quả an lạc của các bậc thiền ấy trong kiếp hiện tại và kiếp sau trong cõi trời phạm thiền sắc giới, vô sắc giưói; mà chỉ dùng bậc thiền ấy làm nền tảng tiến hành thiền tuệ, để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn tuỳ theo trí tuệ và ba la mật của mình.

Ðó là tính chất ưu việt của phước thiện này.

Tóm lại,

Phước thiện vaṭṭagāmikusala là con đường vòng quanh trong tam giới, không giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Phước thiện vivaṭṭupanissitakusala là con đường thẳng đến Niết Bàn giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Phát Nguyện – Thành Tựu

Bố thí và phát nguyện thường liên quan với nhau, sau khi làm phước thiện, người ta thường có lời phát nguyện, cầu mong do năng lực phước thiện ấy làm nhân duyên đưa đến sự thành tựu đúng theo nguyện vọng của mình.

Sự phát nguyện có thành tựu hay không thành tựu, thành tựu sớm hay muộn, nhanh hay chậm còn tuỳ theo thí chủ.

Nếu thí chủ là người có giới đức trong sạch, thì sự phát nguyện có thể thành tựu theo năng lực của phước thiện ấy.

Nếu thí chủ là người không có giới trong sạch, thì sự phát nguyện không thể thành tựu được; bởi vì, người không có giới hoặc giới không trong sạch, sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh vào một trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh).

Tìm hiểu bài kinh Dānūppattisutta [Aṅguttaranikāya, phần Aṭṭhakanipāta, kinh Dānūppattisutta]. Trong bài kinh này Ðức Phật dạy:

Này chư Tỳ khưu, có số người trong đời này làm phước thiện bố thí như cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở và đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy bố thí rồi phát nguyện, họ nhìn thấy vua chúa có quyền, Bà la môn giàu sang phú quý, phú hộ hưởng thụ có đầy đủ ngũ trần, người ấy phát nguyện, mong ước rằng: "Sau khi chết rồi, cầu mong kiếp sau, tôi sẽ trở thành vị vua chúa có quyền thế, hoặc Bà la môn giàu sang phú quý, hoặc đại phú hộ". Người ấy phát nguyện như vậy, tâm luôn luôn mong ước như vậy, tâm của họ hướng theo con đường thấp hèn, tâm không muốn phát triển theo pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Người ấy sau khi chết, do phước thiện cho quả tái sanh trong dòng vua chúa, hoặc trong dòng Bà la môn giàu sang phú quý, hoặc trong gia đình đại phú hộ.

Như Lai chỉ nói sự thành tựu này đến người có giới trong sạch mà thôi, không nói đến người không có giới, hay người phá giới.

Này chư Tỳ khưu, sự phát nguyện được thành tựu đối với người có giới, bởi do thiện tâm trong sạch.

- Này chư Tỳ khưu, có số người trong đời này, làm phước thiện bố thí như: cơm, nước, vải,... và đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy bố thí rồi phát nguyện, vì họ nghe rằng: "Chư thiên cõi trời Tứ đại thiên vương có tuổi thọ sống lâu, có sắc đẹp, có sự an lạc trong cõi trời ấy". Người ấy phát nguyện, mong ước rằng: "sau khi chết rồi, cầu mong kiếp sau, tôi sẽ là chư thiên trong cõi Tứ đại thiên vương". Người ấy phát nguyện như vậy, tâm luôn luôn mong ước như vậy, tâm của họ hướng theo con đường thấp hèn, tâm không muốn phát triển theo pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Người ấy sau khi chết, do phước thiện cho quả tái sanh làm chư thiên cõi Tứ đại thiên vương.

Như Lai chỉ nói sự thành tựu này đến người có giới trong sạch mà thôi, không nói đến người không có giới, người phá giới.

Này chư Tỳ khưu, sự phát nguyện được thành tựu đối với người có giới, bởi do thiện tâm trong sạch.

- Này chư Tỳ khưu, có số người trong đời này, làm phước thiện bố thí như: cơm, nước, vải...đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy bố thí rồi phát nguyện vì: họ nghe rằng "chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên... Chư thiên trong cõi Dạ ma thiên... Chư thiên trong cõi Ðâu suất đà thiên... Chư thiên trong cõi Hoá lạc thiên... Chư thiên trong cõi Tha hoá tự tại thiên có tuổi thọ sống lâu, sắc đẹp tuyệt vời, có sự an lạc tuyệt vời trong cõi trời". Người ấy phát nguyện mong ước rằng: "Sau khi chết rồi, cầu mong kiếp sau tôi sẽ là chư thiên trong cõi Tam thập tâm thiên,... cõi Ðâu suất đà thiên,... cõi Hoá lạc thiên... Cõi Tha hoá tự tại thiên". Người ấy phát nguyện như vậy, tâm luôn luôn mong ước như vậy, tâm của họ hướng theo con đường thấp hèn, tâm không muốn phát triển theo pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Người ấy sau khi chết, do phước thiện cho quả tái sanh làm chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên..., cõi Dạ ma thiên..., cõi Ðâu xuất đà thiên..., cõi Hoá lạc thiên..., cõi Tha hoá tự tại thiên.

Như Lai chỉ nói sự thành tựu này đến người có giới trong sạch mà thôi, không nói đến người không có giới, người phá giới.

Này chư Tỳ khưu, sự phát nguyện được thành tựu đối với người có giới, bởi do thiện tâm trong sạch.

- Này chư Tỳ khưu, có số người trong đời này bố thí như cơm, nước, vải... đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy bố thí rồi phát nguyện vì họ nghe rằng: "Phạm thiên trong cõi trời sắc giới có tuổi thọ sống lâu, có sự an lạc tuyệt vời hơn cõi trời dục giới". Người ấy phát nguyện mong ước rằng: "sau khi chết, cầu mong kiếp sau tôi sẽ là phạm thiên trong cõi trời sắc giới". Người ấy phát nguyện như vậy, tâm luôn luôn mong ước như vậy, tâm của họ hướng theo con đường thấp hèn, tâm phát triển theo pháp hành thiền định, không phát triển theo pháp hành thiền tuệ. Người ấy sau khi chết, do nhờ có sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sanh làm phạm thiên cõi trời sắc giới.

Như Lai chỉ nói sự thành tựu này đến người có giới (có chứng đắc bậc thiền sắc giới) mà thôi, không nói đến người không có giới, phá giới; nói đến tâm không còn tham dục trong ngũ trần, do diệt được tham ái trong ngũ trần, không nói đến tâm còn có tham ái trong ngũ trần.

Này chư Tỳ khưu, sự phát nguyện được thành tựu đối với người có giới, bởi do tâm trong sạch, không tham ái trong ngũ trần...

Qua bài kinh này, để hiểu rõ lời phát nguyện chỉ được thành tựu đối với người có giới đức trong sạch mà thôi, không thành tựu đối với người không có giới, phá giới; là vì người không có giới, người phá giới sau khi chết, do ác nghiệp cho quả chắc chắn phải sa vào một trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh). Cho nên, phước thiện bố thí không có cơ hội dẫn dắt đến sự thành tựu theo điều phát nguyện.

Tuổi thọ, sắc đẹp, sự an lạc mỗi cõi trời dục giới khác nhau. Cõi trời dục giới tầng cao có tuổi thọ gấp đôi cõi trời dục giới tầng thấp.

- Tuổi thọ cõi Tứ đại thiên vương có 500 năm, bằng 9 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 50 năm trong cõi người.

- Tuổi thọ cõi Tam thập tam thiên có 1.000 năm, bằng 36 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 100 năm trong cõi người.

- Tuổi thọ trong cõi Dạ ma thiên có 2.000 năm, bằng 144 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 200 năm trong cõi người.

- Tuổi thọ cõi Ðâu xuất đà thiên có 4.000 năm, bằng 576 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 400 năm trong cõi người.

- Tuổi thọ trong cõi Hoá lạc thiên có 8.000 năm, bằng 2.304 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 800 năm trong cõi người.

- Tuổi thọ trong cõi Tha hoá tự tại thiên có 16.000 năm, bằng 9.216 triệu năm so với cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời này bằng 1.600 năm trong cõi người.

Ngoài tuổi thọ ra, còn sắc đẹp, sự an lạc, tiếng tăm, quyền lực, sắc, thinh, hương, vị, xúc tuyệt vời ở mỗi tầng trời cao tăng gấp bội tầng trời thấp.

Quả báu của phước thiện bố thí thuộc dục giới thiện nghiệp, nên chỉ có khả năng cho quả trong cõi người và 6 cõi trời dục giới mà thôi, không có khả năng cho quả trong cõi trời sắc giới. Nhưng trong bài kinh Ðức Phật có đề cập đến sự thành tựu nguyện vọng trở thành phạm thiên trong cõi trời sắc giới, điều này nên hiểu rằng: nhờ phước thiện bố thí làm nhân duyên hỗ trợ cho thí chủ thuận lợi trong sự tiến hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, bậc thiền vô sắc. Chính sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới phạm thiên, vô sắc giới phạm thiên (không phải phước thiện bố thí); và cũng chính nhờ phước thiện bố thí làm duyên hỗ trợ cho thí chủ thuận lợi trong sự tiến hành thiền tuệ để chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả trở thành bậc Thánh nhân.

Năng Lực Lời Phát Nguyện

Lời phát nguyện có năng lực đối với người tạo được phước thiện nào khó tạo, thì phước thiện ấy có nhiều năng lực. Khi phước thiện có nhiều năng lực, thì lời phát nguyện mới thành tựu được dễ dàng.

Như tích nàng Ummādandī [Bộ Jātaka, truyện Ummādandījātaka] được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Ðức vua Sivi trị vì xứ Sivi, ngự ở kinh thành Ariṭṭha [Ðức vua Sivi là Ðức Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama]. Trong kinh thành, một phú hộ Tiriṭivaccha có người con gái vô cùng xinh đẹp như thiên nữ tên là Ummādandī. Năm cô lên 16 tuổi có sắc đẹp mê hồn, lạ thường hơn hẳn các cô gái khác, cô đẹp như thiên nữ tuyệt trần, những người đàn ông nào nhìn thấy cô đều cảm thấy mê hồn, đến mức điên cuồng, mất trí như người say – say bởi tham ái.

Ông phú hộ Tiriṭivaccha đến yết kiến Ðức vua Sivi tâu rằng:

- Tâu Hoàng thượng, Itthiratanā: đàn bà báu xứng đáng với Hoàng thượng đã sanh trong gia đình của tiện dân. Xin Hoàng thượng phái nhóm Bà la môn đến xem tướng con gái của tiện dân, rồi tuỳ ý của Hoàng thượng phán xét.

Ðức vua chuẩn tấu, rồi truyền lệnh phái các Bà la môn đến ngôi biệt thự của ông phú hộ. Nhóm Bà la môn được đón tiếp trọng thể, mời thưởng thức món cơm pāyāsa: cơm đặc biệt nấu bằng sữa tươi.

Khi ấy, cô Ummādandī trang sức lộng lẫy toàn những đồ nữ trang quý giá ra chào hỏi nhóm Bà la môn ấy. Vừa nhìn thấy cô, tất cả họ đều bị mê hồn, say mê điên cuồng không còn biết mình nữa. Ðang khi dùng vật thực, có người cầm nắm cơm đặt trên đầu, tưởng rằng mình dùng cơm; có người cầm nắm cơm nhét vào nách, có người đấm vào vách tường... tất cả họ đều mê hồn đến mức trở thành người điên cuồng mất trí, không còn biết mình nữa.

Cô Ummādandī nhìn thấy nhóm Bà la môn như vậy nói rằng:

- Ta tưởng nhóm Bà la môn này đến xem tướng của ta, bây giờ nhóm họ như người điên cuồng, không còn biết gì nữa. Này các gia nhân, hãy lôi cổ nhóm Bà la môn này ra khỏi ngôi biệt thự.

Nhóm Bà la môn đờ đẫn như người mất hồn, bị tống ra khỏi nhà đến khi hoàn hồn tỉnh lại cảm thấy xấu hổ và tức giận cô Ummādandī, nên khi trở về yết kiến Ðức vua, cả nhóm Bà la môn đồng tâu dối rằng:

Tâu bệ hạ, người đàn bà ấy là người bất hạnh, không nên rước về cung điện.

Cô Ummādandī biết chuyện như vậy, nên nghĩ rằng: "Ðức vua không rước ta về cung vì tưởng rằng ta là người bất hạnh. Gọi là người bất hạnh, thì chắc chắn làm sao có được địa vị như ta. Có cơ hội nào ta sẽ yết kiến Ðức vua rồi sẽ rõ".

Về sau phụ thân của cô, ông phú hộ Tiriṭivaccha đem gả cô cho vị quan thừa tướng Abhipāraka, là vị quan thân thiết nhất, tín cẩn nhất của Ðức vua Sivi, cô trở thành người yêu quý nhất của quan thừa tướng.

Nhân dịp dân chúng trong kinh thành tổ chức lễ lớn vui chơi ca hát nhảy múa hàng năm vào ngày rằm tháng 10 (âm lịch). Trước khi đi chầu Ðức vua, vị quan Thừa tướng gọi phu nhân căn dặn rằng:

- Này Ummādandī em yêu quý! Hôm nay, đầu hôm, trăng rằm sáng tỏ, có lễ lớn, dân chúng ca hát nhảy múa vui chơi, Ðức vua sẽ ngự đi dạo quanh kinh thành, Người sẽ ngự ngang biệt thự của ta trước tiên. Em đừng có xuất hiện để cho Ðức vua nhìn thấy, nếu Ðức vua nhìn thấy em, người sẽ bị mê hồn mất trí.

Cô Ummādandī nghe lời căn dặn của phu quân, nhưng lại nghĩ đây là cơ hội tốt để Ðức vua nhìn thấy ta, nên khi vị quan thừa tướng đi rồi, cô gọi nữ tỳ bảo rằng:

- Khi nào Ðức vua đến cổng biệt thự ta, ngươi hãy nói cho ta biết nhé!

Hôm ấy, mặt trời lặn, mặt trăng rằm soi sáng trên bầu trời, trong kinh thành trang hoàng lộng lẫy, đèn thắp sáng ngời mọi phương, kinh thành đẹp đẽ như cõi thiên cung.

Ðức vua Sivi trang phục theo vương triều, ngự trên chiếc xe ngựa cao quý, theo sau có đoàn hộ tống ngự ra khỏi cung điện, sẽ đi vòng kinh thành, đến cổng biệt thự của vị quan thừa tướng Abhipāraka trước tiên, biệt thự này có tường bằng cẩm thạch bao chung quanh, cổng thành có đài cao trang hoàng lộng lẫy đáng xem.

Khi ấy, nữ tỳ thưa với cô chủ Ummādandī rằng Ðức vua đang ngự đến, cô liền bảo nữ tỳ cầm mâm hoa, còn mình đứng tựa trên cửa sổ lâu đài với dáng đứng đẹp, tay cầm hoa rải xuống Ðức vua. Ðức vua ngẩng đầu nhìn thấy nàng, ngay khi ấy, Ðức vua phát sanh tâm say mê, cơn say do phiền não làm mê hồn mất trí, không còn biết ngôi biệt thự này của vị quan thừa tướng Abhipāraka thân tín nhất của mình. Ðức vua truyền hỏi người đánh xe ngựa rằng:

- Này Sunanda, biệt thự này của ai, mà vòng thành bằng cẩm thạch màu vàng?

- Ai đứng hiện ra ở trên kia như một ngôi sao chiếu sáng trong hư không, hay trên đỉnh núi?

- Này Sunanda! Người đàn bà ấy là con của người ai? Chưa thuộc về người nào có phải không? Nàng chưa có chồng phải không? Hãy trả lời ngay cho ta rõ.

Người đánh xe ngựa tâu rằng:

- Tâu bệ hạ, hạ thần biết rõ người đàn bà ấy là con của phú hộ Tiriṭivaccha, nàng có chồng rồi. Chồng của nàng là quan thừa tướng Abhipāraka thân tín nhất của bệ hạ, ngày đêm lo việc triều chính của bệ hạ.

Tâu bệ hạ, nàng là phu nhân của quan thừa tướng Abhipāraka, tên của nàng là Ummādandī.

Ðức vua tán dương ca tụng rằng:

- Này các ngươi, tên gọi Ummādandī, mà cha mẹ đặt cho nàng thật đúng nghĩa. Khi ta nhìn thấy nàng, nàng lại nhìn thấy ta, làm cho ta say mê như người điên cuồng, mất trí.

Biết Ðức vua không còn bình tĩnh nữa, nên nàng Ummādandī đóng cửa sổ trở về phòng riêng.

Kể từ khi nhìn thấy nàng Ummādandī, Ðức vua cảm thấy không còn hứng thú đi dạo quanh kinh thành nữa, truyền lệnh cho người đánh xe giá hồi cung, ngự lên lâu đài vào phòng nằm mơ mộng đến nàng Ummādandī, nói lảm nhảm một mình như nguời mất trí, lẩm bẩm rằng:

- Nàng xinh đẹp quá! Nàng xinh đẹp quá! Nàng nhìn thấy ta như đã hớp hồn ta rồi! Nếu đức vua trời Sakka ban ân huệ cho ta, ta chỉ muốn được hưởng một ân huệ, đó là được nàng Ummādandī ôm ấp ta với đôi cánh tay mềm mại của nàng. Quan thừa tướng Abhipāraka được ái ân cùng nàng rồi, xin nhường cho vua Sivi được ái ân cùng nàng với...

Biết chuyện này, quan thừa tướng Abhipāraka vào yết kiến Ðức vua, xin dâng nàng Ummādandī lên Ðức vua.

Khi ấy, Ðức vua hồi tâm tỉnh trí lại biết mình có ý nghĩ sai lầm đầy tội lỗi, cảm thấy vô cùng hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, một mực từ chối không thể chấp nhận nàng Ummādandī, phu nhân của quan thừa tướng thân tín nhất của mình.

Từ đó về sau, Ðức vua Bồ Tát Sivi hành theo thiện pháp, thiên hạ được an lành thịnh vượng.

Thử hỏi, do nguyên nhân nào, sắc đẹp của nàng Ummādandī lại làm cho những người đàn ông, khi nhìn thấy nàng, lại bị say mê, điên cuồng, mất trí như vậy?

Trong quá khứ, vương quốc Bārāṇasī, tiền kiếp của cô Ummādandī sanh trong một gia đình nghèo khó, vào ngày lễ hội, cô nhìn thấy những cô gái khác cùng trang lứa ăn mặc y phục bằng tấm vải choàng màu đỏ xinh đẹp, trang sức lộng lẫy; khiến cô thèm được mặc tấm vải choàng màu đỏ kia, cô xin cha mẹ mua cho cô tấm vải ấy. Cha mẹ cô an ủi cô rằng:

- Này con yêu quý! Gia đình ta nghèo khó, làm sao mua được tấm vải choàng như vậy hỡi con!

- Thưa cha mẹ! Nếu vậy, xin phép cha mẹ cho con đi làm thuê ở mướn một gia đình giàu có nào đó, qua một thời gian, người chủ nhà thấy con làm được việc sẽ cho con tấm vải ấy.

Ðược cha mẹ cho phép, cô gái đến xin làm thuê ở mướn cho một gia đình giàu có, cô thưa với người chủ rằng:

- Thưa ông bà chủ, con xin ở đây làm công, chỉ mong được một tấm vải choàng tốt màu đỏ.

Người chủ đặt điều kiện với cô rằng:

- Nếu ngươi chịu ở đây, làm việc giỏi suốt ba năm, xét thấy được, chúng ta sẽ cho ngươi tấm vải choàng mà ngươi ao ước.

Cô gái vô cùng hoan hỉ, chấp thuận điều kiện của chủ, ngày đêm siêng năng cần mẫn hoàn thành tốt mọi công việc mà người chủ giao phó. Vì vậy, cô làm công chưa đủ ba năm, người chủ quyết định cho cô tấm vải choàng cùng với các tấm vải khác, bảo cô rằng:

- Hôm nay, ngươi đi tắm rửa sạch sẽ với nhóm bạn gái rồi mặc tấm vải choàng này xem!

Cô sung sướng nhận tấm vải choàng, đã thoả lòng ao ước, cám ơn ông bà chủ rồi đi tắm với nhóm bạn gái, cô đặt tấm vải trên bờ, nghĩ rằng: xuống sông tắm xong, ta sẽ mặc tấm vải choàng này, mà ta đã làm công không nề vất vả khổ cực ngày đêm suốt thời gian qua.

Ngay khi ấy, một vị Ðại Ðức là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật Kassapa bị mất trộm y tất cả, nên Ngài mặc lá y bằng những cành cây nhỏ (sākhābhaṇgaṃ) kết lại với nhau, đi ngang qua nơi ấy. Cô nhìn thấy Ngài nghĩ rằng: vị Ðại Ðức này bị mất trộm y hết, còn ta có được một tấm vải choàng này thật khó khăn vất vả, bởi vì tiền kiếp trong quá khứ ta không làm phước thiện bố thí. Bây giờ ta sẽ làm phước thiện bố thí một nửa tấm vải choàng đến Ngài Ðại Ðức. Nghĩ xong, cô vội vã bước lên bờ, mặc y phục cũ xong bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, xin thỉnh Ngài dừng lại một giây lát.

Cô đến đảnh lễ Ngài rồi ngồi tại nơi ấy xé tấm vải thành hai mảnh, cô cung kính dâng một mảnh đến Ngài. Ngài Ðại Ðức tạm lánh vào chỗ kín thay bỏ tấm y cũ, bằng mảnh vải choàng ấy, mặc nghiêm chỉnh xong bước ra; bây giờ cô nhìn thấy Ngài Ðại Ðức mặc mảnh vải vào như hào quang sáng ngời, một thứ ánh sáng mặt trời mát dịu, làm cho cô vô cùng hoan hỉ dâng thêm mảnh vải còn lại đến Ngài Ðại Ðức rồi phát nguyện rằng:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, tử sanh luân hồi, kiếp nào con cũng sẽ là người con gái xinh đẹp nhất, làm cho người đàn ông nào khi nhìn thấy con, họ đều bị mê hồn, điên cuồng mất trí, không còn biết mình nữa; và không có một người đàn bà nào xinh đẹp hơn con.

Ðó là lời phát nguyện trong tiền kiếp của cô Ummādandī.

Cô gái ấy sau khi chết, do năng lực phước thiện bố thí cho quả, khi thì tái sanh làm thiên nữ cõi trời dục giới, khi thì tái sanh làm người nữ cõi người, tái sanh kiếp nào, dầu là thiên nữ hoặc người nữ đều có sắc đẹp tuyệt vời, không một ai sánh kịp.

Ðến kiếp tái sanh làm người nữ trong gia đình phú hộ Tiriṭivaccha đặt tên cô là Ummādandī, có nghĩa cô có sắc đẹp làm mê hồn. Những người đàn ông nhìn thấy cô, họ đều say mê, điên cuồng, mất trí như người điên, bởi do năng lực lời phát nguyên của cô ở tiền kiếp.

Lời phát nguyện của cô được thành tựu cho đến kiếp cuối cùng.

Thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, kiếp chót hậu thân của cô Ummādandī, do phước thiện cho quả tái sanh làm con gái của gia đình phú hộ xứ Sāvatthi, xinh đẹp như đoá hoa sen, nên đặt tên cô là Uppalavaṇṇā. Khi cô trưởng thành, thân phụ cô cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Sau khi trở thành Tỳ khưu ni tiến hành thieàn tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng Tứ tuệ phân tích, Lục thông.

Ðại Ðức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā là bậc Thánh nữ tối thượng Thanh Văn đặc biệt xuất sắc nhất về thần thông trong hàng Thánh nữ Thanh Văn.

Những nhân vật trong tích tiền thân Ummādandī-jātaka này, kiếp hiện tại cũng là kiếp chót như sau:

Cô Ummādandī nay kiếp hiện tại là Ngài Ðại Ðức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā.
Người đánh xe ngựa Sunanda nay kiếp hiện tại là Ngài Ðại Ðức Ānanda.
Quan thừa tướng Abhipāraka nay kiếp hiện tại là Ngài Ðại Ðức Sāriputta.
Ðức vua Sivi nay kiếp hiện tại chính là Ðức Phật Gotama.

Bố thí – Kết quả

Thí chủ có tác ý thiện tâm sử dụng của cải đem làm phước thiện bố thí, ban bố phân phát cho mọi người khác, chúng sinh khác với tâm từ, tâm bi tế độ chúng sinh. Ðó là phước thiện bố thí.

Phước thiện bố thí này có kết quả nhiều hay ít, còn tuỳ thuộc vào 3 điều kiện (chi pháp).

1- Thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí.
2- Vật bố thí.
3- Người thọ thí.

Ðức Phật ví dụ:

Thí chủ ví như người nông dân.
Vật bố thí ví như hạt giống.
Người thọ thí ví như thửa ruộng, đất....

- Trường hợp người nông dân có chuyên môn, biết thời vụ, có hạt giống tốt, gieo trồng thửa ruộng màu mỡ, chắc chắn kết quả thu hoạch được nhiều.

Cũng như vậy,

- Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch, hoan hỉ suốt trong ba thời:

Trước khi làm phước thiện bố thí.
Ðang khi làm phước thiện bố thí.
Sau khi đã làm phước thiện bố thí xong.

- Có vật bố thí hợp pháp, phát sanh do chánh nghiệp.

- Người thọ thí là bậc có giới đức trong sạch thanh tịnh.

Như vậy, phước thiện bố thí ấy chắc chắn có qủa báu nhiều trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

- Trường hợp người nông dân không có chuyên môn, có hạt giống xấu, gieo trồng nơi thửa ruộng xấu, không màu mỡ; kết quả thu hoạch không được nhiều.

Cũng như vậy,

- Thí chủ có tác ý thiện tâm không hoàn toàn trong sạch suốt trong ba thời:

Trước khi làm phước bố thí.
Ðang khi làm phước bố thí.
Sau khi đã làm phước bố thí xong.

- Có vật bố thí không hợp pháp, phát sanh do tà nghiệp.

- Người thọ thí là người không có giới trong sạch, phá giới.

Như vậy, phước thiện bố thí ấy có quả báu không nhiều, không đáng hài lòng trong kiếp hiện tại lẫn kiếp vị lai.

Qua hai trường hợp trên, chúng ta nhận thấy rõ quả báu của phước thiện khác nhau.

Chúng ta làm phước thiện bố thí có nên chọn lựa hay không?

