Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pali
HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch: Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
Đôi Nét Tiểu Sử BHIKKHU BODHI
Lời Giới Thiệu của Đức Đạt-Lai Lạt- Ma thứ 14
Lời Mở Đầu của Bhikkhu Bodhi
Lời Giới Thiệu của Người Dịch
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI - Giới thiệu
- Già, Bệnh và Chết
2. Những Hệ Lụy của Lối Sống Phàm Phu
3. Một Thế Giới Biến Động
4. Vô Thủy/ Không Có Điểm Khởi Đầu
II. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG - Giới Thiệu
1. Một Người
2. Sự Kiện Nhập Thai và Đản Sanh của Đức Phật
3. Cuộc Tìm Cầu Giải Thoát
4. Quyết Định Thuyết Pháp
5, Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên
III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP - Giới thiệu
1.Không Phải là Giáo Lý Bí Mật
2. Không Phải là Giáo Điều hay Đức Tin Mù Quáng
3. Nguồn Gốc của Khổ và sự Diệt Khổ
4. Tìm Hiểu Chính Bản Thân Vị Đạo Sư
5. Những Bước Tiến Đến Giác Ngộ Chân Lý
IV. HẠNH PHÚC THẤY RÕ NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
- Giới Thiệu
1. Hoằng Dương Chánh Pháp trong Xã Hội
2. Gia Đình
3. An Lạc trong Hiện Tại, An Lạc trong Tương Lai
4. Nghề Nghiệp Chơn Chánh (Chánh Mạng)
5. Người Phụ Nữ của Gia Đình
6. Cộng Đồng Tăng Chúng
V. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT ĐẸP
- Giới Thiệu
1. Định Luật Nghiệp Quả
2.Công Đức: Chìa Khóa Mở Ra Vận Mệnh Tốt Đẹp
3. Bố Thí
4. Giới Hạnh
5. Thiền Định
VI. TẦM NHÌN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI – Giới Thiệu
1. Bốn Pháp Vi Diệu
2. Vị Ngọt, Sự Nguy Hiểm, sự Vượt Thoát
3. Đánh Giá Đúng Đắn Đối Tượng của Tham Dục
4. Những Cạm Bẫy của Dục Lạc
5. Đời Sống Ngắn Ngủi và Phù Du
6. Tóm Lược Bốn Giáo Pháp
7. Sự Nguy Hiểm cuả Kiến Chấp
8. Từ Thiên Giới đến Địa Ngục
9. Hiểm Họa của Cõi Luân Hồi
VII. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT – Giới Thiệu
1. Tại Sao Hành Giả Đi Vào Thánh Đạo ?
2. Phân Tích Bát Thánh Đạo
3. Thiện Hữu Tri Thức
4.Tu Tập Từ Từ
5. Các Gia Đoạn Tu Tập Cao Hơn với Ví Dụ
VIII. TU TẬP TÂM – Giới Thiệu
1. Tâm là Chìa Khóa
2. Phát Triển Hai Kỹ Năng
3. Những Chướng Ngại trong việc Phát Triển Tâm Thức
4. Thanh Lọc Tâm
5. Diệt Trừ Vọng Tưởng
6. Tâm Từ
7. Sáu Tùy Niệm
8. Bốn Nền Tảng của Chánh Niệm / Tứ Niệm Xứ
9. Pháp Quán Niệm Hơi Thở
10. Chứng Đắc Giác Ngộ
IX. CHIẾU SÁNG TUỆ QUANG – Giới Thiệu
1. Những Hình Ảnh về Trí Tuệ
2. Những Điều Kiện để Có Trí Tuệ
3. Kinh Chánh Tri Kiến
4. Lãnh Vực Trí Tuệ
5. Mục Tiêu của Trí Tuệ
X. CÁC CẤP BẬC CHỨNG ĐẮC – Giới Thiệu
1. Ruộng Phước của Thế Gian
2. Quả Dự Lưu
3. Quả Bất Lai
4. Bậc A-La- Hán
5. Như Lai
CHÚ THÍCH
MỤC LỤC SÁCH THAM KHẢO
ĐÔI NÉT TIỂU SỬ BHIKKHU BODHI
Tỷ-Kheo Bodhi, thế danh là Jeffrey Block, sinh năm 1944 tại Brooklyn, New York. Ngài là một tu sĩ Phật giáo theo truyền thống Theravada.
Từ những năm ở lứa tuổi đôi mươi, Phật gíáo đã có sức thu hút mãnh liệt đối với sư. Năm 1972, sau khi hoàn tất học vị Tiến sĩ Triết học tại Đại học Claremont Graduate School, sư du hành đến Sri-Lanka ( Tích Lan ) và thọ giới sa-di . Năm 1973, sư thọ giới Tỷ-kheo với giới sư là ngài Ananda Maitreya, một vị sư học giả Phật giáo thuộc hàng ngũ lãnh đạo của Sri-Lanka thời bấy giờ.
Năm 1984 Tỷ-kheo Bodhi được bổ nhiệm làm Chủ biên Hội Xuất Bản Kinh Sách Phật giáo ở Kandy, Sri-Lanka, sau đó Ngài được bầu làm Chủ tịch Hội này. Ngài đã sinh sống và làm việc tại Sri-Lanka hơn 20 năm.
Năm 2002, Tỷ-kheo Bodhi trở về New York. Hiện nay ngài cư ngụ tại Tu viện Chuang Yen, New York và giảng dạy Phật pháp tại đây và tại Bodhi Monastery ở New Jersey. Ngài cũng là Chủ tịch Hội Yin Shun và Chủ Tịch Sáng Lập Quỷ Phật giáo Cứu Trợ Toàn Cầu (Buddhist Global Relief ) đặt trụ sở tại New York, nhằm mục đích cứu trợ nạn đói và nạn thất học toàn cầu.
Tỷ-kheo Bodhi vừa là tác giả, dịch giả và chủ biên của nhiều tác phẩm Phật học giá trị, gồm có:
- Tăng Chi Bộ Kinh: Bản Dịch Mới (Numerical Discourses of the Buddha: A New Translation of the Anguttara Nikaya ) ( 2012 ) Bhikkhu Bodhi dịch
- Hợp Tuyển Lời Phật Dạy ( In the Buddha’’s Words), Bhikkhu Bodhi tuyển chọn và giới thiệu ( 2005 )
- Trung Bộ Kinh, Bhikkhu Bodhi đồng dịch giả với Tỷ-kheo Nānamoli ( The Middle Length Discourses of the Buddha: A translation from the Majjhima Nikāya ( 2001 )
- Tương Ưng Bộ Kinh ( The Connected Discourses of the Buddha: A Translation from the Samyutta Nikāya ) Bhikkhu Bodhi dịch( 2000)
- Tăng Chi Bộ Kinh, (Numerical Discourses of the Buddha: An Anthology of Suttas from the Anguttara Nikāya ) Nyanaponika Thera dịch ( 1999 ) Bhikkhu Bodhi biên tập
- Cẩm Nang Tổng Hợp Vi Diệu Pháp ( A Comprehensive Manual of the Abhidamma ) (2000)Bhikku Bodhi biên soạn
- Bát Thánh Đạo: Con Đường Chấm Dứt Khổ Đau (The Noble Eigthfold Path: Way to the End of Suffering) ( 2000) Bhikkhu Bodhi biên soạn
*Các Khóa Giảng Kinh trên Mạng Internet :
- Giáo Lý Như Thật Của Đức Phật ( The Buddhda’s Teachings as It Is ( 1981 )
- Kinh Tập Nipata ( Sutta Nipata) (2004)
- Nghiên Cứu có Hệ Thống Kinh Trung Bộ (A Systematic Study of the Majjhima Nikaya) ( 2003-2008)
- Nghiên Cứu các Hạnh Ba-la-mật ( A Study of the Paramis ) ( 2008)
- Hợp Tuyển Lời Phật Dạy tử Kinh Tạng Pali ( In the Buddha’’s Words: An Anthology of Discourses from the Pali Canon ( 2006-2008 )
* Và rất nhiều bài viết về những vấn đề Phật Giáo hiện đại, đăng trên các báo chi Phật giáo thế giới.
LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC ĐẠT-LAI-LẠT-MA THỨ 14
Hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua kể từ khi bậc Đạo Sư từ bi của chúng ta, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giảng dạy ở Ấn độ. Ngài đưa ra lời khuyên cho những ai quan tâm, mời họ lắng nghe, suy nghĩ, và quan sát với óc phê phán những gì Ngài nói. Ngài đã thuyết giảng cho nhiều cá nhân cũng như đoàn thể khác nhau trong hơn bốn mươi năm.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, việc ghi nhận những lời giảng dạy của Ngài được duy trì theo hệ thống truyền khẩu. Những vị đã được nghe lời giảng dạy thường gặp nhau theo định kỷ với những vị đồng phạm hạnh khác để đọc tụng lại những gì họ đã nghe và học thuộc lòng. Theo thời gian, những lần đọc tụng thuộc lòng ấy được viết xuống thành văn tự, đặt nền móng cho tất cả nền văn học Phật gíáo sau đó. Kinh Tạng Pali là một trong những văn kiện đầu tiên của các kinh văn được ghi lại bằng chữ viết và là những văn bản hoàn chỉnh duy nhất còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Trong Kinh Tạng Pali, những kinh văn được biết như là các bộ kinh Nikaya có giá trị đặc biệt như là một tập hợp có mạch lạc những lời dạy của Đức Phật bằng chính lời nói của Ngài. Những bài thuyết giảng ấy bao quát nhiều đề tài rộng lớn khác nhau; không những ngài nói đến vấn đề xuất gia và giải thoát, mà còn giảng về mối quan hệ đúng đắn giữa vợ chổng, viêc quản lý gia đình,và những phương cách để cai trị đất nước. Những bài kinh ấy giải thích con đường phát triển tu tập – từ bố thí và trì giới, đến rèn luyện tâm và đạt được trí tuệ, tất cả hướng đến chứng đắc giác ngộ giải thoát.
Những lời thuyết giảng từ các bộ kinh Nikaya được tuyển chọn trong sách này cung cấp nhiều hiểu biết thật hấp dẫn về phương cách những giáo lý của Đức Phật được bảo tồn, học hỏi và hiểu biết trong thời kỳ đầu tiên của quá trình phát triển Phật giáo. Các độc giả hiện đại sẽ tìm thấy những giáo lý này có giá trị đặc biệt tái tạo sức sống mới cũng như làm sáng tỏ hiểu biết của họ về nhiều điểm giáo lý cơ bản của Phật giáo. Rõ ràng là thông điệp chính yếu của Đức Phật về lòng từ bi, trách nhiệm đạo đức, an tịnh tâm thức và óc phán đoán đúng đắn, vẫn có giá trị trong thời đại này cũng như hơn hai ngàn năm trăm năm về trước.
