Tốt đời đẹp đạo
Loading...
Hướng dẫn đọc Kinh Trường Bộ

Hướng dẫn đọc Kinh Trường Bộ

Trường bộ Kinh tường thuật về các đối thoại liên tôn giáo và triết học giữa đức Phật với các đạo sĩ Sa-môn và Bà-la-môn đương thời, thông qua đó, giúp ta hình dung được các phong trào tôn giáo và triết học thời Phật; đồng thời, cho thấy triết học thực tiễn của đức Phật vượt lên trên các tôn giáo hữu thần và vô thần thời đức Phật.

I. TỔNG QUAN KINH TRƯỜNG BỘ

Trường bộ Kinh (P. Dīgha Nikāya, C. 長部經) là bộ đầu trong năm bộ Kinh Pali của Phật giáo Thượng tọa bộ (Therāvāda); là tuyển tập 34 bài Kinh dài (The Long Discourses) trong Kinh tạng Pali (Sutta piṭaka), tương ứng với 30 bài Kinh Trường A-hàm (S. Dīrgha Āgama, C. 長阿含經). Khái niệm “trường” (dīgha, 長) có nghĩa đen là “dài” về số lượng chữ của từng bài kinh trong bộ này. Trên thực tế, Trường bộ Kinh là tuyển tập kinh Pali có số trang ít nhất trong 5 bộ kinh Pali (Pāḷi Nikāya).

Về số lượng, Trường bộ Kinh nhiều hơn 4 bài kinhso với bộ Kinh trường A-hàm trong văn học Hán tạng của phái Dharmaguptaka, vốn là bộ đầu tiên trong Đại Chánh tân tu Đại Tạng Kinh (大正新脩大蔵経, Taishō edition). Có 6 bài kinh trong Trường bộ kinh không có kinh tương ứng trong Trường A-hàm gồm: Kinh số 06. Kinh Ma-ha-lê (Mahāli Sutta, 摩诃梨經), kinh số 07. Kinh Xà-lợi (Jāliya Sutta, 阇利經), kinh số 10. Kinh Tu-bà (Subha Sutta, 须婆經), kinh số 22. Kinh đại niệm xứ (Mahā-Satipatthāna Sutta, 大念處經), kinh số 30. Kinh tướng (Lakkhaṇa Sutta, 相經) và kinh số 32. Kinh A-tra-nang-chi (Āṭānāṭiya Sutta, 阿吒曩胝經).

Kinh Trường bộ Kinh Kinh Trường A-hàm có một số điểm dị biệt về thứ tự các bài kinh, cách đặt tựa đề kinh, các khái niệm và nội dung từng bài kinh. Các bài kinh có nội dung trùng lặp trong Kinh Trường bộ như các kinh số 6, 7, 10, 22 được tỉnh lược trong Kinh Trường A-hàm.

Về nội dung, Trường bộ Kinh tường thuật về các đối thoại liên tôn giáo và triết học giữa đức Phật với các đạo sĩ Sa-môn và Bà-la-môn đương thời, thông qua đó, giúp ta hình dung được các phong trào tôn giáo và triết học thời Phật; đồng thời, cho thấy triết học thực tiễn của đức Phật vượt lên trên các tôn giáo hữu thần và vô thần thời đức Phật.

Về phân loại, Kinh Trường bộ được chia thành 3 phẩm (vagga): (i) Phẩm giới uẩn (Sīlakkhandha Vagga Pāli, 戒蘊集) gồm 13 bài kinh nói về đạo đức (Sīla) chuẩn mực và thanh cao, (ii) Đại phẩm (Mahā Vagga Pāli, 大品) gồm 10 bài kinh nói về cuộc đời đức Phật và một số giáo pháp căn bản, (iii) Phẩm Ba-lê (Pathika Vagga Pāli, 波梨品) gồm 11 bài kinh giới thiệu về vũ trụ luận, cách tu của ngoại đạo, trách nhiệm gia đình, xã hội và tâm linh.

Về bản dịch tiếng Anh, hiện có 3 bản dịch Anh ngữ hoàn chỉnh và một số bản trích dịch. Quyển “Dialogues of the Buddha,” (Đối thoại của đức Phật) do T. W. Rhys Davids và C. A. F. Rhys Davids dịch, 3 volumes, NXB. Pali Text Society, năm 1899–1921 là bản dịch sớm nhất. Bản dịch của Maurice Walshe với tựa đề “The Long Discourses of the Buddha: A Translation of the Digha Nikaya” (Các bài kinh dài của đức Phật: Bản dịch kinh Trường bộ kinh) do NXB. Wisdom Publications, Boston, năm 1987; tựa gốc trong bản tiếng Anh là “Thus Have I Heard” (Tôi nghe như vầy). Bản dịch của Tỳ-kheo Sujato có tựa đề: “The Long Discourses” (Các bài kinh dài), xuất bản năm 2018 dưới dạng e-book (gồm Epub, Kindle, PDF, MS Word) miễn phí tại trang Sutta Central Net.

Ngoài ra, còn có các quyển trích dịch gồm “Long Discourses of the Buddha,” (Các bài kinh dài của đức Phật) do A.A.G. Bennett dịch và ấn hành tại Bombay năm 1964 gồm các kinh 1-16. Tác phẩm “The Buddha's Philosophy of Man” (Triết học về con người của đức Phật) do Rhys Davids tuyển dịch và Trevor Ling biên tập, NXB. Everyman, chọn dịch 10 kinh gồm các kinh số 2, 16, 22, 31. Quyển “Ten Suttas from Digha Nikaya,” (Mười bài kinh dài trong Trường bộ Kinh ) do Burma Pitaka Association ấn hành tại Rangoon, 1984, gồm các kinh 1, 2, 9, 15, 16, 22, 26, 28-9, 31.

Tại Việt Nam, bản dịch của HT. Thích Minh Châu với tựa đề: “Kinh Trường bộ”, xuất bản lần đầu năm 1972 và tái bản nhiều lần từ năm 1991 đến nay, được xem là bản dịch trung thành với nguyên tác Pali, góp phần làm thay đổi tích cực hệ thống Phật học tại Việt Nam trong hơn 4 thập niên qua.