Ðể thành tựu phước thiện bố thí cần có đầy đủ 3 điều kiện (3 chi pháp): thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí, vật bố thí, người thọ thí. Nếu thiếu một điều kiện (chi) nào, thì không thành tựu phước thiện bố thí.

Ví dụ:

Thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí, có vật bố thí, nhưng không có người thọ thí, thì phước thiện bố thí không thành tựu.

Cho nên, muốn làm phước thiện bố thí, chúng ta cần phải tìm cho đủ 3 điều kiện trên. Chúng ta nên ý thức rằng: tạo phước thiện bố thí là một điều thiết yếu cho mình, có khi có cơ hội tốt đến với mình, có khi chính mình phải tìm lấy cơ hội, miễn sao cho đủ 3 điều kiện:

Thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí.
Vật bố thí.
Người thọ thí.

Trong 3 điều kiện này, điều kiện quan trọng: tác ý thiện tâm bố thí, với thiện tâm hoan hỉ trong sạch suốt 3 thời kỳ: trước khi bố thí, đang khi bố thí, sau khi đã bố thí rồi; cả 3 thời kỳ này với thiện tâm trong sạch, thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi phiền não, thì dầu vật thí tốt hoặc xấu, hợp pháp hoặc không hợp pháp; và người thọ thí có giới đức hoặc không có giới đức, thì phước thiện bố thí cũng không ít.

Ví dụ:

Người nông dân có chuyên môn, biết thời vụ, dầu có hạt giống xấu, thửa ruộng không màu mỡ nhiều. Song người nông dân biết bón phân đúng lúc đúng thời, biết cho nước vào, biết xả nước ra, biết chăm sóc cây cho tốt. Như vậy, kết quả thu hoạch cũng không ít.

Cũng như vậy, thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí trong sạch, có đức tin về nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ sáng suốt hiểu biết rõ thiện nghiệp là của quý báu riêng mình; có cơ hội bố thí để tạo phước thiện là một điều tốt lành. Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trước khi bố thí, hoan hỉ đang khi bố thí, hoan hỉ sau khi đã bố thí xong. Sự thành tựu phước thiện bố thí với tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ đầy đủ ba thời kỳ như vậy, dù vật thí như thế nào (tốt hoặc xấu) hoặc người thọ thí như thế nào (có giới đức hoặc không có giới đức), phước thiện bố thí cũng không ít, kết quả cũng đáng hài lòng.

Như trường hợp Ðức Bồ Tát Vessantara bố thí hai đứa con là hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhā đến cho Bà la môn Jūjaka tàn nhẫn (không có giới), để tạo pháp hạnh bố thí ba la mật, thế mà phước thiện bố thí ấy cũng làm cho trái đất rung chuyển.

Bố thí người không có giới đức kết quả như thế nào?

Thí chủ bố thí đến người không có giới đức, cũng như người nông dân gieo trồng hạt giống trên thửa ruộng, đất xấu.

Tìm hiểu tích Cūḷaseṭṭhipetavatthu: tích ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi (tiểu phú hộ) [Khuddakanikāya, Petavatthu], tóm lược như sau:

Trong kinh thành Bārāṇasī có một tiểu phú hộ tên Cūḷaseṭṭhi là người không có đức tin, tâm bỏn xẻn keo kiệt, không bố thí của cải đến mọi người, mọi chúng sinh, tâm tham lam say đắm trong của cải, còn là người không có giới. Cho nên sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm loài ngạ quỷ cũng có tên là Cūḷaseṭṭhipeta (ngạ quỷ tiểu phú hộ), có thân hình gầy ốm da bọc xương, xanh xao, đầu trọc, trần truồng đói khát trông thảm thương. Y nghe tin người con gái tên Anulā ở nhà chồng trong tỉnh thành Andhakavinda có làm phước bố thí, để hồi hướng đến ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì... những người thân bằng quyến thuộc đã quá vãng.

Ban đêm ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi bay ngang qua kinh thành Rājagaha, khi ấy, đức vua Ajātasattu không ngủ được, nên đi kinh hành ở hành lang lâu đài, nhìn thấy ngạ quỷ bay ngang qua, bèn hỏi rằng:

- Này nhà ngươi, ngươi có phải là tu sĩ loã thể, gầy ốm do ác nghiệp nào vậy? Giữa đêm khuya này ngươi đi đâu? Ngươi hãy nói cho ta rõ, ta có thể giúp đỡ gì cho nhà ngươi?

Khi nghe Ðức Vua truyền dạy, ngạ quỷ tâu rằng:

- Tâu Ðại vương, trước đây, trong kinh thành Bārāṇasī, con là một tiểu phú hộ giàu nổi tiếng, phần đông ai cũng biết đến, con là người bỏn xẻn keo kiệt, không chịu bố thí, phân phát của cải đến một ai; con có tánh tham lam, say mê trong của cải của mình, không có đức tin, không có giới. Sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh trong hàng ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát triền miên, sự đói khát luôn luôn dày vò đau khổ.

Ngoài con ra, còn có nhiều người khác có tâm bỏn xẻn keo kiệt, không bố thí, không tin quả báu của phước thiện bố thí, những hạng người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh vào loài ngạ quỷ chịu cảnh khổ đói khát như con.

Con được tin con gái của con có tác ý thiện tâm muốn làm phước bố thí đến nhóm Bà la môn, để hồi hướng phần phước thiện ấy đến ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì,... thân bằng quyến thuộc đã quá vãng. Do đó, con bay đến kinh thành Andhakavinda để chờ hoan hỉ phần phước thiện bố thí ấy, với hy vọng mong thoát khỏi cảnh khổ kiếp ngạ quỷ này.

Ðức Vua truyền dạy rằng:

- Này nhà ngươi, nếu ngươi thọ hưởng được phần phước thiện bố thí, mà thân quyến hồi hướng thật sự, thì ngươi hãy trở lại báo cho ta biết đúng theo sự thật, để ta cũng tạo phước thiện bố thí rồi hồi hướng đến thân quyến của ta đã quá vãng.

Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi xin tuân theo lệnh của Ðức Vua xong, bay thẳng đến kinh thành Andhakavinda. Nhưng y thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy không đáng kể, vì nhóm Bà la môn ấy là những người không có giới đức. Cho nên, ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi trở lại kinh thành Rājagaha, hiện ra trước mặt đức vua Ajātasattu tâu rằng:

- Tâu Ðại Vương, con hưởng được phần phước thiện bố thí không đáng kể, bởi vì nhóm Bà la môn không có giới đức trong sạch.

Ðức Vua truyền dạy rằng:

- Này nhà ngươi, ta muốn cứu giúp ngươi thoát khỏi cảnh khổ, được sống an lạc đầy đủ lâu dài. Vậy, ta nên làm phước thiện bố thí như thế nào? Ngươi hãy nói cho ta biết?

Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi tâu với Ðức Vua rằng:

- Tâu Ðại Vương, Ðại Vương có tâm bi mẫn cứu giúp con, xin Ðại Vương làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực, nước, y đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng. Xong rồi, xin Ðại Vương hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến cho con. Khi con được hoan hỉ phần phước thiện bố thí ấy rồi, do nhờ năng lực phước thiện ấy, con được giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, được tái sanh cõi thiện giới hưởng được sự an lạc lâu dài.

Vào ngày hôm sau, Ðức Vua làm phước thiện bố thí vật thực, nước, y cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng xong, Ðức Vua bạch với Ðức Phật rằng:

- Con xin hồi hướng phần phước bố thí này đến ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi. Xin ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi hoan hỉ phần phước thiện bố thí này.

Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi hoan hỉ phần phước bố thí ấy, ngay tức khắc, thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, hoá sanh trở thành vị thiên nam, hiện ra trước mặt Ðức Vua tâu rằng:

- Tâu Ðại Vương, nay con đã trở thành thiên nam, xin Ðại Vương xem con, con có đầy đủ vật thực, y phục, lâu đài, sự an lạc... của chư thiên. Những quả báu này phát sanh do phước thiện bố thí mà Ðại Vương đã hồi hướng cho con.

Con cầu mong Ðại Vương được hưởng sự an lạc cao cả trong loài người, con hết lòng thành kính tri ân Ðại Vương, con xin phép trở về cảnh giới của con.

Qua câu truyện ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi xét thấy rằng:

Kiếp ngạ quỷ chỉ còn biết trông chờ đến phần phước thiện, mà bà con thân quyến hồi hướng đến cho họ mà thôi.

Kiếp sống con người có tính chất đặc biệt hơn các chúng sinh khác là: thừa hưởng quả của thiện nghiệp, ác nghiệp. Cho nên, con người có khi được an lạc đó là quả của thiện nghiệp, có khi chịu khổ đau đó là quả của ác nghiệp. Con người đặc biệt có khả năng tạo mọi phước thiện như: bố thí, giữ giới, hành thiền định, hành thiền tuệ...; cũng có khả năng tạo ác nghiệp do thân, khẩu, ý như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc, chia rẽ, nói lời thô tục, chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có tà kiến; có khả năng tạo thiện nghiệp do thân, khẩu, ý như: tránh xa sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích, có tánh không tham lam, có tánh không thù hận, có chánh kiến.

Con người được giàu sang, phú quý có nhiều của cải, có quyền cao, chức trọng... những gì hiện hữu có thể thấy được bằng mắt, nghe bằng tai... tất cả đều không phải là phước thiện, đó chỉ là quả báu của phước thiện mà thôi. Chủ nhân có thể thọ hưởng các quả báu bằng mọi thứ của cải ngay trong kiếp hiện tại, cho đến cuối cùng của kiếp sống hiện tại (chết). Những thứ của cải trong kiếp hiện tại không liên quan gì đến kiếp sau. Kiếp sau là do thiện nghiệp hay ác nghiệp cho quả tái sanh:

* Nếu thiện nghiệp, thì cho quả tái sanh cõi thiện giới như: tái sanh làm người cõi người, hoặc tái sanh làm chư thiên cõi trời dục giới, hoặc tái sanh làm phạm thiên cõi trời sắc giới hay vô sắc giới, tuỳ theo thiện nghiệp của mình đã tạo, rồi hưởng sự an lạc tuỳ theo năng lực của thiện nghiệp ấy.

* Nếu ác nghiệp cho quả tái sanh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) chịu khổ do nghiệp ác của mình đã tạo.

Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi ghi nhớ được tiền kiếp của mình là tiểu phú hộ bỏn xẻn keo kiệt, có tánh tham lam say đắm trong của cải của mình, không muốn sử dụng của cải của mình đem làm phước bố thí, ban bố phân phát đến mọi người, mọi chúng sinh, còn là người không có giới. Do đó, sau khi chết do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh trong hàng ngạ quỷ, phải chịu cảnh đói khát khốn khổ.

Ban đầu chính ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi tỏ vẻ thất vọng, bởi vì người con gái làm phước bố thí đến nhóm Bà la môn không có giới, nên hưởng được phước thiện không đủ để có khả năng thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát đau khổ.

Về sau nhờ đức vua Ajātasattu làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng, rồi hồi hướng đến ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi. Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi hoan hỉ phần phước thiện bố thí, mà đức vua Ajātasattu hồi hướng đến cho y; do nhờ năng lực phước thiện này, ngay khi ấy, y thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, tái sanh bằng hoá sanh thành thiên nam có nhiều oai lực và hưởng mọi sự an lạc nơi cõi trời ấy.

Bố Thí Trong Phật Giáo – Ngoài Phật Giáo

Phước thiện bố thí trong Phật giáo có quả báu nhiều, có năng lực mạnh hơn phước thiện bố thí ngoài Phật giáo, hoặc thời kỳ không có Phật giáo.

Tích Ngài Ðại Ðức Mahākassapa và đức vua trời Sakka cõi Tam thập tam thiên tóm lược như sau:

Ngài Ðại Ðức Mahākassapa nhập diệt thọ tưởng định suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 xả định, Ngài đi khất thực với tâm bi tế độ những người nghèo khổ. Khi ấy, từ cõi Tam thập tam thiên có 500 thiên nữ là những thiên nữ hầu hạ của đức vua trời Sakka, hiện xuống cõi người, mỗi cô mỗi phần với tác ý thiện tâm để bát cho Ngài Ðại Ðức, nhưng Ngài từ chối không nhận vật thực của nhóm 500 thiên nữ. Ngài dạy rằng:

- Này các thiên nữ hãy tránh ra, bần Tăng đi khất thực để tế độ những người nghèo khổ.

Nhóm 500 thiên nữ không để bát được, buồn tủi trở về cõi trời tâu với đức vua trời Sakka:

- Chúng tiện thiếp hiện xuống cõi người với tác ý thiện tâm làm phước thiện bố thí để bát Ngài Ðại Ðức Mahākassapa vừa xả diệt thọ tưởng định hôm nay, nhưng Ngài từ chối, không nhận những vật thực của chúng tiện thiếp, Ngài dạy rằng: Ngài chỉ thọ nhận những vật thực của người nghèo khổ, để tế độ họ mà thôi.

Nghe tâu như vậy, đức vua trời Sakka gọi hoàng hậu Sujātā cùng hiện xuống cõi người biến hóa thành đôi vợ chồng già yếu, nghèo khổ sống trong một căn nhà lá cũ mèm ở ven rừng, chờ Ngài Ðại Ðức Mahākassapa đi khất thực ngang qua nhà.

Ngài Ðại Ðức Mahākassapa vừa đến, đức vua trời Sakka trong hình dáng một ông lão nghèo khổ đầu bạc, lưng còm, đôi chân run rẩy, chống gậy gọi hoàng hậu Sujātā trong hình dáng một bà lão nghèo khổ như ông ra, hai ông bà già cúi đầu đảnh lễ, xin Ngài tế độ vợ chồng già nghèo nàn, xin cái bát của Ngài vào nhà để những vật thực ngon lành của họ.

Ðức vua trời Sakka và hoàng hậu Sujātā để những món vật thực vào bát của Ngài Ðại Ðức Mahākassapa, mùi hương thơm của vật thực tỏa khắp kinh thành Rājagaha; hai vợ chồng nghèo nàn đem bát ra dâng Ngài Ðại Ðức, Ngài nhận bát, mùi hương thơm tỏa ra. Ngài biết ngay vật thực này không phải vật thực của hai vợ chồng trong hình dáng người già nghèo khổ, mà sự thật chính là đức vua trời Sakka và hoàng hậu Sujātā, Ngài quở trách rằng:

- Này vua trời Sakka và hoàng hậu, bần Tăng có tâm bi muốn tế độ người nghèo khổ, tại sao hai người lại giành phước thiện của người nghèo?

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, chúng con cũng là người nghèo nàn, mặc dầu con là Vua trời trị vì toàn thể chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên; nhưng chúng con làm phước thiện bố thí trong thời kỳ không có Phật giáo, không có chư Ðại Ðức Tăng, nên phước thiện bố thí của con nghèo nàn quá, bạch Ngài!

Con cảm thấy tủi phận mỗi khi gặp những vị chư thiên sanh lên cõi Tam thập tam thiên, do quả phước thiện bố thí trong kỳ Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, bởi họ có hào quang sáng ngời tỏa khắp mọi phương hướng, có nhiều oai lực phi thường, khiến con phải né tránh. Tuy con làm vua mà phước báu không bằng thuộc hạ của mình.

Ngài Ðại Ðức dạy rằng:

- Này Ðức vua trời, kể từ nay về sau, nhà ngươi không nên giả dạng người nghèo làm phước bố thí đến bần Tăng như vậy nữa!

Ðức vua trời Sakka cùng hoàng hậu Sujātā đảnh lễ Ðại Ðức tỏ lòng tôn kính, tri ân Ngài, tán dương ca tụng ân đức của Ngài, rồi xin phép trở về cõi Tam thập tam thiên.

Do năng lực phước thiện bố thí để bát đến Ngài Ðại Ðức Mahākassapa, đức vua trời Sakka có được hào quang, oai lực không kém chư thiên khác.

Tích hai thiên nam Indaka và Ankura

Tích hai thiên nam Indaka và Ankura [Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, trong tích Devorohaṇavatthu] tóm lược như sau:

Hai vị thiên nam này tiền kiếp đã từng làm phước thiện bố thí.

Tiền kiếp của vị thiên nam Ankura đã từng xây dựng trại làm phước thiện đại thí ngoài Phật giáo, thời kỳ không có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, không có chư Ðại Ðức Tăng suốt 10.000 năm.

Tiền kiếp của vị thiên nam Indaka đã từng làm phước thiện bố thí để bát đến Ngài Ðại Ðức Anuruddha một muỗng cơm, trong thời kỳ Phật giáo.

Mùa hạ thứ bảy, Ðức Phật ngự an cư nhập hạ suốt 3 tháng trên cung Tam thập tam thiên thuyết giảng Vi diệu pháp tạng để tế độ Phật mẫu (kiếp này làm thiên nam Santussita cõi trời Tusita xuống cõi Tam thập tam thiên), cùng chư thiên, phạm thiên.

Ðức Phật ngự trên tảng đá thuyết giảng. Khi ấy, vị thiên nam Indaka ngồi phía bên phải của Ðức Phật, còn thiên nam Ankura ngồi phía bên trái của Ðức Phật lắng nghe Vi diệu pháp.

Khi có vị chư thiên nhiều oai lực đến hội nghe Vi diệu pháp, thì vị thiên nam Ankura lùi lại sau nhường cho vị thiên nam ấy. Mỗi lần phải lùi lại sau nhường chỗ như vậy, vị thiên nam Ankura lùi ra cách xa Ðức Phật đến 12 do tuần [1 do tuần khoảng 20.482,56 mét hoặc 12,72 miles]. Trong khi đó vị thiên nam Indaka vẫn ngồi yên chỗ ngồi của mình gần Ðức Phật.

Qua tích truyện trên, để chúng ta thấy rõ rằng, vị thiên nam Indaka, tiền kiếp đã từng làm phước thiện để bát đến Ngài Ðại Ðức Anuruddha một muỗng cơm trong Phật giáo, mà năng lực quả báu hơn vị thiên nam Ankura tiền kiếp đã từng làm phước thiện đại thí suốt 10 ngàn năm thời kỳ ngoài Phật giáo.

Tích Bà la môn Velāma làm phước thiện bố thí

Trong kinh Velāmasutta [Bộ Aṅguttaranikāya, phần Navakanipāta], Ðức Phật thuyết giảng về Bà la môn Velāma làm phước thiện bố thí thời kỳ ngoài Phật giáo và thí chủ làm phước thiện bố thí trong Phật giáo có đoạn như sau:

- "Này phú hộ Anāthapiṇṇika, chuyện đã từng xảy ra, có Bà la môn Velāma làm phước thiện đại thí như:

Bố thí 84.000 mâm vàng đầy bạc (rūpiya).
Bố thí 84.000 mâm bạc đầy vàng.
Bố thí 84.000 mâm đồng đầy bạc.
Bố thí 84.000 con voi gồm đầy đủ đồ trang sức bằng vàng.
Bố thí 84.000 đồ trải bằng da sư tử, da cọp.
Bố thí 84.000 con bò sữa cùng với đồ đựng sữa.
Bố thí 84.000 cô gái trẻ đẹp cùng với đồ trang sức ngọc maṇi....
Bố thí 84.000 chiếc ghế ngồi có trang trí đồ quý giá.
Bố thí 84.000
x 10.000.000 vải đủ loại đặc biệt. Ngoài ra, bố thí đồ ăn, đồ uống,... không sao kể xiết.

Bà la môn Velāma chính là tiền thân của Như Lai, làm phước đại thí vào thời đại ấy không có bậc Xứng Ðáng Cúng Dường (thời đại không có Ðức Phật và chư Ðại Ðức Tăng).

Này ông phú hộ, người nào làm phước thiện bố thí đến vị Thánh Nhập Lưu có chánh kiến đầy đủ, người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn là làm phước thiện bố thí của Bà la môn Velāma.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Nhập Lưu, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 vị Thánh Nhập Lưu.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Nhất Lai, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 100 vị Thánh Nhập Lưu.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Nhất Lai, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 vị Thánh Nhất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Bất Lai, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 100 vị Thánh Nhất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Bất Lai, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 vị Thánh Bất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh A-ra-hán, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 100 vị Thánh Bất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh A-ra-hán, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 vị Thánh A-ra-hán.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 1 Ðức Phật Ðộc Giác thì quả báu nhiều hơn bố thí đến 100 vị Thánh A-ra-hán.

Người nào làm phước bố thí đến 100 Ðức Phật Ðộc Giác thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 Ðức Phật Ðộc Giác.

Người nào làm phước đến Ðức Phật Toàn Giác thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 100 Ðức Phật Ðộc Giác"....

Qua đoạn kinh trên, chúng ta nhận thấy sự khác biệt, mà có thể so sánh được quả báu của phước thiện bố thí ngoài Phật giáo và quả báu của phước thiện bố thí trong Phật giáo. Trong Phật giáo, quả báu cũng khác biệt giưõa các bậc Thánh thấp với bậc Thánh cao; giữa các bậc Thánh A-ra-hán với Ðức Phật Ðộc Giác, Ðức Phật Toàn Giác.

Như vậy, bậc nào có giới đức, định đức, tuệ đức, giải thoát đức, giải thoát tri kiến đức hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, thí chủ làm phước thiện bố thí đến bậc ấy có được nhiều phước thiện, có quả báu cao quý nhất.

Người Tại Gia Cư Sĩ

Người tại gia sinh sống bằng sức lao động của mình, để tạo ra của cải rồi hưởng thụ của cải ấy trong cuộc sống hằng ngày, có những điều đáng chê trách và đáng ca tụng.

Trong kinh Kāmabhogīsutta [Aṅgattaranikāya, Dasakanipāta], Ðức Phật dạy ông phú hộ Anāthapiṇṇika có đoạn:

"Này phú hộ, có 10 hạng người sống tại gia:

1- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp, làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, không biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và cũng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 3 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết nuôi nấng mình được an lạc.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.

2- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp, làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình được an lạc, nhưng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 2 điều, đáng ca tụng 1 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.

3- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp, làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 1 điều, đáng ca tụng 2 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Ca tụng: Biết đem của cải làm phước thiện bố thí.

4- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp và hợp pháp, làm khổ chúng sinh và không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, không biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và cũng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 3 điều, đáng ca tụng 1 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết nuôi nấng mình được an lạc.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.
Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.

5- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp và hợp pháp, làm khổ chúng sinh và không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; nhưng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 2 điều, đáng ca tụng 2 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.
Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.

6- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp và hợp pháp, làm khổ chúng sinh và không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 1 điều, đáng ca tụng 3 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Ca tụng: Biết đem của cải làm phước thiện bố thí.

7- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải hợp pháp, không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, không biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc, và cũng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 2 điều và đáng ca tụng 1 điều:

Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết nuôi nấng mình được an lạc.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.

8- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải hợp pháp, không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc, nhưng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 1 điều và đáng ca tụng 2 điều:

Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.

9- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải hợp pháp, không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và cũng biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh; nhưng tâm còn tham đắm say mê, bị ràng buộc trong dục lạc ngũ trần; không thấy rõ tội lỗi của ngũ trần, không có trí tuệ cứu giúp mình giải thoát sự ràng buộc của ngũ trần.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 1 điều và đáng ca tụng 3 điều:

Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Ca tụng: Biết đem của cải làm phước thiện bố thí.

Chê trách: Là người có tâm tham đắm, say mê, bị ràng buộc trong dục lạc ngũ trần, không thấy rõ tội lỗi của ngũ trần, không có trí tuệ cứu giúp mình giải thoát sự ràng buộc của ngũ trần.

10- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải hợp pháp, không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh; đặc biệt tâm không tham đắm say mê, không bị ràng buộc trong dục lạc ngũ trần, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tánh các pháp, không bị ràng buộc trong ngũ trần và không chấp thủ trong ngũ trần.

Hạng người tại gia này đáng ca tụng đầy đủ 4 điều:

Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Ca tụng: Biết đem của cải làm phước thiện bố thí.
Ca tụng: Là người không có tâm tham đắm, say mê, không bị ràng buộc trong dục lạc ngũ trần, có trí tuệ thấy tội lỗi của ngũ trần, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tánh các pháp, không bị ràng buộc trong ngũ trần và không chấp thủ trong ngũ trần.

Bố Thí Tạo Tội Lỗi

Bố thí là việc làm sử dụng của cải đem ra ban bố, phân phát đến người khác, chúng sinh khác, về hình thức xem như là việc đối xử tốt. Việc bố thí để tạo phước thiện hay tạo tội lỗi còn tuỳ thuộc vào tác ý kết quả của nó.

Nếu bố thí với tác ý thiện tâm, có những vật thí nào đem lại cho người thọ thí, hoặc thí chủ, hoặc cả hai (người thọ thí và thí chủ) sự an lạc lâu dài, thì việc bố thí ấy tạo phước thiện, không tạo tội lỗi.

Nếu bố thí với tác ý bất thiện, có những vật thí nào đem lại cho người thọ thí, hoặc thí chủ, hoặc cả hai (người thọ thí và thí chủ) sự khổ não lâu dài, thì việc bố thí ấy tạo tội lỗi, không phải tạo phước thiện.

Trong bộ Milindapañhā: Ðức vua Milinda vấn đạo, có đề cập đến 10 vật bố thí có tội là:

1- Majjadāna: bố thí rượu, chất say, ma tuý, heroin, thuốc phiện, thuốc lá, v.v....
2- Samajjadāna: bố thí lễ hội vui chơi, say mê....
3- Itthidāna: bố thí kỹ nữ ăn chơi truỵ lạc....
4- Usabhadāna: bố thí bò đực giao cấu với bò cái.
5- Cittakammadāna: bố thí những tranh ảnh khiêu dâm.
6- Satthadāna: bố thí vũ khí sát sanh.
7- Visadāna: bố thí thuốc độc sát sanh.
8- Sankhālikādāna: bố thí xiềng xích, gông cùm.
9- Kukkuṭasūkāradāna: bố thí gà heo để làm thịt.
10- Tulākūṭamānakūṭadāna: bố thí cân thiếu (trọng lượng), thước đo thiếu.

Những vật bố thí trên làm cho người thọ thí phải phạm giới, phát sanh phiền não, ác pháp, thiện pháp không thể phát sanh. Như vậy, dầu thí chủ có tác ý tốt như thế nào, sự thật những vật thí đem lại sự tai hại cho người thọ thí, thì sự bố thí ấy chắc chắn không phải tạo nên phước thiện, chỉ tạo nên tội lỗi ác nghiệp mà thôi. Do đó, thí chủ phải chịu khổ kiếp hiện tại; sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh phải chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.