Mặc dù Phật giáo được truyền bá và định hình tại nhiều phần đất của Châu Á, phát triển thành nhiều truyền thống khác nhau tùy theo không gian và hoàn cảnh, trong quá khứ khoảng cách địa lý và những khác biệt về ngôn ngữ đã làm giới hạn việc trao đổi thông tin. Một trong những kết quả của tiến bộ hiện đại trong lãnh vực liên lạc và truyền thông mà tôi cảm kích nhất là những cơ hội rộng lớn mở ra cho những người quan tâm đến Phật giáo, giờ đây họ có thể làm quen với toàn bộ đầy đủ giáo lý và phương pháp tu tập Phật giáo. Điều tôi cảm thấy đặc biệt khích lệ là cuốn sách này trình bày thật rõ ràng nhiều điểm giống nhau rất cơ bản giữa tất cả các tông phái Phật giáo.
Tôi xin chúc mừng Tỷ-kheo Bodhi về tác phẩm này với công trình tuyển chọn và dịch thuật rất cẩn trọng của ngài. Tôi cầu nguyện độc giả sẽ tìm được lời hướng dẫn - và nguồn cảm hứng để thực hành – có thể đem lại cho họ niềm an tịnh nội tâm, mà tôi tin tưởng rất cần thiết để tạo một thế giới an bình và hạnh phúc hơn.
Ngày 10 tháng Năm, 2005
Ngài Tenzin Gyatso, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ 14
LỜI MỞ ĐẦU CỦA BHIKKHU BODHI
Những bài thuyết giảng của Đức Phật được bảo tồn trong Kinh Tạng Pāli gọi là suttas (Kinh), theo tiếng Pāli (Nam Phạn) tương đương với từ sutras theo tiếng Sankrit ( Bắc Phạn). Mặc dù Kinh Tạng Pāli thuộc về một trường phái Phật giáo đặc thù - đó là truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, hay còn gọi là Thượng Tọa Bộ - điều này hoàn toàn không có nghĩa là những văn bản kinh điển này chỉ thuộc về Phật giáo Nguyên Thủy . Những văn bản kinh điển này xuất phát từ thời kỳ đầu tiên của lịch sử văn học Phật giáo, một thời kỳ kéo dài khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, trước khi cộng đồng Phật giáo nguyên thủy phân chia thành nhiều bộ phái khác nhau. Kinh Tạng Pāli có nhiều phần tương đương với những trường phái Phật giáo cổ sơ nay đã bị xóa sổ, có những văn bản đôi khi cực kỳ giống với văn bản tiếng Pāli, chỉ khác phần lớn ở bối cảnh và sự sắp xếp, chứ không khác về những điểm giáo lý . Như vậy, những bài kinh, cùng với các văn bản tương đương, tạo thành những công trình ghi chép xưa cổ nhất về lời Phật dạy còn để lại cho chúng ta ; đó là những văn bản kinh điển gần sát với sự thật nhất về những gì Đức Phật lịch sử đã thực sự giảng dạy mà chúng ta có thể tìm thấy. Những bài giảng được tìm thấy trong các văn bản đó đã phục vụ như là điểm xuất phát, là nguồn gốc đầu tiên, cho tất cả những dòng suối giáo lý và phương pháp hành trì của Đức Phật luân chuyển qua nhiều thế kỷ . Vì lý do đó, những kinh điển này đã tạo thành di sản chung của toàn bộ truyền thống Phật giáo, và Phật tử thuộc mọi truyền thống muốn tìm hiểu nguồn gốc giáo lý Phật giáo cần phải ưu tiên nghiên cứu học hỏi kinh tạng này thật sâu sát và cẩn trọng.
Trong Kinh Tạng Pāli, những bài thuyết pháp của Đức Phật được gìn giữ theo từng tuyển tập gọi là Nikāyas. Hơn 20 năm qua, những bản dịch mới của bốn bộ Kinh Nikāya đã được in và phát hành bằng những ấn bản đẹp hấp dẫn với giá phải chăng. Nhà xuất bản Wisdom Publications đã đi tiên phong trong bước phát triển này từ năm 1987 khi họ xuất bản bản dịch “ Trường Bộ Kinh ( Digha Nikāya) của Maurice Walshe. Theo sau bước khởi đầu này, năm 1995, nhà xuất bản Wisdom cho ra đời bản dịch do tôi duyệt lại và ấn hành bản dịch viết tay “ Trung Bộ Kinh ”( Majjhima Nikāya) của Tỳ Kheo Ñāṇamoli, sau đó vào năm 2000 lại cho ra đời tiếp bản dịch mới của tôi về toàn bộ Tương Ưng Bộ Kinh ( Saṃyutta Nikāya). Vào năm 1999, dưới dấu ấn của Quỹ Tín Thác Văn Học Cao Quý, AltaMira Press đã xuất bản một hợp tuyển kinh từ Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikaya) do cố Đại Đức Nyanaponika và tôi phiên dịch. Hiện nay tôi đang tiến hành một bản dịch mới về toàn bộ Tăng Chi Bộ Kinh, dự định dành cho Wisdom Publications xuất bản trong loạt sách về Những Lời Phật Dạy .
Nhiều độc giả đọc những dịch phẩm đồ sộ ấy đã nói với tôi rằng đối với họ các bản dịch mới đã mang lại sức sống cho kinh tạng, điều này làm tôi hài lòng. Tuy nhiên, những độc giả nhiệt tâm muốn tìm hiểu sâu vào đại dương của các bộ kinh Nikāya lại có vài ý kiến khác nữa. Họ nói rằng trong lúc ngôn ngữ của các bản dịch mới giúp họ đọc hiểu kinh tạng dễ dàng hơn nhiều so với các bản dịch cũ, họ vẫn còn phải vất vả tìm kiếm một quan điểm để từ đó có thể thấy được cấu trúc tổng quát của các bài kinh, một bố cục trong đó tất cả bài kinh có thể xếp đặt ăn khớp với nhau. Các bộ kinh Nikāya tự thân không giúp ích gì nhiều về phương diện này, vì sự sắp xếp của kinh hầu như là không theo một trật tự nào, với ngoại lệ đáng ghi nhận là Tương Ưng Bộ Kinh, vì tập kinh này có cấu trúc sắp xếp theo chủ đề.
Trong một loạt bài giảng tôi bắt đầu thực hiện liên tục tại Tu Viện Bodhi, thuộc tiểu bang New Jersey từ năm 2003, tôi soạn thảo một kế hoạch của riêng tôi để sắp xếp lại nội dung của Trung Bộ Kinh ( Majjhima Nikāya). Kế hoạch này khai mở thông điệp của Đức Phật theo một trình tự tiệm tiến, từ dễ đến khó, từ bước sơ đẳng đến trình độ thâm sâu. Suy nghĩ lại, tôi thấy kế hoạch này có thể áp dụng không những cho Trung Bộ Kinh, mà còn cho bốn bộ kinh Nikāya nói chung. Vì vậy, tập sách này sắp xếp lại các bài kinh được tuyển chọn từ bốn bộ kinh Nikāya, trình bày bố cục theo chủ đề và thứ tự tiệm tiến.
Tập sách này nhắm đến hai đối tượng độc giả. Đối tượng thứ nhất là những người chưa quen thuộc với những bài thuyết pháp của Đức Phật và cảm thấy cần một sư giới thiệu có hệ thống. Đối với những độc giả ấy, bất cứ bộ kinh Nikāya nào cũng có vẻ không rõ ràng và khó hiểu. Cả bốn bộ kinh, thoạt nhìn có vẻ giống như một khu rừng rậm - rối rắm và gây hoang mang, đầy cả những thú hoang chưa hề biết – hay giống như một đại dương – mênh mông, đầy sóng gió và cản trở. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ phục vụ như một bản đồ giúp những độc giả ấy dò dẫm đường để ra khỏi khu rừng rậm của kinh điển, hay giống như một chiếc tàu vững chắc đưa họ vượt qua đại dương Phật pháp.
Hạng độc giả thứ hai mà cuốn sách này nhắm đến là những người đã quen thuộc với kinh tạng, mà vẫn chưa biết làm thế nào để các bài kinh này có thể ăn khớp với nhau trong một tổng thể có thể hiểu được. Đối với những độc giả này, họ có thể hiểu được tự thân mỗi bài kinh, nhưng toàn tập kinh giống như những mảnh hình ghép của câu đố trải trên bàn. Một khi độc giả hiểu được bố cục của sách này, họ sẽ có một ý niệm rõ ràng về cấu trúc của lời Phật dạy. Rồi, chỉ cần suy nghĩ một chút, độc giả sẽ có thể xác định được vị trí của bất cứ bài kinh nào trong tòa nhà Phật pháp đồ sộ, dù bài kinh đó có được đưa vào hợp tuyển này hay không.
Hợp tuyển này, hay bất cứ hợp tuyển kinh điển nào khác, tự nó không thể thay thế cho các bộ kinh Nikāya. Hy vọng của tôi có hai hướng, tương ứng với hai hạng độc giả mà tập sách này nhắm đến: một là những người mới làm quen với văn học Phật giáo Nguyên Thủy sẽ tìm thấy tập sách này giúp họ tăng thêm thích thú và khuyến khích họ tìm hiểu sâu hơn về các bộ kinh Nikaya; và hai là những độc giả đã có kinh nghiệm về các bộ kinh Nikaya khi đọc xong tập sách này sẽ có một hiểu biết tốt hơn về những bài kinh mà họ đã quen thuộc.