II. KHÁI QUÁT NỘI DUNG

A. Phẩm giới uẩn (Sīlakkhandha Vagga Pāli, 戒蘊集)

1. Kinh Phạm võng (P=S. Brahmajāla, C. 梵網經, "tấm lưới của Phạm thiên”) tương đương Kinh Phạm động (梵動經, bộ 1, quyển 88) còn gọi là “Phạm võng lục thập nhị Kinh” (梵網六十二見經), bộ 1, quyển 264 trong Kinh Trường A-hàm (長阿含經). Nhân dịp một số đạo sĩ chỉ trích đức Phật bằng cách đề cập đến các mặt siêu việt của đức Phật, đức Phật dạy cách ứng xử thản nhiên trước lời thị phi, đồng thời giới thiệu ba cấp giới hạnh: giới hạnh nhỏ, giới hạnh vừa, giới hạnh lớn. Ngoài ra, đức Phật dạy cách vượt qua 62 kiến chấp gồm 18 kiến chấp về quá khứ (thường trú luận, vô thường luận, thế giới hữu biên hay vô biên, thuyết ngụy biện và vô nhân luận) và 44 kiến chấp về tương lai (gồm hữu tưởng luận, vô tưởng luận, phi-hữu-tưởng, phi-vô-tưởng luận, đoạn diệt luận, hiện tại niết-bàn luận.

2. Kinh Sa-môn quả (P. Sāmaññaphala, C. 沙門果經) tương đương Kinh Sa-môn quả trong Trường A-hàm Kinh, bộ 1, quyển 107; Kinh Tịch chí quả (寂志果經) thuộc Kinh tăng nhất A-hàm (增壹阿含經) gồm bộ 2, quyển 762 và bộ 1, quyển 270. Nhân dịp vua Ajātasattu nhờ đức Phật cứu độ về tội giết cha, đức Phật giải thích tác hại của tà thuyết của sáu đạo sư: (i) Thuyết chẳng có nghiệp báo của Pùrana Kassapa, (ii) (ii) Thuyết luân hồi tịnh hoá của Makkhali Gosàla, (iii) Thuyết đoạn diệtcủa Ajita Kesakambàli, (iv) Thuyết bảy thân bất hoại của Pakudha Kaccayana, (v) Thuyết loã thể với bốn cấm giới của Nigantha Nàtaputta, (vi) Thuyết ngụy biện của Sanjaya Belathiputta. Đồng thời, đức Phật giải thích về các công đức của bậc chân tu: Được kính nễ, tăng trưởng đạo đức, làm chủ giác quan, chánh niệm và biết đủ, dứt năm trói buộc tâm, chứng 4 thiền và trí tuệ, đạt thần thông và giải thoát tri kiến.

3. Kinh A-ma-trú (P. Ambbaṭṭha Sutta, C. 阿摩晝經) tương đương kinh mang cùng tên thuộc bộ 1, quyển 82 Kinh Trường A-hàm Kinh Phật khai giải Phạm chí A-bạt (佛開解梵志阿颰經) thuộc bộ 1, quyển 259a. Trước thái độ cao ngạo về huyết thống của Ambbaṭṭha, đức Phật truy nguồn gốc mẹ của Ambbaṭṭha là nữ tỷ của dòng họ Sakya. Phủ định giai cấp, Phật khẳng định rằng ngườinào giới hạnh và trí tuệ đầy đủ sẽ trở thành tối thắng giữa loài người. Nhân đó, Phật giảng về tứ diệu đế, bố thí, sống đạo đức, quả phước ở các cõi trời.

4. Kinh Chủng Ðức (P. Soṇadaṇḍanta  Sutta, C. 種德經) tương đương bài kinh cùng tên trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 94. Nhân dịp các Bà-la-môn cao ngạo rằng mình người có huyết thống thuần khiết 7 đời, thông hiểu các Kinh Veda, giỏi thần chú, tướng mạo đoan trang, tuân thủ giới cấm và thông minh, đỉnh đạt, đức Phật cho rằng trí tuệ và đạo đức làm cho con người trở nên tối thắng, chứ không phải giai cấp và huyết thống. Chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có đạo đức. Theo đức Phật, người xứng danh Bà-la-môn phải là người thành tựu trí tuệ, đạo đức và thiền định.

5. Kinh Cứu-la-đàn-đầu (P. Kūṭadanta Sutta, C. 究羅檀頭經) tương đương kinh mang cùng tên trong Trường A-hàm, bộ 1, quyển 96. Trái với các lễ tế đàn đẫm máu, chặt cây, phạt nô tỳ của bà-la-môn, đức Phật dạy tế đàn cao quý bằng cách cúng người đạo đức, xây dựng tự viện, quy ngưỡng Tam bảo, giữ năm đạo đức, chứng đắc 4 thiền và giúp người thấy và sống với chân lý. Để chấm dứt các tệ nạn xã hội, đức Phật cho rằng hình phạt không phải là giải pháp; cần hỗ trợ nhân dân đúng cách để xã hội thanh bình.

6. Kinh Ma-ha-lê (P. Mahāli Sutta, C. 摩诃梨經) không có bản tương đương trong Kinh Trường A-hàm. Thay vì các bà-la-môn bị vướng kẹt vào thiên sắc, thiên âm và tranh luận vô ích về thân thể-tâm thức là một hay khác, đức Phật dạy con đường kết thúc khổ đau bằng cách phát triển trí tuệ, chuyên tu đạo đức qua ba cấp (tiểu giới, trung giới, đại giới), đạt bốn cấp thiền định, hướng đến sự kết thúc các khổ đau.

7. Kinh Xà-lợi (P. Jāliya Sutta, C. 阇利經), còn gọi là Kinh Xa-li-da, không có bản tương đương trong Kinh Trường A-hàm. Nhân dịp 2 vị xuất gia thảo luận về thân và tâm là đồng nhất hay dị biệt, đức Phật hướng dẫn cách phát triển trí tuệ trên nền tảng bốn chân lý thánh để vượt qua mọi khổ đau.

8. Kinh Ca-diếp Sư tử hống (P. Kassapa Sīhanāda Sutta, C. 迦叶狮子吼經) tương đương Kinh lõa hình Phạm chí (倮形梵志經) trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 102. Ngoài việc chứng minh tác hại của tu khổ hạnh ép xác của đạo Bà-la-môn, đức Phật dạy hạnh tu khó làm bao gồm phát triển tâm từ bi, giữ đầy đủ các điều đạo đức nhỏ, vừa và lớn, làm chủ các giác quan, giải thoát các trói buộc bằng trí tuệ và chứng đạt bốn thiền nhằm vượt qua các khổ đau.