Xét về vật bố thí: vàng, bạc, tiền bạc

Ðối với người tại gia vàng, bạc, tiền bạc là thứ rất cần thiết trong cuộc sống, dùng để mua bán trao đổi hàng hoá hằng ngày. Thí chủ đem vàng, bạc, tiền bạc bố thí giúp đỡ những người tại gia với nhau là việc làm phước thiện.

Ðối với hàng xuất gia là Sa di, Tỳ khưu thì vàng, bạc, tiền bạc là thứ không hợp với giới luật của Sa di, Tỳ khưu mà Ðức Phật đã chế định như:

- Trong Sa di thập giới, giới thứ 10, Ðức Phật chế định ban hành rằng:

"Jātarūpa - rajata - paṭiggahanā veramaṇi-sikkhāpadaṃ samādiyāmi".
"Con xin thọ trì điều học là tác ý tránh xa sự thọ nhận vàng, bạc".

Ðức Phật đã chế định ban hành đến cho tất cả Sa di, Sa di phải nghiêm chỉnh thực hành theo, không được phạm giới, phá giới.

Nếu Sa di nào thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc, Sa di ấy phạm giới thứ 10 của Sa di.

- Trong Bhikkhupātimokkha, Tỳ khưu giới gồm có 227 điều học, trong phần 30 giới Nissaggiya pācittiya, điều giới thứ 18 Ðức Phật chế định ban hành rằng:

18- "Yo pana bhikkhu jātarūpa rajataṃ uggaṇheyya vā uggaṇhāpeyya vā upanikkhittaṃ vā sādiyeyya, nissaggiyaṃ pācittiyaṃ".

"Tỳ khưu nào tự mình thọ nhận vàng, bạc (tiền bạc) hoặc sai người thọ nhận vàng, bạc, hoặc hài lòng hoan hỉ vàng, bạc (tiền bạc) cất giữ dành cho riêng mình, Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ vàng, bạc (tiền bạc) ấy".

19- "Yo pana bhikkhu nānappakārakaṃ rūpiyasaṃvohāraṃ samāpajjeyya, nissaggiyaṃ pācittiyaṃ".

"Tỳ khưu nào dùng tiền bạc (vàng, bạc) mua sắm thứ vật dụng nào, Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy".

20- "Yo pana bhikkhu nānappakārakaṃ kayavikkhayaṃ samāpajjeyya, nissaggiyaṃ pācittiyaṃ".

"Tỳ khưu nào mua bán, trao đổi, Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy".

[Bhikkhupātimokkhapāḷi, phần Nissaggiya pācittaya]

Ðức Phật đã chế định giới điều và ban hành đến tất cả Tỳ khưu, Tỳ khưu cần phải nghiêm chỉnh hành theo, không được phạm giới, phá giới.

Trường hợp phạm giới - cách sám hối

Nếu vị Tỳ khưu nào thọ nhận vàng, bạc (tiền bạc) riêng cho mình; trước tiên, cần phải xả bỏ vàng, bạc (tiền bạc) ấy, đúng theo cách thức mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu; sau đó, vị Tỳ khưu ấy mới được phép sám hối với một vị Tỳ khưu khác không có sabhāgāpatti [*] theo cách phạm giới pācittiya. Sau khi làm lễ sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

[*] Sabhāgāpatti: Hai vị Tỳ khưu phạm giới có cùng đối tượng như nhau.Ví dụ: một vị giết muỗi, một vị giết kiến, hai vị Tỳ khưu này đều phạm giới pācittaya, không được phép sám hối với nhau.

Nếu vị Tỳ khưu nào dùng tiền bạc mua sắm thứ vật dụng nào dùng cho mình; trước tiên, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy, đúng theo cách thức mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu; sau đó, vị Tỳ khưu ấy mới được phép sám hối với một vị Tỳ khưu khác không có sabhāgāpatti theo cách phạm giới pācittiya. Sau khi làm lễ sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

Nếu vị Tỳ khưu nào mua bán, trao thứ vật dụng đổi không hợp với giới luật của Tỳ khưu; trước tiên, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy, đúng theo cách thức mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu; sau đó, vị Tỳ khưu ấy mới được phép sám hối với một vị Tỳ khưu khác không có sabhāgāpatti theo cách phạm giới pācittiya. Sau khi làm lễ sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

Trong giới luật Tỳ khưu, vị Tỳ khưu nào dùng tiền bạc mua sắm một thứ vật dụng nào dùng cho mình, thứ vật dụng ấy là vật làm cho phạm giới, không chỉ vị Tỳ khưu ấy không được phép sử dụng, mà còn các vị Tỳ khưu khác cũng không được phép sử dụng; thậm chí đem cho thứ vật dụng ấy đến vị Sa di, thì vị Sa di ấy cũng không được phép sử dụng nữa.

Như vậy, những thứ vàng, bạc, tiền bạc , vật dụng nào là vật làm cho phạm giới Tỳ khưu, Tỳ khưu cần phải xả bỏ những thứ ấy đúng theo cách thức của mỗi vật, mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu. Nếu vị Tỳ khưu nào không chịu xả bỏ thứ vật dụng ấy, thì dầu cho vị Tỳ khưu ấy có sám hối āpatti bao nhiêu lần đi nữa cũng không thể thoát khỏi āpatti (phạm giới).

Tai hại của sự phạm giới

Vị Tỳ khưu nào phạm giới: dầu giới nặng hay nhẹ, như giới tác ác, giới ác khẩu, thì vị Tỳ khưu ấy bị trở ngại cho sự tiến hóa trong mọi thiện pháp, nhất là trở ngại cho sự tiến hành thiền định tiến hành thiền tuệ, trở ngại cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

Trong Chú giải dạy:

"Āpannā āpattiyo’ti, sañcicca vītikkantā satta āpattikkhandhā, sañcicca vītikkantañhi antamaso dukkaṭadubbhāsitampi saggamagga-phalānaṃ antarāyaṃ karoti..." [Bộ Maṅgalatthadīpanī, phần Vinayakathā]

"Āpannā āpattiyo’ti": "Tỳ khưu đã phạm giới": nghĩa là Tỳ khưu có tác ý phạm phải 7 loại āpatti (phạm giới). Sự thật, điều nguy hại đối với Tỳ khưu có tác ý phạm phải āpatti, dầu chỉ là dukkaṭa āpatti (giới tác ác), dubbhāsita āpatti (giới ác khẩu) cũng có thể làm trở ngại cho sự tái sanh lên cõi trời dục giới, cho sự chứng đắc các bậc thiền định, Thánh Ðạo, Thánh Quả...".

Nếu vị Sa di, Tỳ khưu phạm giới ấy, chưa sám hối, chưa làm cho giới trở nên trong sạch trước khi chết, sau khi chết, do giới không trong sạch, thì khó tránh khỏi bị sa đoạ trong cõi ác giới.

Ðức Phật dạy:

"Sāpattikassa bhikkhave nirayaṃ vā vadāmi tiracchānayoniṃ vā’ti. Sāpattikasseva āpāyagamitā vuttā". [Bộ Saraṭṭhadīparūṭīkā , bộ Maṅgalaṭṭhadīpanū]

"Này chư Tỳ khưu, Như Lai răn dạy các con: đối với Tỳ khưu phạm āpatti (giới) sẽ tái sanh cảnh địa ngục, hoặc loài súc sanh. Ðối với Tỳ khưu phạm āpatti (giới) chỉ có con đường ác giới mà thôi".

Xin dẫn chứng:

Trong bộ Chú giải Pháp cú, tích Erakapatta-nāgarājavatthu tóm lược như sau:

Trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa, một vị Tỳ khưu trẻ ngồi trên thuyền trong dòng sông Gaṅga, nước chảy xiết, vị Tỳ khưu ấy nắm bụi cỏ bên bờ sông, làm cho đứt lá cỏ, coi thường không sám hối āpatti. Sau đó, vị Tỳ khưu ấy một mình hành đạo trong rừng, đến lúc lâm chung hình ảnh lá cỏ hiện ra như quấn vào cổ, khi ấy, không có vị Tỳ khưu nào để sám hối āpatti, tâm hối hận phát sanh nghĩ rằng: "aparisuddhaṃ me sīlaṃ: giới của mình không trong sạch", nên sau khi vị Tỳ khưu ấy chết, do tâm ô nhiễm ấy, tái sanh làm loài súc sanh là long vương Erakapatta, đến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, long vương Erakapatta vẫn chưa thoát khỏi kiếp súc sanh.

Ðức Phật chế định giới điều cấm Sa di, Tỳ khưu thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc dành riêng cho mình; nếu vị Sa di, Tỳ khưu nào thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc riêng cho mình, thì vị Sa di, Tỳ khưu ấy phải phạm giới, giới không trong sạch.

Nếu Sa di, Tỳ khưu nào phạm giới do nguyên nhân thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc trực tiếp từ thí chủ dâng đến mình, dẫn đến những tai hại cho đời sống phạm hạnh của Sa di, Tỳ khưu trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai, thì thử hỏi:

- Thí chủ có được phước thiện bố thí thật hay không?

- Có phải thí chủ hộ độ Sa di, Tỳ khưu giữ gìn nghiêm chỉnh giới luật của Sa di, Tỳ khưu mà Ðức Phật đã chế định ban hành đến Sa di, Tỳ khưu hay không?

- Có phải thí chủ hành đúng theo lời giáo huấn của Ðức Phật hay không?

- Có phải thí chủ có bổn phận bảo tồn Phật giáo cho được trường tồn lâu dài trên thế gian này không?

V.v....

Ðó là những vấn đề mà thí chủ nên có trí tuệ suy xét đúng đắn, kỹ lưỡng trước khi làm một việc gì.

Làm đúng lời dạy của Ðức Phật, thì có phước.

Làm sai lời dạy của Ðức Phật, thì có tội.

Không làm thì không tạo nghiệp, khi đã làm rồi, thì đã tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, mà thiện nghiệp hoặc ác nghiệp đều do con người có quyền chủ động chọn lựa nên hay không nên. Nhưng quả của thiện nghiệp, ác nghiệp thì không có quyền chọn lựa, hoàn toàn bị động, phải chấp nhận như người thừa kế của nghiệp.

Thiện ghiệp cho quả an lạc.
Ác nghiệp cho quả khổ.

Người Phật tử có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, chắc chắn không có một ai muốn hậu quả không tốt sẽ phát sanh đến cho mình và những bậc thân yêu kính mến của mình. Nhưng một khi đã làm không đúng theo lời dạy của Ðức Phật, đã tạo ác nghiệp rồi, thì dầu muốn dầu không cũng phải chấp nhận quả của thiện ác nghiệp của mình đã tạo.

Bởi vậy cho nên, người Phật tử cần phải nên học hỏi để hiểu biết rõ:

Thế nào là tạo thiện nghiệp?
Thế nào là tạo ác nghiệp?

Thế nào là tạo phước thiện?
Thế nào là tạo tội ác?

Nhờ sự hiểu biết đúng đắn, mới có trí tuệ sáng suốt chọn lựa:

Nên cố gắng tạo mọi thiện nghiệp, mọi phước thiện.
Nên cố gắng tránh xa mọi ác nghiệp, mọi tội ác....

Thì chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho mình, cho mọi người, mọi chúng sinh..., đồng thời duy trì Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian này, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho tất cả chúng sinh nhất là chư thiên và nhân loại.

Biết cách bố thí tạo phước thiện

- Phước thiện bố thí tiền bạc dâng gián tiếp đến Sadi, Tỳ khưu một cách hợp pháp

Thí chủ bố thí dâng tiền bạc trực tiếp đến cá nhân vị Sa di, vị Tỳ khưu là điều bất hợp pháp, vì làm cho vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy phải phạm giới.

Trường hợp, người thí chủ có đức tin trong sạch nơi cá nhân vị Sa di, vị Tỳ khưu nào, có tác ý thiện tâm muốn làm phước hộ độ 4 thứ vật dụng cần thiết đặc biệt đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy; nhưng tự mình không có điều kiện mua sắm những thứ vật dụng cần thiết làm phước bố thí trực tiếp dâng đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy; thí chủ có thể làm phước thiện bố thí bằng một số tiền theo cách gián tiếp. Trước tiên, thí chủ trao số tiền ấy cho người trung gian "người hộ Tăng" (Veyyāvaccakara), có phận sự lo công việc giúp đỡ hộ độ Sa di, Tỳ khưu trong chùa, nhờ người hộ Tăng thay mặt mình lo mua sắm thứ vật dụng cần thiết để làm phước bố thí dâng đặc biệt đến cá nhân vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy. Sau đó, thí chủ đến bạch cho vị Sa di, Tỳ khưu ấy biết rõ rằng:

Kính bạch Sư (Ðại Ðức), con có gởi một số tịnh tài (tiền) nhờ người hộ Tăng "tên A" thay mặt con tìm những thứ vật dụng cần thiết dâng đến Sư (Ðại Ðức), khi nào Sư (Ðại Ðức) cần đến thứ vật dụng nào, xin thỉnh Sư đến gặp người hộ Tăng "tên A" ấy, nhờ người ấy đi tìm thứ vật dụng ấy dâng đến Sư (Ðại Ðức).

Ðiều này đã được Ðức Phật cho phép trong giới thứ 10 trong phần 30 điều giới Nisssaggiya pācittiya.

Trong điều giới này, thí chủ muốn làm phước dâng một thứ vật dụng nào, bằng một số tiền tương đương, đến riêng cá nhân vị Tỳ khưu nào, vị Tỳ khưu ấy phải từ chối bằng khẩuthân, không được phép thọ nhận trực tiếp số tiền ấy, cũng không sai bảo người khác nhận cho mình. Nếu người thí chủ hỏi để biết người hộ Tăng, thì vị Tỳ khưu ấy có thể giới thiệu cho thí chủ được biết người hộ Tăng ấy. Ðiều trước tiên, thí chủ trực tiếp đến gặp người hộ Tăng và gởi số tiền, nhờ mua sắm giùm thứ vật dụng ấy. Sau đó, thí chủ đến bạch cho vị Tỳ khưu ấy biết. Khi nào vị Tỳ khưu ấy cần đến thứ vật dụng ấy, có thể đến gặp người hộ Tăng bảo rằng: Sư cần đến thứ vật dụng ấy. Người hộ Tăng đi tìm mua sắm thứ vật dụng ấy thay mặt thí chủ làm phước dâng đến vị Tỳ khưu ấy, thuộc về cá nhân thí, nên phước thiện bố thí được nhiều hay ít, tuỳ thuộc vào người thọ thí có giới đức trong sạch hay không trong sạch. Ðó là việc làm hợp với giới luật của Ðức Phật đã ban hành.

- Phước thiện bố thí tiền bạc dâng trực tiếp đến chư Tỳ khưu Tăng

Thí chủ có đức tin trong sạch đến chư Tỳ khưu Tăng, có tác ý thiện tâm muốn làm phước hộ độ 4 thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng. Thí chủ ấy có thể làm phước bố thí dâng một số tiền trực tiếp đến chung cho chư Tỳ khưu Tăng (không riêng cho cá nhân vị Tỳ khưu nào), để lo mua sắm những thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng. Vị Ðại Ðức đại diện chư Tỳ khưu Tăng có thể trực tiếp nhận số tiền ấy bằng khẩu (lời nói), nhưng không nên thọ nhận trực tiếp tiền bạc bằng thân [*], vì tiền bạc là vật mà Tỳ khưu không nên đụng chạm. Do đó, vị Ðại Ðức gọi người hộ Tăng cất giữ số tiền bạc ấy, và đi mua sắm những thứ vật dụng dâng chung đến chư Tỳ khưu Tăng.

[*] Tiền bạc, vàng, bạc, các đồ châu báu là những vật mà Tỳ khưu đụng chạm vào bị phạm giới dukkaṭa; nếu thọ nhận riêng cho mình thì phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ.

Thí chủ biết cách làm phước thiện bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng, thuộc về Tăng thí, chắc chắn có phước thiện vô lượng, và có quả báu của phước thiện vô lượng kiếp.

* Phước thiện bố thí tiền bạc cúng dường Tam bảo

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tác ý thiện tâm muốn dâng một số tiền, để cúng dường Tam bảo.

Cúng dường Phật bảo: xây cất chánh điện để tôn thờ Ðức Phật, tu sửa chánh điện, v.v....

Cúng dường Pháp bảo: ấn hành kinh sách, để truyền bá giáo pháp của Ðức Phật.

Cúng dường Tăng bảo: hộ độ 4 thứ vật dụng cần thiết như: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu Tăng.

Vị Sa di, vị Tỳ khưu nào theo pháp học, nên mua sắm sách, vở ... dâng đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy.

Vị Sa di, vị Tỳ khưu nào theo pháp hành, nên hộ độ đặc biệt y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy.

Nếu vị Sa di, vị Tỳ khưu bị lâm bệnh, nên hộ độ đặc biệt cứu chữa cho vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy mau khỏi bệnh.

Thí chủ có đức tin trong sạch, có tác ý thiện tâm dâng tiền bạc dầu ít dầu nhiều tuỳ theo khả năng của mình cúng dường Tam bảo, chắc chắn có phước thiện bố thí vô lượng, có quả báu của phước thiện vô lượng kiếp.

Như vậy, thí chủ có thể làm phước thiện bố thí dâng một số tiền trực tiếp đến vị Ðại Ðức trụ trì chùa, hoặc một vị Ðại Ðức đại diện chư Tỳ khưu Tăng thọ nhận trực tiếp bằng khẩu (lời nói), nhưng không nên thọ nhận trực tiếp tiền bạc bằng thân. Vị Ðại Ðức ấy gọi người hộ Tăng trong chùa cất giữ số tiền ấy, để lo phụng sự ngôi Tam bảo.

Phật Giáo Tồn Tại

Giáo pháp Ðức Phật Gotama của chúng ta được tồn tại 5.000 năm trên thế gian, có nghĩa là đến thời điểm đó, Phật giáo hoàn toàn bị tiêu hoại, bị mất hẳn. Bởi vì, không còn có người nào học và hành, hiểu biết về Phật giáo nữa.

Phật giáo đó là pháp học Phật giáo, pháp hành Phật giáo pháp thành Phật giáo. Hoàn toàn thuộc về nội tâm, không có một hình thức nào.

Thời kỳ Phật giáo phát triển, nhờ các hàng Phật tử là bậc xuất gia và tại gia cư sĩ tinh tấn, kiên trì, chăm chỉ theo học pháp học, thông thuộc Tam tạng, Chú giải bằng ngôn ngữ Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, và thực hành nghiêm chỉnh theo pháp hành giới, hành định, hành tuệ, dẫn đến kết quả chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Ðến thời kỳ Phật giáo suy đồi; do các hàng Phật tử là bậc xuất gia, và tại gia cư sĩ dần dần chểnh mảng việc theo học pháp học, giảm dần đức tin, thiếu tinh tấn thực hành theo pháp hành giới, pháp hành định, pháp hành tuệ. Do đó, A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả bậc cao bị tiêu hoại từ từ, đến bậc Bất Lai Thánh Ðạo – bậc Bất Lai Thánh Quả; bậc Nhất Lai Thánh Ðạo – bậc Nhất Lai Thánh Quả; cho đến cuối cùng bậc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả bậc thấp cũng suy đồi. Theo thời gian, trí tuệ kém dần, số hành giả tiến hành thiền tuệ không còn đúng theo Pháp hành Trung đạo, do đức tin giảm dần, nên việc gìn giữ giới không hoàn toàn trong sạch.

Sự tiêu hoại về pháp học Phật giáo, bắt đầu tiêu hoại Vi diệu pháp tạng bằng ngôn ngữ Pāḷi, còn Kinh tạng và Luật tạng, thì Phật giáo vẫn còn tồn tại.

Ðến khi tiêu hoại Kinh tạng bằng ngôn ngữ Pāḷi, còn Luật tạng, thì Phật giáo vẫn còn tồn tại.

Ðến khi Luật tạng tiêu hoại dần, chỉ còn hình thức Tỳ khưu mặc y màu lỏi mít, khi ấy Phật giáo vẫn còn tồn tại.

Cho đến khi hình thức chỉ còn một miếng vải màu y quấn nơi cổ hoặc cột cổ tay, vẫn còn nghe gọi tên "Tỳ khưu", khi ấy Phật giáo vẫn còn tồn tại. Cho đến không còn miếng vải màu y, cũng không còn ai gọi đến tên "Tỳ khưu" nữa, lúc ấy, thật sự Phật giáo hoàn toàn tiêu hoại trên thế gian. Như vậy, Luật tạng là nền tảng căn bản của Phật giáo.

Trong Chú giải Luật tạng dạy:

"Vinayo nāma Buddhasāsanassa āyu
Vinaye ṭhite, sāsanaṃ ṭhitaṃ hoti".

[Vinayapiṭaka aṭṭhakāthā, Parājikakaṇṇānidāna]

"Luật tạng là tuổi thọ Phật giáo,
Khi Luật tạng được trường tồn,
Thì Phật giáo được trường tồn".

Cho nên, công việc bảo tồn Phật giáo là phận sự chung của các hàng Phật tử: bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ.

Phật giáo được phát triển hay suy đồi chính là do bên trong các hàng Phật tử; còn bên ngoài, người ngoài chắc chắn không thể làm cho Phật giáo được phát triển hoặc suy đồi.

Vậy, muốn cho pháp học Phật giáo được phát triển, mỗi người Phật tử cần phải học hỏi nghiên cứu, hiểu rõ đúng đắn theo Tam tạng – Chú giải bằng ngôn ngữ Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật và động viên khuyến khích người khác cũng học như vậy.

pháp hành Phật giáo được phát triển, mỗi người Phật tử cần phải gìn giữ giới cho được trong sạch, tinh tấn tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo, và động viên khuyến khích người khác cũng hành như vậy.

Như vậy, Phật giáo có thể phát triển nơi người Phật tử này, lại có thể suy đồi nơi người Phật tử khác.

Phật giáo có thể phát triển nơi này, lại có thể suy đồi nơi khác.

Phật giáo có thể phát triển nơi dân tộc này, lại có thể suy đồi nơi dân tộc khác.

Cho đến khi Phật giáo không còn tồn tại nơi người nào cả, nơi dân tộc nào cả, khi ấy mới gọi là Phật giáo hoàn toàn tiêu hoại trên thế gian.

Giáo pháp của Ðức Phật Gotama trường tồn 5.000 năm trên thế gian. Như vậy, đến nay đã trải qua 2.546 năm rồi, phần thời gian còn lại 2.454 năm nữa. Cho nên, chúng ta nhận thấy Phật giáo đang suy đồi nơi một số người này, một dân tộc này, đó cũng là việc bình thường tự nhiên. Ðiều tốt hơn hết, mỗi người trong chúng ta, ai cũng có tâm niệm đúng đắn rằng: "Phật giáo đang hiện hữu trong tôi, tôi cố gắng tinh tấn, kiên trì làm cho Phật giáo được phát triển".

Như vậy, Phật giáo được trường tồn sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui cho tất cả chúng sinh, nhất là chư thiên và nhân loại.

Bố Thí Mong Cầu Siêu Tam Giới

Làm phước thiện bố thí, vật thí dầu ít, dầu nhiều cũng tốt, điều quan trọng tác ý thiện tâm hoan hỉ trước khi bố thí, đang khi bố thí và sau khi bố thí, cả ba giai đoạn thí chủ có đại thiện tâm trong sạch hoan hỉ chắc chắn phước thiện nhiều, có quả báu nhiều, nhất là sau khi bố thí xong, tâm niệm tưởng đến phước thiện bố thí ấy, phước thiện càng tăng trưởng, có quả báu vô lượng và lâu dài.

Giai đoạn đang khi bố thí, tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng đóng vai trò quan trọng quyết định đại thiện tâm có hợp trí hay không hợp với trí. Thí chủ có nguyện vọng muốn đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, giải thoát khỏi tử sanh luân hồi, thí chủ nên thành tâm đọc bằng lời để cho mọi người nghe rõ chứng minh lời nói ấy.

Trường hợp làm phước thiện bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng, chư thí chủ cùng nhau đọc lời thông bạch đến chư Tỳ khưu Tăng được rõ; hoặc một người hướng dẫn chư thí chủ khác đọc theo.

Lễ Dâng Vật Thực (Bhattadāna)

Mayaṃ Bhante, samasaddhā samachandā samacittā saṅgamma, Buddhaṃ, Dhammaṃ, Saṃghañceva kammaṃ kammaphalañca sadda-hitvā, saṃsāravaṭṭadukkhato mocanatthāya, Nibbānassa sacchikaraṇatthāya, imaṃ saparivāraṃ bhattadānaṃ bhikkhusaṃghassa sakkaccaṃ dema.

Sādhu no Bhante, bhikkhusaṃgho imaṃ saparivāraṃ bhattadānaṃ paṭiggaṇhātu, amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Chư Tỳ khưu Tăng đồng nói lên lời hoan hỉ: Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Nghĩa:

Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng được rõ:

Tất cả chúng con có đồng đức tin, đồng nguyện vọng, đồng tâm trí, tin nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, có nguyện vọng mong chứng ngộ Niết Bàn, để giải thoát khổ tử sanh luân hồi, cho nên, tất cả chúng con thành kính làm lễ dâng đến chư Tỳ khưu Tăng những món vật thực cùng với các thứ vật dụng này.

Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, kính xin quý Ngài từ bi tế độ thọ nhận những món vật thực cùng với các thứ vật dụng này, để cho tất cả chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỉ: Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Chư thí chủ tự tay mình dâng những vật thực cùng với mọi vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng. Sau khi đã dâng xong, trở lại chỗ ngồi, mỗi người thành tâm phát nguyện:

Idaṃ me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Nguyện cầu phước thiện bố thí thanh cao này, dẫn dắt con chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não trầm luân.

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Cầu mong phước thiện bố thí thanh cao này, được thành tựu đến thân bằng quyến thuộc của chúng con, cầu mong thân bằng quyến thuộc thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Imaṃ puññabhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna, sukhitā hontu.

Chúng con thành tâm chia phần phước thiện thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân bằng quyến thuộc, bạn bè cùng tất cả chúng sinh đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả quý vị hoan hỉ thọ hưởng phần phước thanh cao này rồi, thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Lễ Dâng Y Tắm Mưa (vassikasāṭikadāna)

Mayaṃ Bhante, samasaddhā samachandā samacittā saṅgamma, Buddhaṃ, Dhammaṃ, Saṃghañceva kammaṃ kammaphalañca sadda-hitvā, saṃsāravaṭṭadukkhato mocanatthāya, Nibbānassa sacchikaraṇatthāya, imāni sapari-vārāni vassikasāṭikadānāni .... (Bửu Long)... ārāme bhikkhusaṃghassa sakkaccaṃ damma.