Nếu hợp tuyển này còn nhắm đến một điểm nào khác, thì đó chỉ là chuyển tải tầm vóc rộng lớn của trí tuệ Đức Phật. Trong lúc Phật giáo Nguyên Thủy đôi lúc được mô tả như là một phương pháp tu tập để từ bỏ thế tục trước hết dành riêng cho những nhà tu hành khổ hạnh và những thiền giả, thật ra, những bài kinh xưa cổ của Kinh tạng Pali rõ ràng cho chúng ta thấy trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật đã vươn tới những khía cạnh sâu thẳm của đời sống thế gian, cung cấp cho những người bình thường kim chỉ nam để hành xử đúng đắn và có tri kiến chơn chánh. Không phải chỉ là đức tin tôn giáo dành cho giới xuất gia cao thượng, Phật giáo cổ đại liên quan đến sự hợp tác giữa các gia chủ và tăng chúng trong những nhiệm vụ song hành là duy trì giáo pháp của Đức Phật và hỗ trợ lẫn nhau trong nỗ lực tiến lên trên con đường chấm dứt khổ đau. Để hoàn thành những nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ ý nghĩa, Phật Pháp phải cung cấp cho đại chúng sự hướng dẫn, nguồn cảm hứng, niềm vui và nguồn an ủi sâu sắc và vô tận. Phật giáo sẽ không thể thực hiện điều này nếu không trực tiếp đáp ứng những nỗ lực rất nghiêm túc của đại chúng muốn kết hợp nhiệm vụ gia đình và xã hội với nguyện vọng giác ngộ tối thượng.
Hầu hết những bài kinh trong tập sách này được chọn lọc từ các ấn bản của bốn bộ kinh Nikāya như đã nêu trên. Hầu hết các bài kinh đều được duyệt lại, thường thì chỉ có vài thay đổi nhỏ, nhưng đôi lúc cũng có thay đổi lớn, cho phù hợp với sự thay đổi trong hiểu biết của chính tôi về các văn bản kinh và về ngôn ngữ Pāli. Tôi vừa mới phiên dịch một ít bài kinh từ Tăng Chi Bộ Kinh vốn đã không được đưa vào hợp tuyển nêu trên. Tôi cũng đưa thêm một ít bài từ Kinh Udāna ( Phật Tự Thuyết ) và Itivuttaka ( Phật Thuyết Như Vậy ), hai tập kinh nhỏ thuộc về bộ kinh Nikāya thứ năm, tức là Tiểu Bộ Kinh ( Khuddaka Nikāya). Tôi đã dựa trên bản dịch của John D. Ireland, do Hội Xuất Bản Kinh Tạng Phật Giáo Sri Lanka ấn hành, nhưng tôi lại cũng tự ý thay đổi đôi chút cho hợp với ngôn từ và thuật ngữ ưa thích của tôi. Tôi thích chọn những bài kinh bằng văn xuôi hơn là văn vần, vì mang ý nghĩa trực tiếp và cụ thể hơn. Khi một bài kinh kết thúc bằng một thi kệ, nếu bài kệ chỉ nói lại ý nghĩa của đoạn văn xuôi trước đó, thì tôi bỏ qua để khỏi chiếm nhiều trang giấy,.
Mỗi chương được mở đầu với lời giới thiệu trong đó tôi giải thích những khái niệm quan trọng nhất liên quan đến chủ đề của chương và cố gắng trình bày bằng cách nào những bài kinh tôi chọn đã minh họa cho chủ đề đó. Để làm sáng tỏ những điểm phát sinh từ lời giới thiệu và từ bài kinh, tôi cũng đã đưa vào những chú thích cuối trang. Những điểm này thường được rút từ các bài luận giải cổ điển được cho là của vị luận sư danh tiếng miền Nam Ấn Độ là Acariya Buddhaghosa ( Phật Âm), người đã sinh hoạt ở Sri Lanka trong thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch. Để cho rõ ràng chính xác, tôi không đưa vào nhiều chú thích trong tập sách này như đã làm trong những bản dịch khác của tôi về các bộ kinh Nikāya. Những chú thích này cũng không mang tính kỷ thuật như những chú thích trong các bản dịch đầy đủ.
Sau mỗi bài tuyển chọn đều có bảng mục lục sách tham khảo. Phần tham khảo từ văn bản Kinh Trường Bộ và Trung Bộ có ghi tên và số thứ tự của kinh ( bằng tiếng Pāli ), các trích đoạn từ hai bộ kinh này vẫn giữ nguyên số thứ tự của từng đoạn đã được sử dụng trong Trường Bộ Kinh và Trung Bộ Kinh, vì vậy độc giả nào muốn xác định vị trí của trích đoạn kinh ấy trong toàn bộ bài kinh sẽ có thể tìm thấy dễ dàng. Những mục lục tham khảo của các bài từ Tương Ưng Bộ Kinh được ghi là Saṃyutta và số thứ tự kinh; các bài từ kinh Tăng Chi Bộ Kinh được ghi là nipāta và số thứ tự kinh ( những bài kinh số Một và số Hai cũng ghi các chương trong Kinh nipāta theo sau là số thứ tự kinh). Bảng mục lục tham khảo các bài từ Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna) được ghi là nipāta và số thứ tự kinh; các bài từ Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka) thì chỉ ghi số thứ tự kinh. Tất cả phần mục lục tham khảo đều có phần ghi kinh thuộc tập nào và số trang theo các ấn bản kinh tiêu chuẩn do Hội Kinh Tạng Pali xuất bản.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến Timothy McNeil và David Kittelstrom của nhà xuất bản Wisdom Publications, những người bạn đã động viên tôi tiếp tục công trình này trong khi tôi phải đương đầu với sức khỏe yếu kém trong nhiều khoảng thời gian dài. Sa-di Anālayo và Tỳ kheo Nyanasobhano đã đọc và nhận xét về những phần giới thiệu của tôi, và John Kelly đã duyệt lại bản thảo của toàn bộ tập sách. Tôi rất biết ơn cả ba bạn đã cho tôi nhiều đề nghị hữu ích. John Kelly cũng đã soạn ‘’bảng tham khảo nguồn gốc’’xếp vào phần cuối tập sách. Cuối cùng, tôi rất biết ơn các bạn sinh viên của tôi ở các khóa học tiếng Pāli và Phật Pháp tại Tu viện Bodhi, sự quan tâm nhiệt tình của các bạn đối với giáo lý thuộc bộ kinh Nikāya đã khơi nguồn cảm hứng để tôi thực hiện hợp tuyển này. Tôi đặc biệt tri ân vị Viện Chủ tài năng đã sáng lập Tu viện này là Hòa Thượng Jen-Chun, người đã vui lòng đón nhận một tu sĩ thuộc một truyền thống Phật giáo khác đến cư trú tại Tu viện của ngài, và là người quan tâm làm chiếc cầu nối giữa hai dòng truyền thừa Bắc tông và Nam tông thuộc Phật Giáo Nguyên Thủy.
Bhikkhu Bodhi
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH
Với tâm nguyện góp phần nhỏ bé của mình trong việc truyền bá Chánh pháp, tôi vẫn ngày đêm trăn trở với vấn đề “Làm thế nào để giúp người học Phật tiếp thu giáo pháp từ Kinh Tạng Pali dễ dàng hơn ? ” . Đến khi đọc cuốn “ In the Buddha’s Words ” của Bhikkhu Bodhi, tôi rất mừng vì đã gặp được một cuốn sách quý đáp ứng đúng nguyện vọng của mình.
Đây là cuốn sách đã được các học giả Phật học trên thế giới đánh giá là một trong mười cuốn sách Phật học giá trị nhất hiện nay, với số ấn bản phát hành kỷ lục. Bởi vậy, tôi đã phát nguyện phiên dịch cuốn sách này để giới thiệu với Phật tử Việt Nam một cuốn sách quý, giúp độc giả nắm vững Giáo pháp căn bản của Đức Phật một cách mạch lạc và khoa học .
Trong sách này, Bhikku Bodhi đã tuyển chọn những bài kinh tiêu biểu từ Kinh Tạng Pali, sắp xếp lại theo từng chủ đề, nhằm hệ thống hóa giáo lý của Đức Phật một cách rõ ràng , mạch lạc, giúp người học Phật thấy rõ con đưởng tu tập và kết quả tu tập theo lộ trình từ thấp đến cao, cho đến mục đích tối thượng là giác ngộ giải thoát.
Trong lúc phiên dịch, tôi đã nghĩ đến các bạn trẻ, nên đã cố gắng diễn đạt bằng thứ tiếng Việt trong sáng dễ hiểu. Tôi cũng cố gắng Việt hóa một số thuật ngữ Phật học Hán Việt khó hiểu, hoặc chú thích thêm từ ngữ thuần Việt bên cạnh thuật ngữ Hán Việt hoặc ngược lại, để độc giả có thể nhận biết và học hỏi thêm. Tuy nhiên, có một số thuật ngữ Phật học Hán Việt vốn đã rất phổ biến trong giới Phật tử thì tôi vẫn tiếp tục sử dụng.
Trong phần kinh trích giảng, tôi dịch theo bản tiếng Anh của Tỷ-kheo Bodhi, trong đó ngài Bodhi đã lược bớt các phần lặp lại để giúp độc giả khỏi chán nản khi phải đọc phần lặp lại nhiếu lần. Dưới mỗi phần kinh trích dẫn, tôi có ghi chú thêm nguồn gốc bài kinh ấy theo bản dịch của cố Trưởng lão Hoà Thượng Thích Minh Châu để độc giả có thể tham khảo thêm.
Mặc dù đã cố gắng hết sức để diễn dịch kinh văn bằng một văn phong dễ hiểu, chắc chắn tôi cũng không tránh khỏi vụng về sai sót do kiến thức còn giới hạn, kính mong các bậc thầy cùng quý vị thiện tri thức vui lòng chỉ giáo, để lần sau in lại, cuốn sách sẽ hoàn hảo hơn. Tôi xin chân thành cảm tạ.
Để cuốn sách này có thể đến tay người đọc, trước tiên, tôi xin thành kính tri ân và đảnh lễ giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, vị thầy đầu tiên của tôi, người đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp giáo dục tăng ni và Phật tử, người đã phiên dịch bộ kinh Nikaya từ Pali sang tiếng Việt, để lại cho hậu thế một kho tàng Phật học đồ sộ. Nhờ công đức của ngài mà tôi đã được khai sáng trí tuệ , và có một kho tài liệu tham khảo vô giá giúp tôi có đủ duyên lành để phiên dịch cuốn sách này, trong nỗ lực noi gương Hòa Thượng bổn sư, góp phần truyền bá Chánh pháp.
Tiếp đến, tôi xin thành kính tri ân Bhikkhu Bodhi, vị thầy đã dày công phiên dịch các bộ kinh Nikaya từ Pali sang tiếng Anh và giảng dạy thông qua mạng Internet, để Phật tử khắp thế giới có thể lắng nghe và học tập rất thuận tiện. Những bài giảng của ngài đã giúp tôi mở rộng kiến thức và học được rất nhiều thuật ngữ Phật học tiếng Anh để so sánh tương đương với thuật ngữ Phật học HánViệt trong lúc phiên dịch sách này . Ngoài ra, ngài Bodhi còn sẵn sàng giải thích những thắc mắc của tôi về các bài giảng của ngài, và rất quan tâm đến việc phổ biến bản dịch tiếng Việt này trong cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Mỹ .