9. Kinh Bố-tra-bà-lâu (P. Poṭṭhapāda Sutta, C. 布吒婆楼經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Trường A-hàm, bộ 1, quyển 109. Kinh này dạy cách dứt các tạp tưởng (想滅) bằng sống đạo đức và thiền định; phát triển trí tuệ vượt qua ba hình thái chấp ngã qua hình tướng, chấp ngã qua các đặc điểm thân, chấp ngã quá khứ và tương lai. Không nên mất thời giờ cho các câu chuyện siêu hình, hãy siêng tu bốn chân lý thánh để giác ngộ và giải thoát.

10. Kinh Tu-bà (P. Subha Sutta, C. 须婆經) không có kinh tương đương trong Kinh Trường A-hàm. Được tôn giả A-nan giảng sau khi Phật qua đời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tu tập trí tuệ, đạo đức, thiền định và tứ thánh đế.  

11. Kinh Kiên-cố (P. Kevaḍḍha/ Kevaṭṭa Sutta, C. 堅固經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 101. Thấy sự nguy hiểm và mặt trái của biểu diễn các thần thông biến hóa, đức Phật đề cao “giáo hóa thần thông” (教诫神變 hay 教诲神變) tức “giáo dục là phép mầu” chuyển hóa khổ đau bằng cách giáo dục đạo đức và thiền định để chấm dứt 5 trói buộc tâm để trải nghiệm tâm thơi thới, hoan hỷ, khinh an, lạc thọ, định tĩnh. Đồng thời, đức Phật khẳng định Thượng đế không có thật, nếu có thì Thượng đế không phải là đấng toàn trí, toàn năng và toàn bi.

12. Kinh Lộ-già (P. Lohicca Sutta, C. 露遮經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong kinh trường A-hàm, bộ 1, quyển 112. Khi được hỏi tại sao nhiều sa-môn và bà-la-môn đạt thiện pháp nhưng ích kỷ, không giáo huấn tha nhân, đức Phật phê phán 3 loại đạo sư: (i) Không tự giác, không giác tha, (ii) Không tự giác nhưng giác tha, (iii) Tự giác nhưng không giác tha. Đồng thời, đức Phật đề cao hạng đạo sư “tự giác và giác tha” gồm tu đạo đức thanh cao, thực tập 4 thiền, tháo mở các trói buộc tâm, tinh tấn truyền bá chánh pháp để giúp mọi người được lợi ích và an vui.

13. Kinh tam minh (P. Tevijja Sutta, C. 三明經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 104. Nhân 2 vị bà-la-môn tranh luận về việc hiệp thông với chúa trời Phạm Thiên trên thiên đường, đức Phật khẳng định rằng Phạm Thiên và thiên đường không có thật, do đó, không thể có sự cộng trú, cộng thông, cộng sự với chúa trời. Theo đó, đức Phật khích lệ tu tập bốn tâm vô thượng gồm từ, bi, hỷ, xả; kết thúc năm trói buộc tâm, vượt qua năm dục lạc để hiệp thông với sự an lạc bây giờ và tại đây.


B. Đại phẩm (Mahā Vagga Pāli, 大品)

14. Kinh đại bổn (P. Mahāpadāna, C. 大本經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Trường A-hàm, bộ 1, quyển 1, hoặc Kinh thất Phật (七佛經) thuộc bộ 1, quyển 150; Kinh Tỳ-bà-thi Phật (毘婆尸佛經), bộ 1, quyển 540, Kinh thất Phật phụ mẫu tánh tự (七佛父母姓字經) bộ 1, quyển 159 hoặc Kinh Tăng nhất A-hàm, bộ 2, quyển 790. Kinh này kể các tích truyện về sáu vị Phật quá khứ trước Phật Thích-ca lịch sử gồm cách sinh đứng, có 32 tướng đại nhân, xuất gia vì lý tưởng, khuyến khích tu tập đạo đức và thiền định, thuyết pháp phù hợp căn tính, truyền bá bốn sự thật vì lòng thương tưởng đời, mang lại hạnh phúc cho mọi người.

15. Kinh đại duyên (P. Mahānidāna, C. 大緣經) tương đương Kinh đại duyên phương tiện (大緣方便經) trong Trường A-hàm, bộ 1, quyển 60; Kinh nhân duyên (大因經) trong Kinh Trung A-hàm, bộ 1, quyển 578; Kinh nhân bổn dục sinh kinh (人本欲生經), bộ 1, quyển 241; Kinh đại sinh nghĩa (大生義經), bộ 1, quyển 844. Kinh phân tích 12 mắc xích sự sống gồm vô minh, hành, thức, danh – sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão, tử theo hai chiều thuận và nghịch. Đây là 12 mắc xích đẩy con người vào luân hồi. Chấp ngã là nguồn gốc khổ đau và tu tập giải thoát qua tám cách khác nhau.

16. Kinh đại bát-niết-bàn (P. Mahāparinibbāna, C. 大般涅槃經) tương đương Kinh du hành (遊行經) thuộc Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 11; Kinh Phật bát-nê-hoàn kinh (佛般泥洹經) bộ 1, quyển 160; Kinh Phật bát-nê-hoàn (佛般泥洹經) bộ 1, quyển 176; Kinh đại bát-niết-bàn (大般涅槃經) bộ 1, quyển 191; Kinh vũ thế (雨勢經) thuộc Kinh Trung A-hàm 142; Kinh thành dụ (城喻經) thuộc Trung A-hàm 3; Kinh thị giả (侍者經) thuộc Trung A-hàm 33, Kinh Tăng nhất A-hàm bộ 2, quyển 596a; Kinh Tạp A-hàm bài 1197. Trước lúc qua đời, đức Phật ôn lại những giáo pháp căn bản: bảy sức mạnh của quốc gia và tăng đoàn, bảy tài sản thánh, bảy yếu tố giác ngộ, bảy quán tưởng dứt trừ khổ đau, sáu yếu tố hòa hợp; vai trò của giới, định, huệ; năm nguy hiểm do phạm giới, tứ thánh đế, cảnh giới tái sinh, tin sâu Tam bảo, tu chính niệm, phát tâm cúng dường, không có mật pháp và tám giải thoát.