Sādhu no Bhante, bhikkhusaṃgho imāni saparivārāni vassikasāṭikadānāni paṭiggaṇhātu, amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya, hitāya, sukhāya.

Chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỉ: Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Nghĩa:

Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng được rõ:

Tất cả chúng con có đồng đức tin, đồng nguyện vọng, đồng tâm trí, tin nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, có nguyện vọng mong chứng ngộ Niết Bàn, để giải thoát khổ tử sanh luân hồi, cho nên, tất cả chúng con thành kính làm lễ dâng những y tắm mưa cùng với các thứ vật dụng này đến chư Tỳ khưu Tăng sẽ nhập hạ tại ngôi chùa..... (Bửu Long) .... .

Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, kính xin quý Ngài từ bi tế độ thọ nhận những y tắm mưa cùng với các thứ vật dụng này, để cho tất cả chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỉ: Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Những thí chủ tự tay mình dâng y tắm mưa, cùng những thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng. Chư thí chủ trở lại chỗ ngồi của mình, mỗi người thành tâm phát nguyện rằng:

Idaṃ me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Nguyện cầu phước thiện bố thí thanh cao này, dẫn dắt con chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não trầm luân.

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Cầu mong phước thiện bố thí thanh cao này được thành tựu đến thân bằng quyến thuộc của chúng con, cầu mong thân bằng quyến thuộc thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Imaṃ puññabhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna, sukhitā hontu.

Chúng con thành tâm chia phần phước thiện thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân bằng quyến thuộc, bạn bè cùng tất cả chúng sinh đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả quý vị hoan hỉ thọ hưởng phần phước thanh cao này rồi, thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Lễ Dâng Y Kathina (Kathinacīvaradāna)

Mayaṃ Bhante, samasaddhā samachandā samacittā saṅgamma, Buddhaṃ, Dhammaṃ, Saṃghañceva kammaṃ kammaphalañca sadda-hitvā, saṃsāravaṭṭadukkhato mocanatthāya, Nibbānassa sacchikaraṇatthāya, imaṃ sapari-vāraṃ kathinacīvaraṃ .... (Bửu Long) ... ārāme bhikkhusaṃghassa sakkaccaṃ damma, kathinaṃ attharituṃ.

Sādhu no Bhante, bhikkhusaṃgho imaṃ saparivāraṃ kathinacīvaraṃ paṭiggaṇhātu, paṭiggaṇhitvā iminā kathinacīvarena kathinaṃ attharatu, amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya, hitāya, sukhāya.

Tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỉ: Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Nghĩa:

Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng được rõ:

Tất cả chúng con có đồng đức tin, đồng nguyện vọng, đồng tâm trí, tin nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, có nguyện vọng mong chứng ngộ Niết Bàn, để giải thoát khổ tử sanh luân hồi, cho nên, tất cả chúng con thành kính làm lễ dâng y kathina cùng với các thứ vật dụng này, đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt ba tháng tại ngôi chùa......... (Bửu Long).

Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, kính xin quý Ngài từ bi tế độ thọ nhận y kathina cùng với các thứ vật dụng này, khi quý Ngài thọ nhận xong, xin quý Ngài làm lễ thọ y kathina với tấm y này, để cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỉ: Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Một thí chủ đại diện tự tay đem tấm y Kathina dâng đến chư Tỳ khưu Tăng; vị Ðại Trưởng Lão đại diện chư Tăng thọ nhận tấm y kathina để làm lễ thọ y kathina đúng theo luật của Ðức Phật đã ban hành.

Sau khi những thí chủ dâng tấm y Kathina cùng với những thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng xong, trở về chỗ ngồi, mỗi người thành tâm phát nguyện rằng:

Idaṃ me kathinadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Nguyện cầu phước thiện dâng y kathina này, dẫn dắt con chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não trầm luân.

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Cầu mong phước thiện bố thí thanh cao này được thành tựu đến thân bằng quyến thuộc của chúng con, cầu mong thân bằng quyến thuộc thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Imaṃ puññabhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna, sukhitā hontu.

Chúng con thành tâm chia phần phước thiện thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân bằng quyến thuộc, bạn bè cùng tất cả chúng sinh đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả quý vị hoan hỉ thọ hưởng phần phước thanh cao này rồi, thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Lễ Dâng Chỗ Ở (Senāsanadāna)

Làm lễ phước thiện bố thí chỗ ở như chùa, cốc,....

Mayaṃ Bhante, samasaddhā samachandā samacittā saṅgamma, Buddhaṃ, Dhammaṃ, Saṃghañceva kammaṃ kammaphalañca sadda-hitvā, saṃsāravaṭṭadukkhato mocanatthāya, Nibbānassa sacchikaraṇatthāya, imaṃ vihāraṃ kappiyakuṭiṃ kārāpetvā āgatānāgatassa catuddisassa saṃghassa sakkaccaṃ damma, kāyakāyapaṭibaddhehi phusitvā yathāsukhaṃ paribhuñjatha, amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỉ: Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Nghĩa:

Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng được rõ:

Tất cả chúng con có đồng đức tin, đồng nguyện vọng, đồng tâm trí, tin nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, có nguyện vọng mong chứng ngộ Niết Bàn, để giải thoát khổ tử sanh luân hồi, cho nên, tất cả chúng con cho xây cất một chỗ ở hợp pháp xong rồi, hôm nay, xin thành kính dâng đến chư Tỳ khưu Tăng tứ phương đã đến và chưa đến.

Kính xin quý Ngài từ bi tế độ thọ nhận để làm nơi trú ngụ cho thân tâm được an lạc, để cho tất cả chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỉ: Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Tất cả thí chủ mỗi người thành tâm phát nguyện bằng lời rằng:

Idaṃ me vihāradānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Nguyện cầu phước thiện bố thí chỗ ở thanh cao này, dẫn dắt con chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não trầm luân.

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Cầu mong phước thiện bố thí thanh cao này được thành tựu đến thân bằng quyến thuộc của chúng con, cầu mong thân bằng quyến thuộc thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Imaṃ puññabhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna, sukhitā hontu.

Chúng con thành tâm chia phần phước thiện thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân bằng quyến thuộc, bạn bè cùng tất cả chúng sinh đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả quý vị hoan hỉ thọ hưởng phần phước thanh cao này rồi, thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Vật Thí (Dānavatthu)

Nói chung tất cả những thứ vật dụng đem boá thí đều gọi là Dānavatthu, lời dâng Dānavatthu như sau:

Mayaṃ Bhante, samasaddhā samachandā samacittā saṅgamma, Buddhaṃ, Dhammaṃ, Saṃghañceva kammaṃ kammaphalañca sadda-hitvā, saṃsāravaṭṭadukkhato mocanatthāya, Nibbānassa sacchikaraṇatthāya, imāni dāna-vatthūni bhikkhusaṃghassa sakkaccaṃ damma.

Sādhu no Bhante, bhikkhusaṃgho imāni dānavatthūni paṭiggaṇhātu, amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Tất cả chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỉ: Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Nghĩa:

Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng được rõ:

Tất cả chúng con có đồng đức tin, đồng nguyện vọng, đồng tâm trí, tin nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, có nguyện vọng mong chứng ngộ Niết Bàn để giải thoát khổ tử sanh luân hồi, cho nên, tất cả chúng con thành kính làm lễ dâng những thứ vật dụng này đến chư Tỳ khưu Tăng.

Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, kính xin quý Ngài từ bi tế độ thọ nhận những thứ vật dụng này, để cho tất cả chúng con được sự tiến hóa, sự lợi ích và sự an lạc lâu dài.

Chư Tỳ khưu Tăng đồng thanh nói lên lời hoan hỉ: Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Những thí chủ tự tay mình dâng những thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng. Sau khi dâng xong, mỗi người thành tâm phát nguyện rằng:

Imāni me dānāni āsavakkhayāvahaṃ hontu.

Nguyện cầu phước thiện bố thí thanh cao này, dẫn dắt con chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não trầm luân.

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Cầu mong phước thiện bố thí thanh cao này được thành tựu đến thân bằng quyến thuộc của chúng con, cầu mong thân bằng quyến thuộc thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Imaṃ puññabhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna, sukhitā hontu.

Chúng con thành tâm chia phần phước thiện thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân bằng quyến thuộc, bạn bè cùng tất cả chúng sinh đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả quý vị hoan hỉ thọ hưởng phần phước thanh cao này rồi, thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

Những cách bố thí trên tạo phước thiện làm duyên lành để giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài (vivaṭṭupanissitakusala). Khi nào chưa chứng đắc đến Niết Bàn giải thoát khổ sanh, khi ấy vẫn còn tử sanh luân hồi trong tam giới, đều hưởng được quả báu của phước thiện ấy trong cõi người, cõi trời và cuối cùng tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Những thí chủ bố thí xong rồi đọc lên ý nguyện của mình mong cầu chứng ngộ Niết Bàn, chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tham ái, mọi phiền não, mọi ác pháp, ngõ hầu mong giải thoát khổ tái sanh trong ba giới bốn loài, đó là tịch diệt Niết Bàn. Ngày nào, còn phải tử sanh luân hồi trong tam giới, những thí chủ ấy cũng hưởng được mọi quả báu của phước thiện bố thí, nên được giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, v.v... trong cõi người, cõi trời; nhưng có điều đặc biệt, họ không say mê trong của cải, sự nghiệp ấy, không tham lam đắm đuối trong ngũ trần, bởi vì những thứ ấy không phải mục đích cứu cánh chính của họ, cho nên họ dễ dàng đem làm phước thiện bố thí, hoặc xả bỏ để xuất gia tu hành sớm mong giải thoát khổ sanh trong tam giới. Ðó là tính ưu việt của những thí chủ đọc lên ý nguyện mong cầu chứng ngộ Niết Bàn.

NGHIỆP LỰC

Nghiệp lực là năng lực của nghiệp hoàn toàn độc lập, không bị chi phối bởi một oai lực nào khác. Chính nghiệp cho quả phân loại các chúng sinh khác nhau: lớn hoặc nhỏ, cao thượng hoặc thấp hèn, bậc Thiện trí hoặc kẻ si mê, v.v..., tạo ra cảnh giới tái sanh khác nhau trong tam giới, gồm có 31 cõi.

Nghiệp ấy chính là tác ý (cetanā).

Tác ý (cetanā) tạo thành nghiệp thường trải qua ba thời kỳ:

1- Tác ý trước khi tạo nghiệp.
2- Tác ý đang khi tạo nghiệp.
3- Tác ý sau khi đã tạo nghiệp xong.

Mỗi thời kỳ tác ý có tính chất đặc biệt của nó.

Tác Ý Tạo Thiện Nghiệp

  1. Tính chất đặc biệt tác ý thiện tâm đang khi bố thí

Sự thành tựu phước thiện bố thí do tác ý thiện tâm đang khi bố thí đóng vai trò quan trọng, phân chia hai loại thiện tâm:

1- Thiện tâm có tam nhân (tihetukakusala).
2- Thiện tâm có nhị nhân (dvihetukakusala).

Làm thế nào được thiện tâm có tam nhân?

Nếu thí chủ có tác ý thiện tâm đang khi tạo phước thiện bố thí hợp với trí tuệ biết rõ nghiệp là của riêng mình (kammassakatañāṇa), thì phước thiện bố thí ấy hợp đủ tam thiện nhân (vô tham, vô sân, vô si = trí tuệ), gọi là tihetukakusala: thiện tâm có tam nhân, đó là dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ.

Làm thế nào được thiện tâm có nhị nhân?

Nếu thí chủ có tác ý thiện tâm đang khi tạo phước thiện bố thí không hợp với trí tuệ hiểu biết nghiệp là của riêng mình, thì phước thiện bố thí ấy chỉ có nhị thiện nhân (vô tham, vô sân), gọi là dvihetukakusala: thiện tâm có nhị nhân, đó là dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ.

  1. Tính chất đặc biệt tác ý thiện tâm trước và sau khi đã bố thí

Tác ý thiện tâm trước khi bố thí và tác ý thiện tâm sau khi đã bố thí có tầm quan trọng phân chia hai loại thiện tâm:

1- Thiện tâm bậc cao (ukkaṭṭhakusala).
2- Thiện tâm bậc thấp (omakakusala).

Thiện tâm bậc cao là thế nào?

Với đức tin trong sạch muốn tạo phước thiện bố thí, thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trước khi tạo phước thiện bố thí, và thiện tâm trong sạch hoan hỉ sau khi đã thành tựu phước thiện bố thí. Do năng lực tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ cả hai thời kỳ ấy, nên thí chủ có được thiện tâm bậc cao.

Tác ý thiện tâm trong sạch trước khi làm phước thiện bố thí, nghĩa là thí chủ có thiện tâm trong sạch hoan hỉ lo sắm sửa đầy đủ những thứ vật dụng bố thí, thứ nào cũng hài lòng với khả năng của mình, mọi công việc đều chuẩn bị sẵn sàng chờ đến ngày làm lễ bố thí như đã dự định. Trong suốt thời gian chờ đợi mỗi khi nghĩ đến cuộc lễ làm phước thiện bố thí ấy, không có ác pháp nào phát sanh xen vào làm cho tâm ô nhiễm, buồn lo khổ tâm, mà chỉ có thiện tâm trong sạch, hoan hỉ phước thiện bố thí ấy sẽ tạo sau này. Ðó gọi là tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trước khi tạo phước thiện bố thí.

tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ sau khi đã tạo phước thiện bố thí, nghĩa là thí chủ sau khi đã thành tựu phước thiện bố thí xong rồi, mỗi khi nhớ, hoặc thường niệm tưởng lại phước thiện bố thí ấy thành đề mục thiền định cāgānussati: đề mục niệm tưởng phước thiện bố thí, phát sanh thiện tâm trong sạch hoan hỉ, không có ác pháp phát sanh xen vào làm cho tâm bị ô nhiễm, hối tiếc, buồn khổ, mà chỉ có thiện tâm trong sạch phát sanh hoan hỉ việc phước thiện bố thí ấy được thành tựu tốt lành theo nguyện vọng của mình; xem đó là một cơ hội tốt lành đối với mình, có được duyên lành tạo được phước thiện bố thí ấy, trong cuộc đời của mình. Ðó gọi là tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ sau khi đã thành tựu phước thiện bố thí.

Do năng lực tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trước khi tạo phước thiện và sau khi đã tạo phước thiện làm cho thiện tâm có tam nhân hoặc thiện tâm có nhị nhân trở thành thiện tâm bậc cao (ukkaṭṭhakusala).

Thiện tâm bậc thấp là thế nào?

Thí chủ có tác ý thiện tâm trước khi tạo phước thiện bố thí và tác ý thiện tâm sau khi đã thành tựu phước thiện bố thí, cả hai thời kỳ không hoàn toàn trong sạch, vì có ác pháp phát sanh làm cho tâm bị ô nhiễm, nên thí chủ có được thiện tâm bậc thấp.

Trường hợp, thí chủ không có đức tin trong sạch trước khi làm phước thiện bố thí, vì có người đến động viên khuyến khích làm phước thiện bố thí, vì kính nể nên làm theo, nếu không làm sợ người ta chê trách. Do đó, tác ý thiện tâm trước khi tạo phước thiện bố thí tâm không hoàn toàn trong sạch, thậm chí còn có ác pháp xen vào làm cho tâm bị ô nhiễm nữa.

Và sau khi làm lễ phước thiện bố thí xong, tâm không hoan hỉ, lại còn hối tiếc vì tốn kém tiền bạc nên ác pháp chen vào làm cho tâm bị ô nhiễm. Do đó, tác ý thiện tâm sau khi tạo phước thiện bố thí xong, tâm không hoàn toàn trong sạch.

Do hai nguyên nhân tác ý thiện tâm trước và sau khi tạo phước thiện bố thí ấy, nên làm cho thiện tâm có nhị nhân hoặc thiện tâm có tam nhân trở thành thiện tâm bậc thấp (omakakusala).

Thật ra, trong hai thời kỳ tác ý: tác ý thiện tâm trước khi tạo phước thiện bố thí và tác ý thiện tâm sau khi đã thành tựu phước thiện bố thí ấy; trong 2 tác ý ấy, chỉ có tác ý thiện tâm sau khi đã thành tựu đóng vai trò quan trọng, chỉ định thiện tâm bậc cao hoặc thiện tâm bậc thấp; bởi vì, tác ý thiện tâm này phát sanh sau khi đã hoàn thành phước thiện bố thí. Do đó, tác ý thiện tâm không trong sạch trước khi bố thí, nhưng tác ý thiện tâm trong sạch sau khi đã thành tựu phước thiện bố thí, thì phước thiện ấy trở thành thiện tâm bậc cao; và tác ý thiện tâm trong sạch trước khi tạo phước thiện bố thí, nhưng tác ý thiện tâm không trong sạch sau khi đã thành tựu phước thiện bố thí, phước thiện ấy trở thành thiện tâm bậc thấp.

Năng Lực Của Tác Ý (Cetanā)

Tác ý đóng vai trò tạo nghiệp, như Ðức Phật dạy:

"Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā...".
[Bộ Aṅguttaranikāya, phần Chakkanipāta, kinh Nibbedhikasutta]

"Này chư Tỳ Khưu, Như Lai dạy rằng tác ý là nghiệp, sau khi nghĩ xong, mới hành động bằng thân, khẩu và ý".

Tác ý thuộc về tâm sở (cetanācetasika) đồng sanh trong tất cả 89 hoặc 121 tâm. Song tác ý gọi là nghiệp thì chỉ có tác ý đồng sanh với 12 tâm bất thiện, 8 đại thiện tâm, 5 sắc giới thiện tâm, 4 vô sắc giới thiện tâm và 4 hay 20 Thánh Ðạo tâm. Hay nói cách khác, tác ý đồng sanh với 12 bất thiện tâm và 21 hay 37 thiện tâm; những tác ý ấy được gọi là nghiệp. Ngoài ra, tác ý đồng sanh với 36 hoặc 53 quả tâm và 20 duy tác tâm, những tác ý ấy không gọi là nghiệp.

Tác ý có 2 loại:

A- Tác ý bất thiện (akusalacetanā)

Tác ý bất thiện đồng sanh với 12 bất thiện tâm, nên tạo 12 bất thiện nghiệp hay ác nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, có 3 loại nghiệp:

1- Thân ác nghiệp có 3 loại: sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
2- Khẩu ác nghiệp có 4 loại: nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích.
3- Ý ác nghiệp có 3 loại: tham lam, thù hận, tà kiến.

Ðó là 10 ác nghiệp cho quả khổ ở kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

Ác nghiệp trong 12 bất thiện tâm cho quả 2 thời:

Thời kỳ tái sanh: 11 bất thiện tâm (trừ si tâm hợp với phóng tâm) chỉ cho 1 quả bất thiện vô nhân tâm gọi là suy xét tâm (santīraṇacitta) đồng sanh với xả thuộc vô nhân tâm, tái sanh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh, chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.

Thời kỳ sau khi tái sanh: sau khi tái sanh làm chúng sinh trong cõi ác giới, hoặc đã sanh làm người [*]; 12 bất thiện tâm này có thể cho 7 quả bất thiện thuộc vô nhân tâm như:

1- Nhãn thức tâm nhìn thấy những sắc trần, hình dáng không đáng hài lòng.
2- Nhĩ thức tâm nghe những thanh trần, âm thanh không đáng hài lòng.
3- Tỷ thức tâm ngửi những hương trần, các mùi không đáng hài lòng.
4- Thiệt thức tâm nếm những vị trần, các loại vị không đáng hài lòng.
5- Thân thức tâm tiếp xúc những xúc trần, không đáng hài lòng.
6- Tiếp nhận tâm, tiếp nhận những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, không đáng hài lòng.
7- Suy xét tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, không đáng hài lòng.

[*] Tái sanh làm người là quả của thiện nghiệp; nhưng sau khi đã tái sanh làm người, bất thiện nghiệp có thể cho quả xấu.

7 quả bất thiện vô nhân tâm này biết những đối tượng không đáng hài lòng, chính là quả của 12 bất thiện tâm, có bất thiện nghiệp hay ác nghiệp, mà chính mình đã tạo trong kiếp hiện tại, hoặc đã tạo trong những kiếp quá khứ, chắc chắn không phải do một ai khác, mà do chính ác nghiệp của mình đến thời kỳ cho quả, không đáng hài lòng.

Trong đời sống của mỗi chúng sinh nói chung, con người nói riêng, chắc chắn đã từng tạo mọi ác nghiệp từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại, khi ác nghiệp cho quả khổ, chủ nhân của ác nghiệp nên cam tâm nhẫn nại chấp nhận quả khổ, thì nỗi khổ tâm không phát sanh. Nếu có thái độ không muốn chấp nhận quả khổ của ác nghiệp do chính mình đã tạo, mà phải thọ hưởng thì làm cho mình càng khổ tâm nhiều mà thôi.

Thật ra, công minh mà xét, chắc chắn không có một ai bỗng dưng đối xử xấu, làm khổ mình được! Quả khổ phải phát sanh từ nhân, nhân ở đây chính là ác nghiệp, mà mình đã tạo trong quá khứ, nay đến thời kỳ có cơ hội cho quả, nên xui khiến người khác đối xử xấu, làm khổ mình. Nên có trí tuệ suy xét rằng: "nếu mình không từng tạo ác nghiệp như thế ấy, thì nay chắc chắn không có một nhân duyên nào xui khiến họ đối xử xấu, làm khổ mình như thế này".

Tất cả quả khổ không đáng hài lòng, chắc chắn do ác nghiệp. Vậy, không muốn quả khổ như vậy, thì chỉ nên tránh xa mọi ác nghiệp mà thôi.

Ðược tái sanh làm người chắc chắn do dục giới thiện nghiệp cho quả, không phải do ác nghiệp. Một khi đã tái sanh được làm người rồi; ác nghiệp vẫn có cơ hội cho quả khổ. Cho nên, có số người phải chịu bao nhiêu nỗi khổ đau, cũng chỉ vì ác nghiệp cho quả mà thôi, không phải ai muốn làm khổ mình được.

B- Tác ý thiện (kusalacetanā).

Tác ý thiện tạo 4 loại thiện nghiệp:

1- Dục giới thiện nghiệp.

- Tác ý thiện đồng sanh với 8 đại thiện tâm, tạo nên dục giới thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, có 3 loại thiện nghiệp:

Thân thiện nghiệp có 3 loại: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, đó là chánh nghiệp.

Khẩu thiện nghiệp có 4 loại: không nói dối, mà nói lời chân thật; không nói lời đâm thọc chia rẽ, mà nói lời hòa thuận; không nói lời thô tục, mà nói lời êm dịu; không nói lời vô ích, mà nói lời có ích, đó là chánh ngữ.

Ý thiện nghiệp có 3 loại: không tham lam, mà hay bố thí; không thù hận, mà có tâm từ; không tà kiến, mà có chánh kiến.

Ðó là 10 thiện nghiệp cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

- Tác ý thiện đồng sanh với 8 đại thiện tâm tạo nên 10 phước thiện như sau:

Bố thí: đem của cải, sự hiểu biết của mình đem bố thí, ban bố, phân phát cho người khác, chúng sinh khác với thiện tâm tế độ, giúp đỡ.

Giữ giới: giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi tội ác.

Hành thiền: tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, để cho tâm an tịnh, trí tuệ sáng suốt.

Cung kính: cung kính những bậc đáng tôn kính như: Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Thầy Tổ, ông bà, cha mẹ, người cao tuổi....

Giúp đỡ: giúp đỡ mọi người, chúng sinh với thiện tâm.

Hồi hướng: hồi hướng phần phước thiện của mình đã tạo đến những người khác, chúng sinh khác.

Hoan hỉ: hoan hỉ phần phước thiện của người khác hồi hướng hoặc chia phước đến cho mình.

Thuyết pháp: thuyết giảng chánh pháp tế độ người thoát khỏi cảnh khổ.

Nghe pháp: lắng nghe chánh pháp, hành theo chánh pháp để giải thoát cảnh khổ.

Chánh kiến: trí tuệ thấy đúng thực tánh của các pháp.

Ðó là 10 phước thiện cũng thuộc về dục giới thiện nghiệp; dục giới thiện nghiệp này cho quả trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

Dục giới thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm cho quả 2 thời:

Thời kỳ tái sanh: 8 dục giới đại thiện tâm cho 9 loại quả tâm: 8 dục giới đại quả tâm 1 quả thiện vô nhân tâm gọi là suy xét tâm đồng sanh với xả, làm phận sự tái sanh cõi người và 6 cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc do thiện nghiệp của mình đã tạo.

Thời kỳ sau tái sanh: Dục giới thiện nghiệp cho quả thời kỳ sau khi đã tái sanh làm người, được tiếp nhận những đối tượng đáng hài lòng như:

- Nhãn thức tâm nhìn thấy những sắc trần, hình dáng đáng hài lòng.
- Nhĩ thức tâm nghe những thanh trần, âm thanh đáng hài lòng.
- Tỷ thức tâm ngửi những hương trần, các mùi đáng hài lòng.
- Thiệt thức tâm nếm những vị trần, các loại vị đáng hài lòng.
- Thân thức tâm tiếp xúc những xúc trần đáng hài lòng.
- Tiếp nhận tâm, tiếp những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng.
- Suy xét tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng, v.v....

Những quả thiện vô nhân tâm này biết những đối tượng đáng hài lòng chính là quả của dục giới đại thiện tâm có thiện nghiệp, mà chính mình đã tạo trong kiếp hiện tại, hoặc đã tạo trong những kiếp quá khứ; chắc chắn không phải do một ai khác, mà do chính thiện nghiệp của mình đến thời kỳ cho quả.

Công minh mà xét, chắc chắn không có ai bỗng dưng đối xử tốt với mình, giúp đỡ, phục vụ tận tình với mình..., nên có chánh kiến thấy đúng, hiểu đúng về nghiệp là của riêng mình rằng: đó chẳng qua là thiện nghiệp của mình đã tạo đến thời kỳ cho quả có năng lực xui khiến mọi người đối xử tốt với mình, phục vụ tận tình như vậy. Nếu mình đã không từng tạo thiện nghiệp, thì chắc chắn không có nhân duyên nào xui khiến mọi người đối xử tốt với mình được.

Tất cả mọi quả an lạc đáng hài lòng, chắc chắn là do từ thiện nghiệp. Muốn được an lạc, thì chỉ nên cố gắng tạo mọi thiện nghiệp mà thôi.

2- Sắc giới thiện nghiệp.