Tôi cũng xin chân thành cảm tạ Thượng Tọa Thích Tâm Hạnh, Tiến sĩ Phật học, giảng sư tại Học Viện Phật Giáo VN ở Saigon và Huế , người đã vui lòng bỏ nhiều thì giờ quý báu để đọc lại bản dịch của tôi và đề nghị một số chỉnh sửa thích hợp.
Cuối cùng, nếu độc giả Việt Nam nào sau khi đọc sách này, cảm thấy kiến thức Phật học của mình được sáng tỏ thêm, tăng trưởng niềm tin vào những lời Phật dạy, và tinh tấn thực hành, đạt được nhiều lợi lạc và tiến bộ trên bước đường tu học, thì xin hồi hướng chút công đức này đến tất cả pháp giới chúng sinh. Nguyện cầu tất cả chúng sinh đều được thấm nhuần Chánh pháp và vững vàng tiến bước trên con đường đi đến giác ngộ giải thoát.
Melbourne, mùa Xuân, tháng 10 năm 2015
Nguyên Nhật Trần Như Mai
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT KHAI MỞ CẤU TRÚC NỘI DUNG LỜI PHẬT DẠY
Mặc dù lời Phật dạy rất có hệ thống, không có một bài kinh nào được cho là của Đức Phật mà trong đó Ngài đã xác định rõ ràng cấu trúc của Giáo Pháp, một sự dàn dựng Ngài đã sắp xếp để diễn đạt một giáo lý nào đó của Ngài. Trong suốt thời gian dài hoằng pháp, Đức Phật đã giảng dạy theo nhiều phương cách khác nhau tùy thuộc vào cơ hội và hoàn cảnh. Đôi lúc Ngài diễn tả thật rõ ràng những nguyên tắc bất biến trong cốt lõi của bài giảng. Đôi lúc Ngài thay đổi lời giảng dạy cho thích hợp với khuynh hướng và căn cơ của những người tìm đến Ngài để xin được chỉ giáo. Đôi lúc Ngài điều chỉnh lời thuyết giảng để phù hợp với hoàn cảnh đòi hỏi một đáp ứng đặc biệt nào đó. Nhưng xuyên suốt qua những tuyển tập kinh điển được truyền lại cho chúng ta như những “Lời Dạy Chính Thức Của Đức Phật’’, chúng ta không tìm thấy một bài kinh nào, một pháp thoại nào trong đó Đức Phật đã kết nối tất cả những yếu tố của lời Ngài giảng dạy và sắp đặt chúng vào vị trí thích hợp trong một hệ thống đầy đủ trọn vẹn .
Với một nền văn hóa đọc viết trong đó tư tưởng có hệ thống được đánh giá cao thì sự thiếu vắng một văn bản có chức năng thống nhất có thể được xem như một khiếm khuyết, nhưng trong một nền văn hóa hoàn toàn truyền khẩu – như nền văn hóa thời Đức Phật đã sinh sống và du hành – thì sự thiếu vắng một khuôn mẫu có tính mô tả tổng quát về Giáo pháp không được xem là có ý nghĩa quan trọng. Trong nền văn hóa này, cả thầy lẫn trò đều không nhắm đến sự chính xác trọn vẹn về mặt khái niệm. Vị thầy không có ý định trình bày một hệ thống tư tưởng hoàn chỉnh; và học trò cũng không có nguyên vọng học một hệ tư tưởng hoàn chỉnh. Mục đích kết nối thầy trò trong quá trình học tập – một quá trình truyền đạt – là sự rèn luyện thực tế, sự chuyển hóa tự thân, sự giác ngộ chân lý, và sự giải thoát bất thối chuyển của tâm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lời giảng dạy luôn luôn được thay đổi cho thích hợp với tình huống ngay trước mặt. Thỉnh thoảng Đức Phật cũng trình bày những quan điểm bao quát hơn về Giáo Pháp, kết hợp nhiều thành tố của đạo trong một cấu trúc có sắp xếp theo thứ tự hay thuộc một phạm vi rộng lớn. Nhưng mặc dù có nhiều bài kinh phơi bày một phạm vi rộng lớn, chúng vẫn không bao gồm mọi yếu tố của Giáo pháp trong một hệ thống tổng quát.
Mục đích của cuốn sách này là để triển khai và đưa ra ví dụ điển hình về một kế hoạch như thế. Trong sách này tôi thử cung cấp một hình ảnh đầy đủ về lời Phật dạy bằng cách kết hợp nhiều bài kinh khác nhau vào một cấu trúc có hệ thống. Tôi hy vọng cấu trúc này sẽ làm sáng tỏ khuôn mẫu có chủ đích tiềm ẩn bên dưới sự hình thành Giáo pháp của Đức Phật và như vậy cung cấp cho độc giả những hướng dẫn để hiểu được Phật giáo Nguyên Thủy một cách tổng quát. Tôi đã tuyển chọn các bài kinh hầu hết từ bốn bộ Nikaya của kinh tạng Pali, mặc dù tôi cũng có đưa vào một số bài từ Kinh Udāna và Kinh Itivuttaka, là hai tập nhỏ trong tuyển tập thứ năm, tức là Tiểu Bộ Kinh. Mỗi chương mở đầu với lời giới thiệu, trong đó tôi giải thích những khái niệm căn bản của Phật giáo Nguyên Thủy mà bài kinh tiêu biểu, và trình bày cho thấy các bài kinh đã diễn đạt những tư tưởng ấy như thế nào.
Tôi sẽ cung cấp ngắn gọn những thông tin căn bản về tạng kinh Nikāya vào phần sau của lời giới thiệu này. Tuy nhiên, trước tiên, tôi muốn nói sơ lược bố cục mà tôi đã hoạch định để sắp xếp các bài kinh. Dù cách sử dụng đặc biệt của tôi về bố cục này có thể là mới lạ, nó không phải hoàn toàn là sự cách tân, mà là dựa trên các bài luận giải tiếng Pāli đã phân biệt ba kiểu lợi lạc mà hành giả đạt được từ việc thực hành Giáo pháp: (1) an lạc hạnh phúc ngay trong đời này; (2) an lạc hạnh phúc trong các đời sau; và (3) hạnh phúc tối thượng, Niết Bàn.
Ba chương mở đầu được sắp xếp để đưa đến những kết quả tiêu biểu cho hệ thống ba kiểu lợi lạc này.
Chương I là một cuộc khảo sát về thân phận con người như hiện nay, riêng biệt với sự xuất hiện của Đức Phật trong cõi đời. Có lẽ đây là hình ảnh đời sống con người đã phơi bày trước mắt Bồ Tát – vị Phật tương lai – khi Ngài ở cung trời Đâu Suất nhìn xuống cõi trần gian, chờ cơ hội thuận tiện để giáng trần và thọ sinh vào kiếp người cuối cùng. Chúng ta nhìn thấy một thế giới trong đó con người đang bị cuốn đi một cách tuyệt vọng đến tuổi già và cái chết; trong đó họ bị hoàn cảnh xoay chuyển để phải hứng chịu những đau đớn thể xác, bị ngã gục trước những thất bại và bất hạnh, bị lo âu và sợ hãi trước những biến dịch và suy tàn . Đó là một thế giới mà con người có nguyện vọng được sống trong hòa hợp, nhưng vì những cảm xúc không được chế ngự đã liên tục buộc họ phải lao đầu vào những cuộc xung đột mãi leo thang tới mức bạo động và phá hoại toàn diện, đi ngược lại với nguyện vọng tốt đẹp của họ. Cuối cùng, nhìn theo một quan điểm bao quát nhất, đấy là một thế giới trong đó các loài hữu tình bị thúc đẩy bởi sự si mê và dục vọng của chính mình, để trôi lăn từ đời này sang đời khác một cách mù quáng trong vòng luân hồi sinh tử được gọi là samsara.
Chương II tường thuật lại sư kiện đản sinh của Đức Phật vào thế gian này. Ngài đã đến như “một con người”, xuất hiện vì lòng từ bi đối với thế gian, sự xuất hiện của Ngài trong thế gian này là “biểu hiện của một ánh sáng vĩ đại”. Chúng ta theo dõi câu chuyện về việc Ngài thọ sanh, về việc Ngài từ bỏ gia đình và tìm cầu giải thoát, về việc Ngài giác ngộ Giáo pháp, và việc Ngài quyết định giáo hóa chúng sanh. Chương này kết thúc với bài thuyết pháp đầu tiên cho năm tu sĩ đệ tử của Ngài, tại vườn Lộc Uyển, gần thành Ba-la-nại (Baranasi).
Chương III nhắm mục đích phác họa những nét đặc biệt trong lời dạy của Đức Phật, và trong đó hàm ý về thái độ của một người học Phật tương lai cần có khi tiếp cận giáo pháp ấy. Các bài kinh cho chúng ta biết Giáo pháp không phải là lời dạy bí truyền hay mang mật nghĩa, nhưng là lời dạy “soi sáng khi được giảng giải công khai ”. Giáo pháp này không đòi hỏi đức tin mù quáng vào những kinh điển độc đoán, những mặc khải siêu nhiên, hay những giáo điều tuyệt đối dúng, mà mời gọi hành giả điều tra nghiên cứu và trải nghiệm cá nhân như là tiêu chuẩn cuối cùng để xác định giá trị của Giáo pháp. Giáo pháp này nói về sự sinh khởi và chấm dứt khổ đau, mà mỗi người có thể tự mình quan sát qua kinh nghiệm bản thân. Giáo pháp này thậm chí không dựng lên một Đức Phật như một đấng uy quyền tuyệt đối bất khả nghi, nhưng mời gọi chúng ta quan sát Ngài để xác định xem ngài có hoàn toàn xứng đáng với lòng tin cậy của chúng ta hay không. Cuối cùng, giáo pháp ấy cung cấp cho chúng ta phương pháp để từng bước áp dụng thử nghiệm lời giảng dạy, và bằng cách đó tự mình giác ngộ chân lý rốt ráo.
