Giỗ Tổ khai sơn chùa Thiền Bửu – Ngày hội ngộ truyền thống của tông môn và dòng họ Võ
Tổ khai sơn Hòa thượng Thích Quảng Huy khi sinh thời đã dự báo trước ngày viên tịch, chủ ý chọn mùng 4 Tết để con cháu có thời gian đoàn tụ, sau những ngày sum vầy đón xuân. Nhờ vậy, suốt nhiều thế hệ, truyền thống này vẫn được duy trì, đến nay đã bước sang đời thứ bảy, trở thành dịp hội ngộ thiêng liêng của tông môn và dòng họ.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm tại chánh điện với khóa tụng kinh cầu nguyện. Tiếp đó, Phật tử và môn hạ đệ tử đã cử hành nghi lễ chúc Tết nhị vị ân sư là Hòa thượng Thích Quảng Ý – Trụ trì chùa Thiền Bửu, cùng Thượng tọa Thích Lệ Tấn. Nhị vị tôn đức đã có lời đạo từ, tán dương sự tinh tấn tu học của chư tăng, đồng thời sách tấn hàng Phật tử cùng thân bằng quyến thuộc tiếp tục nỗ lực tu tập và hành trì giáo pháp. Tâm nguyện của Hoà thượng Trụ trì mong sớm được thuận duyên để xây dựng mới chánh điện ngôi tổ đình cho thêm phần trang nghiêm.
Buổi lễ có sự hiện diện tông phong như là Thượng toạ Thích Lệ Trí, Thượng toạ Thích Lệ Thông, Đại đức Thích Lệ Ngôn, Đại đức Thích Lệ Duyên, cùng các môn hạ, các Phật tử và dòng họ.
Sau lời giáo huấn, toàn thể hội chúng cùng nhau lễ Tổ trong niềm thành kính, khép lại một buổi lễ trang trọng và đầy ý nghĩa, tiếp nối truyền thống quý báu của tông môn và dòng họ.
Hòa thượng Thích Quảng Huy (1881-1952), pháp hiệu Từ Chiếu, thuộc Lâm Tế chánh tông, là người có công khai sơn chùa Bồng Lai trên vùng đất Đồng Tháp Mười– nay là chùa Thiền Bửu. Ngôi chùa được xây dựng với kết cấu trụ gỗ, mái ngói, thể hiện sự trang nghiêm và tôn kính trong việc thờ phụng Đức Phật.
Hòa thượng Thích Quảng Huy, thế danh Võ Văn Tam, xuất thân từ dòng họ Võ đời thứ ba. Với chí nguyện tu hành, Ngài khởi xướng việc đóng góp công sức, tịnh tài từ dòng tộc, sau đó vận động cộng đồng địa phương cùng chung tay kiến lập ngôi chùa trên vùng đất hoang sơ, phủ đầy rừng tràm của Đồng Tháp Mười. Đây là ngôi chùa đầu tiên của khu vực, trở thành nơi nương tựa tâm linh cho những hộ dân tiên phong đến sinh sống.
Dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng, Phật tử tại chùa thực hành giáo lý nhà Phật, đề cao sự chân thật, thiện tâm và biết ơn, đồng thời tích cực lao động sản xuất, khai hoang lập vườn, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Những giá trị nhân văn và triết lý sống ấy đã trở thành nền tảng văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt nơi đây, góp phần hình thành nét đẹp đạo đức và truyền thống nghĩa tình của vùng Đồng Tháp Mười.
Tin: Khai Tâm
Ảnh: Nguyễn Hà
1 KHOÁ LỄ TỤNG KINH