Tác ý thiện đồng sanh với 5 bậc sắc giới thiện tâm, tạo nên 5 bậc saéc giới thiện nghiệp cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai, cho quả thời kỳ tái sanh 16 cõi trời sắc giới.

5 bậc sắc giới thiện tâm cho quả 5 bậc sắc giới quả tâm.

Thiền sắc giới có 5 bậc, bậc thiền thiện tâm nào cho quả theo bậc thiền quả tâm ấy, tương xứng với nhau:

Ðệ nhất thiền sắc giới thiện tâm cho quả đệ nhất thiền sắc giới quả tâm, tái sanh làm phạm thiên trong 3 cõi trời của đệ nhất thiền sắc giới.

Ðệ nhị thiền và đệ tam thiền sắc giới thiện tâm cho quả đệ nhị thiền, đệ tam thiền sắc giới quả tâm, tái sanh làm phạm thiên trong 3 cõi trời của đệ nhị thiền sắc giới.

Ðệ tứ thiền sắc giới thiện tâm cho quả đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, tái sanh làm phạm thiên trong 3 cõi trời của đệ tam thiền sắc giới.

Ðệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm cho quả đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm, tái sanh làm phạm thiên trong 7 cõi trời của đệ tứ thiền sắc giới.

Cõi trời sắc giới gồm có 16 cõi, tái sanh lên cõi nào tùy theo năng lực của bậc thiền sở đắc của mình, hưởng sự an lạc và tuổi thọ lâu dài trong cõi trời ấy.

Chư phạm thiên có thể thấy nghe, chiêm ngưỡng Ðức Phật và lắng nghe chánh pháp của Ngài (còn ngửi, nếm, xúc không phát sanh).

3- Vô sắc giới thiện nghiệp.

Tác ý thiện đồng sanh với 4 bậc vô sắc giới thiện tâm, tạo nên 4 bậc vô sắc giới thiện nghiệp, cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai, cho quả tái sanh trong 4 cõi trời vô sắc giới.

4 bậc vô sắc giới thiện tâm cho quả 4 bậc vô sắc giới quả tâm.

Thiền vô sắc giới có 4 bậc, bậc thiền thiện tâm nào cho quả theo bậc thiền quả tâm ấy.

Ðệ nhất thiền vô sắc thiện tâm gọi là Không vô biên xứ thiện tâm, cho quả Không vô biên xứ quả tâm, tái sanh làm phạm thiên trong cõi Không vô biên xứ thiên.

Ðệ nhị thiền vô sắc thiện tâm, gọi là Thức vô biên xứ thiện tâm, cho quả tái sanh Thức vô biên xứ quả tâm, tái sanh làm phạm thiên trong cõi Thức vô biên xứ thiên.

Ðệ tam thiền vô sắc thiện tâm, gọi là Vô sở hữu xứ thiện tâm cho quả Vô sở hữu xứ quả tâm, tái sanh làm phạm thiên trong cõi Vô sở hữu xứ thiên.

Ðệ tứ thiền vô sắc thiện tâm gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm, cho quả Phi tưởng phi phi tưởng xứ quả tâm, tái sanh làm phạm thiên trong cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên.

Cõi trời vô sắc giới có 4 cõi, tái sanh lên cõi nào tùy theo năng lực của bậc thiền sở đắc của mình, hưởng sự an lạc và tuổi thọ lâu dài trong cõi trời ấy.

4- Siêu tam giới thiện nghiệp.

Tác ý thiện đồng sanh với 4 hay 20 siêu tam giới thiện tâm, cho quả không có thời gian ngăn cách (akālika), đó là siêu tam giới quả tâm. Nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh Ðạo nào, liền chứng đắc Thánh Quả ấy ngay sau 1 sát na tâm.

4 siêu tam giới thiện tâm đó là 4 Thánh Ðạo Tâm.
4 siêu tam giới quả tâm đó là 4 Thánh Quả Tâm tương xứng với nhau:

4 Thánh Ðạo Tâm --> 4 Thánh Quả Tâm

1- Nhập Lưu Thánh Ðạo Tâm --> 1- Nhập Lưu Thánh Quả Tâm.
2- Nhất Lai Thánh Ðạo Tâm --> 2- Nhất Lai Thánh Quả Tâm.
3- Bất Lai Thánh Ðạo Tâm --> 3- Bất Lai Thánh Quả Tâm.
4- A-ra-hán Thánh Ðạo Tâm --> 4- A-ra-hán Thánh Quả Tâm.

Thiện Tâm

Thiện tâm có 4 loại:

Dục giới thiện tâm.
Sắc giới thiện tâm.
Vô sắc giới thiện tâm.
Siêu tam giới thiện tâm.

Trong 4 loại thiện tâm này, sắc giới thiện tâm, vô sắc giới thiện tâm siêu tam giới thiện tâm chắc chắn có đầy đủ tam thiện nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ).

Riêng dục giới thiện tâm8 tâm gọi là 8 đại thiện tâm chia 2 loại:

- 4 dục giới thiện tâm hợp với trí thì có đầy đủ tam thiện nhân: vô tham, vô sânvô si (trí tuệ).
- 4 dục giới thiện tâm không hợp với trí thì chỉ có nhị thiện nhân: vô tham vô sân (không có vô si = trí tuệ).

Do nguyên nhân nào dục giới thiện tâm có đủ tam nhân hoặc chỉ có nhị nhân?

Do tác ý thiện tâm (kusalacetanā) khi đang tạo thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, hoặc làm phước thiện bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ.... Khi đang tạo thiện nghiệp, phước thiện nào với thiện tâm hợp với trí tuệ, hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình (kammassakatañāṇa) hoặc trí tuệ thiền tuệ (vipassanāñāṇa), do đó, dục giới thiện tâm ấy có đủ tam nhân: vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ), thiện tâm này còn gọi là đại thiện tâm hợp với trí (mahākusalañāṇasampayuttacitta) có 4 tâm.

Tác ý thiện tâm khi đang tạo thiện nghiệp, phước thiện nào với thiện tâm không hợp với trí tuệ, không hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình, hoặc không có trí tuệ thiền tuệ, do đó, dục giới thiện tâm ấy chỉ có nhị nhân: vô tham vô sân (không có vô si). Thiện tâm này còn gọi là đại thiện tâm không hợp với trí (mahākusalañāṇavippayuttacitta) có 4 tâm.

Dục giới thiện tâm theo tác ý

Mọi thiện nghiệp, mọi phước thiện như bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ..ṭhường trải qua ba giai đoạn tác ý:

1- Pubba cetanā: tác ý trước khi tạo thiện nghiệp.
2- Muñca cetanā: tác ý đang khi tạo thiện nghiệp.
3- Apara cetanā: tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong.

Mỗi giai đoạn tác ý có một năng lực đặc biệt, đóng một vai trò quan trọng tạo nên thiện nghiệp và cho quả đặc biệt của thiện nghiệp ấy.

- Muñca cetanā: tác ý đang khi tạo thiện nghiệp đóng vai trò quan trọng để tạo nên thiện nghiệp trong thiện tâm có tam nhân hay thiện tâm có nhị nhân.

Nếu tác ý thiện tâm đang khi tạo thiện nghiệp, phước thiện nào như: bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ... với đại thiện tâm hợp với trí tuệ hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình, hoặc trí tuệ thiền tuệ, thì chắc chắn đại thiện tâm ấy có đủ tam nhân: vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ), gọi là đại thiện tâm hợp với trí hay gọi tam nhân thiện tâm.

Nếu tác ý thiện tâm đang khi tạo thiện nghiệp, phước thiện nào như bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ... với đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, không hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình, không có trí tuệ thiền tuệ, do đó, đại thiện tâm ấy chỉ có nhị nhân: vô tham và vô sân (không có vô si), gọi là đại thiện tâm không hợp với trí hay gọi nhị nhân thiện tâm.

Tam nhân thiện tâm và nhị nhân thiện tâm, mỗi loại thiện tâm có hai bậc:

1- Ukkaṭṭhakusala: thiện tâm bậc cao.
2- Omakakusala: thiện tâm bậc thấp.

1- Thiện tâm bậc cao như thế nào?

Mỗi khi tạo thiện nghiệp, phước thiện nào như bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ... với tác ý thiện tâm trước khi tạo thiện nghiệp, tác ý đang khi tạo thiện nghiệp và tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong, thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, do đó, thiện tâm này dầu là tam nhân thiện tâm hoặc nhị nhân thiện tâm gọi là thiện tâm bậc cao (ukkaṭṭhakusala).

2- Thiện tâm bậc thấp như thế nào?

Mỗi khi tạo thiện nghiệp, phước thiện nào như bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ... với tác ý thiện tâm trước khi tạo thiện nghiệp, đang khi tạo thiện nghiệp, sau khi đã tạo thiện nghiệp xong, với thiện tâm không trong sạch, bị ô nhiễm bởi phiền não, do đó, thiện tâm này dầu là tam nhân thiện tâm hoặc nhị nhân thiện tâm, gọi là thiện tâm bậc thấp (Omakakusala).

Phân loại thiện tâm theo bậc

Tam nhân thiện tâm và nhị nhân thiện tâm, mỗi thiện tâm có hai bậc.

Tam nhân thiện tâm bậc cao.
Tam nhân thiện tâm bậc thấp.

Nhị nhân thiện tâm bậc cao.
Nhị nhân thiện tâm bậc thấp.

- Do nguyên nhân chính nào mà phân loại thiện tâm bậc cao – bậc thấp?

Tác ý thiện tâm sau khi đã tạo thiện nghiệp xong là nguyên nhân chính, đóng vai trò quan trọng để phân loại thiện tâm bậc cao – thiện tâm bậc thấp. Bởi vì, tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong, đã hoàn thành xong thiện nghiệp trải qua thời gian lâu dài không hạn định, nên có nhiều năng lực hơn tác ý trước khi tạo thiện nghiệp và tác ý đang khi tạo thiện nghiệp. Như vậy, tác ý trước khi tạo thiện nghiệp, tác ý đang khi tạo thiện nghiệp, với đại thiện tâm không trong sạch, bị ô nhiễm bởi phiền não; nhưng tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong với đại thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não; do đó, thiện tâm ấy thuộc loại thiện tâm bậc cao.

Tác ý trước khi tạo thiện nghiệp, tác ý đang khi tạo thiện nghiệp với thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não; nhưng tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong với thiện tâm không trong sạch, bị ô nhiễm bởi phiền não; do đó thiện tâm ấy thuộc loại thiện tâm bậc thấp.

Quả của 4 loại thiện tâm

Tam nhân thiện tâm, nhị nhân thiện tâm có quả tâm khác biệt nhau. Và thiện tâm bậc cao – thiện tâm bậc thấp cũng có quả tâm khác biệt nhau như sau:

- Quả của tam nhân thiện tâm bậc cao cho quả hai thời kỳ:

Thời kỳ tái sanh (paṭisandhikāla):4 đại quả tâm hợp với trí tuệ, khi tái sanh làm người, là người có đủ tam nhân: vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ) gọi là hạng người tam nhân (tihetukapuggala: người có quả tâm tái sanh hợp đủ 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si) có trí tuệ sáng suốt, hạng người cao quý, hoặc tái sanh làm chư thiên có trí tuệ trong cõi trời dục giới, là hạng chư thiên cao quý, có nhiều oai lực.

Thời kỳ sau khi đã tái sanh (pavattikāla): có 8 đại quả tâm và 8 quả thiện vô nhân tâm, gồm có 16 quả tâm, thường tiếp xúc những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp đáng hài lòng, ít có đối tượng không đáng hài lòng.

- Quả của tam nhân thiện tâm bậc thấpnhị nhân thiện tâm bậc cao cho quả hai thời kỳ:

Thời kỳ tái sanh:4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, khi tái sanh làm người chỉ có nhị nhân: vô tham và vô sân (không có vô si) gọi là hạng người nhị nhân (dvihetukapuggala: người có quả tâm tái sanh hợp với 2 nhân: vô tham, vô sân) không có trí tuệ, hạng người trung bình; hoặc tái sanh làm chư thiên có nhị nhân, không có trí tuệ, trong cõi trời dục giới, không có nhiều oai lực.

Thời kỳ sau khi đã tái sanh: 4 đại quả tâm không hợp với trí và 8 quả thiện vô nhân tâm, gồm có 12 quả tâm, thường tiếp xúc những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trung bình, không đặc biệt.

- Quả của nhị nhân thiện tâm bậc thấp cho quả hai thời kỳ:

Thời kỳ tái sanh: 1 quả thiện vô nhân tâm gọi là suy xét tâm đồng sanh với xả, tái sanh làm hạng người vô nhân [*] (ahetukapuggala: người có quả tâm tái sanh không có nhân nào), là hạng người câm, điếc, đui mù, mất trí (điên) từ trong bụng mẹ, hoặc tái sanh làm chư thiên bậc thấp nhất (vinipātika asurā) trong cõi trời Tứ đại thiên vương, loại chư thiên không có oai lực, thường hay quấy nhiễu người kém phước đức.

[*] Hạng người vô nhân là người khi tái sanh bằng quả thiện vô nhân tâm, là tâm không có nhân (không có vô tham, vô sân, vô si).

Thời kỳ sau khi đã tái sanh: có 8 quả thiện vô nhân tâm thường tiếp xúc những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tầm thường nhất.

Tác Ý Sau Aparacetanā là Aparāparacetanā

Trong Chú giải còn khai triển aparacetanā: tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong, thêm một thời kỳ nữa gọi là aparāparacetanā: tác ý phát sanh sau tác ý aparacetanā.

Aparāparacetanā: là tác ý phát sanh sau tác ý aparacetanā (tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong) sau nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm... mỗi khi niệm tưởng đến phước thiện bố thí, phước thiện giữ giới, phước thiện tiến hành thiền định, phước thiện tiến hành thiền tuệ... mà mình đã từng tạo phước thiện ấy từ trước.

Mỗi khi niệm tưởng đến phước thiện ấy, tác ý phát sanh sau aparacetanā gọi là aparāparacetanā với thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não. Do đó, thiện tâm phát sanh sau sau ấy thuộc về thiện tâm bậc cao.

Mỗi khi niệm tưởng đến phước thiện ấy, tác ý phát sanh sau aparacetanā gọi là aparāparacetanā với thiện tâm không trong sạch, bị ô nhiễm bởi phiền não. Do đó, thiện tâm phát sanh sau sau ấy thuộc về thiện tâm bậc thấp.

Phân loại thiện tâm theo aparacetanā và aparāparacetanā

Aparācetanā: là tác ý phát sanh sau khi đã tạo thiện nghiệp xong.

Aparāparacetanā: là tác ý phát sanh sau aparacetanā.

Thiện tâm bậc cao hoặc thiện tâm bậc thấp tùy thuộc vào aparacetanā aparāparacetanā là chính.

Ðể dễ phân biệt 2 loại tác ý này, đặt tên rằng:

Aparacetanā: gọi tên là trước, chữ trước ám chỉ aparacetanā.
Aparāparacetanā:
gọi tên là sau, chữ sau ám chỉ aparāparacetanā.

Như vậy, phân loại thiện tâm theo aparācetanā aparāparacetanā có 8 loại thiện tâm như sau:

1- Tam nhân thiện tâm trước bậc cao – sau bậc cao.
2- Tam nhân thiện tâm trước bậc cao – sau bậc thấp.
3- Tam nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc cao.
4- Tam nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc thấp.
5- Nhị nhân thiện tâm trước bậc cao – sau bậc cao.
6- Nhị nhân thiện tâm trước bậc cao – sau bậc thấp.
7- Nhị nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc cao.
8- Nhị nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc thấp.

Giải thích

Tác ý đang khi tạo thiện nghiệp (muñcacetanā) với đại thiện tâm hợp với trí tuệ, gọi là tam nhân thiện tâm (tihetukakusala).

Tác ý đang khi tạo thiện nghiệp với đại thiện tâm không hợp với trí, gọi là nhị nhân thiện tâm (dvihetukakusala).

Tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong (apara-cetanā), với thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, và tác ý phát sanh sau sau gọi là aparāparacetanā cũng với thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não. Do đó, thiện tâm này gọi là thiện tâm trước bậc cao – sau bậc cao (ukkuṭṭhukkuṭṭhakusala).

Tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong (apara-cetanā) với thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não; nhưng tác ý phát sanh sau sau gọi là aparāparacetanā với thiện tâm không trong sạch, bị ô nhiễm bởi phiền não. Do đó, thiện tâm này gọi là thiện tâm trước bậc cao – sau bậc thấp (ukkuṭṭhomakakusala).

Tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong (apara-cetanā) với thiện tâm không trong sạch, bị ô nhiễm bởi phiền não, nhưng tác ý phát sanh sau sau gọi là aparāparacetanā với thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não. Do đó, thiện tâm này gọi là thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc cao (omakukkaṭṭhakusala).

Tác ý sau khi đã tạo thiện nghiệp xong (apara-cetanā) với thiện tâm không trong sạch, bị ô nhiễm bởi phiền não, và tác ý phát sanh sau sau gọi là aparāparacetanā với thiện tâm không trong sạch, bị ô nhiễm bởi phiền não. Do đó, thiện tâm này gọi là thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc thấp (omakomakakusala).

Quả của 8 loại thiện tâm

- Quả của:

Tam nhân thiện tâm trước bậc cao – sau bậc cao.
Tam nhân thiện tâm trước bậc cao – sau bậc thấp.

Cả hai loại thiện tâm này, xét về thiện tâm cho quả thời kỳ tái sanh thời kỳ sau khi tái sanh, giống như tam nhân thiện tâm bậc cao.

Xét về chúng sinh: người hoặc chư thiên về sắc thân hoặc tâm tiếp xúc những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì tam nhân thiện tâm trước bậc cao – sau cũng bậc cao có quả báu cao quý, vi tế đặc biệt hơn tam nhân thiện tâm trước bậc cao – sau bậc thấp.

- Quả của:

Tam nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc cao.
Tam nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc thấp.
Nhị nhân thiện tâm trước bậc cao – sau cũng bậc cao.
Nhị nhân thiện tâm trước bậc cao – sau bậc thấp.

Cả 4 loại thiện tâm này, xét về thiện tâm cho quả thời kỳ tái sanh thời kỳ sau khi tái sanh, giống như tam nhân thiện tâm bậc thấp nhị nhân thiện tâm bậc cao.

Xét về chúng sinh: người hay chư thiên về sắc thân tâm tiếp xúc những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì tam nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc cao; nhị nhân thiện tâm trước bậc cao – sau bậc cao, có quả báu đặc biệt hơn tam nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc thấp.

- Quả của:

Nhị nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc cao.
Nhị nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc thấp.

Cả hai loại thiện tâm này, xét về thiện tâm cho quả thời kỳ tái sanh thời kỳ sau khi tái sanh giống như nhị nhân thiện tâm bậc thấp .

Xét về chúng sinh: người hay chư thiên về sắc thân tâm tiếp xúc những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì nhị nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc cao có giá trị quả báu đặc biệt hơn nhị nhân thiện tâm trước bậc thấp – sau bậc thấp không đáng kể.

Tóm lại, phân loại các bậc thiện tâm này do năng lực của tác ý (cetanā) tạo thiện nghiệp. Cho nên, tác ý đóng vai trò hệ trọng tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, rồi phân loại các thiện tâm và quả của thiện tâm ấy do năng lực của nghiệp. Ngoài nghiệp ra, không có một Ðấng Toàn Quyền, Toàn Năng nào thưởng hoặc phạt chúng sinh; nếu thật có Ðấng Toàn Quyền, Toàn Năng ấy, đó chính là nghiệp của chính mình đã tạo, không có một ai khác.

Ðức Phật dạy về nghiệp trong bài Kinh Quán Tưởng rằng:

"Kammassako’mhi kammadāyādo kamma-yoni kammabandhu kammapaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi".

[Bộ Aṅguttaranikāya, phần Dasakanipāta, kinh Pabbajita-abhinhasutta]

"Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sanh ta ra, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta, ta tạo nghiệp nào: là thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp ấy".

Tất cả của cải trong đời đều là của chung, người nào có phước thì người ấy tạm thời làm chủ, duy chỉ có nghiệp (thiện nghiệp, ác nghiệp) mới thật là của riêng mình mà thôi. Cho nên, mỗi người phải hết sức thận trọng chọn lựa cho mình mọi thiện nghiệp và hết sức thận trọng tránh xa mọi ác nghiệp, bởi vì, chỉ có nghiệp mới thật của riêng mình mà thôi.

Nên có đức tin rằng:

Thiện nghiệp cho quả an lạc.
Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả khổ.

Nên hiểu rõ rằng trong đời sống hằng ngày của mỗi chúng sinh nói chung, mỗi người nói riêng phải biết gìn giữ thân, khẩu, ý cho được trong sạch, không để phiền não làm ô nhiễm.

Nên biết rằng mỗi khi hành động bằng thân, hoặc nói bằng khẩu hoặc nghĩ bằng ý, với tác ý thiện, thì tạo nên thiện nghiệp; với tác ý bất thiện, thì tạo nên bất thiện nghiệp hoặc ác nghiệp.

Thiện nghiệp sanh trong thiện tâm, bất thiện nghiệp hoặc ác nghiệp sanh trong bất thiện tâm hoặc ác tâm. Khi thiện tâm phát sanh thì ác tâm không sanh; khi ác tâm phát sanh thì thiện tâm không sanh, chỉ trừ khi nằm ngủ say không có mộng, khi ấy mới thật không có thiện tâm, cũng không có ác tâm, vì lúc ấy chỉ có quả tâm mà thôi; còn như nằm ngủ thấy mộng rõ ràng như thật, lộ trình tâm mộng ấy có thể là thiện tâm, hoặc bất thiện tâm (ác tâm), song tác ý thiện tâm hoặc bất thiện tâm trong khi mộng không có năng lực như tác ý lúc tỉnh ngủ. Cho nên, thiện tâm hay bất thiện tâm (ác tâm) trong lộ trình tâm mộng không có khả năng cho quả thời tái sanh, nếu có chỉ cho quả thời kỳ sau khi đã tái sanh rồi.

Vì vậy, mỗi khi chúng ta chủ động tạo nghiệp, thì nên cố gắng tạo thiện nghiệp, với thiện tâm hợp với trí tuệ, trong sạch hoàn toàn suốt 3 giai đoạn: trước khi tạo thiện nghiệp, đang khi tạo thiện nghiệp và sau khi đã tạo thiện nghiệp xong, không bị ô nhiễm bởi phiền não, để có được tam nhân thiện tâm bậc cao nhất, quả báu cao nhất.

Nhận Xét Về Nghiệp

Quả của nghiệp (kammaphala) là một trong bốn pháp "bất khả tư nghì" (acinteyya) không thể suy nghĩ, tư duy về quả này là do nghiệp nào, v.v.... Người Phật tử có đức tin chân chánh nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin rằng:

Thiện nghiệp cho quả an lạc. Bất thiện nghiệp hoặc ác nghiệp cho quả khổ.

Hay nói cách khác: Sự an lạc là quả của thiện nghiệp. Sự khổ não là quả của ác nghiệp.

Và có chánh kiến sơ đẳng gọi kammassakatā-sammādiṭṭhi: chánh kiến thấy đúng, hiểu đúng thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã tạo rồi là của riêng mình không liên quan đến người khác.

Thật vậy, mỗi chúng sinh có nghiệp riêng của mình; như khi tác ý thiện nghiệp, mỗi người đều khác nhau, cho nên, quả của nghiệp cũng khác nhau. Dù hai người sinh đôi, cùng giờ, cùng tháng, cùng năm, xét về thân thể có phần giống nhau, song xét về tâm tánh thì không giống nhau, do bởi mỗi người mỗi nghiệp.

- Xét về nghiệp là của riêng mình, không liên quan đến người khác, nghĩa là: người nào tạo thiện nghiệp nào, nếu thiện nghiệp ấy cho quả, người ấy hưởng được mọi sự an lạc trong cuộc đời với nhiều hình thức khác nhau, trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai lâu dài. Ngược lại, tạo ác nghiệp nào, nếu ác nghiệp ấy cho quả, người ấy phải chịu mọi sự khổ trong cuộc đời với nhiều hình thức khác nhau, trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai lâu dài.

- Xét về quả của nghiệp không chỉ riêng mình, mà còn ảnh hưởng đến người khác, chúng sinh khác, nghĩa là: người nào đang hưởng quả tốt của phước thiện bố thí do mình đã tạo, người ấy được giàu sang phú quý, có nhiều tiền, nhiều của, nhà cao, cửa rộng, có xe cộ... còn có chức trọng quyền cao... không chỉ riêng một mình người ấy hưởng được mọi tiện nghi, thân an lạc; mà còn nhiều người thân trong gia đình, bà con thân bằng quyến thuộc, bạn bè, thậm chí đến những người khác, chúng sinh khác cũng hưởng được mọi tiện nghi, thân an lạc trong cuộc đời của họ.

Ngược lại, người nào đang chịu quả xấu của ác nghiệp do mình đã tạo, người ấy đang chịu mọi cảnh khổ, bịnh hoạn ốm đau, những căn bệnh nan y, bại liệt..., những tội lỗi, cảnh tù đày... không chỉ riêng một mình người ấy chịu khổ, mà còn liên luỵ đến những người thân trong gia đình phải chịu khổ nữa.

Tất cả mọi chúng sinh trong ba giới [dục giới, sắc giới, vô sắc giới] gồm có 31 cõi, có 4 loài chúng sinh [thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hoá sinh]:

Những chúng sinh gọi là chư thiên cõi dục giới, phạm thiên cõi sắc giới và cõi vô sắc giới, chỉ có thiện nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, những chư thiên hưởng quả an lạc của phước thiện mà mình đã tạo, phạm thiên hưởng quả an lạc của bậc thiền sở đắc của mình.

Những chúng sinh cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ chỉ có ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ, những hạng chúng sinh ấy chịu quả khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.

Có một số loài súc sanh như: chó, mèo, ngựa, voi... dầu tái sanh do quả của ác nghiệp, song sống chung với loài người, có khi thiện nghiệp của chúng đã tạo từ kiếp trước cho quả, nên chúng hưởng được quả an lạc như: có vật thực đầy đủ, có chỗ ở đàng hoàng,... thậm chí còn có người săn sóc chúng.

Riêng về con người, khi thì thiện nghiệp cho quả an lạc, khi thì ác nghiệp cho quả khổ, tuỳ theo nghiệp nào có cơ hội cho quả.