Với chương IV, chúng ta học những bài kinh nói đến lợi lạc đầu tiên trong ba loại lợi lạc mà Giáo pháp của Đức Phật có ý định đem lại cho chúng ta. Điều này được gọi là “ niềm an lạc và hạnh phúc rõ ràng ngay trong đời này” ( diṭṭha-dhamma-hitasukha), hạnh phúc đến từ việc tuân theo những chuẩn mực đạo đức trong quan hệ gia đình, trong nghề nghiệp, và trong sinh hoạt cộng đồng. Mặc dù Phật giáo Nguyên Thủy thường được mô tả như là một phương pháp cấp tiến rèn luyện hành giả chối bỏ cuộc đời để hướng đến một mục tiêu siêu xuất thế gian, tạng kinh Nikaya đã hé lộ cho thấy Đức Phật là một vị thầy rất thực tiển và từ bi, ngài có ý định quảng bá một trật tự xã hội trong đó mọi người có thể sống chung an bình và hòa hợp theo những đường lối hướng dẫn đạo đức. Phật giáo Nguyên Thủy đã rất rõ ràng về phương diện này trong những lời dạy của Đức Phật về bổn phận của con cái đối với cha mẹ, bổn phận giữa vợ chồng đối với nhau, về nghề nghiệp chân chánh, về bổn phận của nhà lãnh đạo đất nước đối với dân chúng, và những nguyên tắc sống chung hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng.
Chủ đề của chương V là loại lợi lạc thứ hai mà gíáo pháp Đức Phật đem lại, được gọi là an lạc hạnh phúc thuộc về đời sau ( samparāyika-hitasukha ). Đây là hạnh phúc đạt được nhờ sự tái sinh may mắn và thành công trong các đời sau qua việc tích lũy nhiều công đức của hành giả. Từ ngữ “công đức”( puñña) dùng để chỉ thiện nghiệp, xét theo khả năng phát sinh những kết quả thuận lợi trong vòng tái sinh. Tôi bắt đầu chương này với việc tuyển chọn những bài kinh giảng dạy về nghiệp và tái sinh. Việc này dẫn chúng ta đến những bài kinh tổng quát về ý niệm công đức , theo sau là những bài tuyển chọn về “ba nền tảng chính của công đức ” đã được công nhận trong các bài thuyết giảng của Đức Phật : bố thí ( dāna), trì giới ( sila), và thiền định ( bhāvanā). Vì thiền định là phần quan trọng nổi bật trong loại lợi lạc thứ ba, kiểu thiền định được nhấn mạnh ở đây, như là nền tảng của công đức, là thứ thiền định phát sinh ra những kết quả phong phú nhất của thế gian, đó là “ tứ vô lượng tâm” ((brahma-vihāra), đặc biệt là sự phát triển lòng từ bi .
Chương VI là chương chuyển tiếp, có ý định dọn đường cho các chương tiếp theo. Trong lúc chứng minh rằng việc thực hành lời Phật dạy quả thật dẫn đến hạnh phúc và may mắn trong phạm vi cuộc sống thế gian, để hướng dẫn quần chúng vượt qua các giới hạn đó, Đức Phật đã phơi bày những nguy hiểm và bất xứng trong tất cả mọi pháp hữu vi. Ngài chỉ cho chúng ta những bất toàn trong các dục lạc thuộc giác quan, những khuyết điểm của sự thành công vật chất, cái chết không thể tránh khỏi, và tính vô thường của tất cả mọi cảnh giới tồn tại hữu vi. Để khơi nguồn cảm hứng cho các đệ tử của Ngài hướng đến mục đích hạnh phúc tối thượng là Niết Bàn, Đức Phật đã nhiều lần nhấn mạnh những hiểm nguy của cõi luân hồi. Vì vậy chương này đạt đến cao điểm với hai bài kinh diễn giảng về nỗi khổ đau của sự ràng buộc vào vòng luân hồi sinh tử liên tục không bao giờ dứt.
Bốn chương tiếp theo dành cho kiểu an lạc thứ ba mà lời Phật dạy có ý định mang lại: hạnh phúc tối thượng là chứng đắc Niết Bàn.
Phần thứ nhất là Chương VII, cho chúng ta một khái niệm tổng quát về con đường giải thoát, được trình bày bằng cách phân tích qua những định nghĩa về các chi phần của Bát Thánh Đạo và thật năng động qua lời tường thuật việc rèn luyện tăng chúng. Một bài kinh dài về con đường tu tập theo từng bước, đã quan sát việc rèn luyện tăng chúng từ bước khởi đầu đời sống xuất gia cho đến khi đắc quả A-la-hán, là mục tiêu cuối cùng.
Chương VIII tập trung vào việc điều phục tâm, là điểm nhấn mạnh trong việc rèn luyện tăng chúng. Ở đây tôi trình bày các bài kinh thảo luận về những trở ngại trong việc phát triển tâm thức, phương tiện để vượt qua những trở ngại đó, những phương pháp thiền tập khác nhau, và những tu chứng đạt được khi hành giả đã vượt qua các trở ngại và đã làm chủ được tâm ý. Trong chương này, tôi giới thiệu sự phân biệt giữa thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanā), giữa an định và tuệ giác, một kiểu thiền đưa đến định (samādhi) và một kiểu thiền đưa đến tuệ ( paññā). Tuy nhiên, tôi đưa vào những bài kinh nói về tuệ giác chỉ giới hạn trong phạm vi phương pháp được dùng để phát sinh tuệ giác, chứ không nói đến nội dung đích thật của tuệ giác.
Chương IX nhan đề là “ Chiếu Sáng Tuệ Quang ”, nói về nội dung của tuệ giác. Đối với Phật giáo Nguyên Thủy, và cũng là đối với hầu hết các trường phái Phật giáo, tuệ giác hay trí tuệ là công cụ chính của giải thoát. Như vậy, trong chương này, tôi chú trọng đến những lời Phật dạy về những đề tài có tính cách quyết định trong việc phát triển trí tuệ như chánh tri kiến, năm uẩn, sáu căn, mười tám giới, lý duyên khởi, Tứ Diệu Đế. Chương này kết thúc với những bài kinh được tuyển chọn nói về Niết Bàn, mục tiêu rốt ráo của trí tuệ.
Mục tiêu cuối cùng không phải đạt được một cách bất ngờ mà phải trải qua một loạt các giai đoạn chuyển hóa một cá nhân từ một kẻ vô văn phàm phu trở thành một vị A-la-hán, một bậc giải thoát.
Như vậy, chương X, “ Những Cấp Bậc Chứng Đắc ”, cống hiến một số bài kinh được tuyển chọn nói về những giai đoạn giác ngộ trên đường tu tập. Trước tiên, tôi trình bày một loạt những giai đoạn theo thứ tự tiệm tiến; rồi tôi quay lại điểm khởi đầu và quan sát ba cột mốc lớn trong tiến trình này : quả Dự-lưu, quả Bất-lai, và quả vị A-la-hán. Tôi kết luận với một số kinh được tuyển chọn nói về Đức Phật, vị dẫn đầu của các bậc A-la-hán, ở đây được đề cập theo từ ngữ Ngài thường dùng nhất khi nói về chính mình, đó là Như Lai.
NGUỒN GỐC KINH TẠNG NIKĀYA
Như tôi đã nói trên đây, những bài kinh tôi rút ra để đưa vào hợp tuyển này đều được chọn từ kinh tạng Nikāya, đó là những bộ tuyển tập kinh tạng Pāli chính gốc. Tưởng cũng cần đưa ra một vài lời giải thích về nguồn gốc và bản chất của các xuất xứ đó.
Đức Phật đã không ghi lại bất cứ một bài giảng nào của Ngài, và những bài giảng của Ngài cũng không được các đệ tử của Ngài ghi lại bằng chữ viết. Văn hóa Ấn Độ thời Đức Phật sinh sống vẫn chủ yếu là văn hóa trước thời kỳ có chữ viết.(1). Đức Phật đi du hành từ thị trấn này sang thị trấn khác trong vùng thung lũng sông Hằng, giáo hóa tăng ni, thuyết pháp cho các gia chủ trong vùng, họ tập họp lại để nghe Ngài giảng và trả lời câu hỏi của những người thắc mắc tò mò, và Ngài tham gia vào các cuộc thảo luận với quần chúng đủ mọi thành phần trong xã hội. Các văn bản ghi lại những lời giảng dạy của Ngài mà chúng ta có ngày nay không phải do chính tay Ngài viết hay từ những bài phiên tả do những người nghe Ngài giảng rồi ghi lại, nhưng là từ những hội đồng các vị trưởng lão tăng tổ chức kết tập kinh điển sau khi Ngài nhập Niết Bàn ( parinibbāna)- nhằm mục đích gìn giữ giáo lý của Ngài.
Những lời giảng dạy rút ra từ những công trình do các hội đồng kết tập ấy tái dựng lại không chắc là chính xác từ miệng của Đức Phật nói . Đức Phật chắc hẳn phải thuyết pháp thật tự nhiên và đã phối hợp các chủ đề bằng vô số cách khác nhau để đáp ứng lại nhu cầu đa dạng của những người tìm đến Ngài để được hướng dẫn. Bảo tồn bằng phương cách truyền khẩu một khối lượng tài liệu đa dạng và rộng lớn như vậy gần như là một điều không thể làm được. Để uốn nắn lời giảng dạy vào một mô thức thích hợp cho việc bảo tồn, các vị trưởng lão tăng chịu trách nhiệm về kinh văn đã phải thâu thập tài liệu và ấn hành như thế nào cho thích hợp hơn để đại chúng có thể nghe, giữ gìn, đọc tụng, học thuộc lòng và lặp lại – đó là năm yếu tố chính của văn truyền khẩu. Tiến trình này, có thể là đã bắt đầu từ thời Đức Phật còn tại thế, sẽ đưa đến một mức độ đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa trong chừng mực nào đó về những tài liệu cần được bảo tồn.
Trong thời Đức Phật còn tại thế , các bài thuyết giảng được sắp xếp thành chin loại tùy theo văn thể : sutta ( kinh bằng văn xuôi), geyya ( kinh vừa văn xuôi vừa văn vần), veyyākarana (ký thuyết / trả lời câu hỏi ), gatha (thi kệ ), udāna ( lời cảm hứng ), itivuttaka ( như thị thuyết / lời đáng nhớ), jātaka ( chuyện tiền thân Đức Phật), abbhutadhamma ( vị tằng hữu pháp/ pháp hy hữu), vedalla ( phương quảng / vấn đáp)(2). Vào một vài thời điểm sau khi Đức Phật nhập diệt, kế hoạch phân loại cũ này được thay thế bằng một hệ thống mới sắp xếp các bài kinh thành những tuyển tập lớn hơn gọi là Nikāyas theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, hay tạng Kinh A-Hàm ( Āgamas) theo trường phái Phật giáo Bắc Tông Ấn Độ. (3). Thời điểm nào Tạng Kinh Nikāyas- A Hàm trở nên phổ biến thì không thể biết một cách chính xác, nhưng một khi tạng kinh này xuất hiện nó hầu như hoàn toàn thay thế hệ thống phân loại cũ.
