Hàng ngàn người tham dự Đại lễ Phật đản tại chùa Ân Thọ
Trang nghiêm các nghi thức tâm linh
Tối ngày 15/4 ÂL (nhằm ngày 02/6/2023), tại chùa Ân Thọ (TP. Tân An, Long An), Đại lễ hoa đăng kính mừng Phật đản Phật lịch 2567 - dương lịch 2023 do Chùa Ân Thọ phối hợp Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức vào lúc 17 giờ ngày 15/4 (âm lịch). Tuy nhiên, dù chưa đến giờ nhưng hàng ngàn phật tử đã tề tựu về chùa để chuẩn bị cho các nghi thức tâm linh là thả đèn hoa đăng và tắm Phật. Đây là những nghi thức quan trọng thể hiện sự tri ân của người con Phật đối với Đức Phật Thích Ca.
Tuy diện tích nơi diễn ra nghi thức thả đèn hoa đăng không được rộng rãi, nhưng do các Phật tử được bố trí xếp hàng ngay ngắn, trật tự để nhận từng đóa hoa sen từ các đội phụng sự chùa Ân Thọ một cách trân trọng nên việc thả đèn Hoa đăng được diễn ra thật trang nghiêm, nhịp nhàng và không ồn ào. Sau khi nhận hoa sen, các phật tử tự tay thắp hoa đăng, cầu nguyện và thả đèn. Ánh sáng của hàng ngàn chiếc đèn hoa đăng làm sáng cả bầu trời, xua đi những điều không may trong cuộc sống, để lòng người được thư thả, nhẹ nhàng. Điều này tượng trưng cho ánh sáng Phật pháp chiếu rọi vào cuộc sống, xóa tan những nổi khổ, niềm đau của nhân loại, chúng sinh.
Lễ tắm Phật là nghi thức truyền thống trong các hoạt động mừng Đại lễ Phật đản. Là một nghi thức quan trọng và độc đáo, được thực hiện hết sức trang nghiêm, trọng thể với ý nghĩa thể hiện lòng tôn kính với Đức Phật, đồng thời gửi gắm tâm nguyện sức khỏe và bình an.
Nghi thức này, sau khi đạo tràng tụng kinh, mọi người cùng tụng kệ và chú Tắm tượng Phật rồi đi đến lễ đài, nơi có tượng Phật sơ sinh đặt trong bồn, chắp tay đảnh lễ thực hiện nghi thức tắm Phật. Khi tắm Phật, gáo nước thứ nhất sẽ xối từ vai bên trái tôn tượng Đức Phật với ý nghĩa nguyện bỏ điều ác; gáo nước thứ hai xối từ cánh tay bên phải của Đức Phật với ý nghĩa nguyện làm những điều lành; gáo nước thứ ba sẽ xối lên đôi bàn chân của Đức Phật nguyện độ tất cả chúng sinh. Nghi lễ tắm Phật bao giờ cũng là phần dài nhất trong Đại lễ Phật đản vì ai có mặt cũng đều không muốn bỏ qua phúc duyên này. Hầu hết Phật tử đều có chung cảm nhận khi thực hiện hiện nghi lễ tắm Phật, đó cũng là lúc tắm gội lòng mình, cảm thấy nhẹ nhàng, bình an.
Quang lâm chứng minh buổi lễ là Hòa thượng Thích Quảng Ý – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An, Chứng minh Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Long An; Hòa thượng Thích Minh Chánh – Viện chủ chùa Ân Thọ; Đại đức Thích Lệ Ngôn - Ủy viên Ban Hoằng pháp TW, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Long An, Trụ trì chùa Ân Thọ, Trưởng ban tổ chức; Đại đức Thích Minh Lộc – Trưởng ban Pháp chế GHPGVN quận Bình Tân. Khách quý đến dự có: ông Võ Lê Tuấn – Chủ tịch hội Khuyến học tỉnh; thầy Huỳnh Hữu Phước – Giáo thọ trường Trung cấp Phật học Long An; bà Hoàng Thị Tuyết – Phó Giám đốc Cty TNHH Dương Vũ.