17. Kinh đại Thiện Kiến vương (P. Mahāsudassana Sutta, C. 大善見王經) tương đương Kinh du hành (遊行經) thuộc Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 21; Kinh đại Thiện Kiến vương (大善見王經) trong Kinh Trung A-hàm, bộ 1, quyển 515; Kinh Bát-nê-hoàn kinh (般泥洹經), bộ 1, quyển 176; Kinh đại bát-niết-bàn (大般涅槃經) bộ 1, quyển 196. Đức Phật giải thích lý do chọn Kusinaga làm nơi qua đời như truyền thống nhập niết-bàn của các Phật quá khứ. Đồng thời, đức Phật kể về kiếp quá khứ của ngài làm vua Đại Thiện Kiến thích bố thí, không bóc lột chư hầu, xây dựng chánh pháp khắp nước, dứt dục vọng, sân hận, não hại; tu từ, bi, hỷ, xả, chứng đắc bốn thiền, an nhiên trong sinh tử.

18. Kinh Xà-ni-sa (P. Janavasabha Sutta, C. 闍尼沙經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 34;  Kinh nhân tiên (人仙經), bộ 1, quyển 213. Vua Bimbisara tái sinh vào cõi trời Janavasabha, khen ngợi giáo pháp Phật có khả năng giúp người tu tái sinh thiên giới, hưởng các phước báu to lớn. Tại cõi trời, tiếp tục phát triển thiện dục, tinh tấn, thiền định, tu tâm; tu bốn chánh niệm, tám chánh đạo và truyền bá Phật pháp, mở cửa bất tử cho con người.

19. Kinh Ðại Ðiển-tôn (P. Mahāgovinda Sutta, C. 大典尊經) tương đương Kinh Điển-tôn (典尊經) thuộc Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 30; Kinh kiên cố bà-la-môn duyên khởi (大堅固婆羅門緣起經), bộ 1, quyển 207. Kinh nói về kiếp trước của Phật làm quốc sư Govinda. Sau khi giúp đất nước và nhân dân được giàu có, Govinda đi tu, bỏ lại tất cả lạc thú. Khi giác ngộ, truyền bá bát chánh đạo, giúp mọi người giác ngộ và chứng niết-bàn. Qua đó, đức Phật giải thích lý tưởng độ sinh vì thương đời, truyền bá giáo pháp với 5 đặc điểm, dạy đạo đức, chỉ đường niết-bàn, sống chung hòa hợp, lời nói đi đôi việc làm, không cao ngạo.

20. Kinh đại hội (P. Mahā-Samaya Sutta, C. 大會經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 79; Kinh đại tam-ma-nhạ (大三摩惹經) bộ 1, quyển 258; Kinh Tạp A-hàm, bộ 2, quyển 323a; biệt dịch Tạp A-hàm kinh, bộ 2, quyển 411a. Chư thiên ở nhiều cõi giới đến thăm viếng, tán dương Phật, nghe chân lý và thực tập chuyển hóa theo hướng dẫn của Phật.

21. Kinh Ðế-thích sở vấn (P. Sakkapañha Sutta, C. 帝釋所問經) tương đương Kinh Thích-đề-hoàn-nhân vấn (釋提桓因問經) thuộc Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 62; Kinh Thích vấn (釋問經) thuộc Kinh Trung A-hàm 134, bộ 1, quyển 632;  Kinh Đế-thích sở vấn (帝釋所問經), bộ 1, quyển 246; Kinh Đế-thích sở vấn duyên (帝釋問事緣) thuộc Tạp Bảo tạng kinh (雜寶藏經) quyển 6, bộ 4, quyển 476. Đức Phật phân tích mắc xích khổ đau từ hận thù, ganh ghét, bỏn xẻn, ưa ghét; hai mặt của hỷ, ưu và xả; sự dị biệt tôn giáo là do khác nhau về bản nhân, nguyên nhân ra đời, mục đích phụng sự. Đồng thời, đức Phật dạy về lợi ích của tâm không còn hận thù và giá trị của nghe và thực tập chánh pháp.

22. Kinh đại niệm xứ (P. Mahā-Satipatthāna Sutta, C. 大念處經) tương đương Kinh niệm xứ (念處經) thuộc Kinh Trung A-hàm, bộ 1, quyển 582. Phật dạy cách đạt được chính niệm, tỉnh thức bằng cách quán sát và làm chủ: (i) Thân thể được cấu tạo bởi đất, nước, lửa, gió nên vô thường và nhơ uế. Làm chủ hơi thở trong thân và sự vận động thân, quán 10 giai đoạn tử thi để không chấp thân; (ii) Cảm giác hạnh phúc, khổ đau và trung tính đối với thân, tâm, (iii) Chín cặp đặc tính của tâm gồm chính niệm – thất niệm, tham – không tham, sân – không sân, si – không si, tập trung – tán loạn, quảng đại – nhỏ nhoi, hữu hạn – vô thượng, định – không định, giải thoát – trói buộc; (iv) Pháp: Cắt đứt 5 trói buộc tâm, không chấp năm uẩn, sáu giác quan và sáu đối tượng giác quan. Đồng thời tu bảy yếu tố giác ngộ, bốn chân lý để kết thúc khổ đau.

23. Kinh Tệ-tú (P. Pāyāsi Sutta, C. 弊宿經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 42; Kinh Tỳ-thích (蜱肆經), bộ 2, quyển 525; Kinh Đại-chánh-câu vương (大正句王經) bộ 1, quyển 831. Kinh khắc họa cuộc đối thoại triết học về tái sinh giữa một cao tăng và hoàng tử hoài nghi. Một số dụ ngôn được sử dụng trong Kinh này nhằm chứng minh sự thật rằng “chết không phải là hết”, thông qua đó, giáo dục mọi người tin sâu nhân quả, chịu trách nhiệm về những gì mình làm, sống đời đạo đức thanh cao để hưởng an vui và hạnh phúc ở hiện tại và tương lai.


C. Phẩm Ba-lê (Pathika Vagga Pāli, 波梨品)

24. Kinh Ba-lê (P. Pāṭika/ Pāthika Sutta, C. 波梨經) tương đương Kinh A-nậu-di (阿㝹夷經) thuộc Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 66. Nhân sự kiện một tăng sĩ bỏ đức Phật vì thất vọng đức Phật không thi thố thần thông, không giải thích về nguồn gốc thế giới, đức Phật phân tích tác giả của việc cho rằng thế này được hình thành bởi Thượng đế (chủ nghĩa duy thần), bởi vật chất (chủ nghĩa duy vật), do tâm tạo ra (chủ nghĩa duy tâm) và do sự ngẫu nhiêu (ngẫu nhiên luận). Đức Phật khẳng định vai trò của giáo hóa chính là thần thông, thay vì biểu diễn thần thông, kêu gọi mọi người truyền chánh đạo, giúp đời kết thúc khổ đau.