Một trong hai phẩm của Luật Tạng Pāli là Cullavagga ( Tiểu Phẩm ), tường thuật về những bài kinh có thẩm quyền được kết tập như thế nào ở Hội đồng Kết tập Kinh tạng lần thứ nhất, được tổ chức ba tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Theo bản tường trình này, một thời gian ngắn sau khi Đức Phật nhập diệt, tôn giả Đại Ca-diếp (MahāKassapa), vị lãnh đạo đương nhiên của giáo đoàn, đã chọn năm trăm vị tỳ kheo, tất cả đều là các bậc A-la-hán hay những bậc đã đạt quả vị giải thoát, để họp và kết tập một văn bản kinh điển chính thức những lời Phật dạy. Hội đồng Kết tập diễn ra vào mùa an cư tại xứ Rājagaha (là thành phố Rajgir hiện nay), thủ đô của Magadha ( Ma kiệt-đà), vào thời đó là tiểu bang thống trị của miền Trung Ấn (4). Tôn giả Đại Ca-diếp trước tiên yêu cầu tôn giả Ưu-ba-li ( Upāli ) tỳ kheo hàng đầu về giới luật, đọc tụng lại giới luật. Dựa trên lời đọc tụng này mà Luật tạng ( Vinaya Piṭaka) được kết tập. Rồi tôn giả Đại Ca-diếp (Mahākassapa) yêu cầu tôn giả A-nan (Ānanda) đọc tụng các Pháp, nghĩa là các bài kinh, và dựa trên nền tảng các bài đọc tụng này, Kinh Tạng ( Sutta Piṭaka) được kết tập .
Tiểu phẩm Cullavagga nói rằng khi tôn giả Ānanda đọc tụng Kinh tạng, các bộ Nikāya có nội dung giống như hiện nay, với các bài kinh được sắp xếp theo cùng một thứ tự như chúng ta thấy trong Kinh tạng Pāli hiện nay. Lời tường thuật này chắc chắn là đã ghi lại lịch sử quá khứ qua lăng kính của thời kỳ sau. Tạng Kinh A-hàm của những trường phái Phật giáo khác với truyền thống Nguyên Thủy đều tương hợp với bốn bộ Nikāya chính, nhưng được sắp xếp nội dung theo một trật tự khác với Tạng Kinh Nikāya tiếng Pāli. Điều này gợi ý rằng nếu việc sắp xếp Tạng kinh Nikāya - A Hàm quả thật đã diễn ra ở hội đồng Kết tập Kinh tạng lần thứ nhất, thì hội đồng này chưa ấn định sắp xếp các bài kinh vào các vị trí nhất định trong hệ thống này. Hay nói cách khác, có thể là kế hoạch này phát sinh vào thời gian sau. Có thể là nó đã phát sinh vào một thời điểm nào đó sau Hội đồng Kết tập lần thứ nhất, nhưng trước khi Giáo đoàn phân chia thành các bộ phái khác nhau. Nếu sự sắp xếp này phát sinh trong thời kỳ phân chia các bộ phái, có thể nó đã được một trong các bộ phái đề xuất và sau đó được các bộ phái khác vay mượn, từ đó các bộ phái khác nhau đã ấn định việc sắp xếp các bài kinh vào những vị trí khác nhau trong hệ thống.
Trong lúc phần tường thuật của tiểu phẩm Cullavagga về Hội đồng Kết tập Kinh tạng lần thứ nhất có thể bao gồm những tài liệu mang tính huyền thoại xen lẫn với những sự kiện có tính lịch sử, hình như không có lý do gì để nghi ngờ vai trò của tôn giả Ānanda trong việc gìn giữ các bài kinh. Là thị giả của Đức Phật, tôn giả Ānanda đã học thuộc những bài thuyết pháp của Đức Phật và các bậc đại đệ tử của Ngài, khắc ghi trong tâm trí, và giảng dạy lại cho những người khác. Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, tôn giả đã được ca tụng về những khả năng ghi nhớ đặc biệt và được mệnh danh là “đệ nhất đa văn thánh đệ tử”(5) (etadaggaṃbahussutānaṃ ). Một vài vị tỳ kheo có thể cũng có trí nhớ ngang hàng với tôn giả Ānanda, nhưng trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, mỗi vị tỳ kheo đã phải bắt đầu chuyên môn nghiên cứu về một lãnh vực kinh văn đặc biệt nào đó. Tiêu chuẩn hóa và đơn giản hóa tài liệu sẽ trợ giúp tốt cho việc học thuộc lòng. Một khi các văn bản kinh đã được sắp xếp vào Tạng Nikayas hay A-Hàm, những thách thức về việc bảo tồn và truyền bá di sản kinh điển sẽ được giải quyết bằng cách tổ chức các chuyên viên về kinh văn thành những tổ hợp chuyên trách về một loại tuyển tập đặc biệt nào đó. Như vậy các tổ hợp khác nhau trong Tăng đoàn có thể tập trung học thuộc lòng và diễn giải các tuyển tập kinh văn khác nhau và nói chung giáo đoàn có thể tránh được việc áp đặt đòi hỏi mỗi cá nhân các vị tỳ kheo phải ghi nhớ quá nhiều. Chính bằng cách này những lời giáo huấn của Đức Phật tiếp tục được truyền thừa trong ba trăm hoặc bốn trăm năm, cho đến khi cuối cùng chúng được ghi lại bằng chữ viết.(6)
Trong những thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, giáo đoàn đã chia rẽ về những vấn đề thuộc giáo lý và giới luật, cho đến thế kỷ thứ ba sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn đã có ít nhất mười tám tông phái của thời kỳ Phật Giáo Bộ Phái. Mỗi tông phái đã có những tuyển tập được xem như là kinh tạng riêng của họ, mặc dù có thể là nhiều tông phái liên kết chặc chẽ với nhau đã chia sẻ chung một tuyển tập những kinh văn chính thức. Trong lúc những tông phái khác nhau có thể đã tổ chức sắp xếp tuyển tập của họ theo những cách khác nhau, và mặc dù tuyển tập kinh của họ chứng tỏ có sự khác nhau về các chi tiết, điều đáng chú ý là mỗi bài kinh lại rất tương tự nhau, đôi lúc hầu như giống nhau hoàn toàn, và những giáo lý hay phần tu tập thực hành thì trên căn bản vẫn giống nhau (7). Sự khác nhau về giáo lý giữa các tông phái không phải xuất phát từ chính những bài kinh nhưng là từ cách diễn giải của các chuyên gia đặc trách kinh tạng áp đạt cho chúng. Những khác biệt đó càng sâu đậm hơn sau khi các tông phái cạnh tranh nhau đã chính thức hóa những nguyên tắc triết học trong các luận đề và luận giải để diễn đạt lập trường rõ ràng của họ về các vấn đề thuộc giáo lý. Đến đây, chúng ta có thể xác định rằng những hệ thống triết lý được gạn lọc như thế chỉ có ảnh hưởng tối thiểu trên các văn bản kinh chính gốc, mà các tông phái hình như không có khuynh hướng cố ý nhào nặn cho thích hợp với chủ trương giáo lý của họ. Thay vào đó, bằng phương tiện của những bài luận giải, họ nỗ lực diễn đạt ý kinh theo một phương cách nhằm rút ra những ý tưởng nào ủng hộ cho quan điểm của họ. Chẳng có gì lạ khi những bài diễn giải đó mang tính cách bảo vệ và rất khôn khéo, có vẻ như muốn tạ lỗi với ngôn từ của các bản kinh chính gốc.
KINH TẠNG PĀLI
Điều đáng buồn là những bộ sưu tập kinh điển thuộc về hầu hết các tông phái Phật Giáo Ấn Độ chính thống nguyên thủy đã bị mất mát khi Phật giáo Ấn độ bị phe Hồi Giáo tàn phá sau khi họ xâm chiếm miền bắc Ấn độ trong thế kỷ thứ mười một và mười hai. Những cuộc xâm lăng đó thật sự đã báo hiệu cái chết của Phật giáo ngay trên mảnh đất phát sinh tôn giáo này. Chỉ có một bộ sưu tập kinh tạng đầy đủ thuộc về một trong những tông phái Phật giáo Ấn độ nguyên thủy là đã cố gắng tìm cách tiếp tục tồn tại nguyên vẹn. Đó là bộ sưu tập được gìn giữ bằng ngôn ngữ Pāli như chúng ta đã biết. Bộ sưu tập này thuộc về tông phái Nguyên Thủy cổ xưa, đã được chuyển qua Tích lan (Sri Lanka) trong thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên và nhờ vậy đã tìm cách trốn thoát khỏi tai họa giáng vào Phật giáo trên đất mẹ của mình. Cũng vào khoảng thời gian đó, Phật giáo Nguyên Thủy cũng truyền qua Đông Nam Á và trong những thế kỷ sau đã trở thành tôn giáo thịnh hành nhất trong khu vực này.
Kinh Tạng Pāli là bộ sưu tập những văn bản kinh mà truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy xem chính thức là Lời Phật Dạy (buddhavacana). Sự kiện những văn bản kinh của bộ sưu tập này đã tồn tại như một bộ sưu tập duy nhất không có nghĩa là tất cả bài kinh có thể xuất phát từ cùng một thới kỳ; và cũng không có nghĩa là những văn bản tạo thành cốt lõi kinh văn cổ sơ nhất của bộ sưu tập này nhất thiết phải xưa cổ hơn những bài kinh tương đồng với chúng từ những bộ phái Phật giáo khác, rất nhiều văn bản kinh ấy vẫn còn tồn tại trong các bản dịch bằng tiếng Trung hoa và Tây tạng như những thành phần của toàn bộ kinh tạng, hoặc, trong một vài trường hợp, như là những văn bản riêng biệt bằng một thứ tiếng Ấn độ khác. Tuy nhiên, Kinh Tạng Pali đặc biệt quan trọng đối với chúng ta, và sở dĩ như vậy là vì ít nhất ba lý do sau :
Thứ nhất, đó là một bộ sưu tập đầy đủ, tất cả thuộc về một tông phái mà thôi. Mặc dù chúng ta có thể tìm thấy những dấu hiệu rõ ràng về những phát triển lịch sử giữa những phần khác nhau của tạng kinh, sự xếp đặt các văn bản kinh vào một tông phái mà thôi đã cho các văn bản tính chất tương đối đồng nhất. Giữa những bài kinh xuất phát vào cùng một thời kỳ, chúng ta thậm chí có thể nói đến tính đồng nhất về nội dung, mang cùng một hương vị tiềm ẩn bên dưới nhiều cách diễn đạt khác nhau về giáo lý. Tính đồng nhất này được thấy rõ ràng trong bốn bộ Nikāya và những phần xưa cổ hơn của bộ Nikāya thứ năm, và cho chúng ta lý do để tin rằng với những văn bản kinh này chúng ta đã đạt đến tài liệu cổ sơ nhất của văn bản Phật giáo đã được khám phá từ trước đến nay – cho phép xác nhận giá trị của những nhận định đã nêu trên, rằng những văn bản kinh này có những bản tương đồng trong các bộ phái Phật giáo khác mà nay đã không còn tồn tại .