Trong lời tuyên bố khai mạc, Đại đức Thích Lệ Ngôn nêu lên sự tri ân Đức Phật bởi vì giáo lý của Ngài đã làm vơi đi sự đau khổ của chúng sinh và làm tăng trưởng thiện pháp.
Hòa thượng Thích Quảng Ý ban đạo từ cho buổi lễ, nhấn mạnh về việc làm phước thiện mà người Phật tử phải siêng năng thực hiện; đồng thời tán dương buổi lễ vô cùng ý nghĩa, đặc sắc và đông đảo.
Gắn với cộng đồng dân tộc
Khi tham dự Đại lễ hoa đăng kính mừng Phật đản năm 2023 tại chùa Ân Thọ, ngoài việc được tự mình thực hiện các nghi thức tâm linh thiêng liêng trên thì các Phật tử còn được chứng kiến tay nghề của những người thợ chuyên nghiệp biểu diễn đổ bánh xèo một cách công phu, khéo léo. Đại đức Thích Lệ Ngôn, Trụ trì chùa Ân Thọ, đã mời 15 người thợ đổ bánh xèo giỏi tại tỉnh An Giang đến trổ tài tại tiệc bánh xèo chay, từ lúc 10 giờ đến 21 giờ ngày 15/4 âm lịch, để quý vị Phật tử tham gia Đại lễ Phật đản được chứng kiến và thưởng thức những chiếc bánh xèo giòn tan, nóng hổi.
Bình quân cứ 5 phút sẽ cho ra lò gần 150 chiếc bánh xèo. Từ 08 giờ sáng đến 11 giờ tối ngày Đại lễ, gần 20.000 cái bánh được hoàn thành phục vụ quý Phật tử. Để có được thành phẩm gần 20.000 cái bánh xèo, nhóm Phụng sự chùa Ân Thọ đã lên kế hoạch chuẩn bị nguyên liệu từ nhiều ngày trước, đồng thời chùa phải huy động thêm các phật tử đến giúp đỡ. Thành quả đạt được chính là sự tấm tắc khen ngợi sự thơm ngon, khi thưởng thức bánh xèo cùng với rau rừng, sự khéo léo của những người thợ, khi chứng kiến những người thợ đổ bánh và sự tận tình, chu đáo của nhóm Phụng sự, đến từ quý Phật tử và quan khách.
Sau khi thưởng thức tiệc bánh xèo chay, các Phật tử còn được thưởng thức Chương trình Văn nghệ đặc sắc với sự góp mặt của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như NSND Lệ Thủy, NSƯT Kim Tử Long, NS Trinh Trinh, NS Tiết Cương, Lương Gia Huy, Ngọc Huyền Châu, Trinh Trinh, Kim Ngân, Phú Quý, Phan Hoàng Oanh, Lê Kim Cương, Hương Lúa, Ngọc Thưởng, Lê Nhật Trường, Hồ Ngọc Giã, Hoàng Việt Trang, Kiều Diễm, Như Nguyệt, Chính Phạm, Xêri Trần, Phương Lan, Bảo Thái, Cao Hồng Hữu, Nguyễn Quang Triều, Team Sao Nhí, đội lân Nhân Hòa Đường.
Suốt 4 giờ, chương trình đã mang đến rất nhiều niềm hoan hỷ, tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc từ những lời ca tiếng hát, những màn biểu diễn của từng ca sĩ, nghệ sĩ thể hiện đến cho người tham dự. Tất cả ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn cúng dường bằng tất cả tâm thành của người con Phật với tâm nguyện đem công sức và tài năng phụng sự cho Tam Bảo.
