Tết Nguyên tiêu – Hoa đăng – Đại lễ cầu an cầu năm – Buffet bánh dân gian
Đại lễ hoa đăng cầu quốc thới dân an: Trang nghiêm và ý nghĩa
Theo thông báo là 18g00 sẽ bắt đầu buổi lễ, nhưng lúc 17 giờ, hàng ngàn phật tử khắp nơi đã về chùa Ân Thọ, với biển người này, khuôn viên của chùa trở nên nhỏ bé, các nơi đều chặt kín, việc di chuyển trở nên khó khăn. Mọi người về đây cùng các quý Tôn đức thực hiện nghi thức tâm linh đại lễ cầu an đầu năm và thả hơn 4.000 hoa đăng, với mong muốn cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn.
Hòa thượng Thích Minh Thiện – Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TW, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An đã đến chứng minh và ban đạo từ cho buổi lễ. Hòa thượng nêu cao về ý nghĩa cầu an theo chánh tín và Phật giáo luôn giữ gìn những nét văn hóa dân tộc cao quý, nhất là thông qua lễ hội cầu an đầu năm; đồng thời, Hòa thượng ghi nhận và tán dương sự vươn lên thành tựu các Phật sự của chùa Ân Thọ và góp phần công đức cho hoạt động của Giáo hội, nhất là lễ hội này đã kết hợp tính xưa và nay đã nêu lên ý nghĩa cao đẹp của Phật giáo mà các tự viện có thể phát huy tinh thần này.
Trụ trì chùa Ân Thọ kiêm Trưởng ban tổ chức đại lễ, Đại đức Thích Lệ Ngôn – Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Long An, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Tân An đã nói lên ý nghĩa việc cầu an đầu năm và tinh thần vui xuân đón Tết của chùa Ân Thọ từ mùng 1 đến đại lễ này đã tạo nên không gian văn hóa tâm linh để mọi người đến cầu nguyện, gửi lời nguyện thông các nghi thức, vui cảnh xuân trong chốn thiền môn. Đại đức Trụ trì tỏ lời trân trọng đối với sự tấm lòng của quý Phật tử xa gần đã dành tình cảm và ủng hộ về tài lực và sức lực cho các hoạt động của chùa trong thời gian qua, nhất là lễ hội Tết này; đồng thời mong muốn nâng cao về chất lượng, số lượng và cơ sở vật chất của đạo tràng tu học, lớp giáo lý và các hoạt động lợi đạo ích đời.
Sau thời kinh cầu trang nghiêm, quý Tôn đức và các phật tử, quý khách lần lượt thả những chiếc đèn hoa đăng xuống nước, với lời nguyện cầu bình an năm mới với những ngọn nến lung linh ở sân khấu thủy tạ. Những ánh đèn lung linh giữa bầu trời làm cho không khí càng trở nên trang nghiêm, thời gian như ngưng đọng trở lại.
Dẫu đông như biển người, dẫu chật, dẫu không được thưởng thức trọn vẹn các món ngon, nhưng mọi người đều tỏ ra rất hoan hỷ và thông cảm vì tâm lý đi chùa là không câu nệ, nhất là đi cầu an đầu năm với tâm niệm thiện lành cùng vun đắp cho nơi tôn nghiêm và cũng là địa điểm văn hóa chung của mọi người.
Được biết, trọng tâm của ngày rằm tháng Giêng tại các chùa là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho đất nước. Trong tâm thức người Việt, ngày rằm tháng Giêng cũng quan trọng chẳng kém Tết Nguyên đán. Những giá trị tâm linh, giá trị nhân văn mà ngày rằm tháng Giêng đem lại, sẽ trở thành hành trang để con người vững tin bước vào một năm mới với tâm thế lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp.