Thứ hai, toàn bộ sưu tập đã được bảo tồn bằng thứ ngôn ngữ miền Trung Ấn-Aryan, thứ ngôn ngữ có liên hệ rất gần với ngôn ngữ ( hoặc, rất có thể là, những thổ ngữ thuộc nhiều vùng khác nhau) mà chính đức Phật đã nói .Chúng ta gọi thứ ngôn ngữ này là tiếng Pali, nhưng tên gọi ngôn ngữ này thật ra đã xuất phát từ một sự hiểu lầm . Từ pāli đúng ra có nghĩa là “ kinh văn ”, nghĩa là, văn bản kinh để phân biệt với những bài luận giải. Các nhà bình luận đề cập đến ngôn ngữ mà các văn bản được bảo tồn như là pālibhāsā, nghĩa là “ngôn ngữ của các kinh văn”. Vào một thời điểm nào đó, từ này bị hiểu lầm có nghĩa là “ ngôn ngữ Pāli”, và một khi sự hiểu lầm này đã được tung ra, nó bén rễ và đã đi theo với chúng ta từ đó đến nay. Các học giả xem ngôn ngữ này như là một ngôn ngữ lai để lộ nhiều đặc điểm của các thổ ngữ Prakrit được sử dụng vào khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên, và đã phải chịu một quá trình “ Sancrit hóa ” một phần nào (8). Trong lúc ngôn ngữ này không trùng hợp với bất cứ ngôn ngữ nào mà chính Đức Phật đã nói, nó thuộc về cùng một ngữ tộc rộng lớn như những ngôn ngữ mà có lẽ Ngài đã sử dụng và xuất phát từ cùng một cội nguồn khái niệm. Như vậy, ngôn ngữ này phản ảnh thế giới tư tưởng mà Đức Phật đã kế thừa từ một nền văn hóa Ấn độ rộng lớn hơn trong đó Ngài đã sinh ra, nhờ vậy ngôn từ của nền văn hóa ấy đã diễn đạt được những nét tinh tế của thế giới tư tưởng mà không có sự xâm nhập của các ảnh hưởng ngoại lai, vốn không thể tránh được ngay cả trong những bản văn dịch xuất sắc và cẩn trọng nhất. Điều này trái ngược với những bản dịch kinh văn của Trung hoa, Tây Tạng hay Anh quốc, trong đó ngôn ngữ dịch đã mang nhiều ảnh hưởng của các nghĩa bóng được chọn từ tiếng Hoa, Tây-tạng hay Anh.
Lý do thứ ba khiến Kinh Tạng Pāli có tầm quan trọng đặc biệt là vì đối với một trường phái Phật giáo đương thời bộ sưu tập này là tài liệu có thẩm quyền. Không giống những bộ sưu tập kinh văn của những trường phái Phật giáo cổ sơ đã bị tuyệt chủng, vốn mang tính chất thuần túy hàn lâm, bộ sưu tập này mang đầy sức sống. Nó đã khơi dậy niềm tin của hàng triệu Phật tử từ các thôn làng và tự viện ở Sri Lanka (Tích lan), Myanmar ( Miến điện), và Đông Nam Á cho đến những thành phố và các trung tâm thiền ở Âu Châu và Mỹ châu. Bộ sưu tập kinh tạng này đã định hình tri kiến của họ, hướng dẫn họ trước những chọn lựa đạo đức khó khăn, cung cấp thông tin cho việc tu tập thiền định của họ, và cho họ những chìa khóa để đạt đến tuệ giác giải thoát.
Kinh Tạng Pāli thường được biết như là Tipiṭaka, nghĩa là “Tam Tạng Kinh Điển” hay ‘Ba Bộ Sưu Tập Kinh”. Sự phân chia làm ba tạng này không phải chỉ là tính chất độc đáo của trường phái Nguyên Thủy, mà còn thông dụng giữa các trường phái Phật giáo Ấn Độ như là một cách phân loại các văn bản kinh Phật giáo. Ngày nay, ngay cả những kinh điển được bảo tồn trong các bản dịch chữ Hán cũng được biết như là Tam Tạng Kinh chữ Hán . Ba bộ sưu tập kinh tạng Pali là :
- Luật Tạng ( Vinaya Piṭaka), bộ sưu tập về Giới Luật, gồm có những giới luật được đặt ra để hướng dẫn tăng ni và những điều lệ qui định để việc hoạt động của giáo đoàn được hài hòa.
- Kinh Tạng ( Sutta Piṭaka), là bộ sưu tập các bài Kinh, gồm có Kinh ( suttas), là những bài giảng của Đức Phật và các vị đại đệ tử của Ngài cũng như những tác phẩm khơi nguồn cảm hứng bằng thơ, bằng thi kệ, và một số tác phẩm mang tính chất bình luận.
- Luận Tạng ( Abhidharma Piṭaka), bộ Sưu tập về Triết học, là bộ sưu tập gồm bảy bộ luận nhằm hệ thống hóa triết học thật chặt chẽ những lời giảng dạy của Đức Phật.
Luận Tạng ( Abhidhamma Piṭaka) rõ ràng là sản phẩm của thời kỳ sau so với hai Tạng kia. trong quá trình tiến hóa tư tưởng Phật giáo. Văn bản tiếng Pāli tiêu biểu cho nỗ lực của trường phái Nguyên thủy muốn hệ thống hóa những lời giảng dạy xưa cổ hơn. Những trường phái khác rõ ràng cũng đã có hệ thống Luận tạng riêng của họ. Trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Savāstivāda ) là hệ thống duy nhất mà toàn bộ các văn bản kinh của họ được tồn tại nguyên vẹn. Bộ sưu tập kinh tạng của họ, giống như Pāli tạng, cũng gồm có bảy tập kinh văn. Những kinh văn đó nguyên gốc được viết bằng tiếng Sancrit nhưng chỉ được bảo tồn đầy đủ bằng các bản dịch chữ Hán. Hệ thống mà họ khẳng định khác biệt đáng kể so với phần kinh văn tương đương của trường phái Nguyên Thủy cả trong phần trình bày lẫn triết học.
Kinh Tạng ( Sutta Piṭaka), chứa đựng các bản ghi chép những lời giảng dạy và thảo luận của Đức Phật, gồm có năm bộ sưu tập gọi là Nikaya. Vào thời đại của các nhà luận giải, chúng cũng còn được biết đến như là Āgamas, giống như các bản kinh tương đương của Phật giáo Bắc Truyền. Bốn tập Nikaya là :
- Trường Bộ Kinh (Digha Nikāya): ba mươi bốn bài kinh được sắp xếp thành ba quyển ( vaggas) .
- Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) gồm 152 bài kinh được sắp xếp thành ba quyển.
- Tương Ưng Bộ Kinh ( Saṃyutta Nikāya) gần ba ngàn bài kinh ngắn sắp xếp thành năm mươi sáu chương, gọi là saṃyuttas, được xếp thành năm quyển.
- Tăng Chi Bộ Kinh ( Aṅguttara Nikāya), gồm gần 2,400 bài kinh ngắn được sắp xếp thành 11 chương, gọi là Kinh Tập (nipātas).
Thoạt nhìn, Trường Bộ Kinh và Trung Bộ Kinh hình như được thành lập chính yếu trên căn bản chiều dài của kinh: những bài kinh dài hơn được đưa vào Trường Bộ, những bài có chiều dài cỡ trung bình thì đưa vào Trung Bộ. Tuy nhiên, nếu cẩn thận sắp xếp nội dung của các bài kinh sẽ gợi ý cho thấy rằng một yếu tố khác có thể tiềm ẩn bên dưới sự phân biệt giữa hai bộ kinh đó. Những bài kinh trong Trường Bộ Kinh phần lớn nhắm đến đại chúng và hình như có ý định thu hút những người có thể cải đạo đến nghe kinh bằng cách chứng minh tính siêu đẳng của Đức Phật và giáo lý của Ngài. Các bài kinh trong Trung Bộ Kinh phần lớn hướng đến nội bộ cộng đồng Phật tử và hình như được sắp xếp để các vị tân tỳ kheo làm quen với giáo lý và công phu tu tập của Phật giáo (9). Điều này vẫn còn là một câu hỏi mở rộng về vấn đề có phải những mục đích thực dụng ấy là những tiêu chuẩn quyết định đằng sau hai Bộ kinh Nikaya đó, hay tiêu chuẩn đầu tiên là chiều dài của kinh, với những mục đích thực dụng ấy theo sau như là kết quả ngẫu nhiên của những khác nhau về độ dài của các bài kinh đó.
Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya) được sắp xếp theo đề tài. Mỗi đề tài là cái ‘ ách’ (saṃyoga) kết nối bài kinh vào một chương ( saṃyutta). Từ đó nhan đề của bộ kinh là “những bài kinh được kết nối ”( Tương Ưng). Quyển thứ nhất, Thi Kệ, độc đáo ở chỗ là đã được tập hợp trên căn bản thể loại văn chương. Quyển này gồm có những bài kinh trong đó vừa có văn xuôi vừa có thi kệ, được sắp xếp thành mười một chương theo đề tài. Bốn quyển kia mỗi quyển gồm có những chương dài nói về những giáo lý chính yếu của Phật Giáo Nguyên Thủy. Các Quyển II, III, và IV mỗi quyển đều được mở đầu bằng một chương dài dành cho một đề tài rất quan trọng, như là Lý Duyên Khởi ( chương 12: Nidānasaṃyutta); Ngũ Uẩn ( chương 22: Khandhasaṃyutta); và Sáu Nội Xứ và Sáu Ngoại Xứ ( chương 35: Saḷāyatanasaṃyutta) . Phần V nói về những chi phần tu tập chính yếu, mà trong thời kỳ ‘’hậu kinh điển’’ được gọi là Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo ( bodhipakkhiyādhammā). Những chi phần này gồm có Bát Thánh Đạo ( chương 45: Maggasaṃyutta) , Thất Giác Chi ( chương 46: Bojjhangasaṃyutta) , và Tứ Niệm Xứ ( chương 47: Satipaṭṭhānasaṃyutta) . Từ nội dung, chúng ta có thể suy luận rằng Tương Ưng Bộ Kinh có dụng ý phục vụ cho nhu cầu của hai nhóm trong giáo đoàn. Một nhóm gồm những vị chuyên môn về giáo lý, những vị tăng ni chuyên tâm tìm tòi và khám phá ý nghĩa sâu sắc của Giáo Pháp để giải thích cho những bạn đồng tu của họ. Nhóm kia gồm những vị dành trọn công phu để phát triển tuệ giác thiền định.
Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya) được sắp xếp theo một hệ thống số rút ra từ một đặc điểm kỳ lạ trong phương pháp sư phạm của Đức Phật. Để giúp cho việc học thuộc lòng và hiểu các bài giảng dễ dàng hơn, Đức Phật thường hình thành các bài giảng bằng cách xếp theo từng bộ số, một kiểu thiết kế nhằm bảo đảm rằng những tư tưởng Ngài truyền đạt sẽ được dễ dàng ghi nhớ. Tăng Chi Bộ Kinh tập hợp những bài pháp thoại xếp theo số thành một tác phẩm đồ sộ gồm có mười một chương ( nipātas), mỗi chương tiêu biểu cho một số các bài kinh đã được hình thành theo pháp số. Như vậy có Chương của những Bài Kinh Số Một ( ekākanipāta), Chương của những Bài Kinh Số Hai ( dukanipāta), Chương của những Bài Kinh Số Ba ( tikanipata) và cứ như thế, cho đến lúc chấm dứt với Chương của những Bài Kinh Số Mười Một ( ekākanipāta). Vì những nhóm khác nhau của các chi phần trong đạo lộ tu tập đã được bao gồm trong Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh có thể tập trung vào các phương diện khác của việc tu tập chưa được thể nhập vào các tập kinh pháp số trùng lặp . Tăng Chi Bộ Kinh bao gồm một số lượng kinh đáng kể mà Đức Phật đã giảng cho cư sĩ để giải quyết các mối quan tâm của họ về các vấn đề đạo đức và tâm linh trong cuộc sống đời thường, bao gồm các quan hệ gia đình (vợ chồng, con cái và cha mẹ) , và những phương cách đúng đắn để tạo lập, giữ gìn và sử dụng tài sản. Những bài kinh khác nói về việc rèn luyện thực tiển cho các tăng sĩ. Việc sắp xếp tuyển tập kinh theo pháp số giúp cho việc giảng dạy chính thức được đặc biệt thuận tiện, và như vậy được các vị trưởng lão tăng sử dụng dễ dàng khi giảng dạy cho các đệ tử và các vị pháp sư khi thuyết pháp cho thính chúng.
Ngoài bốn bộ kinh Nikāya chính, Kinh Tạng Pāli còn một bộ kinh Nikāya thứ năm, gọi là Tiểu Bộ Kinh ( Khuddaka Nikāya) . Tên kinh này có nghĩa là Tiểu Bộ. Có lẽ lúc ban đầu bộ kinh này chỉ gồm có một số tác phẩm nhỏ không thể đưa vào bốn bộ kinh Nikāya lớn. Nhưng vì càng ngày càng có nhiều bài kinh được sáng tác qua nhiều thế kỷ và được thêm vào Tiểu Bộ, và kích cỡ của bộ kinh này phát triển cho đến lúc nó trở thành bộ kinh có nhiều quyển nhất trong năm bộ kinh Nikāya. Tuy nhiên, trọng tâm của Tiểu Bộ Kinh là một tập hợp nhỏ những tác phẩm ngắn được sáng tác hoặc là hoàn toàn bằng thi kệ ( chẳng hạn như , Kinh Pháp Cú ( The Dammapada), Trưởng Lão Tăng Kệ ( the Theragāthā), Trưởng Lão Ni kệ ( the Therigāthā), hoặc hỗn hợp văn xuôi lẫn văn vần như là Kinh Tập (Suttanipāta), Kinh Phật Tự Thuyết ( Udāna) , và Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka ), những kinh này có văn phong và nội dung thuộc loại rất xưa cổ. Những bài kinh khác trong Tiểu Bộ Kinh – như là Kinh Phân Tích Đạo (Paṭisambhidāmagga) và hai bài kinh Diễn giải (Niddesas) – tiêu biểu cho lập trường của tông phái Nguyên Thủy và như vậy ắt hẳn phải được sáng tác trong thời kỳ Phật Giáo Bộ Phái, khi mà những tông phái cổ sơ đã đi theo con đường riêng của họ về việc phát triển giáo lý.
Bốn bộ kinh Nikāya tiếng Pāli có các bộ tương đương là Kinh A-Hàm của Tam Tạng Kinh chữ Hán, mặc dù những kinh này thuộc về các tông phái xưa cổ khác nhau . Tương đương với từng bộ kinh gồm có Trường A-hàm ( Dirghāgama), có lẽ xuất phát từ phái Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka), nguyên gốc được dịch từ tiếng Prakrit, Bộ Trung-A-Hàm (Madhyamagama) và Tạp-A-Hàm ( Samyuktāgama), cả hai xuất phát từ phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) và được dịch từ tiếng Sanscrit, và một bộ Tăng-Nhất-A-Hàm (Ekottarāgama), tương đương với Tăng Chi Bộ Kinh, thường được cho là thuộc về một chi nhánh của tông phái Đại Chúng Bộ (Mahāsāṅghika) và đã được dịch từ một thổ ngữ thuộc miền Trung Indo-Aryan hay là một thổ ngữ pha trộn của ngôn ngữ Prakrit với những yếu tố của tiếng Sancrit. Tam Tạng Kinh chữ Hán cũng gồm có những bản dịch các bài kinh riêng lẻ từ bốn tuyển tập lớn, có lẽ từ những tông phái khác chưa được nhận diện, và những bản dịch của từng quyển riêng lẻ từ Tiểu Bộ Kinh, gồm hai bản dịch của Kinh Pháp Cú (Dhammapada) ( một bản đươc nói là rất giống với văn bản tiếng Pali) và những phần của Kinh Tập ( Suttanipāta) , vốn là một tác phẩm thống nhất, không có trong bản dịch chữ Hán.
GHI CHÚ VỀ VĂN PHONG
Độc giả của kinh tạng Pāli thường cảm thấy bực mình trước sự trùng lặp của các lời kinh. Thật khó nói có bao nhiêu phần lặp lại này xuất phát từ chính lời giảng của Đức Phật, vốn là một vị giáo sĩ du hành khắp nơi ắt hẳn Ngài phải dùng phương cách lặp lại để củng cố những điểm cần nhấn mạnh, và Ngài đã dùng nhiều ít thế nào thì lại tùy vào những người sưu tập kinh văn. Tuy nhiên, rõ ràng là một phần lớn lời kinh trùng lặp xuất phát từ quá trình truyền khẩu.
Để tránh quá nhiều trùng lặp trong lúc phiên dịch, tôi đã phải thực hiện việc rút gọn nhiều lần.Về mặt này, tôi theo các ấn bản kinh tiếng Pāli, vốn cũng đã rút gọn bớt rất nhiều, nhưng một bản dịch nhắm đến các độc giả đương đại đòi hỏi cần phải rút gọn hơn nữa nếu muốn tránh cho độc giả khỏi bực mình. Mặc khác, tôi cũng phải nhạy bén để thấy rằng không có điểm nào cần thiết trong văn bản gốc đã bị bỏ sót trong khi rút gọn, kể cả phong cách của lời kinh. Lý tưởng vừa muốn làm vui lòng độc giả vừa muốn giữ tính trung thực của văn bản kinh đôi lúc đã tạo ra những yêu cầu trái ngược nhau cho người dịch.
Việc xử lý các kiểu mẫu trùng lặp của cùng một lời kinh liên hệ đến một loạt các thành phần của bài kinh là một vấn đề bất tận đối với việc phiên dịch kinh tạng Pali. Thí dụ, khi dịch một bài kinh về ngũ uẩn, ngươi ta thường muốn bỏ qua việc kể ra từng uẩn, thay vào đó chuyển bài kinh thành một lời xác định tổng quát về các uẩn như một tập hợp. Theo ý tôi, phương cách này có nguy cơ là biến bản phiên dịch thành một bài viết có ý nghĩa tương đương và như vậy đánh mất quá nhiều đặc tính của văn bản gốc. Chính sách chung của tôi là dịch toàn bộ lời kinh liên quan đến thành phần thứ nhất và thành phần cuối của toàn bộ (ngũ uẩn) và chỉ dùng các dấu chấm ngăn cách để kể các thành phần ở giữa. Như vậy, trong một bài kinh vể ngũ uẩn, tôi chỉ dịch đầy đủ về phần sắc và thức, và các thành phần ở giữa sẽ là “thọ…tưởng…hành…”, ngụ ý rằng toàn bộ lời kinh kể trước cũng áp dụng cho các thành phần này.
Phương cách này đòi hỏi sử dụng thường xuyên việc rút gọn bằng các dấu chấm, một cách thực hành cũng dễ tạo ra nhiều bình phẩm. Khi phải đối diện với những đoạn văn trùng lặp trong khung cảnh một bài tường thuật, đôi lúc tôi cô đọng chúng thay vì dùng cách rút gọn bằng gọn bằng các dấu chấm để chỉ định phần nào của bài kinh đang được bỏ bớt. Tuy nhiên, với những bài kinh có tính cách giải thích giáo lý, tôi vẫn tuân thủ theo cách thực hành như đã nói ở đoạn trước. Khi dịch những đoạn kinh mang ý nghĩa giáo lý quan trọng, tôi nghĩ dịch giả có trách nhiệm cần chỉ rõ nơi nào bài kinh được rút gọn, và đối với loại kinh này, việc rút gọn bằng các dấu chấmvẫn là phương cách sẵn có tốt nhất.
ĐỌC SÁCH PDF TẠI ĐÂY: Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pali