25. Kinh Ưu-đàm-bà-la Sư tử hống (P. Udumbarika [Sihanāda] Sutta, C. 優曇婆邏狮子吼經) tương đương Kinh Tán-đà-na (散陀那經) thuộc Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 47; Kinh ưu-đàm-bà-la (優曇婆邏經) thuộc Kinh Trung A-hàm, bộ 1, quyển 591; Kinh Ni-câu-đà Phạm chí (尼拘陀梵志經), bộ 1, quyển 222. Kinh này là cuộc đối thoại tôn giáo. Đức Phật không quan tâm đến việc cải đạo người khác theo mình, tập trung vào việc dẫn dắt mọi người kết thúc khổ đau, bất luận họ là ai, theo đạo nào, làm gì trong xã hội. Chánh tri kiến, đạo đức và tu thiền là cách dứt khổ, được vui.

26. Kinh chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (P. Cakkavatti Sihanāda Sutta, C. 轉輪聖王狮子吼經) tương đương Kinh chuyển luân thánh vương tu hành (轉輪聖王修行經) thuộc Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 39; Kinh chuyển luân thánh vương (轉輪聖王經) thuộc Kinh Trung A-hàm, bộ 1, quyển 520. Lấy kiếp quá của bản thân làm ví dụ, đức Phật nói về nguyên nhân sụp đổ của dòng vua chúa trong quá khứ và sự suy thoái xã hội sau đó. Kinh dự đoán Phật Di-lặc sẽ ra đời trong những kiếp tương lai nhằm phục hưng đạo đức và mang lại hạnh phúc cho con người. Nhân đó, Kinh này dạy kỹ năng tự nương tựa với tinh thần chính niệm, tỉnh thức, kỷ luật trong tu học, không nương tựa bên ngoài. Thực tập tứ niệm xứ là sự nương tựa cao quý vào chính pháp.

27. Kinh khởi thế nhân bổn (P. Aggañña Sutta, C. 起世因本經) tương đương Kinh tiểu duyên (小緣經) thuộc Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 36; Kinh Bà-la-bà-đường (婆羅婆堂經) thuộc Kinh Trung A-hàm, bộ 1, quyển 673; Kinh bạch y kim tràng nhị Bà-la-môn duyên khởi (白衣金幢二婆羅門緣起經), bộ 1, quyển 216. Theo đức Phật, nguồn gốc sự sống không bắt đầu từ nguyên nhân khởi thủy là thượng đế, vật chất hay tâm. Con người đầu tiên trên địa cầu chúng ta đang sống đến từ địa cầu khác. Khác với quan điểm Ấn giáo về xã hội giai cấp, đức Phật cho rằng con người chọn lựa nghề nghiệp, thể hiện quen và cách sống… tạo ra hạnh phúc và khổ đau, giàu và nghèo, cao hay thấp, quý hay tiện… Không có định mệnh an bày. Lòng tham vô đáy của con người đã góp phần hủy hoại thiên nhiên.

28. Kinh tự hoan hỷ (P. Sampasādaniya Sutta, C. 自歡喜經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 255; Kinh tín Phật công đức (信佛功德經), bộ 1, quyển 255; Kinh Tạp A-hàm, bộ 2, quyển 130c. Lời ngưỡng mộ Thế-Tôn, bực giác ngộ vĩ đại nhất. Trước khi qua đời tại Nalanda, ngài Xá-lợi-phất đã tán dương giá trị Phật pháp, kêu gọi mọi người thực tập bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm năng lực, bảy giác ngộ, tám chính đạo… nhằm kết thúc khổ đau, trải nghiệm an lạc trong đời.

29. Kinh thanh tịnh (P. Pāsādika Sutta, C. 清淨經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 72. Nhân cái chết của Nigaṇṭha Nātaputta, lãnh tụ đạo Kỳ-na, đức Phật nhắc nhở các đệ tử cần sống có lý tưởng, đề cao tình huynh đệ và tinh thần hòa hợp, không tranh chấp. Để chứng thánh quả, cần thực tập 37 yếu tố giác ngộ, đặc biệt tu bốn thiền và bốn chân lý thánh. Siêng truyền bá chân lý để Phật pháp soi sáng thế gian, giúp đời được an vui.

30. Kinh tướng (P. Lakkhaṇa Sutta, C. 相經) tương đương Kinh tam thập nhị tướng (三十二相經) thuộc Kinh Trung A-hàm, bộ 1, quyển 493. Chấp nhận văn hóa nhân tướng tại Ấn Độ cổ đại, đức Phật khẳng định rằng 32 tướng đại nhân là kết quả của gieo trồng các nhân tốt trong các kiếp quá khứ. Người có 32 tướng đại nhân, nếu làm chính trị sẽ trở thành chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia sẽ trở thành thánh nhân.

31. Kinh giáo thọ Thi-ca-la-việt (P. Sigalovada Sutta, C. 教授尸迦羅越經) tương đương Kinh thiện sinh (善生經) trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 70; Kinh thiện sinh trong Kinh Trung A-hàm, bộ 1, quyển 638; Kinh Thi-ca-la-việt lục phương lễ bái (尸迦羅越六方禮經), bộ 1, quyển 250; Kinh thiện sinh tử (善生子經) bộ 1, quyển 252. Giới thiệu 6 mối quan hệ xã hội. Về gia đình có: (i) Cha mẹ và con cái, (ii) Vợ và chồng, (iii) Bà con – thân quyến. Về giáo dục và nghề nghiệp có: (iv) Thầy cô giáo – học trò, (v) Chủ lao động – người lao động. Về tôn giáo có (v) Nhà tôn giáo – tín đồ. Mỗi bên được khuyên nên giữ gìn 5 trách nhiệm cao quý, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, xã hội và tâm linh.

32. Kinh A-tra-nang-chi (P. Āṭānāṭiya Sutta, C. 阿吒曩胝經) tương đương Kinh Tỳ-sa-môn Thiên vương (毘沙門天王經) thuộc bộ 1, quyển 217; Phật thuyết Tỳ-sa-môn Thiên vương kinh (佛說毘沙門天王經) thuộc Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh, bài 1245. Đức Phật dạy bốn Thiên vương, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Cưu-bàn-trà về đạo đức gồm hông giết hại, không trộm cắp, không nói láo, không ma túy, rượu; kính trọng Phật pháp, truyền bá chân lý, giúp mọi người an vui.