Tất bật chuẩn bị
Dù ngôi chùa còn nghèo về cơ sở vật chất nhưng với sự tâm huyết, trách nhiệm của Trụ trì chùa Ân Thọ – Đại đức Thích Lệ Ngôn và các phật tử, thời gian qua, nơi đây đã trở thành điểm đến của rất nhiều phật tử trong và ngoài tỉnh trong các dịp như Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, đại lễ vu lan báo hiếu,…. Và nhằm phục vụ nhu cầu viếng chùa, lễ phật vào rằm tháng Giêng năm Quý Mão hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, ngay sau khi Tết Nguyên đán, Trụ trì chùa Ân Thọ – Đại đức Thích Lệ Ngôn và các đệ tử, Phật tử chùa Ân Thọ bắt đầu lên kế hoạch tổ chức các hoạt động trong ngày rằm tháng Giêng như: trang trí tiểu cảnh, tiệc chay ngày rằm, buffef chay, văn nghệ,…
Biết được hoạt động có ý nghĩa, các phật tử khắp nơi tích cực ủng hộ từ tinh thần đến vật chất, với quan điểm không phân biệt ít nhiều, chỉ cần có lòng thành là được. Ở đó, ai có tiền góp tiền, ai có của góp của, ai không có tiền, có của thì góp sức. Không ai bảo ai, người đem vài trái dừa, người vài chục ký rau,….đến bếp ăn chùa Ân Thọ để làm nên những món ăn hấp dẫn chiêu đãi người dân đến lễ Phật, viếng chùa. Đặc biệt, nhiều phật tử dù bận việc kinh doanh, gia đình nhưng vẫn gạt qua những bộn bề của cuộc sống, quay về chùa chung tay làm nên lễ hội rằm tháng Giêng ấm áp, thiêng liêng và nghĩa tình.
Đa dạng các thực phẩm chay
10 giờ, ngày rằm tháng Giêng, chùa Ân Thọ bắt đầu đãi tiệc chay cho người dân đến lễ phật, viếng chùa. Từ sáng sớm đã có rất nhiều phật tử đến lễ phật, viếng chùa và đợi dùng cơm chay ở chùa, với mong muốn được hưởng lộc, may mắn đầu năm. Điều đặc biệt, các phật tử luôn ý thức được chùa là nơi trang nghiêm, phải đi khẻ, nói nhẹ, từ đó tình hình an ninh trật tử ổn định, không xảy ra tình trạng chen lấn, té ngã, trộm cướp.
Các món chay đa dạng được chùa và các phật tử chiêu đãi du khách như: canh chua, canh rau, canh kiểm, kho thập cẩm, mắm thái, đồ nguội, mít non kho, xào thập cẩm, chả dò, tàu hủ chiên xả ớt…Buổi sáng tại đây, chùa cũng đã đón lượt khách tăng vọt nhiều lần so với các năm trước, chiêu đãi cơm trưa dù đã chuẩn bị với số lượng lớn lệ nhưng chỉ đáp ứng được lượt khách đầu, nhà bếp liên tục bổ sung và nấu mới các món ăn nhưng chỉ chiêu đãi được một phần nào lượng khách.
Ngoài tiệc chay, điểm nổi bật trong các hoạt động của chùa Ân Thọ, nhất là trong dịp Tết Nguyên Tiêu là tiệc tiệc buffet bánh dân gian với hơn 50 món như bánh bông lan nướng, bánh bò thột nốt, khoai lang chiên, xoài lắc,… Tuy các món ăn rất đơn giản, dân giả, không cầu kỳ nhưng chứa đựng trong đó biết bao tình cảm, sự tâm huyết, trách nhiệm của thầy trụ trì, các phật tử gởi gắm vào từng món ăn.
Cảnh đẹp níu chân phật tử thập phương
Không chỉ ấn tượng với các món ăn chay, chùa Ân Thọ còn tạo điểm nhấn khi bố trí nhiều tiểu cảnh đẹp, mang nét hoài cổ, níu chân phật tử đến viếng chùa, lễ phật. Đó có thể là hình ảnh những chiếc lồng đèn đỏ trải dài trên con đường dẫn vào chùa. Trước cổng chùa là hình ảnh những cành mai vàng rực rỡ, xen vào đó là cây ước nguyện hòa cùng những chiếc lồng đèn xinh xắn trang trí trong khuôn viên chùa.
Không chỉ dừng lại ở bức tranh tuyệt đẹp này, chùa còn trang trí nhiều tiểu cảnh đặc sắc như tiểu cảnh nón lá, tiểu cảnh nghề làm nhang; tiểu cảnh tết cổ truyền,… Tất cả tạo nên khoảng không gian rực rỡ màu sắc, làm say đắm lòng người, níu chân bắt cứ ai khi lở một lần đến với nơi đây.
Đến thời điểm này, các hoạt động cúng rằm tháng Giêng tại chùa Ân Thọ đã thành công viên mãn. Song, điều thầy trụ trì chùa Ân Thọ – Đại đức Thích Lệ Ngôn băn khoăn nhất hiện nay là việc kinh phí mở rộng diện tích đất chùa còn gặp nhiều khó khăn, chưa đủ kinh phí. Và thầy hy vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ của quý phật tử để chùa ngày càng phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu lễ phật, viếng chùa của người dân trong những năm tiếp theo.
Tin: Khai Tâm, Kim Ngọc – ảnh: Nguyễn Hà, Tiến Cao, Nhật Phạm, Trường Giang