Đại lễ Phật đản 2023, tổ chức tại chùa Ân Thọ, đạt được sự hoàn thành viên mãn. Đó là thành quả sự tâm huyết, là trách nhiệm, sự năng động và đầy sáng tạo của Thầy Trụ trì chùa Ân Thọ, Đại Đức Thích Lệ Ngôn, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An. Để tổ chức được một lễ hội văn hóa đặc sắc như thế, Thầy phải lên kế hoạch từ nhiều tháng trước từ việc xây dựng ý tưởng và hiện thực ý tưởng đó; về huy động tài lực, sức lực, vật lực, nhân lực… từ các Phật tử, các tấm lòng hảo tâm. Đêm trước ngày Đại lễ diễn ra, Thầy đã thức trắng đêm kiểm tra khâu, từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, với mong muốn phục vụ tốt quần chúng Phật tử đến tham gia Đại lễ, hạn chế thấp nhất sơ sót không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, góp phần cho sự thành công của Đại lễ Phật đản - chùa Ân Thọ, là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Hòa thượng Thích Minh Thiện - Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; các cấp chính quyền, địa phương phường 5, TP Tân An hỗ trợ về công tác an ninh trật tự cho lễ hội. Đặc biệt là tấm lòng của các Phật tử gần không ngại đường xá xa xôi về tham dự lễ hội,…
15.000 người từ khắp nơi đã về chùa Ân Thọ tham dự Lễ hội Phật đản sinh. Rút kinh nghiệm từ đợt Rằm tháng Giêng nên lễ hội này không bị tắt đường, không còn cảnh “vào không được, ra không xong”, tuy số lượng đông hơn như không bị “vỡ trận”. 6.000 chiếc đèn Hoa đăng đã được thả xuống. Dù là 10 giờ đêm nhưng lượng khách xem bên sân khấu thủy tạ và bên màn hình LED ở sân chùa vẫn còn khá đông. Nhờ có màn hình LED và âm thanh trong sân chùa, nơi chiêu đãi ẩm thực nên người tham dự vừa thưởng thức ẩm thực và vừa thưởng thức văn nghệ, tránh được việc dồn người qua hướng bên sân khâu lễ đài.
Thầy Trụ trì, Đại đức Thích Lệ Ngôn tặng hoa và trao Bằng Công đức đến các nghệ sĩ, ca sĩ và các cá nhân tiêu biểu đã góp công đức cho sự thành tựu của lễ hội: Lê Thanh và ekip âm thanh và ánh sáng chuyên nghiệp; Lâm Sơn Đạt và Công ty Đạt Phát Tiến đã dựng lễ đài; hai Nhóm đỗ bánh xèo: Tám Thi và Sáu Quắn và rất nhiều người góp công đức cho sự thành tựu.
Lễ hội bánh xèo: do 2 nhóm chuyên đổ bánh xèo đến từ tỉnh An Giang phụ trách, tổng cộng là 150 người. Bên cạnh đó, hằng trăm Phật tử của chùa cùng tham gia thực hiện. Nhóm nước sâm từ thiện Tâm Thanh chiêu đãi 10.000 chai nước sâm. Nước sâm của Kim Xoa Bakery chiêu đãi 5.000 người. Đội ngũ thợ xâm nghệ thuật của Thanh Tattoo với 50 thanh niên và 200 phụng sự viên nhiệt tình phụ trách các công việc chạy hết sức mình để tròn việc.
Một mùa Đại lễ Phật đản nữa đã khép lại, thế nhưng ý nghĩa, nét văn hóa của Đại lễ góp phần phát triển một lễ hội văn hóa tâm linh gắn liền với chiều dài của lịch sử, luôn luôn được đông đảo đồng bào đón nhận và đọng lại trong lòng bà con Phật tử là sự hoan hỷ, từ bi.
Tin: Khai Tâm, Kim Ngọc
Ảnh: Nguyễn Hà, Út Kiết, Nhật Phạm, Nguyễn Nam