Nghiệp nào cho quả, đó là điều không sao biết trước được, chúng ta chỉ biết quả an lạc, và quả khổ hiện hữu trong cuộc đời của mỗi người khác nhau như:

- Có số người thời ấu niên được hưởng sự an lạc, đến thời trung niên và lão niên chịu khổ cực.

- Có số người thời ấu niên và thời trung niên được hưởng sự an lạc, đến thời lão niên chịu khổ cực.

- Có số người thời ấu niên, thời trung niên và thời lão niên đều được hưởng sự an lạc.

- Có số người thời ấu niên chịu khổ cực, đến thời trung niên và lão niên được hưởng sự an lạc.

- Có số người thời ấu niên và thời trung niên chịu khổ cực, đến thời lão niên mới được hưởng sự an lạc.

- Có số người thời ấu niên, thời trung niên và thời lão niên đều chịu khổ cực.

- Có số người trong cuộc sống khi thì khổ cực, khi thì an lạc...; khi thì giàu có, khi thì nghèo khổ v.v....

Tất cả mọi trường hợp như trên đều do nghiệp và quả của nghiệp, hoàn toàn không phải số phận, hay định mệnh nào an bài cả. Sự thật, chỉ do nghiệp: thiện nghiệp, ác nghiệp mà chính mình đã tạo trong kiếp hiện tại, hoặc từ nhiều kiếp quá khứ, nay đến lúc cho quả của nghiệp ấy.

Nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tốt lành, thì đem lại sự an lạc trong đời sống của mình.

Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả xấu, thì đem lại sự khổ cực trong đời sống của mình.

Ngoài nghiệp và quả của nghiệp ra, không có một ai có quyền năng ban thưởng cho mình được hưởng sự an lạc, hoặc hành phạt mình phải chịu khổ cực....

Người khác và môi trường bên ngoài cũng chính do năng lực của nghiệp tạo nên để thích nghi với sự cho quả của nghiệp ấy mà thôi.

Như vậy, công minh của nghiệp mà xét :

Sự thật, người khác đối xử tốt với mình, đó chính là do nhờ năng lực của thiện nghiệp của mình đang trong thời kỳ cho quả tốt, nên khiến cho họ có thái độ, đối xử tử tế, phục vụ tận tình... để làm cho mình được hưởng mọi sự an lạc.

Và người khác đối xử xấu với mình, đó cũng chính là do năng lực của ác nghiệp của mình đang trong thời kỳ cho quả xấu, nên khiến cho họ có thái độ đối xử tệ hại, tàn nhẫn... để làm cho mình phải chịu bao nhiêu nỗi khổ cực.

Quả Của Ác Nghiệp - Thiện Nghiệp

* Quả của ác nghiệp

Quả ác nghiệp của một người có thể ảnh hưởng làm khổ đến những người gần gũi thân cận.

Ví dụ:

Tích Ngài Ðại Ðức Losakatissa trong câu chuyện tiền thân Losakatissajātaka [Bộ Jātaka] được tóm lược như sau:

Kiếp hiện tại của Ngài Ðại Ðức Losakatissa là bậc Thánh A-ra-hán, mà suốt cuộc đời của Ngài kể từ khi đầu thai vào lòng mẹ, khi sanh ra đời, cho đến khi Ngài tịch diệt Niết Bàn, thường phải chịu đói khát, chỉ có một lần trước khi tịch diệt Niết Bàn, Ngài được Ðức Thầy Tế độ là Ngài Ðại Ðức Sāriputta đi khất thực về cho Ngài độ một lần ngon lành no đủ, nhưng không phải là món vật thực, mà là một món thuốc gọi là Catumadhura [Món Catumadhura là một món thuốc làm bằng 4 chất: bơ lỏng + mật ong + dầu mè + đường thốt nốt, được Ðức Phật cho phép Sa di, Tỳ khưu có bệnh dùng thời gian sau ngọ (quá 12 giờ trưa)] phát sanh do năng lực phước thiện của Ngài Ðại Ðức Sāriputta. Sau khi độ xong, Ngài tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

Vậy, do quả của ác nghiệp nào, khiến cho Ngài phải chịu đói khát như thế?

Tiền kiếp của Ngài Losakatissa trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa, Ngài là một vị Tỳ khưu chủ chùa. Một hôm, có một vị Tăng khách là bậc Thánh A-ra-hán đến vùng ấy, người thí chủ hộ độ ngôi chùa nhìn thấy vị Tăng khách, phát sanh đức tin trong sạch nơi vị Tăng khách, để bát cúng dường vật thực xong thỉnh vị Tăng khách đến nghỉ tại ngôi chùa. Vị Tỳ khưu chủ chùa tiếp đón có vẻ không hài lòng với vị Tăng khách. Chiều hôm ấy, người thí chủ hộ độ chùa đến thăm vị khách Tăng, kính thỉnh Ngài cùng với vị Tỳ khưu chủ chùa hôm sau đến tư gia để cúng dường vật thực.

Vị Tỳ khưu chủ chùa phát sanh lòng ganh tị, nên sáng hôm sau, làm bộ dùng ngón tay đánh chuông, gõ cửa, rồi một mình đến nhà người thí chủ. Người thí chủ hỏi về vị Tăng khách, vị Tỳ khưu chủ chùa nói xấu vị Tăng khách đủ điều. Người thí chủ vốn có đức tin trong sạch nơi vị Tăng khách, nên sau khi cúng dường vật thực ngon lành đến vị Tỳ khưu chủ chùa xong, để trong bát một phần gởi về cúng dường vị Tăng khách. Trên đường đi về chùa, vị Tỳ khưu chủ chùa nghĩ rằng: "Nếu đem vật thực ngon lành này về cho vị khách Tăng ấy, thì dầu lôi y ra khỏi chùa, y cũng không chịu đi; tốt hơn, ta nên đổ bỏ bát vật thực này". Vị Tỳ khưu chủ chùa đã thực hiện ý định ấy, khi về đến chùa, không nhìn thấy vị khách Tăng nữa, vị Tỳ khưu chủ chùa hối hận việc làm tội lỗi của mình. Sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh sa đoạ vào cõi địa ngục, khi mãn nghiệp cõi địa ngục, do năng lực ác nghiệp còn dư sót, tái sanh làm dạ xoa, làm chó..., dầu được tái sanh làm người cũng trong gia đình nghèo khổ cùng cực.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của vị Tỳ khưu chủ chùa, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người trong xóm 1.000 gia đình dân chài, nhưng ác nghiệp tiền kiếp của Ngài cho quả khiến 1.000 gia đình dân chài chịu cảnh đói khổ. Ông trưởng xóm dân chài đoán biết có người Kālakaṇṇī: người xúi quẩy [người xúi quẩy: người có ác nghiệp của mình cho quả, làm ảnh hưởng xấu đến người khác] trong xóm mình, nên ông chia dân trong xóm ra làm hai nhóm. Nhóm 500 gia đình có người mẹ mang thai Ngài chịu cảnh đói khổ, còn nhóm 500 gia đình kia vẫn làm ăn bình thường. Từ đó, nhóm 500 gia đình có người mẹ mang thai Ngài chia ra làm 2, mỗi nhóm 250 gia đình, và cứ thế chia làm 2, làm 2.... Cuối cùng còn 2 gia đình, lại chia làm 2 nữa, như vậy, chỉ có gia đình có người mẹ mang thai Ngài đói khổ cho đến khi đủ tháng, người mẹ sanh Ngài ra. Cha mẹ của Ngài vất vả khổ cực lắm mới nuôi Ngài lớn lên 7 tuổi. Một hôm, người mẹ dẫn Ngài đi xin ăn, trao cho Ngài một cái bát đi xin, rồi người mẹ trốn đi, bỏ Ngài một mình bơ vơ đói khổ.

Khi ấy, Ngài Ðại Ðức Sāriputta nhìn thấy Ngài, phát sanh tâm bi mẫn đến cứu giúp Ngài, dẫn Ngài về cho làm lễ xuất gia Sa di. Về sau, đủ 20 tuổi làm lễ nâng lên bậc Tỳ khưu. Dầu Ngài là bậc xuất gia, nhưng mỗi khi đi khất thực thường được rất ít vật thực, nên thường chịu cảnh đói khổ. Song Ngài tinh tấn tiến hành thiền tuệ chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, do nhờ pháp hạnh ba la mật từ kiếp trước. Tuy vậy, suốt cuộc đời của Ngài từ khi đầu thai, sanh ra đời, cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn Ngài vẫn thường chịu cảnh đói khổ, bởi do quả của ác nghiệp ngăn cản vật thực của bậc Thánh A-ra-hán.

* Quả của thiện nghiệp

Quả thiện nghiệp của một người có ảnh hưởng tốt đến nhiều người gần gũi thân cận.

Ví dụ:

Tích Ngài Ðại Ðức Sīvali [Bộ Aṅguttaranikāya, phần Etadagga, bộ Theragāthā] :

Ngài Ðại Ðức Sīvali là con của công chúa Suppavāsā và hoàng tử Mahāli xứ Koliya.

Từ khi Ngài tái sanh vào lòng mẹ, mỗi ngày công chúa Suppavāsā thường được mọi người đem lễ vật đến dâng cho bà nhiều vô kể, những lợi lộc phát sanh đến cho bà và cho những người xung quanh.

Một trường hợp hi hữu chưa từng có, đó là mẹ của Ngài mang thai Ngài suốt 7 năm vẫn bình an như thường, mỗi ngày lợi lộc mỗi tăng trưởng cho bà và những người xung quanh. Nhưng bước sang 7 ngày kế tiếp, bà cảm thấy đau khổ cùng cực bởi thai nhi.

Công chúa Suppavāsā vốn là người cận sự nữ có đức tin nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, vì thế bà nghĩ rằng: "trước khi chết muốn làm phước thiện bố thí đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng", bà thưa ý muốn ấy với phu quân.

Hoàng tử Mahāli đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, kính thỉnh Ðức Thế Tôn cùng chư Ðại Ðức Tăng làm phước thiện bố thí theo nguyện vọng của phu nhân.

Ðức Thế Tôn thấy rõ biết rõ quả ác nghiệp của thai nhi và người mẹ đã mãn, Ngài chúc an lành đến công chúa và thai nhi rằng:

- Chúc công chúa Suppavāsā xứ Koliya được an lành, hạ sanh hài nhi được dễ dàng, an toàn.

Ðức Thế Tôn chúc lành xong, tại cung điện, công chúa Suppavāsā hạ sanh công tử dễ dàng, như nước trong bình đổ ra, trước khi hoàng tử Mahāli về đến.

Nhìn thấy công tử mặt mày khôi ngô tuấn tú, do quả phước thiện đầy đủ của Ngài, bà cảm thấy vô cùng vui mừng, sung sướng.

Sự ra đời của Ngài làm cho hoàng tộc cũng như dân chúng trong xứ Koliya dập tắt ngay sự nóng lòng lo sợ cho sanh mạng công chúa Suppavāsā và công tử, đem lại sự mát mẻ an lạc cho tất cả mọi người nên đặt tên Ngài là Sīvali: mát mẻ an lạc.

Công chúa Suppavāsā cho người đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bắt đầu từ hôm sau kính thỉnh Ðức Thế Tôn cùng 500 chư Ðại Ðức Tăng làm phước hạnh phúc an lành sanh con suốt 7 ngày.

Công tử Sīvali sanh ra mau lớn lạ thường, biết đi, đứng, ngồi, nằm, biết ăn uống, nói chuyện; đặc biệt có trí tuệ hiểu biết thật phi thường.

Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng ngự đến cung điện của công chúa Suppavāsā và hoàng tử Mahāli trai Tăng suốt 7 ngày. Ðến ngày thứ 7, Ðức Thế Tôn truyền dạy Ngài Ðại Ðức Sāriputta thuyết pháp.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta thuyết pháp nói về sự khổ sanh sự tái sanh là khổ. Công tử Sīvali lắng nghe và thấu hiểu nỗi khổ sanh một cách sâu sắc, mà chính công tử đã phải chịu khổ trong bụng mẹ suốt bảy năm lẻ bảy ngày.

Khi ấy, Ngài Ðại Ðức Sāriputta bèn hỏi công tử Sīvali rằng:

- Này con, nằm trong bụng mẹ lâu đến 7 năm lẻ 7 ngày, con cảm thấy khổ nhiều có phải không?

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, dạ, phải! Con cảm thấy khổ nhiều lắm!

- Như vậy, con có muốn xuất gia giải thoát khổ không?

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, nếu cha mẹ con cho phép, thì con sẽ xuất gia.

Nghe thấy con mình đang nói chuyện với Ngài Ðại Ðức Sāriputta, công chúa Suppavāsā vô cùng hoan hỉ. Bà và hoàng tử Mahāli cho phép công tử Sīvali xuất gia, xin Ngài Ðại Ðức Sāriputta từ bi tế độ.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta dẫn công tử Sīvali về chùa, Ngài dạy đề mục thiền định căn bản niệm thể trược trong thân; tóc, lông, móng, răng, da, và dạy pháp hành thiền tuệ để giải thoát khổ tái sanh.

Sau khi thọ giáo lời dạy của thầy tế độ, Ngài Ðại Ðức Sāriputta, giới tử Sīvali được Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna bắt đầu cạo tóc, trong khi cạo tóc, giới tử Sīvali tiến hành thiền định căn bản, rồi tiến hành thiền tuệ, biết rõ khổ tái sanh của danh pháp sắc pháp, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả; tuần tự chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với Tứ tuệ phân tích, Lục thông... trong buổi lễ cạo tóc xong, rồi giới tử Sīvali làm lễ thọ Sa di.

Kể từ ngày Ðại Ðức Sīvali trở thành Sa di, hằng ngày không những các hàng cận sự nam, cận sự nữ đem 4 thứ vật dụng đến cúng dường cho Ngài cùng chư Ðại Ðức Tăng, mà còn chư thiên, Long vương... cũng đem những thứ vật dụng cúng dường nữa.

Từ đó về sau, những thứ vật dụng phát sanh đến chư Ðại Ðức Tăng càng ngày càng dồi dào sung túc, mà trước đây chưa từng có.

Ngài Ðại Ðức Sa di Sīvali tròn 20 tuổi, làm lễ nâng lên bậc Tỳ khưu, 4 thứ vật dụng lại càng phát sanh dồi dào đến chư Tỳ khưu Tăng. Hễ mỗi khi có đoàn chư Tăng đông đảo phải đi tế độ chúng sinh từ xứ này sang xứ khác, trên con đường dài đi qua những nơi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, hoặc không có; nhưng nếu có Ngài Ðại Ðức Sīvali đi cùng đoàn, thì 4 thứ vật dụng đầy đủ sung túc phát sanh đến chư Ðại Ðức Tăng; đều là do nhờ năng lực phước thiện của Ngài, khiến cho chư thiên hoá ra xóm làng, thị thành dân cư đông đúc cúng dường y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đầy đủ đến chư Ðại Ðức Tăng. Khi đoàn chư Ðại Ðức Tăng đi khỏi nơi ấy, thì xóm làng kia biến mất.

Một hôm, chư Tỳ khưu hội họp bàn về Ngài Ðại Ðức Sīvali có nhiều tài lộc đặc biệt, không chỉ phát sanh đến Ngài, mà còn đến cả chư Tỳ khưu Tăng dù nhiều bao nhiêu vị cũng vẫn đầy đủ sung túc. Thật là điều phi thường! Không những các hàng cận sự nam, cận sự nữ đem 4 thứ vật dụng đến cúng dường Ngài, mà còn có cả chư thiên, Long vương... cũng đem 4 thứ vật dụng đến cúng dường Ngài cùng tất cả chư Tỳ khưu Tăng nữa.

Chư Tỳ khưu đang bàn về tài lộc đặc biệt của Ngài Ðại Ðức Sīvali, khi ấy Ðức Thế Tôn vừa ngự đến, bèn hỏi:

- Các con đang bàn về chuyện gì vậy?

Chư Tỳ khưu bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng con đang bàn về quả phước thiện đặc biệt của Ðại Ðức Sīvali.

Nhân dịp ấy, Ðức Thế Tôn chủ trì buổi hội chư Tỳ khưu Tăng, tuyên dương Ngài Ðại Ðức Sīvali cho các hàng đệ tử biết rằng:

- Etadaggaṃ bhikkhave mama Sāvakānaṃ lābhīnaṃ yadidaṃ Sīvali.
[Bộ Aṅguttaranikāya, phần Etadagga]

Này chư Tỳ khưu, Sīvali là bậc Thánh đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai.

Ngài Ðại Ðức Sīvali là bậc Thánh đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng đệ tử của Ðức Phật Gotama, đó là kết quả thành tựu nguyện vọng của Ngài đã từng phát nguyện từ thời Ðức Phật Pudumuttara trong quá khứ.

Quá khứ, thời kỳ Ðức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, cách 100 ngàn đại kiếp trái đất của chúng ta, tiền thân của Ðại Ðức Sīvali là một người cận sự nam trong gia đình giàu có. Một hôm, đến chùa nghe Ðức Phật Padumuttara thuyết pháp, khi ấy, Ðức Phật Padumuttara tuyên dương một người đệ tử tên Sudassana là bậc Thánh đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng đệ tử của Ngài, người cận sự nam , tiền thân của Ðại Ðức Sīvali, nhìn thấy Ðại Ðức Sudassana, liền phát sanh thiện tâm trong sạch, có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật vị lai.

Ngay sau đó, người cận sự nam ấy đến hầu đảnh lễ, cung kính thỉnh Ðức Phật cùng 500 chư Tỳ khưu Tăng đến nhà để làm phước bố thí suốt 7 ngày. Ðức Phật Padumuttara làm thinh nhận lời.

Người cận sự nam ấy làm phước thiện bố thí những món vật thực ngon lành suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7, còn cúng dường tam y đến Ðức Phật cùng 500 vị Tỳ khưu Tăng, mỗi vị một bộ. Sau khi dâng tam y xong, ông đến hầu đảnh lễ Ðức Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, phước thiện bố thí mà con đã tạo suốt 7 ngày qua, con không cầu mong gì khác hơn là muốn trở thành bậc Thánh đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật vị lai, như ngôi vị cao quý của Ðại Ðức Sudassana bậc Thánh đại Thanh Văn của Ðức Thế Tôn bây giờ.

Ðức Phật Padumuttara dùng trí tuệ vị lai kiến minh thấy rõ nguyện vọng của vị thiện nam này sẽ thành tựu trong kiếp vị lai, nên thọ ký rằng:

- Này chư Tỳ khưu, kể từ kiếp trái đất này, trong vị lai sẽ trải qua 100 ngàn đại kiếp trái đất, đến kiếp trái đất Bhaddakappa, có Ðức Phật Gotama [*] xuất hiện trên thế gian, khi ấy, vị thiện nam này tái sanh làm người nam trong hoàng tộc, từ bỏ nhà xuất gia, sẽ trở thành bậc Thánh đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật Gotama, như Sudassana bậc Thánh đại Thanh Văn của Như Lai bây giờ.

[*] Từ Ðức Phật Padumuttara đến Ðức Phật Gotama trải qua 100 ngàn đại kiếp trái đất và trải qua 15 Ðức Phật xuất hiện trên thế gian.

Lắng nghe lời thọ ký của Ðức Phật Padumuttara, vị thiện nam vô cùng hoan hỉ tạo phước thiện bố thí 4 thứ vật dụng đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng đến trọn đời.

Trong vòng tử sanh luân hồi, do phước thiện cho quả được tái làm chư thiên trong các tầng trời, hoặc khi tái sanh làm người tâm thường hoan hỉ tạo phước thiện bố thí ít có người nào sánh được. Cho nên, kiếp nào cũng không hề bị sa đọa vào 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh).

Thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của vị thiện nam, do thiện nghiệp cho quả tái sanh vào lòng công chúa Suppavāsa xứ Koliya như ở đoạn đầu.

Thiện nghiệp, ác nghiệp là riêng của mình, còn quả của thiện nghiệp, ác nghiệp không chỉ riêng cho mình, mà còn có ảnh hưởng đến người khác, chúng sinh khác.

Do quả ác nghiệp nào khiến cho Ngài phải chịu nằm trong bụng mẹ chịu khổ suốt 7 năm lẻ 7 ngày?

Ðức Thế Tôn dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, Sīvali phải chịu khổ do quả ác nghiệp đã tạo trong kiếp quá khứ!

Trong thời quá khứ, tiền kiếp của Sīvali là Thái tử của Ðức vua trị vì kinh thành Barāṇasi, khi phụ vương băng hà, Thái tử lên ngôi vua. Lúc ấy, có Ðức vua láng giềng mưu toan kéo quân đến chiếm thành Barāṇasi, trên đường tiến quân, vị vua ấy lập doanh trại cho quân nghỉ đêm.

Ðức vua kinh thành Barāṇasi hay tin, bèn bàn tính với Hoàng thái hậu tìm cách ngăn cản quân xâm lược, rồi đem quân vây quanh doanh trại quân địch. Vây chặt các cửa doanh trại suốt 7 ngày đêm không cho một ai ra vào được.

Khi ấy, Ðức vua kinh thành Barāṇasi ngự đến nghe Ðức Phật Ðộc Giác thuyết giảng về thiện pháp, ác pháp; Ðức Phật Ðộc Giác khuyên dạy mọi người không nên tạo ác nghiệp, để tự làm khổ mình, khổ người; nên cố gắng tạo thiện nghiệp để đem lại sự an lạc cho mình, cho người.

Sau khi nghe pháp xong, Ðức vua hiểu rõ ác nghiệp, thiện nghiệp, nên liền truyền lệnh mở vòng vây doanh trại quân địch, thả cho vị vua nước láng giềng và quân lính trở về đất nước họ.

Ðức vua kinh thành Barāṇasi sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh đoạ vào địa ngục, chịu khổ suốt thời gian lâu dài. Nay kiếp hiện tại này, do thiện nghiệp cho quả tái sanh vào lòng công chúa Suppavāsā, là hậu thân của bà Hoàng thái hậu ở tiền kiếp đã đồng tình với vương nhi vây hảm doanh trại kẻ thù. Do quả của ác nghiệp quá khứ còn dư lại, nên khiến cho Ngài Ðại Ðức Sīvali và công chúa Suppavāsā cùng chịu khổ trong suốt 7 năm lẻ 7 ngày.

Ðức Phật dạy về nghiệp và quả của nghiệp bằng bài kệ rằng:

"Yādisaṃ vapate bījaṃ,
Tādisaṃ harate phalaṃ.

Kalyāṇakārī kalyāṇaṃ,
Pāpakārī ca pāpakaṃ".

[Bộ Samyuttanikāya, phần Sagāthavagga]

Người nào gieo hạt giống thế nào,
Người ấy gặt quả như thế ấy.

Người hành thiện, thì được quả thiện.
Người hành ác, thì được quả ác.

Tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng, ai ai cũng thích sự an lạc, chán ghét sự khổ; mà sự an lạc, sự khổ đó là quả (không phải nhân), nên không có quyền chọn lựa.

Nên biết rằng: sự an lạc là quả của thiện nghiệp, sự khổ là quả của ác nghiệp.

Như vậy, thiện nghiệp, ác nghiệp là nhân (không phải quả) nên có quyền chọn lựa.

Con người có quyền chủ động chọn lựa tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp; một khi đã tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp nào rồi, thiện nghiệp hoặc ác nghiệp đến thời kỳ, có cơ hội cho quả của chúng; con người hoàn toàn bị động phải chấp nhận, mà không có quyền phủ nhận, bởi vì chính mình là người thừa hưởng quả của nghiệp ấy.

Như vậy:

- Thích sự an lạc (thích hưởng quả) thì phải biết thích tạo mọi thiện nghiệp (gieo nhân).

- Chán ghét sự khổ (không thích quả) thì phải biết chán ghét, không tạo mọi ác nghiệp (không gieo nhân).

Bởi vì, sự công minh của nghiệp không thiên vị một ai cả, dầu là Ðức Phật hoặc chư bậc Thánh A-ra-hán.

Theo quan niệm Phật giáo "còn nghiệp thì còn tái sanh luân hồi" không hoàn toàn đúng; bởi vì, bậc Thánh A-ra-hán vẫn còn nghiệp cũ, nhưng sau khi tịch diệt Niết Bàn (chết) không còn tái sanh kiếp nào khác nữa.

Nên hiểu đúng là: "còn phiền não tham ái, thì còn tái sanh luân hồi". Cho nên, bậc Thánh A-ra-hán đã diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót, đến khi Ngài hết tuổi thọ, đồng thời cũng là lúc tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới; mặc dầu nghiệp cũ của Ngài vẫn còn, nhưng tất cả nghiệp ấy đều trở thành vô hiệu quả (ahosikamma).

Tất cả mọi thiện nghiệp, mọi ác nghiệp không nhất thiết đều phải cho quả cả thảy. Thiện nghiệp nào, ác nghiệp nào có cơ hội, có năng lực, có đầy đủ nhân duyên, thì thiện nghiệp ấy, ác nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả. Còn thiện nghiệp, ác nghiệp nào không có đủ nhân duyên; thì thiện nghiệp, ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả.

Nhân duyên chính đó là tham ái. Bậc Thánh A-ra-hán đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tham ái, đến khi tịch diệt Niết bàn (chết), tham ái dẫn dắt tái sanh kiếp sau không còn nữa, nên chấm dứt khổ sanh là giải thoát mọi cảnh khổ già, khổ bệnh, khổ chết, mới có sự an lạc tuyệt đối, như Ðức Phật dạy:

"Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ".
"Niết bàn an lạc tuyệt đối".

Bố Thí – Bố Thí Ba La Mật

Bố thí là một hành động đem của cải tiền bạc, sự hiểu biết của mình... ban bố cho người khác, chúng sinh khác, với tâm tế độ để tạo phước thiện cho mình, để hưởng được quả báu tốt lành theo ý nguyện của mình.

Những thí chủ bố thí cầu mong được giàu sang phú quý, trở thành phú hộ, vua chúa, hoàng hậu ... hoặc cầu mong được tái sanh lên cõi trời dục giới, trở thành vua trời, hoàng hậu của vua trời, v.v...

Như vậy, sự bố thí ấy chỉ là phước thiện bố thí bình thường (không đặc biệt) cho quả báu an lạc trong cõi người, cõi trời dục giới mà thôi, vẫn còn phải chịu cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, vẫn chưa giải thoát khổ được.

Bố thí để trở thành bố thí ba la mật, người thí chủ cần phải có 2 điều kiện:

Sự bố thí ấy không làm nơi nương nhờ của tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna)tà kiến (diṭṭhi).