33. Kinh phúng tụng (P. Saṅgāti Sutta, C. 諷诵經) còn gọi là Kinh đẳng tụng (等诵經), Kinh tăng-kỳ-đà (僧祇陀經), tương đương Kinh chúng tập (眾集經) thuộc Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 49; Kinh đại tập pháp môn (大集法門經), bộ 1, quyển 226. Nhân dịp dự lễ khánh thành giảng đường mới tại nước Mạt-la, đức Phật khích lệ ngài Xá-lợi-phất trùng tuyên khoảng 230 pháp số quan trọng bắt đầu từ số 1 đến 10, tóm tắt chân lý Phật dạy, nhắc nhở mọi người thực tập, kết thúc khổ đau.

34. Kinh thập thượng (P. Dasuttara Sutta, C. 十上經) tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Kinh Trường A-hàm, bộ 1, quyển 52; Kinh thập báo pháp (十報法經), bộ 1, quyển 233. Đức Phật khích lệ ngài Xá-lợi-phất giảng 100 pháp số quan trọng, bắt đầu bằng số 1 và kết thúc ở số 10. Mỗi con số có 10 pháp số khác nhau, tóm tắt các học thuyết và hành trì quan trọng của đức Phật.


III. ĐỐI CHIẾU KINH TRƯỜNG BỘKINH TRƯỜNG A-HÀM

Số thứ tự (Stt) của các Kinh thuộc Kinh Trường bộ (Dīgha nikāya) được ghi theo tạng Pāḷi. Số thứ tự các Kinh trong Kinh Trường A-hàm (Dīrgha-āgama) được ghi theo Đại Chánh tân tu Đại Tạng Kinh.

A. Đối chiếu mục lục của Kinh Trường bộ với Kinh Trường A-hàm và các kinh khác

B. Đối chiếu mục lục của Kinh Trường A-hàm với Kinh Trường bộ


KINH TRƯỜNG BỘ

(Dīgha nikāya: 34)

 

KINH TRƯỜNG A-HÀM (Dīrgha-āgama: 30)

CÁC KINH KHÁC

A.

Phẩm giới uẩn (Sīlakkhandha Vagga Pāli)




01

Kinh Phạm võng (Brahmajāla, 梵網經)

21

21. Kinh Phạm động (梵動經), (Đại Chánh 1: 88)

No.21, Kinh Phạm võng lục thập nhị kiến (梵網六十二見經), (Đại Chánh 1: 264)

02

Kinh Sa-môn quả (sāmaññaphala, 沙門果經)

27

27. Kinh Sa-môn quả (沙門果經), (Đại Chánh 1: 107)

Tăng nhất A-hàm 43.7, (Đại Chánh 2: 762), No.22, Kinh Tịch chí quả (寂志果經), (Đại Chánh 1: 270); Cf. Kinh bổn sanh (本生經), J.150

03

Kinh A-ma-trú (Ambbaṭṭha Sutta, 阿摩晝經)

20

20. Kinh A-ma-trú (阿摩晝經), (Đại Chánh 1: 82)

No.20, Phật khai giải Phạm chí A-bạt kinh (佛開解梵志阿颰經), (Đại Chánh 1: 259a)

04

Kinh Chủng Ðức (Soṇadaṇḍanta  Sutta, 種德經)

22

22. Kinh Chủng đức (種德經), (Đại Chánh 1: 94)


05

Kinh Cứu-la-đàn-đầu (Kūṭadanta Sutta, 究羅檀頭經)

23

23. Kinh Cứu-ma-đàn-đầu (究羅檀頭經), (Đại Chánh 1: 96)


06

Kinh Ma-ha-lê (Mahāli Sutta,摩诃梨經)


Không có kinh tương đương


07

Kinh Xà-lợi (Jāliya Sutta, 阇利經)


Không có kinh tương đương


08

Kinh Ca-diếp Sư tử hống (Kassapa Sīhanāda Sutta, 迦叶狮子吼經)

25

Kinh loã hình Phạm chí (倮形梵志經), (Đại Chánh 1: 102)


09

Kinh Bố-tra-bà-lâu (Poṭṭhapāda Sutta, 布吒婆楼經)

28

Kinh Bố-tra-bà-lâu (布吒婆楼經), (Đại Chánh 1: 109)


10

Kinh Tu-bà (Subha Sutta, 须婆經)


沒有相當的漢譯


11

Kinh Kiên-cố (Kevaḍḍha/ Kevaṭṭa Sutta, 堅固經)

24

Kinh kiên cố (堅固經), (Đại Chánh 1: 101)


12

Kinh Lộ-già (Lohicca Sutta, 露遮經)

29

Kinh Lô-già (露遮經), (Đại Chánh 1: 112)


13

Kinh tam minh (Tevijja Sutta, 三明經)

26

Kinh Tam minh (三明經), (Đại Chánh 1: 104)


B

Đại phẩm (Mahā Vagga Pāli)


 


14

Kinh đại bổn (Mahāpadāna, 大本經)

01

Kinh đại bổn (大本經), (Đại Chánh 1: 1)

No.2, Kinh thất Phật (七佛經), (Đại Chánh 1: 150), No.3, Kinh Tỳ-bà-thi Phật (毘婆尸佛經), (Đại Chánh 1: 540), No.4, Kinh thất Phật phụ mẫu tánh tự (七佛父母姓字經), (Đại Chánh 1: 159), (Kinh Tăng nhất A-hàm 48.4), (Đại Chánh 2: 790a)

15

Kinh đại duyên (Mahānidāna, 大緣經)

13

Kinh đại duyên phương tiện (大緣方便經), (Đại Chánh 1: 60)

Trung A-hàm 97, Kinh đại nhân (大因經), (Đại Chánh 1: 578), Kinh nhân bổn dục sinh (人本欲生經), (Đại Chánh 1: 241), No.52, Kinh đại sinh nghĩa (大生義經, Mahāvadāna), (Đại Chánh 1: 844)

16

Kinh đại bát-niết-bàn (Mahāparinibbāna, 大般涅槃經)

02

Kinh du hành (遊行經), (Đại Chánh 1: 11)

