Lễ Giỗ lần thứ 205 Đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức
Sau khoá lễ, Đại đức Thích Lệ Ngôn đã nêu lại gương hạnh trung nghĩa thông qua việc Đức Tiền quân thể hiện một lòng trung thành với chủ tướng Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long). Khi thất lạc, Đức Tiền quân luôn một lòng mong muốn trở về lại với chủ tướng, dù có đầu quân với Tây Sơn nhưng vẫn có giao ước là khi có tin chủ tướng thì sẽ tìm về. Việc này tương đồng với người trung nghĩa thời Tam Quốc là Quan Vân Trường. Thông qua đó, Đại đức khuyên nhắc đại chúng học tập gương hạnh này để trao dồi phẩm hạnh. Đại đức tán dương Hội đồng Gia tộc đã gìn giữ di tích, thờ phụng trang nghiêm và tổ chức lễ giỗ chu đáo.
Đại diện Hội đồng Gia tộc là ông Nguyễn Huỳnh Giàu, 87 tuổi, hậu duệ đời thứ 6 trở về từ Hoa Kỳ, tỏ lời trân trọng đối với sự thực hiện nghi lễ của quý Sư trưởng. Ông bày tỏ sự hiếu thảo của con cháu trong gia tộc luôn chung lòng để giữ gìn và phát huy di tích, cũng như di sản về đạo đức của Cao Tổ trong dòng họ.
Nguyễn Huỳnh Đức là danh tướng và là công thần khai quốc của nhà Nguyễn. Ông là một trong số các võ quan cao cấp đầu triều Nguyễn, từng giữ chức Tổng trấn của cả Bắc Thành lẫn Gia Định Thành.
Ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Mão (tức 27 tháng 10 năm 1819), ông mất khi đang tại chức, thọ 71 tuổi, an táng tại nơi quê nhà và được thờ tại miếu Trung hưng công thần tại kinh đô Huế.
Giỏi sự nghiệp tiếp tục mở đất bằng việc giỏi trấn giữ và quản lý như thế, trung thần Nguyễn Huỳnh Đức đến tuổi "cổ lai hy" đã ung dung lìa đời và được an táng tại quê nhà, được vua Gia Long truy tặng "Thôi trung Dực vận Công thần, Đặc tấn Phục quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái Phó Đức quận công".
Ông được nhân dân thương mến tặng câu ca: "Ngậm ngùi thay, bề tôi trung liệt/ Giữ một tiết thẳng ngay, ở cùng Chúa/ Vẹn toàn câu chung thủy/ Ước tự ngàn xưa có mấy ai!"...
Tin: Khai Tâm
Ảnh: Nguyễn Hà