Chương trình tưởng niệm nhân Lễ Giỗ lần thứ 51 Liệt sĩ Trung đoàn 207 tại huyện Thạnh Hoá
Hiện diện chứng minh có: Hoà thượng Thích Huệ Hồng – Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An và huyện Thạnh Hoá; Hoà thượng Thích Quảng Ý – Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An và huyện Thạnh Hoá; Đại đức Thích Lệ Ngôn – Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Thạnh Hoá; Thượng toạ Thích Lệ Tấn – Uỷ viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Tân Thạnh; Ni trưởng Thích nữ Như Hương – Chứng minh Ni giới Phật giáo huyện Thạnh Hoá; Đại đức Thích Giác Huệ - Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Thạnh Hoá; Ni sư Thích nữ Như Cảnh – Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Thạnh Hoá; cùng quý Tôn đức Tăng Ni tại huyện Thạnh Hoá và Phật tử địa phương cùng tham dự.
Về phía chính quyền có sự hiện diện của ông Nguyễn Thanh Nguyên – Bí thư huyện Thạnh Hoá, ông Phạm Tùng Chinh – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hoá, ông Trừ Vĩnh Thăng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hoá, Bà Nguyễn Duy Thoại – Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cùng đại diện ban ngành của huyện và xã Thạnh Phước thắp hương tưởng niệm.
Tại chánh điện của đền tưởng niệm, nghi thức siêu tiến được diễn ra trang nghiêm trọng thể. Lời kinh tiếng kệ trong sự thành tâm cầu nguyện. Nhân dịp ngày, Tăng Ni và Phật tử địa phương tham gia đóng góp vào các việc chưng bông, ẩm thực…
Vào buổi sáng ngày 10/10/2024, ngày giỗ chính sẽ được cử hành một cách trọng thể với sự chứng dự của của quý Đại biểu các cơ quan ban ngành từ trung ương tới địa phương, các đoàn cựu chiến binh quân khu 8, cựu chiến binh Trung đoàn 24, thân nhân các liệt sĩ và người dân từ các nơi trong và ngoài huyện đồng về tham dự tưởng niệm tri ân anh hùng liệt sĩ.
Trong ngày này, ban tổ chức và nhân dân địa phương có sự chiêu đãi dự kiến khoản 1.000 người tham dự tiệc bánh xèo chay và ẩm thực.
----------------------------
Lược ghi phần lịch sử như sau: Cách đây 51 năm, vào tháng 10/1973, Trung đoàn 207, nhận nhiệm vụ luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười đi ngang qua ấp Đá Biên, sau đó tập kết tại huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường để chuẩn bị lực lượng cho mùa khô năm 1974, thành lập Sư đoàn 8 và đánh căn cứ Ngã 6, Ngã 4 Thanh Mỹ.
Ngày 01/10/1973, từ căn cứ Mỏ Vẹt thuộc tỉnh Svây Riêng – Cam-pu-chia, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 207 hành quân đến sông Vàm Cỏ Tây. Tại đây, đoàn quân được đưa qua sông. Nhưng sau khi vượt sông thì trời sáng nên phải ém lại, đợi đến tối sẽ tiếp tục hành quân.
Chiều ngày 02/10/1973, đoàn quân xuất phát dự định đến Gò Nôi, xã Hậu Thạnh, huyện Tân Thạnh ngày nay. Nhưng vì hành quân vào mùa nước nổi, các chiến sĩ Trung đoàn 207 sau một đêm lội nước, đến 1 giờ 30 phút (sáng) thì đuối sức nên dừng lại nghỉ ngơi tại khu vực rạch Bắc Bỏ, không vượt lộ 12 như dự tính ban đầu. Đây là một khu rừng tràm nhỏ, khoảng 2 công đất (2.000 m2 ) thuộc ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa ngày nay, cách lộ 12 (Quốc lộ 62 bây giờ) khoảng 3km, cách trung tâm thị xã Kiến Tường khoảng một ngày đi bộ.