No.5, Kinh Phật Bát-nê-hoàn (佛般泥洹經), (Đại Chánh 1: 160),No.6, Kinh bát-nê-hoàn (般泥洹經), (Đại Chánh 1: 176),No.7, Kinh đại bát-niết-bàn (大般涅槃經), (Đại Chánh 1: 191),No.1451, Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự (說一切有部根本毘奈耶雜事), (Đại Chánh 24.382), (Kinh Tương Ương, S.3.15. Parinibbānasuttaṁ. Cf, (Trung A-hàm 142), Kinh Vũ-thế (雨勢經), cf, (Trung A-hàm 3), Kinh thành dụ (城喻經), cf, (Trung A-hàm 33), Kinh thị giả (侍者經), (Kinh Tăng nhất A-hàm 19.11), (Đại Chánh 2: 596a) (Kinh Tăng nhất A-hàm 28.5), (Đại Chánh 2: 652b), No.45, Kinh Câu vương (句王經), (Đại Chánh 1: 831a), (Tạp A-hàm 1197), (Biệt dịch Tạp A-hàm 110)

17

Kinh đại Thiện Kiến vương (Mahāsudassana Sutta, 大善見王經)

02

Kinh du hành (遊行經), (Đại Chánh 1: 21)

Trung A-hàm 68, Kinh đại thiện kiến vương (大善見王經), (Đại Chánh 1: 515), No.6, Kinh Bát-nê-hoàn (般泥洹經), quyển hạ (Đại Chánh 1: 176), Kinh Đại bát-niết-bàn (大般涅槃經), (Đại Chánh 1: 196), Kinh bổn sinh (本生經), J.95, (Hạnh tạng, Cariyāpiṭaka),

18

Kinh Xà-ni-sa (Janavasabha Sutta, 闍尼沙經)

04

Kinh Xà-ni-sa (闍尼沙經), (Đại Chánh 1: 34)

No.9, Kinh nhân tiên (人仙經), (Đại Chánh 1: 213)

19

Kinh Ðại Ðiển-tôn (Mahāgovinda Sutta, 大典尊經)

03

Kinh Ðiển-tôn (典尊經), (Đại Chánh 1: 30)

No.8, Kinh đại kiên cố Bà-la-môn duyên khởi (大堅固婆羅門緣起經), (Đại Chánh 1: 207)

20

Kinh đại hội (Mahā-samaya Sutta, 大會經)

19

Kinh đại hội (大會經), (Đại Chánh 1: 79)

No.19, Kinh Đại tam ma-nhạ (大三摩惹經), (Đại Chánh 1: 258), (Tạp A-hàm 1192), (Đại Chánh 2: 323a), (Biệt tịch Tạp A-hàm 105), (Đại Chánh 2: 411a)

21

Kinh Ðế-thích sở vấn (Sakkapañha Sutta, 帝釋所問經)

14

Kinh Thích-đề-hoàn-nhân vấn (釋提桓因問經), (Đại Chánh 1: 62)

Trung A-hàm 134, Kinh Thích vấn (釋問經), (Đại Chánh 1: 632), No.15, Kinh Đế-thích sở vấn (帝釋所問經), (Đại Chánh 1: 246), No.203, Kinh tạp bảo tạng (雜寶藏經), quyển 6 (73), Đế-thích vấn sự duyên (帝釋問事緣), (Đại Chánh 4.476)

22

Kinh đại niệm xứ (Mahā-Satipatthāna Sutta, 大念處經)



Kinh niệm xứ (念處經) thuộc Kinh Trung A-hàm, bộ 1, quyển 582; (Trung A-hàm 98), Kinh niệm xứ (念處經), (Đại Chánh 1: 582)

23

Kinh Tệ-tú (Pāyāsi Sutta, 弊宿經)

07

Kinh Tệ-tú (弊宿經), (Đại Chánh 1: 42)

Trung A-hàm 71, Kinh Tỳ-thích (蜱肆經), (Đại Chánh 2: 525), No.45, Kinh Câu vương (句王經), (Đại Chánh 1: 831)


C. Phẩm Ba-lê (Pathika Vagga Pāli)


 


24

Kinh Ba-lê (Pāṭika/Pāthika Sutta, 波梨經)

15

Kinh A-nậu-di (阿㝹夷經), (Đại Chánh 1: 66)


25

Kinh Ưu-đàm-bà-la Sư tử hống (Udumbarika [Sihanāda] Sutta, 優曇婆邏狮子吼經)

08

Kinh Tán-đà-na (散陀那經), (Đại Chánh 1: 47)

Trung A-hàm 104, Kinh Ưu-đàm-bà-la (優曇婆邏經), (Đại Chánh 1: 591), No.11, Kinh Ni-câu-đà Phạm chí (尼拘陀梵志經), (Đại Chánh 1: 222)

26

Kinh chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavatti Sihanāda Sutta, 轉輪聖王狮子吼經)

06

Kinh chuyển luân thánh vương tu hành (轉輪聖王修行經), (Đại Chánh 1: 39)

Trung A-hàm 70, Kinh chuyển pháp luân (轉輪王經), (Đại Chánh 1: 520)

27

Kinh khởi thế nhân bổn (Aggañña Sutta, 起世因本經)

05

Kinh tiểu duyên (小緣經), (Đại Chánh 1: 36)

Trung A-hàm 154, Kinh Bà-la-bà đường (婆羅婆堂經), (Đại Chánh 1: 673), No.10, Kinh bạch y Kim tràng nhị bà-la-môn duyên khởi (白衣金幢二婆羅門緣起經), (Đại Chánh 1: 216)

28

Kinh tự hoan hỷ (Sampasādaniya Sutta, 自歡喜經)

18

Kinh tự hoan hỷ (自歡喜經), (Đại Chánh 1: 76)

No.18, Kinh tín Phật công đức (信佛功德經), (Đại Chánh 1: 255), cf, (Tạp A-hàm 498), (Đại Chánh 2: 130c)

29

Kinh thanh tịnh (Pāsādika Sutta, 清淨經)

17

Kinh tự thanh tịnh (清淨經), (Đại Chánh 1: 72)


30

Kinh tướng (Lakkhaṇa Sutta, 相經)



Trung A-hàm 59, Kinh tam thập nhị tướng (三十二相經), (Đại Chánh 1: 493)

31

Kinh giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigalovada Sutta, 教授尸迦羅越經)

16

Kinh thiện sinh (善生經), (Đại Chánh 1: 70)

