Tốt đời đẹp đạo
Loading...

Tiểu sử Ni trưởng THÍCH NỮ NHƯ KHÁNH

(1915 – 1991)

Khai sơn chùa Ân Thọ, thành phố Tân An, Long An

Khai sơn chùa Quang Thọ, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Khai sơn chùa Thanh Sơn, cầu Đá, Nha Trang, Khánh Hòa

THÂN THẾ

Ni trưởng Thích nữ Như Khánh, hiệu Phước Khánh, húy Nhật Hoa, tự Thanh Ân, thế danh là Nguyễn Thị Cúc, sinh năm 1915 (Ất Mão) tại ấp 6, xã Hướng Thọ Phú, huyện thủ thừa, tỉnh Long An (nay là Phường 5, Tp. Tân An, Long An), thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 41, đệ tử của Sư tổ Thích Chơn Niệm, chùa Châu Viên (Châu Đốc).

Thân phụ là ông Nguyễn Văn Trịnh, thân mẫu là bà Lê Thị Mai, Người là con gái út trong gia đình có 9 anh chị em, quê nội ở tại chùa Ân Thọ, quê ngoại làng Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ. Người được sinh trưởng trong một gia đình trung nông, phúc hậu, nhơn từ, có nề nếp đạo đức vững chắc và kính tin Tam bảo.

Nhận thức về sự tự chủ và thống nhất đất nước nên Người đã tham gia cách mạng với vai trò giao liên, có lúc bị tù đài.

THỜI GIAN XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Nhờ đã gieo căn lành từ nhiều kiếp, sớm giác ngộ cõi đời là hư huyễn, thế sự phù du, nên khi song thân qua đời, lúc 16 tuổi, Người xuất gia với  Sư tổ Thích Chơn Niệm, húy Hồng Đồng, chùa Châu Viên (Châu Đốc), sau đó cầu y chỉ với Hòa thượng Thích Quảng Nhu – chùa Long Thọ (Bình Dương), cầu pháp với Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917 – 2014) – chùa Vạn Đức (Thủ Đức), Người cầu học với nhiều tôn trưởng Hòa thượng, Ni trưởng đương thời, tu học ở  nhiều tự viện.

THỜI KỲ HÓA ĐỘ & LẬP CHÙA

Duyên hoằng pháp hội đủ, Người thành lập chùa Phước Linh (vị trí ở ngã tư Tân Hiệp, Hóc Môn), gọi là chùa Cây Dông. Tại đây, Người đã tế độ nhiều đệ tử, trong đó có những chú tiểu được gửi đi xuất gia với Hòa thượng Thích Trí Tịnh, nhưng Người vẫn luôn đỡ đầu cho đời sống tu học, như: HT. Thích Minh Chánh, HT. Thích Minh Tùy, những đệ tử xuất gia như: SC TN Diệu Qưới, Sư cô TN Diệu Hạnh, SC TN Diệu Hiền, SC TN Diệu Quang….một số đệ tử khác đã hoàn tục. Sau khoản hơn 10 năm tồn tại, chùa Phước Linh bị giải thể, phải trả đất lại cho chủ đất.

Người chứng minh cho đệ tử là Sư cô TN Diệu Quới (mẹ của Sư cô Diệu Hạnh, chú Minh Hòa) thành lập chùa Linh Hòa trên đất nhà (“Linh” là nguồn gốc chùa Phước Linh, “Hòa” là tên của Minh Hòa).

Người ra Nha Trang lập 1 ngôi chùa nhưng sau đó đã bị giải thể, tiếp tục lập khác tên là chùa Thanh Sơn (cầu Đá).

Người lập chùa Quang Thọ vị trí lúc đầu ở Chợ Bà Chiểu, năm 1958, chùa Quang Thọ chuyển về vị trí hiện tại là ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, trên khu đất khoản 2.000m2. Chánh điện ban đầu được xây dựng đơn sơn, tường gạch mái tôn.

Về lại mảnh đất sinh sống của cha mẹ thuở xưa, Người thành lập chùa Ân Thọ, với ý nghĩa là thọ ân của tổ tiên và song thân trên mảnh đất Người sinh ra đời và nhắc nhở về sự nhớ ân và đền ơn (tên chùa do Hòa thượng Thích Trí Tịnh đặt). Lúc này, nhờ sự trợ giúp của dòng họ và những vị có uy tín ở địa phương và đã góp cây, góp công, góp của để dựng nên chùa Ân Thọ năm 1964. Lúc này, chánh điện chùa được dựng là tứ trụ bằng ván bổ kho, diện tích nhỏ, cột là cây dầu.

Người chứng minh cho đệ tử là Sư cô TN Diệu Quang lập chùa Hòa Hưng, gần cầu Bình Lợi, sau bến xe liên tỉnh miền Đông, gần cầu Đỏ.

Năm 1975, khi đất nước được thống nhất, Đại đức Thích Minh Chánh (lúc này là 30 tuổi), nay là Hòa thượng Thích Minh Chánh, được Người cử về hộ trì Tam bảo chùa Ân Thọ với lý do là thanh niên khỏe mạnh, chăm lo được cho chùa có vị trí ẩm thấp, hẻo lánh; còn chùa Quang Thọ có vị trí khô ráo, thuận lợi là để cho các “Diệu” (tức là mấy Sư cô) tu học.

Người vẫn tới lui các chốn tự viện do người lập ra hoặc đệ tử của Người lập ra, mỗi nơi ở một thời gian vài tuần. Người tánh tình hiền hậu, cần mẫn, gia tâm công quả để lo đời sống cho các chùa hỗ tương nhau, trong thuở khó khăn chung.

Với chí nguyện dấn thân hành đạo, Người đã phát nguyện đốt liều ở trên đầu có đến 12 liều, cho nên lúc này gọi là Ni sư Mười Hai.

Đối với bà con bổn đạo, nhất là gần các chùa, Người luôn ân cần chăm sóc đạo tâm và khuyến tấn tu tập. Đối với các cháu trong dòng họ, Người dẫn dắt tu đạo nên nhiều vị đã theo chân Người đi tu học ở nhiều chùa, nơi mà Người đến và hành đạo. Những vị đó tiếp tục hộ đạo trong vai trò cư sĩ; đặc biệt người cháu gọi là Dì mà Người hướng dẫn xuất gia và thành tựu đạo nghiệp lớn là Cố Hòa thượng Thích Thiện Bình (chùa Long Sơn, Nha Trang).

VIÊN TỊCH

Đến năm 1991, đang lúc ở tại chùa Ân Thọ, Người trải qua cơn bệnh, dù được chữa trị ở bệnh viện Long An nhưng không qua khỏi và đã viên tịch vào 08 giờ sáng, giờ Thìn, năm Tân Mùi, tuổi 77, nhập tháp ở phía trước, bên phải của chánh điện.

Chùa Ân Thọ là ngôi chùa cuối cùng do Người lập nên trên mảnh đất sinh trưởng, cũng là nơi viên tịch và an trí bảo tháp lưu giữ báo thân của Sư bà.

Nam mô Từ Lâm Tế Gia Phổ tứ thập nhất thế, húy Nhật Hoa, tự Thanh Ân, hiệu Như Khánh, thượng Phước hạ Khánh, Nguyễn lưu Ni trưởng giác linh chứng giám


Chân dung Sư bà Như Khánh

97 



Phước Huệ song tu