Do hành quân bộ suốt đêm giữa đồng nước nên bộ đội mệt rã rời, rừng tràm lại nhỏ, thưa thớt không đủ che giấu đoàn quân. Các chiến sĩ phần lớn là tân binh mới nhập ngũ, xuất thân là sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội, mới được bổ sung về đơn vị, chưa quen chiến trường Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, đã giăng võng, phơi quần áo lên cây tràm nên địch dễ dàng phát hiện.
Sáng ngày 03/10/1973, máy bay trinh thám địch phát hiện nơi trú quân của Tiểu đoàn. Ngay lập tức, địch huy động pháo 105 ly từ thị xã Kiến Tường đến lộ 12 (nay là Quốc lộ 62, khu vực cầu 7 Thước) cùng khoảng 20 chiếc trực thăng để bắn phá. Do địa hình vào mùa nước nổi rất khó di chuyển, bất lợi cho triển khai chiến đấu, lại bị tập kích bất ngờ nên các chiến sĩ Trung đoàn 207 phần lớn đã hy sinh.
Liền những ngày sau đó, địch tiếp tục đưa trực thăng tới quần đảo tại khu vực này và chốt chặn những hướng quân ta có thể rút lui nhằm tiêu diệt các chiến sĩ còn sống sót.
Ba ngày sau trận đánh, 13 chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 được tìm thấy trong tình trạng bị thương nặng, sau đó được giao liên đưa về căn cứ ở Ba Thu an toàn.
Những đêm sau đó, khi tình hình đã tạm yên ắng, Ban cán sự vùng 6, cán bộ Trung đoàn 207, cán bộ trinh sát đơn vị đặc công Kiến Tường, cùng với lực lượng địa phương đã vào trận địa tìm xác đồng đội. Lực lượng tìm kiếm thương binh, tử sĩ chia làm nhiều cánh bơi xuồng len lỏi giữa cánh đồng mênh mông nước. Do hy sinh đã nhiều ngày, lại bị ngâm trong nước, nên đồng đội phải dùng mùng để kéo, gom lại được khoảng 60 liệt sỹ, cột vào thân cây tràm để đến mùa khô quay lại lấy cốt. Vài ngày sau thì tìm được 15 liệt sĩ nữa, số còn lại do đêm tối và cây, cỏ um tùm nên không tìm thấy.
Sau ngày giải phóng, nhiều hài cốt liệt sĩ được tìm thấy đã được chính quyền đưa về an táng chung một mộ tại nghĩa trang huyện Mộc Hóa.
Sau ngày đất nước giải phóng, vùng đất này được người dân khai hoang trồng lúa. Trong quá trình cày đất làm ruộng, thỉnh thoảng người dân tìm thấy các hiện vật còn sót lại như nón cối, bình toong đựng nước, cà mèn … Để tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do chính tại mảnh đất này nên vào năm 1991 ông Nguyễn Văn Tờ (gọi là tư Tờ) và gia đình lập miếu Bắc Bỏ để thờ cúng các liệt sĩ.
Hàng năm, cứ vào ngày mùng 7, 8 tháng 9 âm lịch, nhân dân ấp Đá Biên (xã Thạnh Phước) và nhân dân các vùng xung quanh lại tổ chức lễ giỗ cho các liệt sĩ với tấm lòng của những người dân nghèo. Mọi người thành kính dâng lên hương hồn các chiến sĩ, xin các anh phù hộ cho họ làm ăn may mắn, lúa trúng mùa, không có bệnh tật, sau đó là cùng nhau hưởng lộc của các chiến sĩ.
Tin: Khai Tâm
Ảnh: Nguyễn Hà
Video: Nam Nguyễn
XIN MỜI XEM VIDEO
Chính quyền và Phật giáo thắp hương tưởng niệm
Nghi thức Cầu nguyện
Cùng nhau tham dự lễ giỗ