Trung A-hàm 135, Kinh thiện sinh (善生經), (Đại Chánh 1: 638), No.16, Kinh Thi-ca-la-việt lục phương lễ (尸迦羅越六方禮經), (Đại Chánh 1: 250), No.17, Thiện sinh tử kinh (善生子經), (Đại Chánh 1: 252)

32

Kinh A-tra-nang-chi (Āṭānāṭiya Sutta, 阿吒曩胝經)



Kinh Tỳ-sa-môn Thiên vương (毘沙門天王經), bộ 21, quyển 217, Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh

33

Kinh phúng tụng (Saṅgāti Sutta, 諷诵經)

09

Kinh chúng tập (眾集經), (Đại Chánh 1: 49)

No.12, Kinh đại tập pháp môn (大集法門經), (Đại Chánh 1: 226)

34

Kinh thập thượng (Dasuttara Sutta, 十上經)

10

Kinh thập thượng (十上經), (Đại Chánh 1: 52)

No.13, Kinh thập báo pháp (十報法經), (Đại Chánh 1: 233)


Chùa Giác Ngộ

Tp. HCM, ngày 12-9-2019

Cẩn chí

THÍCH NHẬT TỪ

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vì sao tin Phật
Vì sao tin Phật
Đức Phật truyền dạy giáo pháp nhằm mang lại an lạc và giác ngộ. Nếu Phật Pháp chỉ là những tiền đề lý luận thỏa mãn tri thức thì Đạo Phật đã không có khả năng tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ, trải rộng trên nhiều phần đất khác nhau. Dịch phẩm này có hai giá trị to lớn đối với người Phật Tử Việt Nam trong việc tu học: Thứ nhất Hòa-Thượng K. Sri Dhammananda đã khéo trình bày những đề tài của thời đại theo giáo lý căn bản truyền thống của Đức Phật. Đây là một việc làm đòi hỏi kinh nghiệm cao độ cả hai lãnh vực đạo và đời. Một người mới vào ngưỡng cửa Đạo Phật sẽ dễ dàng làm quen với những lời dạy đã được Đức Phật nói cách đây hai mươi lăm thế kỷ khắp lưu vực sông Hằng mà đến nay vẫn trực tiếp liên hệ đến mỗi cá nhân trong cuộc sống hàng ngày. Giá trị thứ hai phải nói đến là công trình dịch thuật. Dịch giả đã không làm tổn hại mảy may tinh thần trong sáng, bác lãm của nguyên tác. Trái lại bản dịch khiến chúng ta tăng thêm niềm thích thú để đọc trọn tác phẩm này. Thầy Thích Tâm Quang vốn không phải là một dịch giả xa lạ. Nhìn những công trình chuyển dịch ngày một quy mô của thầy khiến chúng ta nức lòng chờ đợi các dịch phẩm công phu khác tiếp nối sau này. Cảm nhận giá trị giáo khoa lớn lao của tác phẩm và với cả tấm lòng quý mến đối với tác giả lẫn dịch giả, chúng tôi trân trọng giới thiệu dịch phẩm này đến độc giả xa gần.
Tìm hiểu phước bố thí
Tìm hiểu phước bố thí
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, Bậc A-ra-hán, Bậc Chánh Ðẳng Giác
Phước Thiện – Tỳ khưu Hộ Pháp biên soạn
Phước Thiện – Tỳ khưu Hộ Pháp biên soạn
PHƯỚC-THIỆN (Puñña-Kusala) Chương VI: Nghiệp Và Quả Của Nghiệp đã được trình bày xong trong quyển IV của bộ Nền Tảng Phật Giáo, tiếp theo chương VII: Phước-Thiện (Puñña-Kusala) này sẽ được trình bày trong quyển V này.
Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy
Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy
Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy
Những Lời Phật Dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli
Những Lời Phật Dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli
Cuốn sách nhằm để phục vụ hai nhóm độc giả. Nhóm thứ nhất là những người chưa quen với các bài giảng của Đức Phật và cảm thấy cần một sự giới thiệu có hệ thống. Đối với các độc giả như vậy, bất kỳ bộ kinh Nikāya nào cũng có vẻ mơ hồ. Tất cả bốn bộ kinh Nikāya, nếu xem cùng một lúc, có thể sẽ giống như một khu rừng – dày đặc với nhiều loại thú hoang ẩn hiện, hay như một đại dương mênh mông, đầy biến động hoàn toàn xa lạ. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ phục vụ như là một bản đồ để giúp những độc giả ấy đi thông qua khu rừng của các bài kinh, hoặc như một con tàu mạnh mẽ để mang các vị ấy đi khắp đại dương của Giáo Pháp. Nhóm độc giả thứ hai mà cuốn sách này nhắm đến là những người, tuy đã quen với những bài kinh, nhưng vẫn chưa thấy các bài kinh đó kết hợp như thế nào trong một tổng thể khả tri. Đối với các độc giả như vậy, những bài kinh cá biệt có thể được hiểu riêng rẽ nhưng các đoạn kinh văn xuất hiện giống như những mảnh giấy của một trò chơi ghép hình rải rác trên - 9 - bàn. Một khi độc giả thông hiểu cấu trúc trong cuốn sách này, vị ấy sẽ có một khái niệm rõ ràng về cấu trúc các lời Phật dạy. Từ đó, với việc suy tư thêm nữa, vị ấy có thể xác định vị trí của bất kỳ bài kinh nào trong lâu đài Giáo Pháp, cho dù được hay không được đề cập trong cuốn sách.
Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pali
Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pali
Những lời thuyết giảng từ các bộ kinh Nikaya được tuyển chọn trong sách này cung cấp nhiều hiểu biết thật hấp dẫn về phương cách những giáo lý của Đức Phật được bảo tồn, học hỏi và hiểu biết trong thời kỳ đầu tiên của quá trình phát triển Phật giáo. Các độc giả hiện đại sẽ tìm thấy những giáo lý này có giá trị đặc biệt tái tạo sức sống mới cũng như làm sáng tỏ hiểu biết của họ về nhiều điểm giáo lý cơ bản của Phật giáo. Rõ ràng là thông điệp chính yếu của Đức Phật về lòng từ bi, trách nhiệm đạo đức, an tịnh tâm thức và óc phán đoán đúng đắn, vẫn có giá trị trong thời đại này cũng như hơn hai ngàn năm trăm năm về trước.
Phước Huệ song tu