Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An tham dự lễ tưởng niệm 154 năm ngày hy sinh của Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực
Thừa ủy nhiệm của Hòa thượng Thích Minh Thiện – Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Đại đức Thích Lệ Ngôn – Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Long An đến tham dự và dâng hương. Còn có đại diện Phật giáo huyện Tân Trụ cũng đã đến tham dự.
Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838 tại xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Xuất thân là dân chài, giỏi võ nghệ, can đảm, có lòng yêu nước, Nguyễn Trung Trực sớm trở thành một thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XIX, lo sợ trước phong trào kháng chiến ngày càng mở rộng, mạnh mẽ của nhân dân Nam Kỳ, quân Pháp đã phải điều động một tàu chiến mang tên Hy Vọng (L’ Esperance) chạy dọc sông án ngữ ở Vàm Nhựt Tảo. Được sự giúp đỡ của hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực đã xây dựng một kế hoạch táo bạo để đánh tàu.
Tương truyền, ông cùng với các nghĩa quân giả làm đoàn ghe buôn lúa, lên tàu để xin giấy phép thông hành. Trong lúc trình giấy thông hành, ông bất ngờ giết tên lính gác rồi cùng nghĩa quân tràn lên tấn công quân Pháp trên tàu. Không kịp trở tay, toàn bộ địch trên tàu bị tiêu diệt (chỉ có 5 tên chạy thoát). Nghĩa quân dùng dầu và đồ dẫn hỏa đốt cháy tàu. Sau đó, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiếp tục hoạt động chống Pháp tại Kiên Giang, Phú Quốc để lại bao nỗi khiếp sợ trong quân thù. Chúng treo giá đầu ông 18 vạn quan tiền.
Sau một trận chiến không cân sức tại Phú Quốc, bọn giặc uy hiếp sẽ bắt mẹ ông và nhân dân làm con tin nếu ông không qui hàng. Để cứu dân, cứu mẹ, ông ra mặt cho địch bắt. Không chiêu dụ được ông, chúng xử tử ông vào ngày 27/10/1868 (12/9 Âm lịch). Nguyễn Trung Trực hy sinh và để lại cho đời câu nói bất hủ “ Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Hoạt động kỷ niệm diễn ra trong 3 ngày (05 – 07/10). Ngoài mở cửa đón tiếp khách thập phương, tại khu di tích Vàm Nhựt Tảo còn diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân: Trích đoạn cải lương, xiếc, múa rối nước,… Các tiết mục đều được chọn lọc cẩn thận, góp phần ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc./.
Tin: Quế Lâm – Ảnh: Nguyễn Hà