03/10/2022 21:00
Viếng thăm & dâng hương Đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức nhân Lễ Giỗ năm 2022
🌷 Vào chiều ngày 03/10/2022 (nhằm ngày 08/9/ Nhâm Dần), Đại đức Thích Lệ Ngôn – Trụ trì chùa Ân Thọ cùng với các Phụng sự viên đến Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (phường Khánh Hậu, Tp. Tân An, tỉnh Long An) thắp hương tưởng niệm nhân ngày Giỗ của Đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819), tính đến này là 203 năm.
Được sự hướng dẫn của hậu duệ đời thứ 8 là cô Kim Yến, Đoàn chùa Ân Thọ đã được dâng hương và tham quan di tích Lăng mộ và Đền thờ. Ông Nguyễn Huỳnh Thoại là hậu duệ đời thứ 7, hiện là Thủ Từ nơi đây cũng đã có lời tiếp đón và ân cần giới thiệu về truyền thống lễ hội Giỗ Ông.
Cảm kích trước tấm gương trung dũng của một hổ tướng mở mang bờ cõi về đất phương nam, Đại đức Trụ trì chùa Ân Thọ đã cảm động dâng lời xưng tán công đức và nguyện noi gương của Đức Ngài Tiền quân ra sức dấn thân phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, phát huy công tác ích đạo lợi đời; nguyện cho quê hương Long An ngày thêm giàu đẹp, phú cường; mọi người cùng hướng về cội nguồn để phát huy giá trị quý báu của đạo đức dân tộc theo gương lành hạnh tốt của người xưa.
Nguyễn Huỳnh Đức được người đời xưng tụng là một trong ngũ Hổ tướng đất Gia Định dưới thời Nguyễn Ánh. Ông được biết đến là danh tướng duy nhất từng giữ cả chức Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành. Ông nổi lên như một nhân vật chính trị hết sức quan trọng suốt triều vua Gia Long.
Nguyễn Huỳnh Đức, tên thật Huỳnh Tường Đức, sinh tại làng Tường Khánh, huyện Kiến Hưng (nay thuộc phường Khánh Hậu, TP.Tân An). Nhờ lập được nhiều công lao nên được vua Gia Long ban quốc tính họ Nguyễn, phong làm Quận công. Ông là danh tướng và công thần khai quốc của nhà Nguyễn, được giao giữ chức Tổng trấn Bắc thành năm 1810-1816, rồi trở về Nam làm Tổng trấn Gia Định thành từ năm 1816 đến khi mất và được an táng tại nơi sinh ra.
Lăng Nguyễn Huỳnh Đức được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993, là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất tại Long An tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Hàng năm, vào 3 ngày (mùng 7, 8 và 9 tháng 9 Âm lịch), người dân Long An và Tiền Giang tề tựu cùng gia tộc làm lễ cúng giỗ ông rất trọng thể.
Tin: Khai Tâm; Ảnh: Nguyễn Hà, Út Kiết
Tin Quan tâm
Tin Mới
Tin liên quan
Xem thêm16/11/2024
Chùa Ân Thọ cúng Rằm Hạ Ngươn 2024
Như thường lệ vào ngày Rằm tháng Mười (ngày 15/11/2024), Chùa Ân Thọ tổ chức cúng rằm Hạ Ngươn đón tiếp khoản 2.000 người, bao gồm quý khách, thiện tín nam nữ và bà con Phật tử quanh vùng. Ngày Rằm tháng Mười được coi như lễ tạ ơn. Đúng với tinh thần nhớ ơn, đền ơn trong Tứ Trọng Ân đức Phật đã dạy khi còn tại thế: Ân Tam bảo, ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân chúng sinh vạn loài. Đối với người Phật tử, rằm tháng 10 là dịp để hướng tâm tu tập, siêng làm điều thiện, tu tâm dưỡng tính và tưởng niệm công đức của chư Phật khắp mười phương.