Sự bố thí ấy với tâm từ, tâm bi tế độ và có nguyện vọng mong đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, diệt khổ tái sanh, để giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

Với mục đích cứu cánh Niết Bàn ấy, một số vị có nguyện vọng trở thành Ðức Phật Toàn Giác, để tế độ chúng sinh cùng chứng ngộ Niết Bàn. Một số vị có nguyện vọng trở thành Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác....

Ðể trở thành Ðức Phật Toàn Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc Thánh Thanh Văn Giác bậc nào, trước tiên đều cần phải tạo 10 pháp hạnh ba la mật làm nền tảng để chứng đạt đến sở nguyện của mình.

10 pháp hạng ba la mật là:

1- Bố thí ba la mật (dāna pāramī).
2- Giữ giới ba la mật (sīla pāramī).
3- Xuất gia ba la mật (nekkhamma pāramī).
4- Trí tuệ ba la mật (paññā pāramī).
5- Tinh tấn ba la mật (vīriya pāramī).
6- Nhẫn nại ba la mật (khanti pāramī).
7- Chân thật ba la mật (sacca pāramī).
8- Chí nguyện ba la mật (adhiṭṭhāna pāramī).
9- Tâm từ ba la mật (mettā pāramī).
10- Tâm xả ba la mật (upekkhā pāramī).

Trong khi đang tạo, đang bồi bổ hạnh ba la mật để cho đầy đủ, đều gọi là Ðức Bồ Tát (Bodhisatta).

Ðối với Ðức Bồ Tát Toàn Giác (Sammā Sambodhisatta), ví như những tiền kiếp của Ðức Phật Gotama của chúng ta, còn là Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt hơn đức tintinh tấn. Ngài phát nguyện mong trở thành Ðức Phật Toàn Giác trong tâm suốt 7 a tăng kỳ và phát nguyện ra bằng lời nói để cho mọi chúng sinh nghe biết suốt 9 a tăng kỳ. Trong hai thời kỳ này, Ðức Bồ Tát vẫn còn là Ðức Bồ Tát bất định (aniyatabodhisatta).

Ðến thời kỳ được Ðức Phật thọ ký, Ngài là Ðức Bồ Tát Sumedha đến hầu Ðức Phật Dīpankara tạo duyên lành, Ðức Phật Dīpankara dùng Phật nhãn thấy rõ, biết rõ Ngài có nguyện vọng trở thành Ðức Phật Toàn Giác, nên Ngài thọ ký rằng:

"Vị đạo sĩ Sumedha này trong thời vị lai, còn 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp nữa sẽ trở thành Ðức Phật Toàn Giác có danh hiệu Ðức Phật Gotama".

Sau khi được thọ ký, Ngài trở thành Ðức Bồ Tát cố định (niyatabodhisatta) tiếp tục bồi bổ 10 hạnh ba la mật bậc thường, 10 hành ba la mật bậc trung và 10 hạnh ba la mật bậc thượng, cho đầy đủ 30 hạnh ba la mật để trở thành Ðức Phật Toàn Giác.

Như vậy, để trở thành Ðức Phật Toàn Giác, Ðức Bồ Tát Toàn Giác cần phải tạo 30 hạnh ba la mật từ khi phát nguyện trong tâm suốt 7 a tăng kỳ, phát nguyện ra bằng lời nói suốt 9 a tăng kỳ và thời gian sau khi Ðức Bồ Tát đã được Ðức Phật thọ ký rồi, còn phải cố gắng tinh tấn bồi bổ thêm 30 pháp hạnh ba la mật suốt 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa. Ðó là thời gian đối với Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt hơn đức tin và tinh tấn.

Còn đối với Ðức Bồ Tát có đức tin ưu việt hơn trí tuệ và tinh tấn, thì thời gian gấp đôi Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt. Nghĩa là Ðức Bồ Tát có đức tin ưu việt cần phải tạo 30 hạnh ba la mật phát nguyện trong tâm suốt 14 a tăng kỳ; phát nguyện ra bằng lời nói suốt 18 a tăng kỳ và sau khi đã được Ðức Phật thọ ký rồi cần phải bồi bổ thêm 30 hạnh ba la mật suốt 8 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành Ðức Phật Toàn Giác.

Ðối với Ðức Bồ Tát có tinh tấn ưu việt hơn trí tuệ và đức tin, thì thời gian gấp đôi Ðức Bồ Tát có đức tin ưu việt. Nghĩa là Ðức Bồ Tát có tinh tấn ưu việt cần phải tạo 30 hạnh ba la mật phát nguyện trong tâm 28 a tăng kỳ; phát nguyện ra bằng lời nói suốt 36 a tăng kỳ và sau khi đã được Ðức Phật thọ ký rồi, cần phải bồi bổ thêm 30 hạnh ba la mật suốt 16 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành Ðức Phật Toàn Giác.

Ðối với Ðức Bồ Tát Ðộc Giác (Pacceka Bodhi-satta) có trí tuệ ưu việt hơn đức tin và tinh tấn, cần phải tạo 20 hạnh ba la mật (10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hành ba la mật bậc trung) suốt 2 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành Ðức Phật Ðộc Giác.

Ðối với Ðức Bồ Tát tối thượng Thanh Văn (Aggasāvakabodhisatta) có trí tuệ ưu việt, cần phải tạo 10 hạnh ba la mật suốt 1 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kieáp trái đất, để trở thành bậc Thánh tối thượng Thanh Văn.

Ðối với Ðức Bồ Tát đại Thanh Văn (Mahā-sāvakabodhisatta) có trí tuệ ưu việt, cần phải tạo 10 hạnh ba la mật suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành bậc Thánh đại Thanh Văn.

Ðối với Ðức Bồ Tát Thanh Văn hạng thường (Pakaṭisāvakabodhasatta) có trí tuệ ưu việt, cần phải tạo 10 hạnh ba la mật dưới 100 ngàn đại kiếp trái đất, để trở thành bậc Thánh nhân hạng thường, v.v....

Trong 10 pháp hành ba la mật, bố thí ba la mật làm nền tảng hỗ trợ cho các pháp hạnh ba la mật khác. Các pháp hạnh khác được phát triển tốt đều nương nhờ vào bố thí ba la mật.

1- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho bố thí ba la mật như thế nào?

Có số người đã từng tạo pháp hạnh bố thí ba la mật trong những tiền kiếp, kiếp hiện tại được tái sanh trong gia đình giàu sang phú quý, có nhiều của cải, trong dòng dõi cao quý, được phần đông, nhiều người kính trọng.

Số người ấy vốn có bản tánh hoan hỉ trong hạnh bố thí ba la mật từ tiền kiếp, nay kiếp hiện tại này, bản tính hoan hỉ trong hạnh bố thí ba la mật ấy không mất đi, mà lại càng tăng trưởng.

Ví dụ:

Tích Ðức Bồ Tát Vessantara tiền thân Ðức Phật Gotama của chúng ta, khi Ngài đầu thai vào lòng chánh cung hoàng hậu Phussatī (hoàng hậu của đức vua Sivi trị vì xứ Sivi); đúng 10 tháng Ngài mới sanh ra đời, vừa mới mở mắt Ngài đưa bàn tay và nói câu đầu tiên với Hoàng hậu rằng:

"Amma! Dānaṃ dassāmi, atthi kiñci te dhanaṃ".

"Mẫu hậu ơi! Của cải mẹ có những gì, cho con, con sẽ bố thí".

Trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh, phần thân (sắc uẩn) thì thay đổi mỗi kiếp, song phần tâm (4 danh uẩn: thọ, tưởng, hành, thức) thì vẫn còn nguyện vẹn bản tánh cũ; tiền kiếp đã hoan hỉ trong hạnh bố thí, thì kiếp hiện tại cũng hoan hỉ trong việc bố thí ba la mật hơn nữa.

Cho nên, bố thí ba la mật hỗ trợ cho hạnh bố thí ba la mật là như vậy.

2- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho giữ giới ba la mật như thế nào?

Giữ giới là giữ cho thânkhẩu không phạm giới. Phạm giới hoặc không phạm giới do tác ý (cetanā) là chính.

Tác ý bất thiện tâm tạo ác nghiệp do thân và khẩu gọi là phạm giới.

Tác ý thiện tâm tránh xa mọi hành ác do thân: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; và tránh xa mọi lời nói ác do khẩu: không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích, gọi là giữ giới.

Tác ý thiện tâm tránh xa cách sống tà mạng do thân và khẩu hành ác; sống theo chánh mạng.

Như vậy, đối với người đã từng tạo hạnh bố thí ba la mật trong những kiếp quá khứ, kiếp hiện tại được giàu sang phú quý có nhiều của cải, đời sống đầy đủ sung túc, có điều kiện sống theo chánh mạng, hành theo chánh nghiệp và có chánh ngữ. Nhờ vậy, việc giữ giới ba la mật được thuận lợi hơn những người nghèo khổ, thiếu thốn, làm việc không đủ sống, bởi vì ít phước bố thí. Những người nghèo khổ cũng có thể giữ giới ba la mật được, nhưng không được thuận lợi như người giàu có.

Cho nên, bố thí ba la mật hỗ trợ cho hạnh giữ giới ba la mật được thành tựu dễ dàng.

Ví dụ:

Tích Long vương Saṅkhapāla (tiền thân của Ðức Phật Gotama) có nhiều oai lực, có thần thông, chán nản cảnh hưởng sự an lạc cõi Long cung, có nguyện vọng giữ bát giới trong những ngày giới hàng tháng, nên Long Vương xuất hiện lên cõi người để nguyện thọ trì bát giới cho được trong sạch và đầy đủ.

Long Vương phát nguyện 4 điều rằng:

Người nào cần đến da, thì lấy da.
Người nào cần đến thịt, thì lấy thịt.
Người nào cần đến gân, thì lấy gân.
Người nào cần đến xương, thì lấy xương.

Dầu phải hy sinh sanh mạng, ta quyết tâm giữ bát giới cho được trong sạch và đầy đủ.

3- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho xuất gia ba la mật như thế nào?

Có số người đã từng tạo bố thí ba la mật trong nhiều kiếp trong quá khứ, kiếp hiện tại được tái sanh trong gia đình giàu sang phú quý, có nhiều của cải, cuộc sống đầy đủ sung túc, đến khi lớn lên trở thành người chủ tài sản của ông bà, cha mẹ để lại. Họ tự suy nghĩ rằng: "Những của cải, tài sản này từ tổ tiên, ông bà tích lũy truyền lại cho cha mẹ, nay cha mẹ truyền lại cho ta. Những người thân yêu chết chẳng ai đem theo được một món của cải nào; về phần ta, đến khi chết cũng như vậy thôi, chẳng có sự lợi ích, an lạc nào đáng kể. Ðiều tốt hơn, ta nên từ bỏ mọi thứ của cải này, đi xuất gia hành phạm hạnh cao thượng".

Hoặc đối với số người trong cuộc sống đầy đủ, sung túc đi tìm đến những bậc Thiện trí, Bậc xuất gia lắng nghe chánh pháp, nhận thức được rằng: "đời sống người tại gia có nhiều phiền muộn, phát sanh nhiều phiền não khổ tâm. Tốt hơn, ta nên từ bỏ nhà, bỏ tất cả mọi thứ của cải đi xuất gia hành phạm hạnh cao thượng của bậc Thiện trí, mong giải thoát khỏi tử sanh luân hồi...".

Như vậy là nhờ bố thí ba la mật hỗ trợ cho hạnh xuất gia ba la mật.

Ví dụ:

Tích đức vua Cūḷasutasoma (Ðức Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama của chúng ta). Một hôm Ðức Vua truyền bảo người thợ hớt tóc rằng:

- Khi nào nhà ngươi nhìn thấy trên đầu của Trẫm có sợi tóc bạc, thì nhà ngươi báo cho Trẫm biết ngay.

Một thời gian sau, người thợ hớt tóc nhìn thấy trên đầu Ðức Vua có sợi tóc bạc, liền tâu:

- Tâu Hoàng Thượng, hạ thần nhìn thấy trên đầu Hoàng Thượng có sợi tóc bạc.

Ðức vua truyền lệnh nhổ sợi tóc bạc trình lên, Ðức Vua cầm sợi tóc bạc mà suy tư rằng: "sự già đã chế ngự thân ta rồi!".

Sáng hôm sau lâm triều, Ðức Vua cầm sợi tóc bạc ấy phán các quan văn võ, vương gia, giai cấp Bà la môn rằng:

- Ðây là sợi tóc bạc mọc trên đầu Trẫm, Trẫm đến tuổi già rồi, Trẫm truyền cho các ngươi rõ, bây giờ Trẫm đi xuất gia hành phạm hạnh.

Mặc dầu Thái Thượng Hoàng, Hoàng Thái Hậu, các quan trong triều, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa... khẩn cầu, năn nỉ Ðức Vua đừng đi xuất gia trở thành đạo sĩ, nhưng Ðức Vua quyết chí đi xuất gia hành phạm hạnh.

Ðức vua truyền dạy, tuổi thọ con người ngắn ngủi, dù ở lại sống không bao lâu nữa cũng phải chết, từ biệt mọi người, Ðức Vua khuyên dạy mọi người nên cố gắng tạo mọi thiện pháp, chớ nên dễ duôi, quên mình tạo ác pháp sau khi chết, sẽ bị sa vào trong cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh chịu khổ lâu dài do ác nghiệp của mình đã tạo.

Ðức vua Bồ Tát từ bỏ ngai vàng, cung điện đi vào rừng Himavana xuất gia trở thành đạo sĩ.

4- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho trí tuệ ba la mật như thế nào?

Có số người đã từng tạo bố thí ba la mật trong nhiều kiếp trong quá khứ, kiếp hiện tại được tái sanh trong gia đình giàu sang phú quý, có nhiều của cải, cuộc sống đầy đủ sung túc. Họ có điều kiện thuận lợi theo học pháp học, để phát sanh trí tuệ hiểu biết do học; và theo hành pháp hành, nhất là pháp hành thiền tuệ, để phát sanh trí tuệ thiền tuệ trong tam giới, thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp; và trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới đó là 4 Thánh Ðạo Tuệ và 4 Thánh Quả Tuệ, chứng ngộ Niết Bàn. Trí tuệ này là pháp hạnh trí tuệ ba la mật.

Như vậy, pháp hạnh bố thí ba la mật hỗ trợ cho pháp hạnh trí tuệ ba la mật.

Ví dụ:

Tích Ðức Bồ Tát Vidhūra, Ðức Bồ Tát Maho-satha, Ðức Bồ Tát Senaka... (tiền thân Ðức Phật Gotama của chúng ta), sanh trong gia đình giàu sang, quyền quý, được học hành có trí tuệ hơn người.

Còn số người nghèo khổ, cuộc sống thiếu thốn, cơ hội học theo pháp học và hành theo pháp hành để phát sanh trí tuệ không dễ dàng. Trong đời, có những đứa trẻ rất thông minh, song sanh trưởng trong gia đình nghèo khổ, nên không có cơ hội thuận lợi đi học như những đứa trẻ con nhà giàu có.

Vì vậy, pháp hành trí tuệ ba la mật được thuận lợi cần nương nhờ hạnh bố thí ba la mật.

5- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho tinh tấn ba la mật như thế nào?

Tinh tấn là tâm sở, khi đồng sanh với ác tâm thì tạo ác nghiệp do thân, khẩu ý; khi đồng sanh với thiện tâm thì tạo thiện nghiệp do thân, khẩu, ý.

Tinh tấn ba la mật đó là chánh tinh tấn (sammā-vāyāma), gồm 4 điều:

Tinh tấn diệt ác pháp đã sanh.
Tinh tấn ngăn không cho ác pháp phát sanh.
Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sanh.
Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sanh.

Tinh tấn tiến hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền và tinh tấn tiến hành thiền tuệ để chứng đắc 4 Thánh Ðạo Tuệ, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não tham ái, đó là tinh tấn ba la mật.

Có số người đã từng tạo bố thí ba la mật, kiếp hiện tại có nhiều của cải, cuộc sống đầy đủ sung túc, hỗ trợ cho hạnh tinh tấn ba la mật được thành tựu dễ dàng hơn người nghèo khổ, đời sống thiếu thốn, cần phải tinh tấn trong công việc làm ăn để nuôi mạng.

Tinh tấn ba la mật như Ðức Bồ Tát thái tử Janaka, tinh tấn bơi lội trong biển đại dương suốt 7 ngày đêm không ngừng nghỉ, làm động tâm chư thiên đến cứu thoát chết....

Tinh tấn ba la mật được thành tựu cần nương nhờ bố thí ba la mật làm nền tảng.

6- Bố thí ba la mật hỗ trợ nhẫn nại ba la mật như thế nào?

Pháp nhẫn nại là pháp chịu đựng mọi cảnh trái ý nghịch lòng một cách tự nhiên, không hề phát sanh tâm không hài lòng. Pháp nhẫn nại đó chính là vô sân tâm sở (adosacetasika) đồng sanh với đại thiện tâm.

Pháp nhẫn nại ở đây không phải là nhẫn nhục, vì nhẫn nhục thì bên trong tâm còn ấm ức, uất hận trong lòng; nhưng bên ngoài tỏ ra bình tĩnh, chưa biểu lộ ra bằng hành động, lời nói. Còn nhẫn nại, bên trong chỉ có thiện tâm phát sanh, bên ngoài thân và khẩu vẫn giữ được tánh tự nhiên; hành động và lời nói vẫn bình thường, không có gì thay đổi, đó là hạnh nhẫn nại ba la mật.

Có số người đã từng tạo bố thí ba la mật trong những kiếp quá khứ, kiếp hiện tại giàu sang quyền quý, cuộc sống đầy đủ sung túc, có điều kiện và cơ hội gần gũi thân cận với bậc Thiện trí, lắng nghe học hỏi chánh pháp của bậc Thiện trí, được hiểu rõ pháp nhẫn nại là một đức tính cao thượng mà chư Phật tán dương ca tụng, cho nên họ cố gắng thực hành hạnh nhẫn nại ba la mật để trở thành đức tính cao quý của họ. Vì vậy, mỗi khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng, họ vẫn giữ thiện tâm trong sạch tự nhiên, không hề phát sanh tâm không hài lòng (sân tâm) nơi đối tượng ấy, không tự làm khổ mình, không làm khổ người.

Vậy, bố thí ba la mật hỗ trợ cho hạnh nhẫn nại ba la mật.

Ví dụ:

Tích Ðức Bồ Tát Khantivadī (tiền thân của Ðức Phật Gotama) hành hạnh nhẫn nại ba la mật. Ðức vua Kalāpu tức giận Ðức Bồ Tát, truyền lệnh cho người hành quyết chặt hai chân, hai tay, hai lỗ tai, 2 lỗ mũi của Ðức Bồ Tát, Ngài hành nhẫn nại ba la mật nên sân tâm không phát sanh, dẫu thân của Ngài đau đớn đến cùng cực, Ngài phải viên tịch ngay ngày hôm ấy.

Còn đức vua Kalāpu đã tạo tội ác nặng, bị đất rút chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh vào địa ngục Avīci chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.

7- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho chân thật ba la mật như thế nào?

Trong đời này có hai pháp chân thật:

Chân thật bằng lời nói (sammutisacca).
Chân thật nghĩa pháp (paramatthasacca).

Thế nào là chân thật bằng lời nói?

Người đời chế định ra tiếng nói để thông tin, truyền đạt tư tưởng hiểu biết lẫn nhau; khi thấy, nghe biết thế nào, nói đúng sự thật như thế ấy, không cố ý nói sai, nói dối lừa gạt người khác, gọi là chân thật bằng lời nói.

Thế nào là chân thật nghĩa pháp?

Chân thật nghĩa pháp là pháp có thật tánh chân thật, thể bất biến, đó là 4 pháp: tâm, tâm sở, sắc pháp Niết Bàn. Phân ra làm hai loại:

* Chân thật theo thực tánh pháp (sabhāvasacca) có 3 pháp:

Thiện pháp cho quả an lạc.
Bất thiện pháp cho quả khổ.
Phi thiện, phi bất thiện pháp: là pháp không phải thiện cũng không phải bất thiện, đó là các pháp còn lại như: quả tâm, duy tác tâm, sắc pháp...

* Chân thật theo Tứ thánh đế:

Khổ thánh đế.
Tập thánh đế.
Diệt thánh đế.
Ðạo thánh đế.

Ðức Bồ Tát hành hạnh chân thật ba la mật là nói như thế nào, thì làm như thế ấy; làm như thế nào, thì nói như thế ấy; lời nói và việc làm lúc nào cũng chân thật, không nói dối, không làm dối.

Chân thật ba la mật là đã nói lời chân thật, rồi làm đúng theo lời chân thật ấy, không phải nói mà không làm đúng theo lời nói.

Pháp hạnh chân thật ba la mật được thành tựu dễ dàng, do nương nhờ bố thí ba la mật làm nền tảng.

Ví dụ:

Tích Ðức Bồ Tát Mahāsutasoma (tiền thân của Ðức Phật Gotama) thực hành hạnh chân thật ba la mật. Ðức Bồ Tát làm vua trị vì kinh thành Indapatta.

Một hôm đức vua Bồ Tát Mahāsutasoma đang làm lễ tắm tại hồ nước, thì kẻ sát nhân ăn thịt người tên Porisāda bắt Ngài để giết, lấy máu tế thần rồi ăn thịt Ngài.

Trước khi làm lễ tắm, Ngài có hứa với vị pháp sư Bà la môn rằng: khi hồi cung sẽ nghe pháp. Nay Ngài bị bắt, không giữ đúng lời hứa với vị pháp sư Bà la môn; muốn giữ đúng lời hứa, nên Ngài xin kẻ sát nhân Porisāda, cho phép Ngài trở về cung nghe pháp đúng theo lời đã hứa, rồi Ngài sẽ trở lại gặp kẻ sát nhân Porisāda. Tên sát nhân Porisāda ban đầu không tin nơi Ngài, nhưng nhìn thấy Ngài vẫn tự nhiên không tỏ ra một chút sợ hãi đến sự chết, với oai lực từ lời chân thật của Ngài, khiến tên sát nhân Porisāda tin theo, cho phép Ngài hồi cung.

Khi Ðức vua Bồ Tát hồi cung, thỉnh vị pháp sư lên ngồi trên ngai vàng thuyết pháp, còn Ðức Vua ngự ở dưới thấp, cung kính nghe pháp. Sau khi nghe pháp xong, giữ đúng lời hứa với kẻ sát nhân Porisāda, Ðức vua Bồ Tát trở lại tìm tên sát nhân. Kẻ sát nhân vô cùng kinh ngạc, không ngờ Ðức vua Bồ Tát giữ đúng lời hứa đến gặp y, để y giết lấy máu tế thần rồi ăn thịt.

Do oai lực hạnh chân thật ba la mật của Ðức Bồ Tát, kẻ sát nhân không dám giết Ngài, y kính xin Ngài thuyết lại bài pháp mà Ngài đã nghe từ vị pháp sư Bà la môn.

Ban đầu Ðức Bồ Tát không chịu thuyết, bởi vì kẻ sát nhân đang hành ác pháp của người ác; còn thiện pháp của bậc Thiện trí người ác không thể hiểu được.

Về sau kẻ sát nhân hồi tâm hướng thiện, thiết tha khẩn khoản, yêu cầu Ðức Bồ Tát thuyết pháp. Ngài nhận thấy kẻ sát nhân biết phục thiện, nên Ngài thuyết pháp tế độ kẻ sát nhân cải tà quy chánh, thọ trì ngũ giới. Từ đó về sau không giết người ăn thịt nữa, trở thành người thiện.

Ðức Bồ Tát thực hành hạnh chân thật ba la mật được thành tựu, nhờ hạnh bố thí ba la mật làm nền tảng.

8- Bố thí ba la mật hỗ trợ chí nguyện ba la mật như thế nào?

Chí nguyện ba la mật thường đi theo ba la mật khác.

Ví dụ:

Tích Ðức Bồ Tát Temiya, Thái tử của đức vua Kāsika, Ðức vua vô cùng yêu quý thái tử Temiya, chắc chắn sẽ truyền ngôi báu cho Thái tử. Một hôm Ðức Vua lâm triều, Thái tử nằm trên vế của Ðức vua, quân lính triều đình bắt được một nhóm trộm cướp đến trình Ðức vua, Ðức vua truyền lệnh hành phạt bọn cướp. Thái tử nằm trên vế nghe rõ lời truyền lệnh của phụ vương mình, tự nhiên cảm thấy sợ hãi, nghĩ rằng: "Phụ vương của ta đã tạo ác nghiệp, khó tránh khỏi khổ trong cảnh địa ngục".

Ðức Bồ Tát nằm ngủ thiếp đi một lát, khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên ngai vàng. Ngài nhớ lại tiền kiếp đã từng làm vua 20 năm, tạo ác nghiệp, nên sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh vào địa ngục chịu khổ suốt 80.000 năm. Ngài suy tư rằng: "Nếu sau này ta lớn lên nối ngôi vua, thì chắc chắn ta cũng sẽ sa vào địa ngục trở lại". Ðức Bồ Tát buồn lo, sợ hãi chưa biết làm thế nào để tránh khỏi làm vua.

Khi ấy có một thiên nữ kiếp trước đã từng làm mẹ Ðức Bồ Tát, khuyên dạy Ðức Bồ Tát rằng:

- Này Temiya con yêu quý! Con chớ nên buồn lo sợ hãi, nếu con không muốn làm vua, con nên thực hành theo điều mẹ khuyên dạy:

- Con không bại liệt, làm như người bại liệt.
- Con không câm, làm như người câm.
- Con không điếc, làm như người điếc.
- Con không nên biểu lộ cho người khác biết mình là người có trí tuệ hơn người.

Làm được như vậy, con chắn chắn tránh được làm vua.

Lắng nghe lời khuyên dạy của vị thiên nữ, Ðức Bồ Tát vô cùng hoan hỉ rồi phát nguyện theo những điều mà vị thiên nữ chỉ dạy, nghiêm chỉnh thực hành suốt 16 năm trường, không một ai có thể phát giác ra được. Cuối cùng các quan tâu lên Ðức Vua rằng:

Tâu Ðại Vương, nếu để Thái tử tiếp tục sống trong cung điện, thì sẽ có ba điều tại hại:

- Tai hại cho Ðại Vương.
- Tai hại cho Hoàng hậu.
- Tai hại cho ngai vàng, giang sơn đất nước.

Vậy kính xin Hoàng thượng lấy xe chở Thái tử đem chôn trong rừng sâu.

Ðức vua sợ những điều tại hại sẽ xảy ra, nên đành chuẩn tấu, truyền chỉ phán bảo quân lính trong triều đình chở Ðức Bồ Tát vào rừng để chôn.

Hôm ấy, Ðức Bồ Tát hành chí nguyện ba la mật đã thành tựu, suốt 16 năm không cử động, nay đến lúc Ðức Bồ Tát dùng tâm lực vận chuyển thân thể, bước xuống xe đi đi lại lại, đi đến chỗ những người lính đang đào huyệt. Ngài hỏi rằng:

- Các ngươi đào huyệt này để làm gì?

- Chúng tôi đào huyệt này để chôn Thái tử Temiya, là người bại liệt, câm, điếc, bất hạnh cho triều đình. – Bọn lính thưa.

- Này các ngươi, các người hãy xem, ta chính là Thái tử Temiya, ta không phải là người bại liệt, không phải người câm, điếc... sở dĩ ta có chí nguyện làm như người bại liệt, câm, điếc, là vì ta không muốn làm vua. Hôm nay ta sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ.

9- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho tâm từ ba la mật như thế nào?

Tâm từ ba la mật, là đại thiện tâm mong cầu tất cả chúng sinh an lạc không oan trái lẫn nhau, không khổ thân, không khổ tâm, mong cầu tất cả mọi chúng sinh tự mình giữ gìn thân tâm thường được an lạc.

Tâm từ đó là vô sân tâm sở (adosacetasika) đồng sanh trong đại thiện tâm.

Tâm từ khi biểu hiện ra nơi thân, thì thân hành động hợp với tâm từ như giúp đỡ, bố thí những vật cần thiết cho người ấy, chúng sinh ấy được an lạc.

Tâm từ khi biểu hiện nơi khẩu, thì miệng nói lời hợp với tâm từ, đem lại cho người nghe sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Khi tâm từ phát sanh trong tâm, thì làm cho tâm mình cảm thấy mát mẻ dễ chịu, rải tâm từ đến mọi người, mọi chúng sinh, cầu mong cho tất cả chúng sinh được thân tâm thường an lạc, làm cho người khác, chúng sinh khác cảm nhận được sự mát mẻ, an lạc, thích gần gũi thân cận, thương yêu kính mến nhau.

Như vậy, hạnh tâm từ ba la mật này cũng cần nương nhờ hạnh bố thí ba la mật làm nền tảng.

Ví dụ:

Tích Ðức Bồ Tát Suvaṇṇasāma (tiền thân của Ðức Phật Gotama) hành hạnh tâm từ ba la mật, khi Ngài ở trong rừng không những chư thiên khắp mọi nơi kính mến Ngài, mà còn các loài thú dữ cũng cảm mến Ngài. Khi Ngài đi vào rừng lấy nước, cả đàn thú rừng đủ loại đi theo Ngài, quyến luyến Ngài không muốn rời.

Trong gia đình, thân bằng quyến thuộc có tâm từ với nhau có phải không?

Trong gia đình, như vợ chồng thương yêu nhau, cha mẹ thương yêu con, anh em, chị em thương yêu nhau, ông bà yêu cháu...; trong dòng họ, những người bà con thân bằng quyến thuộc thương yêu nhau... tất cả mọi tình thương yêu ấy không phải tâm từ thật mà gọi là tâm từ giả. Bởi vì, đó là biểu hiện tình thương với tham tâm, không phải là thiện tâm. Ðể xác minh, thực nghiệm điều này, khi tình thương (tham) không được như ý, sẽ phát sanh không hài lòng, đó là sân tâm đối nghịch với tâm từ là vô sân tâm.

Tâm từ giả, đó là tình thương với tham tâm, khi tham muốn không được như ý, liền làm nhân để cho phát sanh sân tâm (quả).

Còn tâm từ thật đó là vô sân tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm, mong cầu mọi điều an lành đến tất cả chúng sinh không phân biệt thân hay thù, cho nên dù đối tượng thế nào đi nữa, tâm tham (hài lòng), hoặc tâm sân (không hài lòng) không phát sanh, đó là tâm từ thật.

10- Bố thí ba la mật hỗ trợ cho tâm xả ba la mật như thế nào?

Tâm xả ba la mật là thiện tâm nghĩ về tất cả chúng sinh một cách trung dung do suy nghĩ rằng:

- Mỗi chúng sinh có nghiệp là của riêng mình, cho nên, ta không thể làm cho chúng sinh được an lạc và cũng không thể làm cho chúng sinh khổ. Sở dĩ chúng sinh được an lạc là do quả của thiện nghiệp của họ đã tạo; và chúng sinh chịu cảnh khổ cũng là do quả của ác nghiệp họ đã tạo. Mỗi chúng sinh nương nhờ hoàn toàn nơi nghiệp của chính mình. Chúng sinh nào tạo thiện nghiệp, khi thiện nghiệp cho quả, thì hưởng được sự an lạc; chúng sinh nào tạo bất thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, khi ác nghiệp cho quả, thì phải chịu khổ não.

Như vậy, sự an lạc, hoặc khổ não là quả của nghiệp mà do chính họ đã tạo.

Do nhờ suy nghĩ như vậy, nên có tâm xả đối với tất cả chúng sinh. Gọi là hành hạnh tâm xả ba la mật.

Hạnh tâm xả ba la mật này là hạnh cuối cùng nương nhờ các hạnh ba la mật khác, mà các hạnh ba la mật khác nương nhờ hạnh bố thí ba la mật. Như vậy, hạnh tâm xả ba la mật gián tiếp nương nhờ hạnh bố thí ba la mật.

Ví dụ:

Tích Ðức Bồ Tát Mahālomahaṃsa sanh trong gia đình phú hộ. Khi trưởng thành Ngài chán ngán đời sống tại gia, từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo sĩ hành hạnh tâm xả ba la mật, là tâm trung dung đối với tất cả đối tượng tốt hoặc xấu.

Ðức Bồ Tát đến sống nơi nghĩa địa gom nhặt các bộ xương, lấy sọ người làm gối, lũ trẻ tinh nghịch ở trong xóm nhìn thấy Ngài, thường đến quấy rầy Ngài như nhổ nước miếng vào người Ngài, bỏ rác, thậm chí còn tiểu tiện, đại tiện gần nơi Ngài ở. Khi Ngài nằm, chúng lấy cây cỏ xoáy vào hai lỗ tai của Ngài, chúng chơi đùa thích thú la hét om sòm; còn đối với Ðức Bồ Tát vẫn an nhiên tự tại nhẫn nại, không hề sanh sân tâm, không hài lòng gì cả.

Những bậc Thiện trí nhìn thấy Ðức Bồ Tát hành hạnh cao thượng ít ai có thể sánh được, nên ngăn cấm lũ trẻ tinh nghịch kia, không được đến quấy rầy Ngài. Họ đem những vật thực, vật thơm đến cúng dường Ngài, nhưng Ngài vẫn an nhiên tự tại, không hề phát sanh tham tâm, hài lòng những vật cúng dường ấy, bởi vì Ngài hành hạnh tâm xả ba la mật.

Tóm lại, người nào có nguyện vọng muốn giải thoát khỏi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, để chứng đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, đều cần phải tạo ít nhất là đầy đủ 10 pháp hạnh ba la mật làm nhân duyên để chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả và Niết Bàn.

Nếu người nào mong cầu chứng đạt Niết Bàn mà không tạo đầy đủ 10 hạnh ba la mật, người ấy cũng chỉ có mong, mà không bao giờ chứng đạt Niết Bàn. Cũng như người nào muốn đến một nơi nào đó, mà không chịu đi, thì cũng chẳng bao giờ đến nơi ấy.

Trong 10 pháp hạnh ba la mật, hạnh bố thí ba la mật là hạnh ba la mật đầu tiên, làm nền tảng hỗ trợ cho các hạnh ba la mật khác được dễ dàng thành tựu.


ÐOẠN KẾT

Bố thí là một việc dễ làm, song bố thí để tạo được phước thiện không phải là việc dễ, mà được phước thiện vô lượng lại càng khó hơn. Bố thí là một hành động từ thiện, một nghĩa cử hào hiệp đáng tán dương ca tụng, xét về mặt hình thức. Bố thí để tạo phước thiện không chỉ hình thức, mà chính là nội tâm, còn vật thí chỉ là một nhân duyên để tạo nên phước thiện, không phải là phước thiện.

Vậy phước thiện là gì?

Phước thiện chính là thiện tâm. Trong thiện tâm (kusalacitta) hợp với nhiều tâm sở (cetasika), mỗi tâm sở có mỗi tính chất, trạng thái khác nhau, nhưng cùng chung một đối tượng với tâm.

Ðể tạo nên phước thiện bố thí, tác ý thiện tâm (kusalacetana) đóng vai trò chính, còn tất cả vật thí là nhân duyên phụ, cần phải nhờ đến người thọ thí, khi ấy mới thành tựu được phước thiện bố thí.

Bố thí mà không tạo được phước thiện, ngược lại tạo nên tội lỗi, trong những trường hợp như sau:

Thí chủ bố thí với tâm tham muốn cho người thọ thí thương yêu mình, nên bố thí những vật thí như: rượu, thuốc lá, thuốc phiện, ma túy, heroin, các chất say, v.v... những vật thí này làm cho người thọ thí phải phạm giới, mắc bệnh nghiện, phát sanh những chứng bệnh khó chữa trị... gây ra hậu quả tai hại cho người thọ thí trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai. Như vậy, sự bố thí với tâm tham muốn này không tạo được phước thiện, mà tạo nên tội lỗi thuộc về bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Người chủ tiệm lớn, nhìn thấy một người ăn mày ăn mặc bẩn thỉu đứng trước cửa tiệm, người chủ phát sanh tâm sân không hài lòng người ăn mày ấy, muốn xua đuổi y bằng cách đem tiền bạc, đồ vật bố thí để cho y đi nơi khác. Như vậy, sự bố thí với tâm sân này, không tạo được phước thiện, mà tạo nên tội lỗi thuộc về bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Bố thí để tạo nên phước thiện, cần phải có những điều kiện như sau:

Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trong việc bố thí để tế độ, giúp đỡ người, hoặc chúng sinh, với tâm từ hoặc tâm bi.

Vật thí là những vật hợp pháp, hợp luật đem lại sự lợi ích, an lạc cho người thọ thí, hoàn toàn không đem lại sự tác hại cho người thọ thí trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai.

Người thọ thí, nếu là người có giới đức trong sạch, có thiện pháp cao thượng, thì việc bố thí của thí chủ có được phước thiện vô lượng, có quả báu vô lượng trong kiếp hiện tại và vô lượng kiếp vị lai.

Nếu người thọ thí là người không có giới đức trong sạch, có ác pháp ô nhiễm, thì việc bố thí của thí chủ có được phước thiện không nhiều, có quả báu không nhiều trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai.

Tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng, có của cải đầy đủ, giàu sang phú quý... chắc chắn là do quả của phước thiện bố thí. Phước thiện bố thí cho quả báu trong kiếp sanh làm người được giàu sang phú quý, có nhiều của cải tài sản; cho quả báu trong kiếp hoá sanh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, có đầy đủ ngũ trần, hưởng sự an lạc tuyệt vời trong cõi trời ấy.

Dầu tái sanh làm súc sanh do ác nghiệp, song có một số loài súc sanh sống chung, gần gũi với con người, cũng hưởng được quả báu của phước thiện bố thí, như con chó, mèo, trâu, bò, ngựa, voi... được nuôi nấng chăm sóc tử tế, có chỗ ở đàng hoàng, có người săn sóc cẩn thận; thậm chí khi chúng mắc bệnh, có bác sĩ chữa trị.

Phước thiện bố thí có một năng lực đặc biệt là thí chủ có thể thành tâm hồi hướng phần phước thiện bố thí đến cho thân bằng quyến thuộc từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, đang sống trong cảnh đói khát, khổ cực, khi họ hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí của thân quyến hồi hướng đến cho họ, ngay khi ấy, họ được giải thoát khỏi kiếp sống khổ cực đói khát ấy, được tái sanh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, hưởng được mọi sự an lạc lâu dài trong cõi trời ấy.

Như vậy, phước thiện bố thí không những đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho riêng mình, mà còn cho tất cả chúng sinh khác hoan hỷ, cũng được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài nữa.

"Phước thiện bố thí" chỉ có con người trong cõi Nam thiện bộ châu (trái đất chúng ta đang sống) có nhiều cơ hội thuận lợi để tạo nên phước thiện bố thí. Ngoài ra, còn các châu khác [Tây ngưu hoá châu, Bắc câu lưu châu, Ðông thắng thần châu] và 30 cõi khác [10 cõi dục giới, 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới] không có cơ hội thuận lợi tạo nên phước thiện bố thí như:

- Con người trong 3 châu khác đang hưởng quả báu an lạc phước thiện của mình, nên không có cơ hội thuận lợi tạo phước thiện bố thí.

- Chúng sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) đang chịu quả khổ do ác nghiệp của mình, nên cũng không có cơ hội thuận lợi tạo phước thiện bố thí.

- Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới đang hưởng quả báu an lạc cõi trời do thiện nghiệp của mình đã tạo, nên cũng không có cơ hội thuận lợi tạo phước thiện bố thí. Chư thiên nào muốn tạo phước thiện bố thí, chư thiên ấy phải hiện xuống cõi người mới có cơ hội tạo phước thiện bố thí.

- Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới và 4 cõi trời vô sắc giới đang hưởng quả báu an lạc trong bậc thiền sở đắc của mình, nên cũng không có cơ hội thuận lợi tạo phước thiện bố thí.

Con người cõi Nam thiện bộ châu này, có tính chất đặc biệt hơn tất cả mọi chúng sinh trong các cõi khác về 2 cực: cực thiện và cực ác.

1- Cực thiện: Con người trong cõi Nam thiện bộ châu siêu việt hơn các chúng sinh khác, là có khả năng chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, Ðức Phật Ðộc Giác, bậc Thánh tối thượng Thanh Văn, bậc Thánh đại Thanh Văn thuộc về siêu tam giới pháp.

Và có khả năng trở thành Ðức Chuyển luân thánh vương, chứng đắc tất cả 5 bậc thiền sắc giới, 4 bậc thiền vô sắc giới, chứng đắc ngũ thông: thân túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông... thuộc về tam giới pháp.

2- Cực ác: Con người trong cõi Nam thiện bộ châu có thể tạo trọng ác nghiệp gọi là pañcānantariyakamma: ngũ vô gián ác nghiệp: là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm cho Ðức Phật bầm máu, chia rẽ Tỳ khưu Tăng. Trọng ác nghiệp này chắc chắn cho quả tái sanh vào đại địa ngục Avīci chịu quả khổ suốt 1 antarakappa so với thời gian cõi người.

[Antarakappa: là khoảng thời gian tuổi thọ con người sống lâu tột đỉnh a tăng kỳ năm (số 1 đứng đầu theo sau 140 số không (0) = 10**140), từ đó giảm dần giảm dần còn lại 10 năm, rồi từ 10 năm tăng dần tăng dần đến a tăng kỳ năm; trải qua 1 chu kỳ thời gian như vậy, gọi là antarakappa]

Con người cõi Nam thiện bộ châu có khả năng biết rõ nhânkhông phải nhân; biết rõ sự lợisự bất lợi; biết rõ thiện nghiệp bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Biết rõ nhân và không phải nhân: Tất cả các pháp phát sanh đều do từ nhân, con người trong cõi Nam thiện bộ châu có khả năng tìm hiểu, khám phá biết rõ pháp này phát sanh do từ nhân này, không phải nhân khác. Nhân nào thì quả ấy, quả luôn luôn phát sanh từ nhân của nó.

Biết rõ sự lợi và sự bất lợi: Con người trong cõi Nam thiện bộ châu có khả năng hiểu biết rõ sự lợi là quả của thân hành thiện, khẩu nói thiện, ý nghĩ thiện; và sự bất lợi là quả của thân hành ác, khẩu nói ác, ý nghĩ ác.

Biết rõ thiện nghiệp và bất thiện nghiệp: Nghiệp có 3 loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Theo thật tánh pháp của mỗi loại nghiệp phân chia làm 2 loại: thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Con người trong cõi Nam thiện bộ châu có khả năng biết rõ thiện nghiệp là tác ý thiện tâm hành thân thiện nghiệp: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; tác ý thiện tâm hành khẩu thiện nghiệp: không nói dối, không nói lời đâm thọc chia rẽ, không nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, không nói lời vô ích; tác ý thiện tâm hành ý thiện nghiệp: không tham lam, không thù hận, có chánh kiến... thuộc về thiện pháp. Có khả năng biết rõ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp, siêu tam giới thiện pháp.

Và có khả năng biết rõ bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là tác ý bất thiện hành thân ác nghiệp: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; tác ý bất thiện hành khẩu ác nghiệp: nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích; tác ý bất thiện hành ý ác nghiệp: tham lam, thù hận, tà kiến... thuộc về bất thiện pháp (ác pháp).

Chúng ta đã là con người trong cõi Nam thiện bộ châu, mọi cơ hội thuận lợi đang có đối với chúng ta, chúng ta nên biết chọn lấy cơ hội thuận lợi ấy để tạo nên mọi thiện pháp, để nâng đỡ chúng ta trở nên con người cao thượng. Thật vậy, chỉ có thiện pháp mới có khả năng nâng đỡ chúng ta từ cõi dục giới lên cõi sắc giới do nhờ sắc giới thiện pháp, và cõi vô sắc giới do nhờ vô sắc giới thiện pháp; từ phàm nhân lên bậc Thánh nhân; từ quả Thánh bậc thấp lên quả Thánh bậc cao tột cùng do nhờ siêu tam giới thiện pháp. Phẩm giá thấp hoặc cao của mỗi con người căn cứ vào thiện pháp của người ấy, hoàn toàn không căn cứ nơi học vị bậc nào, nơi quyền cao chức trọng ... Vậy, chúng ta nên cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện pháp, đó là điều thiết yếu nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Trong Phật giáo có đầy đủ 4 loại thiện pháp: dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp và đặc biệt có siêu tam giới thiện pháp đó là: 4 Thánh Ðạo Tâm. Người Phật tử là bậc xuất gia cũng như hàng tại gia cư sĩ có khả năng chừng nào, có thể phát triển, tiến hóa đến chừng ấy, không bị hạn chế, có khả năng tiến hoá đến tột cùng A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Chúng ta nên có đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, và tin nghiệp và quả của nghiệp để làm nền tảng vững chắc cho mọi thiện pháp phát sanh và tăng trưởng.

Nếu có cơ hội thuận lợi bố thí, thì nên bố thí để tạo phước thiện.

Nên giữ gìn giới cho trong sạch, nghĩa là có tác ý thiện tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi tội ác, cố gắng thân hành thiện, khẩu hành thiện để làm nền tảng cho pháp hành thiện định, pháp hành thiền tuệ.

Nên tiến hành thiền định để làm cho tâm được an tịnh, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới; được hưởng sự an lạc trong kiếp hiện tại, và tái sanh kiếp sau làm phạm thiên trên cõi trời sắc giới, hoặc vô sắc giới tuỳ theo bậc thiền sở đắc của mình, hưởng sự an lạc trong tầng trời ấy.

Nên tiến hành thiền tuệ để làm cho trí tuệ thiền tuệ phát sanh thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Cuối cùng đạt đến cứu cánh Niết Bàn giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ðó là mục đích tối thượng của những người Phật tử: bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ.

Núi rừng Viên Không,
mùa hạ 2545
Tỳ khưu Hộ Pháp

Biên soạn xong tại núi rừng Viên Không, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, rằm tháng sáu năm Tân Tỵ, Phật lịch 2545/2001 (Kỷ niệm mùa nhập hạ lần thứ 35).

Và được Rakkhitasīla Antevāsika hoàn thành bản thảo xuất bản tại Tổ Ðình Bửu Long, Q.9, Tp-HCM, trung thu năm Nhâm Ngọ, Phật lịch 2546/2002 (Kỷ niệm mùa nhập hạ lần thứ 36).

TỔ ÐÌNH Bửu Long
81 Tổ I, Thái Bình I, Long Bình,
Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh.
Ðt : (08) 732 5305; 732 5059


Bài viết liên quan

Xem thêm
Vì sao tin Phật
Vì sao tin Phật
Đức Phật truyền dạy giáo pháp nhằm mang lại an lạc và giác ngộ. Nếu Phật Pháp chỉ là những tiền đề lý luận thỏa mãn tri thức thì Đạo Phật đã không có khả năng tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ, trải rộng trên nhiều phần đất khác nhau. Dịch phẩm này có hai giá trị to lớn đối với người Phật Tử Việt Nam trong việc tu học: Thứ nhất Hòa-Thượng K. Sri Dhammananda đã khéo trình bày những đề tài của thời đại theo giáo lý căn bản truyền thống của Đức Phật. Đây là một việc làm đòi hỏi kinh nghiệm cao độ cả hai lãnh vực đạo và đời. Một người mới vào ngưỡng cửa Đạo Phật sẽ dễ dàng làm quen với những lời dạy đã được Đức Phật nói cách đây hai mươi lăm thế kỷ khắp lưu vực sông Hằng mà đến nay vẫn trực tiếp liên hệ đến mỗi cá nhân trong cuộc sống hàng ngày. Giá trị thứ hai phải nói đến là công trình dịch thuật. Dịch giả đã không làm tổn hại mảy may tinh thần trong sáng, bác lãm của nguyên tác. Trái lại bản dịch khiến chúng ta tăng thêm niềm thích thú để đọc trọn tác phẩm này. Thầy Thích Tâm Quang vốn không phải là một dịch giả xa lạ. Nhìn những công trình chuyển dịch ngày một quy mô của thầy khiến chúng ta nức lòng chờ đợi các dịch phẩm công phu khác tiếp nối sau này. Cảm nhận giá trị giáo khoa lớn lao của tác phẩm và với cả tấm lòng quý mến đối với tác giả lẫn dịch giả, chúng tôi trân trọng giới thiệu dịch phẩm này đến độc giả xa gần.
Phước Thiện – Tỳ khưu Hộ Pháp biên soạn
Phước Thiện – Tỳ khưu Hộ Pháp biên soạn
PHƯỚC-THIỆN (Puñña-Kusala) Chương VI: Nghiệp Và Quả Của Nghiệp đã được trình bày xong trong quyển IV của bộ Nền Tảng Phật Giáo, tiếp theo chương VII: Phước-Thiện (Puñña-Kusala) này sẽ được trình bày trong quyển V này.
Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy
Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy
Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy
Những Lời Phật Dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli
Những Lời Phật Dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli
Cuốn sách nhằm để phục vụ hai nhóm độc giả. Nhóm thứ nhất là những người chưa quen với các bài giảng của Đức Phật và cảm thấy cần một sự giới thiệu có hệ thống. Đối với các độc giả như vậy, bất kỳ bộ kinh Nikāya nào cũng có vẻ mơ hồ. Tất cả bốn bộ kinh Nikāya, nếu xem cùng một lúc, có thể sẽ giống như một khu rừng – dày đặc với nhiều loại thú hoang ẩn hiện, hay như một đại dương mênh mông, đầy biến động hoàn toàn xa lạ. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ phục vụ như là một bản đồ để giúp những độc giả ấy đi thông qua khu rừng của các bài kinh, hoặc như một con tàu mạnh mẽ để mang các vị ấy đi khắp đại dương của Giáo Pháp. Nhóm độc giả thứ hai mà cuốn sách này nhắm đến là những người, tuy đã quen với những bài kinh, nhưng vẫn chưa thấy các bài kinh đó kết hợp như thế nào trong một tổng thể khả tri. Đối với các độc giả như vậy, những bài kinh cá biệt có thể được hiểu riêng rẽ nhưng các đoạn kinh văn xuất hiện giống như những mảnh giấy của một trò chơi ghép hình rải rác trên - 9 - bàn. Một khi độc giả thông hiểu cấu trúc trong cuốn sách này, vị ấy sẽ có một khái niệm rõ ràng về cấu trúc các lời Phật dạy. Từ đó, với việc suy tư thêm nữa, vị ấy có thể xác định vị trí của bất kỳ bài kinh nào trong lâu đài Giáo Pháp, cho dù được hay không được đề cập trong cuốn sách.
Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pali
Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pali
Những lời thuyết giảng từ các bộ kinh Nikaya được tuyển chọn trong sách này cung cấp nhiều hiểu biết thật hấp dẫn về phương cách những giáo lý của Đức Phật được bảo tồn, học hỏi và hiểu biết trong thời kỳ đầu tiên của quá trình phát triển Phật giáo. Các độc giả hiện đại sẽ tìm thấy những giáo lý này có giá trị đặc biệt tái tạo sức sống mới cũng như làm sáng tỏ hiểu biết của họ về nhiều điểm giáo lý cơ bản của Phật giáo. Rõ ràng là thông điệp chính yếu của Đức Phật về lòng từ bi, trách nhiệm đạo đức, an tịnh tâm thức và óc phán đoán đúng đắn, vẫn có giá trị trong thời đại này cũng như hơn hai ngàn năm trăm năm về trước.
Toát Yếu Kinh Trung Bộ
Toát Yếu Kinh Trung Bộ
Trung Bộ Kinh là một trong năm bộ kinh của Kinh Tạng, gọi là Trung Bộ vì mang hình thức trung bình, đó là những pháp thoại mà phần lớn được Ðức Phật trực tiếp truyền dạy cho Chư Tăng trong sinh hoạt hàng ngày của Ngài. Vì thời lượng vừa phải nên những lời bài kinh trong Trung Bộ Kinh chuyên chở những đề tài như những bài tiểu luận và chính vì thế nên phong phú và sâu sắc. Theo nhiều học giả thì nội dung nổi bật nhất của Trung Bộ Kinh là Phật ngôn hướng dẫn cách tu tập cho các hành giả, ở đây thường chỉ cho các tỳ kheo. Hòa thượng Thích Minh Châu, dịch giả của Kinh Tạng Pàli, đã viết trong lời giới thiệu bản dịch: "Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, tự mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân mới có thể tự mình tìm hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm trên cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì đạo Phật là đạo đến để mà thấy chớ không phải đạo đến để nhờ người khác thấy hộ, đạo của người có mắt (Cakkumato), không phải đạo của người nhắm mắt; đạo của người thấy, của người biết (Passoto Jànato), không phải là đạo của người không thấy, không biết (Apassoto Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy mình, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm". Nội dung Kinh Trung Bộ quả thật cho chúng ta cơ hội trắc nghiệm quý báu đó. Đây là Giáo trình do Ni sư Thích Nữ Trí Hải biên soạn, y cứ theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, với phần Anh ngữ của Hòa thượng Nanamoli.
Phước Huệ song tu